+Aa-
    Zalo

    Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nêu lý do chưa thể giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về các địa phương

    (ĐS&PL) - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng vừa lý giải nguyên nhân chưa thể giao việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT về địa phương.

    Theo VTC News, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 gây xôn xao dư luận với 2 lần đề bị thí sinh phát tán ra ngoài, ngữ liệu đề trùng lặp… Những vấn đề này khiến một số chuyên gia cho rằng, Bộ GD&ĐT nên giao việc tổ chức kỳ thi này về cho địa phương, "việc xét tuyển đại học các trường sẽ tự lo theo tinh thần tử chủ".

    Liên quan đến ý kiến trên, tại cuộc họp báo kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 diễn ra chiều 29/6, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ, kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay mang tính chất ba chung: chung đề, chung đợt và chung kết quả. Ngoài mục đích phục vụ xét tốt nghiệp, kết quả kỳ thi còn để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

    Năm 2023, hơn 100 giáo viên phổ thông, giảng viên đại học tham gia ra đề thi tốt nghiệp THPT trong gần một tháng. Những người này đã gánh áp lực cho 63 tỉnh, thành. Chủ trương chung của Chính phủ trong mọi vấn đề là phân cấp, tuy nhiên đây chưa phải thời điểm để giao kỳ thi tốt nghiệp về từng địa phương.

    "Mỗi địa phương tự ra đề, khó dễ khác nhau có đảm bảo công bằng không?", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đặt câu hỏi. Ông cũng lấy ví dụ hai thí sinh ở khác địa phương, cùng thi các môn Toán, Lý, Hóa nhưng vì đề khác nhau nên kết quả cũng sẽ chênh lệch. Ngoài ra, còn cần tính toán tới vấn đề kinh tế, xã hội.

    thu truong bo gddt neu ly do chua the giao ky thi tot nghiep thpt ve cac dia phuong
    Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng. Ảnh: VTC News

    Hiện tại, kỳ thi cũng có sự phân cấp về địa phương rất cao, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát. Ông Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: "Đây không phải vấn đề Bộ 'ôm' hay không. Bộ có muốn mà không phù hợp thì cùng không 'ôm' được". 

    Làm rõ vấn đề này hơn, PGS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, với một kỳ thi 15 môn, nếu từng địa phương tự tổ chức, mọi khâu sẽ nhân lên 63 lần. Việc này đặt ra vấn đề về tính an toàn, bảo mật, đặc biệt là đề thi cho 15 môn, theo thông tin trên báo Tin Tức.

    Hiện nay, khâu ra đề là khâu khó nhất, cũng là khâu quyết định trong việc đảm bảo tính công bằng giữa các tỉnh, thành. Bộ GD&ĐT với vai trò là cơ quan cấp quốc gia đang đảm nhận khâu này.  

    Được biết, Bộ GD&ĐT đã đưa dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT 2023 vào lộ trình tổ chức thi tốt nghiệp để xin ý kiến dư luận xã hội với tinh thần tôn trọng và cầu thị, lắng nghe các góp ý, phân tích, đánh giá nhiều chiều. Bộ nhận được nhiều ý kiến từ các chuyên gia, thầy cô giáo, phụ huynh cũng như học sinh.

    Theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương, có 3 điểm mới được thể hiện trong dự thảo phương án. Thứ nhất là việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi theo hướng đánh giá năng lực phù hợp chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

    Thứ hai, Bộ GD&ĐT muốn nhấn mạnh đến định hướng nghề nghiệp qua các môn thi tự chọn từ các môn học của học sinh. Điều này  giúp sớm định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích cho các em. 

    Thứ ba, theo lộ trình từ năm 2025 - 2030, từng bước, Bộ GD&ĐT sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin để tổ chức kỳ thi trên máy tính.

    Theo dự thảo phương án thi từ năm 2025, Bộ GD&ĐT vẫn chịu trách nhiệm ra đề thi.

    Đinh Kim(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thu-truong-bo-gd-dt-neu-ly-do-chua-the-giao-ky-thi-tot-nghiep-thpt-ve-cac-dia-phuong-a581136.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan