+Aa-
    Zalo

    Cần “chỉ mặt, đặt tên” các kiểu bạo hành trẻ em

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Phải chăng pháp luật cần có quy định chi tiết hơn về những hành vi bạo hành trẻ em, để khi thực thi không bị rơi vào tình huống bỏ lọt tội phạm hoặc định tội không chuẩn?

    Theo luật định, khi người lớn có hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của trẻ em không cần đợi đến thương tật 11\% cũng bị truy tố pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, đã có không ít kẻ thủ ác “thoát” khỏi tội danh trên. Từ thực tế này, các chuyên gia bảo vệ trẻ em đã đặt ra câu hỏi: Phải chăng pháp luật cần có quy định cụ thể và chi tiết hơn nữa, để khi thực thi không bị rơi vào tình huống bỏ lọt tội phạm hoặc định tội không chuẩn?

    Bỏ lọt tội phạm hay định tội không chuẩn

    Cách đây không lâu, dư luận xã hội đã sững sờ khi truyền thông công bố đoạn clip quay cảnh những đứa trẻ ở độ tuổi mầm non bị bóp cổ, dí đầu xuống đất, lấy khăn bịt mũi, tát bôm bốp vào mặt... bởi chính những bàn tay “cô giáo” là Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý ở Trường mầm non tư thục Phương Anh ở địa chỉ 18 đường Hiệp Bình, Phường Hiệp Bình Phước, Quận Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh). Đây là “phương pháp sư phạm” đã được áp dụng trong một thời gian dài tại đây để dùng để “dạy” các bé .

     Cần “chỉ mặt, đặt tên” các kiểu bạo hành trẻ em
    Hình ảnh bảo mẫu trường mầm non tư thục Phương Anh dúi đầu trẻ vào thùng nước.

    Ngay sau khi clip công bố, cơ quan chức năng đã vào cuộc, và hai bảo mẫu Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý đã bị khởi tố hình sự. Ngày 20/1, phiên tòa lưu động của TAND quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) đã xét xử hai bảo mẫu hành hạ trẻ mầm non. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt hai bị cáo Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý mỗi người 3 năm tù cùng về tội danh "Hành hạ người khác" theo Điều 110 Bộ luật Hình sự.

    Tuy nhiên, ngay sau khi bản án được tuyên, giới luật sư nói riêng và dư luận xã hội nói riêng đã tỏ thái độ không đồng tình với việc Hội đồng xét xử định tội danh "Hành hạ người khác" cho hai bị cáo.

    Các luật sư Trần Thị Ngân (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ tịch Hội luật gia TP Hồ Chí Minh)… đều cho rằng cấu thành tội phạm của tội “Hành hạ người khác” chỉ đòi hỏi người phạm tội có hành vi đối xử tàn ác, gây đau đớn về thể xác và tinh thần cho người lệ thuộc như đánh đập, bỏ đói, giam cầm…, chứ tội danh này không đòi hỏi phải gây hậu quả thương tích hay tổn hại cho sức khỏe của người bị lệ thuộc.

    Trong khi đó, hình ảnh ở đoạn clip cho thấy các hành vi như bóp cổ, tát, nghiêng lắc mạnh đầu trẻ, dí đầu trẻ sát mặt bàn và đánh đập, đưa đầu trẻ vào thùng phuy nước, đặc biệt khi trẻ nhỏ đang ăn, đang bị nôn ói - là khi trẻ rất dễ bị sặc sữa, sặc cháo sẽ dẫn đến những hậu quả nguy hiểm như trẻ có thể nghẽn đường thở, tử vong…

    Do đó, sẽ chính xác hơn nếu hành vi của các bảo mẫu được xem xét dưới góc độ của tội danh "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" theo Điều 104 Bộ luật Hình sự. Hơn nữa, Tại khoản 1, Điều 104 cũng quy định, nếu nạn nhân của hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe là trẻ em thì không nhất thiết phải đủ 11\% theo luật định cũng có thể bị khởi tố, áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

    Trong thực tiễn xét xử, đây không phải là lần đầu tiên những bị cáo có hành vi đánh đập, hành hạ trẻ em không được xem xét đúng với tội danh, dù pháp luật đã có quy định rõ ràng như vậy. Trước đó, ở phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức TP Hồ Chí Minh, cháu bé Nguyễn Thùy Dương (sinh ngày 14/5/2008) đã bị chính cha đẻ đánh đập bầm tím hai mắt; trầy xước hai chân; tụ dịch hai xoang hàm dưới và cơ thể có rất nhiều vết bầm cũ, mới lẫn lộn... Nhưng người cha vô nhân tính cũng chỉ bị xử phạt hành vi hành hạ người khác, thay vì cố ý gây thương tích.

    Không phải cứ có thương tích mới gọi là bạo hành

    Hiện Việt Nam có mạng lưới pháp luật khá chặt chẽ bao gồm Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, các quy định trong các đạo luật nói trên chưa thống nhất, rõ ràng để thuận tiện trong việc áp dụng. Vì thế, dù rằng theo luật định, khi người lớn có hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của trẻ em không cần đợi đến thương tật 11\% cũng bị truy tố pháp luật, nhưng trong thực tế đã có không ít kẻ thủ ác “thoát” khỏi tội danh trên.

    Từ thực tế này, các chuyên gia bảo vệ trẻ em đã đặt ra câu hỏi: Phải chăng để chặn tay những kẻ bạo hành trẻ em, pháp luật cần có quy định cụ thể và chi tiết hơn nữa, để khi thực thi không bị rơi vào tình huống bỏ lọt tội phạm hoặc định tội không chuẩn?

    Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em hiện đang sửa đổi bổ sung và để thay đổi những khiếm khuyết hiện nay trong luật định thì những quy định cụ thể về các hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em dưới mọi hình thức sẽ được nêu rõ, được “chỉ mặt đặt tên” đến mức rõ ràng nhất có thể để giúp cơ quan thi hành pháp luật có thể nghiêm trị chính xác.

    Còn theo ông Nguyễn Trọng An – nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăm sóc và giáo dục trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), “dù rằng kẻ thủ ác có bị phạt tù từ 1-3 năm nhưng theo tôi đó chỉ là thương tổn ngoài cơ thể có khả năng đong đếm được, còn ảnh hưởng về tinh thần của đứa trẻ thì dường như pháp luật chưa quan tâm. Mặt khác, theo Luật Phòng chống bạo lực gia đình thì cứ có hành vi bạo lực với trẻ em là truy cứu trách nhiệm hình sự chứ không cần đợi phải đạt đến một mức độ thương tích cụ thể. Điều đáng buồn là phần lớp các vụ bạo hành trẻ em đều xảy ra trong gia đình và chính là bạo lực gia đình, thế nhưng, hiện nay vẫn có rất ít vụ bạo hành trẻ em được pháp luật nghiêm trị theo hướng này”.

    Đồng tình quan điểm, TS Đỗ Thị Ngọc Phương, Phó Viện trưởng Viện Dân số, gia đình và trẻ em cho rằng, trẻ em không thể tự vệ khi bị bạo hành và các dấu hiệu bị bạo hành cũng khó nhận biết được ở trẻ em, nhất là những sang chấn về tinh thần, nên cần quy định cụ thể hơn về các hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em chứ không nên dựa trên tỷ lệ thương tích cụ thể.

    Mắng chửi trẻ cũng là bạo hành

    “Khi chúng tôi làm với tổ chức nước ngoài, họ yêu cầu chúng ta phải làm rõ quan niệm “yêu cho roi cho vọt” của người Việt Nam vì theo quan điểm của các tổ chức bảo vệ trẻ em mắng chửi chính là bạo lực tinh thần, gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của đứa bé và gây rối nhiễu sau này” (Ông Nguyễn Trọng An – nguyên Phó Cục trưởng Cục chăm sóc và giáo dục trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội).
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/can-chi-mat-dat-ten-cac-kieu-bao-hanh-tre-em-a30729.html
    Những vụ bạo hành trẻ em chấn động dư luận

    Những vụ bạo hành trẻ em chấn động dư luận

    (ĐSPL) - Hình ảnh về những đứa trẻ đáng yêu, thơ ngây nhưng trên mình mang đầy thương tích của sự bạo hành khiến dư luận không kìm được nước mắt, cũng như sự phẫn nộ tột cùng đối với những kẻ đã gây ra vết thương thể xác và tâm hồn cho các em.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Những vụ bạo hành trẻ em chấn động dư luận

    Những vụ bạo hành trẻ em chấn động dư luận

    (ĐSPL) - Hình ảnh về những đứa trẻ đáng yêu, thơ ngây nhưng trên mình mang đầy thương tích của sự bạo hành khiến dư luận không kìm được nước mắt, cũng như sự phẫn nộ tột cùng đối với những kẻ đã gây ra vết thương thể xác và tâm hồn cho các em.