+Aa-
    Zalo

    Các Đệ nhất phu nhân thời trước từng xử lý khủng hoảng y tế ra sao?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Việc Nhà Trắng "thất thủ" do COVID-19 đã gợi nhắc dư luận tới cách các Đệ nhất phu nhân thời trước xử lý khủng hoảng y tế.

    Việc Nhà Trắng "thất thủ" do COVID-19 đã gợi nhắc dư luận tới cách các Đệ nhất phu nhân thời trước xử lý khủng hoảng y tế của chồng.

    Thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump dương tính với virus SARS-CoV-2 hồi cuối tuần trước đã khiến dư luận thế giới xôn xao. Đây không phải lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Washington mắc bệnh. Trước đó, nhiều tổng thống đời trước cũng từng gặp các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, đòi hỏi sự khéo léo trong cách xử lý của các Đệ nhất phu nhân.

    Năm 1919, cựu Tổng thống Woodrow Wilson đã bị đột quỵ ngay trước thời điểm nhậm chức. Đáng chú ý, ông Wilson từng là "nạn nhân" của cúm Tây Ban Nha, một trong những đại dịch kinh hoàng nhất trong lịch sử cướp đi sinh mạng hàng triệu người. Dù vậy, Washington chưa bao giờ tiết lộ câu chuyện cụ thể về sự kiện này, dù bệnh tình đã ảnh hưởng tới khả năng đàm phán của cựu tổng thống Mỹ tại Paris (Pháp) hậu Thế chiến thứ I.

    Vợ chồng cựu Tổng thống Wilson tại thành phố New York năm 1918. Ảnh: AP

    Đệ nhất phu nhân khi ấy là bà Edith Wilson cùng các bác sĩ Nhà Trắng đã thống nhất giữ kín các thông tin về bệnh tình của Tổng thống Wilson. Theo các nhà phân tích, nhiều khả năng Đệ nhất phu nhân Edith đã là người lãnh đạo nước Mỹ trong thời gian chồng bà bệnh nặng. Cách xử lý trên của bà nhằm che giấu tình trạng ốm yếu thật sự của ông Wilson, tránh sự hỗn loạn trong nội bộ đất nước.

    Cụ thể, nhà sử học Myra Gutin, giáo sư truyền thông tại Đại học Rider ở New Jersey tiết lộ, bà Edith không cho phép khách khứa tới thăm phòng bệnh của chồng mình. Đồng thời, bà cũng là người trực tiếp nhận thư từ của chồng và tuyên bố ông ấy đã xem qua và ký duyệt. Tuy nhiên, không ai dám chắc rằng chữ ký đó là của cựu Tổng thống Wilson hay người khác.

    Trước những nghi vấn trên, cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ đã phủ nhận thông tin về việc bà đứng sau điều hành chính phủ thay chồng. Trong cuốn hồi ký riêng xuất bản năm 1939, bà Edith cho biết, công việc duy nhất bà làm chỉ là xem xét giấy tờ và quyết định nên đưa tài liệu nào cho cựu Tổng thống Wilson phê duyệt.

    Trang web chính thức của Nhà Trắng thông tin thêm, những gì bà Edith đã làm để hỗ trợ chồng dựa trên lời khuyên của bác sĩ Cary Grayson. Theo đó, cựu Đệ nhất phu nhân quả thật đã tiếp quản các nhiệm vụ và chi tiết các cuộc họp chính phủ. Tuy nhiên, bà chưa từng đề xuất hoặc khởi xướng các chương trình, chính sách nào và bà cũng không hề cố gắng kiểm soát cơ quan hành pháp.

    Tuy nhiên, trang USA Today nhận định, cách xử lý của bà Edith Wilson không phải một hình mẫu lý tưởng để Đệ nhất phu nhân thời hiện đại noi theo. 

    Cựu Đệ nhất phu nhân Nancy Reagan, vợ cựu Tổng thống Ronald Reagan, đã có cách xử lý khủng hoảng khác với bà Edith Wilson. Cụ thể, khi ông Reagan bị thương nặng trong vụ ám sát năm 1981, bà đã không thể che đậy thông tin trước dư luận.

    Được biết, cựu Tổng thống Reagan dường như chưa từng có ý muốn giấu bệnh tình ngay cả khi ông phải trải qua một cuộc phẫu thuật do ung thư đại tràng vào năm 1985. Hai vợ chồng ông đã được trông thấy vẫy tay từ bên trong cửa sổ bệnh viện sau ca mổ.

    Vợ chồng cựu Tổng thống Reagan vẫy tay từ bệnh viện. Ảnh: AP

    Con gái cựu Tổng thống Reagan, bà Patti Davis thừa nhận, cách xử lý khủng hoảng y tế của Nhà Trắng dưới thời cha bà có nhiều thiếu sót, đặc biệt là phản ứng công khai về việc người đứng đầu đất nước khi ấy bị ám sát. Tuy nhiên, bà Davis vẫn lưu ý rằng chính quyền cha bà chưa từng bị chỉ trích về việc che giấu thông tin.

    Chia sẻ với hãng tin CNN, bà cho hay: "Chúng tôi chưa từng nhận được lời phàn nàn nào liên quan đến việc che đậy thông tin. Các quan chức Nhà Trắng khi ấy quan niệm họ cần tôn trọng quyền được biết chuyện gì đang xảy ra với nhà lãnh đạo của người dân Mỹ". 

    Tương tự, dưới thời cựu Tổng thống Franklin Roosevelt, cựu Đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt cũng không che giấu tình trạng sức khỏe của chồng dù ông phải ngồi xe lăn sau khi nhiễm virus bại liệt gây chết người vào năm 1921. Nguyên nhân là bởi truyền thông Mỹ khi ấy đã làm điều này thay bà. Đến nay, có rất ít hình ảnh chụp lại cảnh ông Roosevelt ngồi trên xe lăn được tìm thấy.

    Vợ chồng cựu Tổng thống Roosevelt. Ảnh: AP

    Theo đó, nhà sử học Gutin cho biết, một nhân viên truyền thông lâu năm tại Nhà Trắng, bà Helen Thomas đã tiết lộ trong cuộc phỏng vấn rằng, các phóng viên đã được yêu cầu giữ kín hình ảnh của cựu tổng thống.

    Tuy nhiên, bà Thomas nói thêm, vào thời điểm ấy, dường như không ai, bao gồm cựu Đệ nhất phu nhân, muốn thừa nhận bệnh tình của cựu Tổng thống Roosevelt. 

    Bà Gutin nhận định: "Đối với bất kỳ người nào, khi bạn đời của họ bị bệnh nặng, họ cũng muốn tin rằng người ấy sẽ khỏe lại. Đó là một điều bình thường. Trường hợp của bà Roosevelt cũng vậy, dù bà ấy muốn phủ nhận tình trạng thật sự của chồng, nhưng bà ấy cũng chưa từng cố gắng che đậy vấn đề này trước dư luận".

    Một cách xử lý khác của các Đệ nhất phu nhân đó là sử dụng chính vấn đề sức khỏe của bản thân để thu hút sự chú ý từ dư luận. Như bà Betty Ford, vợ cựu Tổng thống Gerald Ford, từng công khai hồ sơ bệnh án với các vấn đề liên quan tới chất kích thích và căn bệnh ung thư vú. Cựu Đệ nhất phu nhân Babara Bush, vợ ông George H.W Bush, cũng không che giấu bệnh tuyến giáp, bệnh Graves (một dạng bệnh cường giáp) của bản thân. Cách làm này để hướng sự chú ý và bàn tán của dư luận khỏi người đứng đầu Nhà Trắng, tránh gây bất ổn và hoang mang đối với công chúng.

    Minh Hạnh(Theo USA Today)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cac-de-nhat-phu-nhan-thoi-truoc-tung-xu-ly-khung-hoang-y-te-ra-sao-a341976.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan