+Aa-
    Zalo

    "Chiến sĩ truyền thông" kể chuyện tác nghiệp ở Hoàng Sa

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Trong thời khắc nóng bỏng nhất của đất nước, họ - những người làm báo đã không ngần ngại trở thành các chiến sĩ truyền thông xông pha ở nơi đầu sóng ngọn gió.

    (ĐSPL) – Trong những thời khắc nóng bỏng nhất của đất nước, họ - những người làm báo đã không ngần ngại trở thành các chiến sĩ truyền thông xông pha ở nơi đầu sóng ngọn gió.

    Ngày Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cũng là ngày mà trái tim của 90 triệu dân Việt Nam cùng sục sôi hướng về nơi biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc.

    Để giúp nhân nhân trong nước cũng như thế giới hiểu rõ hơn về những diễn biến tình hình trên Biển Đông, và cũng là để giúp dư luận quốc tế cùng thấy rõ hành vi sai trái của Trung Quốc, những phóng viên báo chí – những chiến sĩ trên mặt trận truyền thông đã không ngại nguy hiểm, gian nan để dấn thân vào nơi đầu sóng ngọn gió, đem lại những thông tin xác thực nhất về tình hình thực địa xung quanh khu vực Trung Quốc đang hạ đặt giàn khoan trái phép.

    PV Viễn Sự - Báo Tuổi trẻ: Tự hào trở về mang theo lá cờ Tổ Quốc

    Là một trong những phóng viên đầu tiên có mặt tại thực địa nơi Trung Quốc đang hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tôi cảm thấy vô cùng tự hào.

    Khi ra Hoàng Sa tôi mang theo 2 cảm xúc, thứ nhất là cảm xúc nghề nghiệp, đó là khi có bất kỳ sự kiện lớn nào thì bản thân mỗi phóng viên đều mong có mặt tại đó để đưa tin. Nhưng riêng đối với sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, thì tôi lại đi với cảm xúc của một công dân nhiều hơn, bởi là một công dân với tấm lòng yêu nước, khi ra đó tác nghiệp, các bài viết của tôi cũng sẽ sâu sắc và nhiều cảm xúc hơn.

    Có lẽ tôi cũng là một phóng viên may mắn khi được phân công tác nghiệp trên tàu kiểm ngư KN 9226, bởi đây là một chiếc tàu nhỏ, rất cơ động, dễ luồn lách nên thường tiến sát vào giàn khoan hơn, va chạm nhiều hơn với các tàu của Trung Quốc.

    Tâm sự 21/6 của những chiến sĩ truyền thông trở về từ Hoàng Sa

    PV Viễn Sự - Báo Tuổi trẻ.

    Có những khi, tàu tiến sát vào giàn khoan, chỉ cách đó chừng 3,8 hải lý, nên tôi có điều kiện ghi lại chân thực và chính xác nhất tình hình trên thực địa giàn khoan.

    Trước khi đi, tôi cũng đã được thông báo trước là chuyến đi sẽ rất vất vả, lại không hẹn trước ngày về, điều kiện trên tàu cũng sẽ thiếu thốn đủ bề, thế nhưng tôi không hề nao núng vì điều đó, bởi tôi cũng đã lường trước được hết những chuyện đó để luôn sẵn sàng tâm lý.

    Chiếc tàu kiểm ngư mà tôi tác nghiệp là con tàu cảm tử của biên đội kiểm ngư vùng 4, có những khi tàu này bị 15 tàu Trung Quốc bao vây, lại thường xuyên phải trực tiếp hứng chịu các đợt phun vòi rồng của Trung Quốc.

    Tôi còn nhớ, mỗi lần tàu Trung Quốc áp sát và phun vòi rồng, tất cả anh em đều phải vào trong cabin, bởi với áp lực nước kinh khủng từ vòi rồng, nếu ai ra ngoài thì có thể bị thổi bay xuống biển, thậm chí, nếu xịt vòi rồng làm vỡ cửa kính, thì nguy cơ các chiến sĩ của ta bị thương là rất cao.

    Nhiều anh em phóng viên, trong đó có cả tôi đều bị say sóng, thế nhưng, chỉ cần nhìn thấy tàu Trung Quốc từ xa là tất cả quên mệt mỏi để lao lên boong tàu tác nghiệp.

    Khó khăn lớn nhất trong chuyến tác nghiệp là việc truyền thông tin về đất liền. Tôi cũng rất may mắn khi được báo Tuổi trẻ trang bị chu đáo, chuẩn bị đủ thiết bị cần thiết như điện thoại vệ tinh, vì thế mà Tuổi trẻ cùng là tờ báo đầu tiền đưa được thông tin từ thực địa.

    Trong suốt chuyến tác nghiệp, điều khiến tôi nhớ nhất là món quà mà các chiến sĩ kiểm ngư gửi tặng báo và độc giả của báo Tuổi trẻ.

    Trước đó, báo Tuổi trẻ chúng tôi cùng với các độc giả đã cùng phối hợp để trao quà ủng hộ cho các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi biển đảo thiêng liêng, họ đã rất xúc động và trao tặng lại cho tôi cùng báo Tuổi trẻ lá cờ Tổ quốc tung bay trên nóc tàu, dù lá cờ đã rách và bạc màu, nhưng nó thực sự rất quý giá bởi nó mang hơi thở từ Hoàng Sa đầy sóng gió thiêng liêng.

    PV Hồng Chuyên – Báo Infonet: Vật vã vì say sóng, 8 ngày không ăn nổi cơm

    Tôi may mắn là thành viên của đoàn gồm 8 nhà báo quốc tế, 26 nhà báo trong nước ra thực địa nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

    Nói thực, trước khi đi tôi cũng có chút ngần ngại. Nhưng không phải vì sợ nguy hiểm, vì khiếp nhược, vì chỉ lo an toàn cho bản thân mà tôi lo mình sẽ say sóng rất nặng, sẽ không hoàn thành nhiệm vụ bởi trước đây, tôi không đi ô tô được quá 3km vì rất say.

    Tôi được phân công tác nghiệp trên tàu CSB 2016, chính là con tàu bị tàu Hải cảnh 46105 của Trung Quốc cố tình đâm va làm thủng 4 lỗ vào ngày 1/6 vừa rồi.

    Khó khăn lớn nhất, và của riêng tôi nhất đó là say sóng. Nếu chưa đi biển dài ngày thì chưa thể tưởng tượng được say sóng khủng khiếp như thế nào. Nhất là 8 ngày trời tôi luôn bị cảm giác say sóng giày vò. 8 ngày tôi không để lại được 1 hạt cơm nào trong dạ dày. Ngửi thấy mùi cơm là ói. Ói liên tục, hết mật xanh, mật vàng và đến cả máu.

    Tâm sự 21/6 của những chiến sĩ truyền thông trở về từ Hoàng Sa

    PV Hồng Chuyên - Báo điện tử Infonet (bên trái) đang gọi điện để truyền tin về tòa soạn.

    Những lúc như vậy, tôi gần như ngã quỵ, chân tay nhũn ra, mồ hôi vã ra như tắm, nhưng tôi vẫn mang nhiệm vụ sát cánh cùng anh em CSB phản ánh tình hình thực địa, tôi không thể ra đến đây nằm bẹp một chỗ rồi trở về. Và tôi đã cố hết sức để bất cứ lúc nào có thông báo có tàu Trung Quốc ngăn cản là tôi lại có mặt trên đài chỉ huy. Quay phim, chụp ảnh xong, chân tôi không đứng được nữa, tôi phải trở lại giường nằm nghỉ chừng 1-2 tiếng mới trở lại boong tàu, phơi nắng để gọi về tòa soạn thông báo tình hình.

    Chứng kiến cơn vật vã say sóng của tôi, anh em phóng viên đi cùng và cảnh sát biển vẫn đùa mỗi khi nhìn thấy tôi lên cabin tác nghiệp: “Hồng Chuyên Biển đảo chú ý, Hồng Chuyên Biển đảo chú ý, tàu 2016 đang di chuyển trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Để nghị đồng chí Hồng Chuyên tuân thủ các quy định của tàu, mỗi bữa ăn tối thiểu 1 bát cơm để giữ gìn sức khỏe tiếp tục chiến đấu”.

    Đó là kỷ niệm không thể nào quên của tôi.

    Chính nơi này tôi đã được tận mắt chứng kiến “bộ mặt thật” hung hãn của Trung Quốc trên thực địa và sự dối trá của họ trên ngoại giao. 8 ngày lênh đênh trên biển bám giữ biển quê hương, không ngày nào chúng tôi không đối mặt với tàu Trung Quốc.

    Sự kiện này khiến tôi càng hiểu hơn bản lĩnh của CSB Việt Nam, họ có bản lĩnh phi thường, tư tưởng vững vàng và kiên quyết không mắc mưu Trung Quốc. Được chứng kiến tận mắt những khoảnh khắc đó, với tôi sẽ là kỷ niệm không bao giờ quên. Tôi vẫn thường nhắc, chỉ ra nới thực địa căng thẳng như thế này mới hiểu hết ý nghĩa của cụm từ “Tổ quốc là trên hết”.

    PV Hoàng Sang – Vietnamnet: Quyết định đi Hoàng Sa trong… 3 giây

    Ngay khi Ban lãnh đạo nói với tôi về kế hoạch đưa phóng viên ra Hoàng Sa tác nhiệp, tôi đã không ngần ngại mà nhận nhiệm vụ đi luôn, thậm chí, tôi quyết định ra Hoàng Sa chỉ trong khoảng thời gian… 3 giây, dù trước đó đã từng thề không bao giờ ra biển nữa.

    Vợ tôi là người duy nhất ủng hộ tôi đi. Vẻ ngoài thì mạnh mẽ là thế, nhưng khi tiễn tôi ra sân bay, thì vợ tôi lại khóc nức nở, làm cuộc chia tay cứ dùng dằng mãi. Cuối cùng, vì nhiệm vụ cao cả, tôi quyết phải lên đường.

    Có ra đó mới biết biển đảo quê hương ta mênh mông và đẹp biết chừng nào, có ra đó mới thấy thương anh em chiến sĩ bởi họ thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần. Nhiều lúc, chứng kiến cảnh các chiến sĩ ngồi thẫn thờ vì nhớ nhà mà lòng tôi cũng như thắt lại.

    Tâm sự 21/6 của những chiến sĩ truyền thông trở về từ Hoàng Sa

    PV Hoàng Sang - Báo điện tử Vietjnamnet quyết định đi Hoàng Sa chỉ trong 3 giây.

    Trong số họ, có người đi cả tháng trời mới được về nhà một lần, thậm chí có người đi mà không biết đến ngày về. Trên tàu 8003 mà tôi tác nghiệp có thuyền trưởng là Đại úy Nguyễn Văn Hưng phải làm nhiệm vụ khi có bố đang ốm nặng nằm ở bệnh viện K, lại có một đồng chí khác, khi phóng viên ra thì cứ thấy ngồi thẫn thờ, mãi mới dám hỏi phóng viên và ngỏ ý mượn điện thoại vệ tinh để gọi về xem vợ đã sinh chưa, lại gọi đúng lúc vợ đang chuyển dạ, không biết làm gì để giúp, chỉ có thể nói vài câu động viên vợ.

    Trước khi ra tác nghiệp tại Hoàng Sa, chúng tôi cũng đã đề phòng đến việc ở ngoài đó không có sóng điện thoại nên tòa soạn đã phải chuẩn bị thuê một chiếc điện thoại vệ tinh từ Hà Nội đi với giá 200.000 đồng/ngày, cộng thêm phí dịch vụ là 40.000 đồng cho mỗi phút gọi để truyền tin về tòa soạn.

    Tàu của chúng tôi thường xuyên bị các tàu hải cảnh của Trung Quốc truy đuổi ngay đằng sau, khoảng cách chỉ có 30m, thậm chí bị đuổi cả vào ban đêm. Dù nguy hiểm là thế, nhưng bản thân tôi vẫn muốn được dấn thân hơn nữa, tôi mong muốn được sang tác nghiệp tại các tàu kiểm ngư, vì các tàu đó thường vào gần giàn khoan hơn hơn, thường xuyên va chạm với tàu Trung Quốc và đối mặt với nhiều nguy hiểm hơn.

    PV Sơn Bách – Báo điện tử VietnamPlus: Vội đi không kịp chào bố mẹ

    Thực ra, tôi không phải là phóng viên được tòa soạn cử đi Hoàng Sa, mà là do tôi chủ động xin đi, đơn giản vì tôi cảm thấy vô cùng bứt rứt và khó chịu khi đứng trước một sự kiện lớn, đứng trước vận mệnh lớn lao của đất nước mà mình lại không thể tham gia đóng góp gì.

    Nhưng cuối cùng rất may mắn là tôi cũng được đi ra nơi đầu sóng ngọn gió ấy nên lúc ấy trong tôi không có một chút gì ngần ngại cả, ngược lại rất phấn khích và tự hào, mong muốn sẽ làm được điều gì đó để có thể cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền của tổ quốc. Đây cũng là lần thứ 3 tôi ra biển nên phần nào cũng đã quen và không còn say sóng nữa.

    Duy chỉ có một điều là khi có quyết định đi, vì còn bận giải quyết thêm một số công việc để còn ra Hoàng Sa công tác nên tôi đã không kịp về qua nhà để chào bố mẹ. Hôm ấy, bố mẹ tôi cũng rất hụt hẫng vì con trai đi ra nơi nguy hiểm mà lại không kịp về qua nhà.

    Tâm sự 21/6 của những chiến sĩ truyền thông trở về từ Hoàng Sa

    PV Sơn Bách - Báo Điện tử VietnamPlus trong chuyến tác nghiệp tại Hoàng Sa.

    Trong chuyến tác nghiệp ở Hoàng Sa, cho dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng tất cả mọi người không có ai chùn bước, trong lòng ai cũng hừng hực một ý chí quyết tâm cao độ.

    Quãng thời gian tác nghiệp ở vùng Biển Đông đầy sóng gió có lẽ là quãng thời gian quý báu và đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm báo của tôi.

    Tôi còn nhớ như in ngày đầu tiên đi tàu Cảnh sát biển 2013, các anh em phóng viên ngủ dưới đất không biết nên cứ để máy ảnh ở dưới sàn. Do lạnh và ẩm quá nên sáng hôm sau một loạt máy ảnh của các phóng viên đều bị mờ ống kính.

    Khi ấy, chúng tôi phải đem một loạt máy ảnh phơi dài ra boong tàu, trông không khác gì triển lãm máy ảnh. Thậm chí phơi mãi không được, tôi và một số đồng nghiệp còn phải dùng máy sấy để sấy.

    Tôi cũng nhớ, mỗi lần bị tàu Trung Quốc truy đuổi hay đâm va, phun vòi rồng, chĩa pháo đã mở bạt che về phía tàu Việt Nam, dù biết rất nguy hiểm nhưng anh em phóng viên nào cũng xông pha ra để làm sao ghi lại được những hình ảnh và clip chân thực nhất, lấy đó làm bằng chứng để chứng minh cho thế giới thấy hành vi sai trái của Trung Quốc.

    Điều làm tôi nhớ nhất sau 8 ngày lênh đênh tác nghiệp trên vùng biển Hoàng Sa đầy sóng gió là những giây phút ngồi lại cùng các chiến sĩ trên tàu cảnh sát biển sau một ngày bị tàu Trung Quốc truy đuổi, cùng chia sẻ, tâm sự với họ về chuyện gia đình, chuyện tình yêu và cuộc sống… Những lúc như thế chúng tôi mới thấy thật sự gần gũi, gắn bó với nhau biết bao nhiêu, để đến lúc chia tay ai ai cũng bịn rịn và đầy lưu luyến.

    PV Quang Huy – Báo Đời sống và Pháp luật: Ra Hoàng Sa là vinh dự lớn lao

    Trong thời điểm nóng bỏng khi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương-981 trên vùng biển của Việt Nam, không chỉ tôi mà bất kỳ phóng viên nào cũng mong muốn được ra  Hoàng Sa tác nghiệp.

    Trong chuyến tác nghiệp ấy, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn, bởi không thể đặt được máy tính trên bàn viết được do sóng lắc, trừ khi tàu chạy thì mới có sự thăng bằng.

    Còn chuyện bị tàu Trung Quốc rượt đuổi với ý định phun vòi rồng là chuyện "cơm bữa” nên tôi và các đồng nghiệp cũng đều quen với việc đó, chỉ cần có bất cứ sự va chạm hay tấn công nào từ phía tàu Trung Quốc là cả nhóm phóng viên sẵn sàng lao ra tác nghiệp ngay. 

    Tâm sự 21/6 của những chiến sĩ truyền thông trở về từ Hoàng Sa

    PV Quang Huy - Báo Đời sống và Pháp luật đang tác nghiệp.

    Tác nghiệp tại đây, không phóng viên nào nghĩ đến những đề tài "độc, lạ" cho riêng mình, mà những thước phim hay hình ảnh hung hăng của các tàu Trung Quốc luôn được họ chia sẻ cho nhau với mục đích là càng nhiều hình ảnh đưa lên các kênh thông tin nói về sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông càng tốt.

    Điều làm tôi nhớ như in là hình ảnh khi nhóm phóng viên chia tay các chiến sĩ cảnh sát biển để sang tàu về đất liền, những ánh mắt trìu mến, những cái bắt tay đầy lưu luyến, và cả những giọt nước mắt đã rơi… Những hình ảnh đó sẽ theo tôi đến suốt cuộc đời.

    Đối với tôi, được ra Hoàng Sa tác nghiệp không chỉ là trách nhiệm, mà còn là niềm tự hào và vinh dự lớn lao. Nếu có cơ hội, tôi vẫn sẵn sàng ra nơi đầu sóng ngọn gió ấy, bởi tôi biết rằng, những gì mình đóng góp vẫn chưa thấm thía gì so với những chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa để bảo vệ vững chắc vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chien-si-truyen-thong-ke-chuyen-tac-nghiep-o-hoang-sa-a37600.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan