+Aa-
    Zalo

    Bài 13: Khi nhà thầu Trung Quốc “phớt lờ” pháp luật Việt Nam

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Không chỉ tổ chức cho hàng ngàn lao động “chui” qua con đường du lịch, nhập cảnh trái phép mà các nhà thầu Trung Quốc còn đưa sang Việt Nam những máy móc, công nghệ lạc hậu, đã qua sử dụng, khiến các nhà máy nhiệt điện gặp vô số trục trặc trong quá trình vận hành.

    (ĐSPL) - Không chỉ tổ chức cho hàng ngàn lao động “chui” qua con đường du lịch, nhập cảnh trái phép mà các nhà thầu Trung Quốc còn đưa sang Việt Nam những máy móc, công nghệ lạc hậu, đã qua sử dụng, khiến các nhà máy nhiệt điện gặp vô số trục trặc trong quá trình vận hành.

    Chưa dừng lại ở đó, việc đưa các thiết bị đã qua sử dụng, không đồng bộ đã gây ảnh hưởng đến tiến độ và có tác động xấu đến môi trường Việt Nam. Được biết, cách đây không lâu, trong quá trình đấu thầu một dự án nhiệt điện, có nhà thầu Trung Quốc đã trắng trợn làm giả hồ sơ mời thầu để nhằm qua mặt chủ đầu tư (!?).

    Kinh doanh không lành mạnh, “tuồn” thiết bị “hết đát” sang Việt Nam

    Trước đây, không ít các chuyên gia ngành nhiệt điện Việt Nam đã lên tiếng cảnh báo về việc các nhà thầu Trung Quốc thực hiện chưa nghiêm túc các quy định về pháp luật đầu tư tại Việt Nam.

    Dẫn chứng được đưa ra đó là việc thực hiện báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh, báo cáo xin giãn tiến độ thực hiện dự án, thông báo tạm ngừng hoạt động hoặc thanh lý giải thể doanh nghiệp không được các nhà thầu Trung Quốc thực hiện đầy đủ.

    Sự thiếu chuyên nghiệp còn thể hiện ở chỗ, một số doanh nghiệp triển khai dự án doanh nghiệp triển khai không hiệu quả đã tự động rút về nước không báo cáo với các cơ quan chức năng gây khó khăn cho công tác quản lý đầu tư. Đã xuất hiện một số nhà đầu tư kinh doanh không lành mạnh, có dấu hiệu lừa đảo và gian lận thương mại như dùng tài sản thế chấp ngân hàng để vay tiền rồi bỏ về nước...

    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật về vấn đề này, TS. Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế Thế giới (Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới) khẳng định: “Các doanh nghiệp Trung Quốc ít nghiên cứu và phát triển hoặc chuyển giao công nghệ, ít có tác động trong nâng cao trình độ kỹ thuật và công nghệ. Trang thiết bị máy móc của các nhà thầu Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc, trình độ công nghệ đạt mức trung bình, thậm chí có trường hợp đưa máy móc đã qua sử dụng sang Việt Nam”.

    Dẫn lời một chuyên gia ngành cơ khí, càng không thể chấp nhận được khi một số dây chuyền thiết bị từ nhiều nguồn, lai ghép nhiều thế hệ, các nước khác nhau, thiếu đồng bộ. Mấy năm gần đây, có một số doanh nghiệp Trung Quốc di chuyển các nhà máy phát điện quy mô vừa và nhỏ, các thiết bị luyện thép đã qua sử dụng ở Trung Quốc sang Việt Nam với lý do giá rẻ.

    Nhìn chung, các dự án của Trung Quốc chưa gây ô nhiễm nghiêm trọng nhưng do thiết bị công nghệ của nhà đầu tư Trung Quốc đều thuộc thế hệ cũ, lạc hậu nên việc xử lý bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế. Không những thế, một số nhà thầu Trung Quốc còn làm giả hồ sơ mời thầu trong các dự án nhiệt điện đã bị phát hiện và hủy kết quả trúng thầu.

    TS. Bùi Ngọc Sơn còn cho rằng, việc trình độ chuyên môn của chuyên gia Trung Quốc trong ngành nhiệt điện không cao, máy móc thiết bị thi công không hiện đại, năng lực tài chính yếu nhưng lại bỏ thầu giá thấp nên chất lượng công trình không tốt, tiến độ thi công chậm.

    Bên cạnh đó, khi thực hiện các hợp đồng cung cấp máy móc thiết bị, hầu như các nhà thầu Trung Quốc đều vi phạm các điều khoản đã ký và cam kết ban đầu như đưa máy móc thiết bị cũ, không đồng bộ nên khi vận hành hay gặp trục trặc, phải sửa chữa, thay thế nhiều lần.

    Kỳ 13:  Khi nhà thầu Trung Quốc “phớt lờ” pháp luật Việt Nam
    Nhiều người tỏ ra nghi ngại về chất lượng các thiết bị ở các nhà máy nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc thi công.

    Bất chấp luật pháp, lao động “chui” Trung Quốc ồ ạt đổ vào Việt Nam

    Theo nguồn thông tin mà PV báo Đời sống và Pháp luật có được, thống kê năm 2008, các nhà đầu tư Trung Quốc có mặt trên 54 tỉnh, thành phố nhưng phân bố không đều, tập trung ở một số tỉnh biên giới (Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn) và những địa phương có đông người Hoa sinh sống hoặc các thành phố lớn như TP.HCM, Đồng Nai, Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên... và đặc biệt là có mặt ở các tỉnh ven biển.

    Năm 2008, có khoảng 13.000 lao động làm việc ở các dự án thầu tại Việt Nam. Trong đó, hầu hết là lao động phổ thông, tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai...

    Hiện nay, Quảng Ninh đang đứng đầu về số lượng lao động Trung Quốc làm việc tại địa phương với 71 đơn vị sử dụng 4.122 lao động Trung Quốc, trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và nhà thầu nước ngoài sử dụng 3.837 lao động là người Trung Quốc, chiếm 94,27\% số lao động nước ngoài làm việc tại Quảng Ninh.

    Theo một chuyên gia ngành lao động (đề nghị giấu tên-PV), vấn đề nổi cộm là số lượng lao động phổ thông Trung Quốc ở Việt Nam chưa có giấy phép lao động chiếm tỷ trọng lớn.

    Tại Quảng Ninh, 81\% số lao động Trung Quốc chưa được cấp giấy phép lao động; Phú Yên là 100\%, Đà Nẵng là 80\% và TP.HCM là 40\%... Các doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng quy định lao động dưới ba tháng không phải làm thủ tục giấy phép lao động (quy định tại Nghị định 34/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008) của Chính phủ về tuyển dụng để ký hợp đồng lao động dưới ba tháng.

    Khi gần đủ ba tháng, họ cho lao động về Trung Quốc nghỉ một tuần, sau đó nhập cảnh vào Việt Nam và ký hợp đồng lao động tiếp. Chưa hết, việc cấp visa du lịch và quản lý xuất nhập cảnh với lao động Trung Quốc tại một số địa phương còn lỏng lẻo.

    Chính vì vậy, lao động Trung Quốc vào Việt Nam thường bằng visa du lịch, sau đó ở lại Việt Nam lao động nên không thống kê được số lượng lao động thực tế của Trung Quốc tại mỗi địa phương... 

    Theo điều tra của PV báo Đời sống và Pháp luật, số lượng lao động Trung Quốc đổ về xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) để thi công công trình trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân trong những năm gần đây rất đông, biến nơi này thành “làng” Trung Quốc.

    Điều đáng nói là công nhân Trung Quốc gắn mác “chuyên gia”, “kỹ sư” nhưng rất nhiều người trong số đó lại làm công việc mang tính chất của lao động phổ thông. Trong khi đó, chính quyền huyện Tuy Phong chỉ có chức năng quản lý về mặt cư trú, giữ gìn an ninh trật tự. Còn Sở Lao động Thương binh và Xã hội Bình Thuận chỉ kiểm tra được giấy phép lao động chứ không thể xử lý được các lao động phổ thông Trung Quốc gắn mác “kỹ sư” này.  

    Được biết, tất cả công việc bên trong nhà máy như bốc vác, đào hố, tháo dỡ giàn giáo người Trung Quốc đều làm hết. Họ cũng làm việc như lao động phổ thông người Việt nhưng lương được trả cao hơn rất nhiều. Số lượng lao động Trung Quốc tại Vĩnh Tân mỗi năm một tăng rất nhanh. Nếu như đến tháng 7/2012 chưa tới 300 người thì đến tháng 12/2013 lên đến 610 người.       

    Trung Quốc không đấu thầu sẽ có nhà thầu khác làm

    Bên lề kỳ họp Quốc hội sáng 12/6, nói về việc có hay không việc các nhà thầu Trung Quốc sẽ không đấu thầu mới ở Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định: “Về hợp đồng mới, phía Trung Quốc nói là không tham gia nữa cũng không sao, chúng ta tìm đối tác khác, nguồn tín dụng khác.

    Còn các hợp đồng nhà thầu Trung Quốc đang thực hiện, nguyên tắc hợp đồng phải thực hiện theo đúng luật. Nếu không thực hiện đúng thì đã vi phạm hợp đồng. Và vi phạm thì xử lý theo điều khoản thương mại quốc tế (INCOTERM). Chúng ta cứ theo đúng quy định để xử lý”.

    Nhà thầu Trung Quốc “6 không”

    Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Trung Dung, Cục trưởng cục Quản lý hoạt động xây dựng (bộ Xây dựng) khẳng định, đánh giá các công trình xây dựng từ nguồn vốn Nhà nước có gói thầu giao cho nhà thầu Trung Quốc thực hiện có thể rút ra rằng, các nhà thầu này đang thực hiện “chiêu bài” “6 không”.

    Đó là không có việc huy động nguồn lực lao động chuyên gia có trình độ cao; huy động lao động có tay nghề cao cũng không đạt mục tiêu; huy động lao động phổ thông Trung Quốc vượt quá nhiều lần so với yêu cầu; không có việc huy động công nghệ cao, công nghệ mới; các gói thầu đều không đạt tiến độ khi đăng ký xin phép thầu; cam kết huy động thiết bị hiện đại cũng không có, chủ yếu là có sẵn trong nước hoặc trong nước còn tốt hơn. 

    Ông Dung khẳng định việc Chính phủ Trung Quốc chủ động không cho doanh nghiệp Nhà nước dự thầu ở Việt Nam (như truyền thông đưa tin) là điều không đáng lo ngại. Ngược lại, chất lượng các công trình xây dựng Việt Nam sẽ tốt hơn và chúng ta không bị mất việc làm, lợi nhuận không bị chảy ra nước ngoài.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bai-13-khi-nha-thau-trung-quoc-phot-lo-phap-luat-viet-nam-a37326.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan