+Aa-
    Zalo

    Mỹ công bố chiến lược an ninh của Tổng thống Biden, coi Trung Quốc là "đối thủ chính"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trong báo cáo mới về mục tiêu an ninh và chính sách đối ngoại của Mỹ, Tổng thống Joe Biden coi sự cạnh tranh với Trung Quốc là thách thức lớn nhất.

    Ngày 12/10 (giờ địa phương), Nhà Trắng đã công bố Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) mới, một tài liệu được ủy thác bởi Quốc hội về vấn đề chính sách và lợi ích nước ngoài của đất nước.

    Theo đó, Chiến lược An ninh Quốc gia mới của ông Biden đã tiếp nối người tiền nhiệm, cựu Tổng thống Donald Trump, coi Trung Quốc là đối thủ quan trọng nhất của Mỹ.

    Đồng thời, Washington cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc "kiềm chế Nga" trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine bước sang tháng thứ 8. Tài liệu này cũng xác định các lĩnh vực cần tăng cường hợp tác quốc tế, bao gồm cả với các đối thủ cạnh tranh của Mỹ. Theo kế hoạch ban đầu, bản báo cáo này đáng ra được công bố từ năm ngoài nhưng do tác động từ tình hình Ukraine, việc công bố đã phải trì hoãn.

    tong thong joe biden
    Trong Chiến lược An ninh Quốc gia mới công bố, Tổng thống Joe Biden đã đề cập tới cả Trung Quốc và Nga. Ảnh: Reuters 

    Cụ thể, NSS coi Trung Quốc là đối thủ chính của Mỹ hiện nay. Theo đó, NSS cho biết Mỹ sẽ đầu tư để tăng cường "đổi mới" trong nước trong khi hợp tác với các đồng minh vì "mục tiêu chung" để cạnh tranh "có trách nhiệm" với Trung Quốc.

    Đồng thời, NSS cũng tiếp tục lên án Nga "gây ra mối đe dọa với hòa bình" khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. 

    Tài liệu nhấn mạnh Mỹ và các đồng minh đang hỗ trợ quân sự cho lực lượng Ukraine và tăng cường phòng thủ ở các nước NATO láng giềng với Nga. Đồng thời, Washington cũng sẽ tăng cường trừng phạt Moscow liên quan tới cuộc xung đột. 

    thanh pho lviv bi tan cong1
    Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã kéo dài sang tháng thứ 8. Ảnh: AFP 

    NSS nói thêm rằng chiến dịch quân sự tại Ukraine là một "tính toán sai lầm chiến lược" của Nga. Tài liệu viết thêm: "Mỹ sẽ không cho phép Nga hoặc bất kỳ cường quốc nào, đạt được mục tiêu thông qua việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân".

    Nga và Trung Quốc chưa đưa ra bình luận.

    Bên cạnh Nga và Trung Quốc, chiến lược an ninh của chính quyền Tổng thống Biden cũng đề cập tới Iran.  

    Theo NSS, Mỹ sẽ tiến hành hoạt động ngoại giao để đảm bảo Iran từ bỏ tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân (điều mà nước này từng phủ nhận), bao gồm nỗ lực hồi sinh thỏa thuận hạt nhân đa phương được ký kết hồi năm 2015. Được biết, thỏa thuận này từng khiến Iran thu hẹp quy mô các chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, dưới thời cựu Tổng thống Trump, thỏa thuận đã phần nào sụp đổ khi ông đưa Mỹ rút khỏi đó.

    Trong chiến lược an ninh mới, Tổng thống đương nhiệm Joe Biden cho biết Mỹ "sẵn sàng sử dụng các biện pháp khác" nếu đối thoại không thành công.

    Ngoài ra, NSS cũng tái khẳng định cam kết của Mỹ với an ninh Israel và liên minh mới nổi giữa Israel và các nước Ả Rập - cụ thể là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

    Tài liệu nêu: "Chúng tôi sẽ mở rộng và làm sâu sắc hơi sự gắn kết ngày càng tăng giữa Israel và các nước láng giềng cũng như các nước Ả Rập, thông qua Hiệp ước Abraham (được ký kết dưới thời ông Trump), trong khi vẫn duy trì cam kết của chúng tôi với an ninh quốc gia này".

    Ông chủ Nhà Trắng cũng khẳng định sẽ làm sâu sắc hơn nữa sự hỗ trợ vô điều kiện của Mỹ về mặt quân sự và ngoại giao với Israel. 

    Vấn đề cuối cùng được nêu trong chiến lược an ninh của Mỹ là về hợp tác toàn cầu. Theo đó, bất chấp sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa các quốc gia, NSS nhận định Mỹ có nhiệm vụ "duy trì và tăng cường sự ổn định trong hợp tác quốc tế trong các thách thức chung".

    Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã đề cập tới những "thách thức xuyên quốc gia" bao gồm biến đổi khí hậu, dịch bệnh và an ninh lương thực và coi đó là thách thức chiến lược đối với Mỹ.

    Tài liệu NSS cho biết: "Chiến lược của chúng tôi là giải quyết các thách thức thông qua hợp tác quốc tế theo 2 hướng. Trong một hướng, chúng tôi sẽ kêu gọi đầy đủ tất cả các quốc gia và thể chế để hợp tác chống lại các mối đe dọa, bao gồm thúc giục cải cách với các phản ứng được coi là không đầy đủ, phù hợp. Đồng thời, chúng tôi sẽ tăng cường nỗ lực để làm sâu sắc hơn sự hợp tác với những đối tác có cùng quan điểm".

    Báo cáo mô tả cuộc khủng hoảng khí hậu là "thách thức tồn tại trong thời đại chúng ta", đồng thời nêu bật những nỗ lực của Washington nhằm đáp ứng các mục tiêu khí hậu trong nước và làm việc thông qua các thể chế, thỏa thuận quốc tế nhằm giảm lượng khí thải nhà kính.

    Minh Hạnh (Theo Al Jazeera)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/5-diem-chinh-trong-chien-luoc-an-ninh-moi-cua-tong-thong-biden-a554027.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan