+Aa-
    Zalo

    Bài cuối: Sướng khổ kiếp làm thuê, thê thảm "con nghiện độ"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Đức “sẹo” thừa nhận, có vài cổng, nhà tổng bị “sập” bất thình lình bởi những yếu tố khác thường. Thế mới biết, “nghiện độ” là không lối thoát và kiếp làm thuê thì luôn... bấp bênh.

    (ĐSPL)- Trên thực tế, đã có những đường dây “độ bóng” chuyên nghiệp bị cơ quan công an triệt phá. Đức “sẹo” thừa nhận, có vài cổng, nhà tổng bị “sập” bất thình lình bởi những yếu tố khác thường.
    Thế mới biết, “nghiện độ” là không lối thoát và kiếp làm thuê thì luôn... bấp bênh.
    Những thứ này luôn song hành vớicuộc đời “dân độ bóng”.
    Sướng - khổ kiếp làm thuê
    Tỏ ra mình nguy hiểm hơn “dân độ bóng” là có chút quyền, tiền nhưng trong những lúc tâm trạng bất ổn, Đức “sẹo”, Tuấn “thọt” và Tiến thần tài tâm sự về kiếp làm thuê cho nhà cái, chất chứa đầy hận thù. Tiến thừa nhận: “Có đầu óc kinh doanh, học hành đến nơi đến chốn, tôi kiếm công việc bình thường để làm, chứ không “canh cổng” thuê đâu. Thu nhập cao ư? Cũng chỉ là làm thuê mà thôi và tiếng cờ bạc thì chẳng bao giờ rửa sạch được. Nó vận vào mình thì không sao nhưng con cái có chuyện gì không may mắn trong cuộc sống, thế nào người đời cũng truyền nhau và chép miệng “cha ăn mặn, con khát nước”. Thực tế, mình chỉ là kiếp làm thuê thôi. Thế nhưng, tôi chẳng thể thay đổi được số phận. Tử vi của tôi có cung cờ bạc mà. Tôi phải gồng mình, tự cho mình nguy hiểm để chèo chống với kiếp làm thuê này”.
    Với tâm sự đầy nguy hiểm của Tiến thần tài, ai bảo, kiếp làm thuê cho nhà cái sướng nữa không? Thực chất nó như thế nào mà lại trong chán, ngoài thèm như thế? Vợ thứ ba của Đức “sẹo” còn rất trẻ, kém chồng gần 20 tuổi, có khuôn mặt đẹp u buồn, da trắng nhưng dáng rất thô, bộc bạch: “Anh ấy vừa mãn hạn tù thì chúng em cưới nhau. Người anh ấy “đầy thương tích” liên quan đến cờ bạc và kiếp làm thuê cho trái bóng tròn. Cha em là “con nghiện độ bóng”. Em lấy chồng để gán nợ, trốn nợ cho cha. Ai hỏi gì, anh ấy cũng bảo không biết và nói câu cửa miệng, “em đi làm thuê cho người ta ấy mà, có được quyết gì đâu”. Bình thường, người làm thuê ban ngày, nghỉ tối và có thể là làm ca tối, nghỉ ngày. Những lúc nghỉ, người làm thuê được thư giãn để tái tạo sức lao động nhưng với chồng em thì nghỉ cũng là làm và ngược lại. Biết em không hợp với công việc làm thuê ấy nên chồng ít tâm sự. Sợ em theo dớp hai người vợ trước, anh ấy đã lấy tiền “tạm ứng” của đại diện nhà cái, mua một căn nhà nhỏ ở quê để hai mẹ con ở, tránh xa những ồn ào...”.
    Qua tìm hiểu, tôi được biết, những cái tên nổi danh trong “làng độ bóng” chẳng ai nguyên vẹn mà đầy vết bầm tím trong cuộc sống cũng như thân thể, thậm chí là sẹo lớn trên người. Họ đã ít nhất một lần ăn cơm tù và một lần ở trong cảnh “vô gia cư”, “xã hội vô thừa nhận” nên rất hiểu cảm giác mất tất cả. Tuấn “thọt” thổ lộ: “Vợ đầu của Đức “sẹo” là người phụ nữ bỏ đi. Lúc chồng làm ăn được thì “phá”, khi kinh tế gia đình xuống dốc thì đi theo người đàn ông khác, bỏ mặc con, làm thằng lớn bị bệnh động kinh nặng thêm vì hay ngã một cách vô thức. Hiện, Đức gửi con ở bệnh viện. Người vợ thứ hai của Đức thì tính cách hơi khác lạ. Chị ta cùng Đức chăm sóc thằng con lớn bị bệnh rất tận tình, sinh con gái xong, sau một lần đi khám, chị ấy ôm con bỏ đi. Đức tìm kiếm mãi thì thấy hai mẹ con sống ở một ngôi chùa, cách nhà hàng trăm cây số. Chị ấy đã xuống tóc. Đức đã khóc không thành tiếng khi nhìn thấy cảnh đó và nằm liệt giường vài ngày khi biết tin, đứa con gái của mình cũng bị bệnh động kinh. Đó là lý do người vợ thứ hai xuống tóc...”. Theo Tuấn “thọt”, kiếp làm thuê liên quan đến cờ bạc, khôn đến vạn lần, phất đến trăm lần cũng chẳng thể sướng được. Nó vận vào thân như chính cái sự đỏ đen ấy.
     
    Tuấn “thọt” và Đức “sẹo” trong một lần hiếm hoi chụp chung hình.
    Thê thảm lối thoát của “con nghiện độ”
    Cờ bạc đã chảy trong huyết quản, đã “nghiện” rồi thì lối thoát thường là đường cụt. Tiến thần tài lấy nhiều dẫn chứng “con nghiện độ” kể cho tôi nghe. Hoà “rô”, Trung “điên”, Cường “hói”, Thắng “mỏ quạ”... luôn quay cuồng trong đỏ đen. Chẳng khác gì cuộc đời những kẻ làm thuê cho nhà cái như Đức “sẹo”, Tuấn và Tiến... họ đều là con rối cho nhà cái giật dây. Hôm nay, họ có xe sang để đi, ngày mai, xe, nhà đều cắm hết là chuyện thường tình. Máu đỏ đen trong người chi phối, “con nghiện độ” không biết điểm dừng nên trắng tay lại trở về tay trắng. Đức “sẹo”, Trung “điên” sàn tuổi nhau và cũng chung luôn cả chuyện đã từng ăn cơm tù. Vì làm thuê cho nhà cái, Đức duy trì được kinh tế gia đình ổn định, tuyệt đối không dính vào “độ bóng” nhưng Trung thì không. Trung “nghiện độ” tới mức khánh kiệt, vợ thì bỏ con cho nhà nội rồi theo giai. Trung không quan tâm đến vợ, con sống như thế nào mà cứ loay hoay với trái bóng tròn. Người thân thương tình, trả nợ và đầu tư cho một chút vốn để kinh doanh. Cầm tiền trong tay, Trung lao vào “độ bóng” khát máu hơn. Năm 2013, Trung thắng, lấy lại được chút sĩ diện với đời nhưng mùa World Cup chưa được một nửa đường, Trung đã “chết” khá kỹ. Thấy bảo, ngôi nhà chung cư ở Việt Hưng (Gia Lâm, Hà Nội) cũng đã được Trung cầm đồ, lấy 300 triệu đồng về “độ bóng”.
    Đức “sẹo” chép miệng: “Cái thằng Trung “điên” ấy ngu thì toi chứ bệnh nan y gì đâu. Năm ngoái, nó “vào canh”, tôi khuyên, lấy lại được gần nửa rồi, gỡ non, dừng lại đi. Cờ bạc có canh, thần tài đâu phải lúc nào cũng ủng hộ, dừng “làm xiếc” với trái bóng tròn khi đã gỡ lại được một số tiền tương đối, dùng nó vào việc kinh doanh... mà sống. Trung rất thạo về cơ điện, đã từng nhận bằng cử nhân loại khá của đại học Bách khoa Hà Nội. Trước khi là “con nghiện độ”, Trung đang làm phó phòng của một doanh nghiệp Nhà nước. Bị bắt quả tang trong một xới bạc, thế là cuộc đời Trung tuột dốc không phanh từ đó”. Đức bảo rằng, khuyên không được, mùa này lại ra đê mà ở. Nhà nó (tức người thân – PV) chẳng ai giúp nữa đâu. Gia đình nó danh giá, tự nhiên nó phá thế, người ta chịu sao nổi. Hơn nữa, cũng gần 50 tuổi rồi, đi vào con đường, biết là không lối thoát, đầy thê thảm, vẫn đi, thì hết thuốc chữa.
    Tôi hỏi: “Có “con nghiện độ” nào sống ổn?”. Tuấn “thọt” phản ứng ngay: ““Con nghiện độ” sống ổn, trừ trường hợp nhà cái bị tâm thần phân liệt”. Nói xong, Tuấn “thọt” đưa ra một loạt dẫn chứng, “con nghiện độ” không lối thoát. Chính Tuấn từng khuyên nhiều “con nghiện” rằng, gỡ được chút rồi, “giải nghệ”, kiếm việc làm đi nhưng họ vẫn như con thiêu thân lao vào ánh đèn. “Con nghiện độ” có lý lẽ riêng rằng, đang “vào canh”, bỏ sao được, phải “xuống tay” cấp số nhân thì mới nhanh “lấy lại những gì đã mất”. “Khuyên rồi, họ không nghe, thánh cứu!”, Tuấn tưng tửng. Tuấn bảo, những kẻ đã từng mất hết tất cả, phải “chiến đấu” để làm lại từ đầu bằng kiếp làm thuê như Tuấn, khuyên “con nghiện” chỉ có đúng chứ không sai. Thế nhưng, nhiều khi “con nghiện độ” lại cho rằng, Tuấn làm “giảm độ phê” của họ. Họ chơi như đang phê ma túy, cảm giác đó rất thích, bỏ làm sao được. Chỉ khi thua hết, không thể phê được nữa, chuyển sang “đói” thì họ mới hiểu giá trị của lời khuyên.
    Theo Đức “sẹo”, hàng ngày, nhà cổng, nhà tổng tốn rất nhiều kinh phí để “nuôi”, “lùa gà” nên để đưa ra một lời khuyên, dừng cuộc chơi với ai đó, không đơn giản chút nào. Thực tế, “con nghiện độ” càng khát nước thì những kẻ làm thuê như Đức, Tuấn, Tiến... càng nhiều tiền phế.
    Tiến thần tài cung cấp thông tin buồn: Có ít nhất vài “con nghiện độ bóng” đã tự tử để trốn nợ nhưng người nhà phát hiện, cấp cứu kịp thời. Theo Tiến, cứ để cho chúng nó chết, cứu làm gì. Cứu rồi nó cũng lại chết mà thôi, trốn nợ sao được. Nó làm gì còn lối thoát nào ở cuộc đời này nữa. Sống mà vô gia cư, không nghề nghiệp, gia đình có như không thì vô vị lắm.        

    Đường thẳng song song

    “Con nghiện độ” và kiếp làm thuê như hai đường thẳng song song của hình học. Nó không thể giao nhau ở một điểm nào đó mà chỉ nhìn thấy nhau cùng... “chết”. Kẻ làm thuê nào mà không sứt mẻ khi được nhà cái cho cái quyền và tiền. Được mệnh danh là thần tài như Tiến, thế mà đã từng mất tất cả, làm lại từ đầu thì kiếp làm thuê chưa bao giờ “ổn” là đúng. Bởi làm thuê như của Tiến thần tài, Đức “sẹo” và Tuấn “thọt”, nó là kiểu làm thuê đặc biệt, yếu tố rủi ro cao. Khôn nổi tiếng trong “làng độ bóng” như Đức “sẹo” mà cũng từng mất vài năm vô gia cư, bị coi là người thừa, phải tự đi bên lề cuộc sống, gặm nhấm câu nói “cờ bạc là bác thằng bần”.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bai-cuoi-suong-kho-kiep-lam-thue-the-tham-con-nghien-do-a38835.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan