+Aa-
    Zalo

    Choáng với mức lương của phi công và tiếp viên Vietnam Airlines

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mức thu nhập bình quân của phi công Vietnam Airlines đạt 101 triệu đồng/người/tháng còn thu nhập bình quân của tiếp viên là 22,6 triệu đồng/người/tháng.

    Mức thu nhập bình quân của phi công Vietnam Airlines đạt 101 triệu đồng/người/tháng còn thu nhập bình quân của tiếp viên là 22,6 triệu đồng/người/tháng.

    Tin tức trên Dân trí, báo cáo thường niên năm 2015 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines - mã chứng khoán: HVN) vừa công bố cho thấy, đến cuối năm 2015, tổng số lao động tại HVN đạt 10.095 người (thấp hơn so với kế hoạch đặt ra là 10.211 người).

    Đáng chú ý, trong năm vừa qua, mức thu nhập bình quân của phi công HVN đạt 101 triệu đồng/người/tháng còn thu nhập bình quân của tiếp viên là 22,6 triệu đồng/người/tháng. Với mức thu nhập nói trên, HVN vẫn chưa đạt kế hoạch đặt ra là nâng thu nhập cho phi công lên 105,6 triệu đồng/người/tháng còn thu nhập của tiếp viên là 23,6 triệu đồng/người/tháng.

    Lao động còn lại ở HVN thu nhập bình quân 14,2 triệu đồng/người/tháng, cao hơn 6\% so với kế hoạch đề ra.

    HVN cho biết, trong chính sách tiền lương tiền thưởng, tổng công ty đang tiếp tục hoàn thiện để gắn tiền lương với hiệu quả, kết quả thực hiện công việc. Ngoài ra, tổng công ty cũng tiếp tục thực hiện các chế độ phúc lợi với người lao động, tổ chức các chương trình tham quan, nghỉ dưỡng ở trong và ngoài nước với các đối tượng lao động trực tiếp, có thành tích công tác.

    HVN cho biết, một trong những mục tiêu của tổng công ty là cải thiện thu nhập để tạo sức thu hút các nguồn lực lao động chất xám cao và lao động đặc thù ở Việt Nam.

    Mức thu nhập bình quân của phi công Vietnam Airlines đạt 101 triệu đồng/người/tháng còn thu nhập bình quân của tiếp viên là 22,6 triệu đồng/người/tháng. (Ảnh minh họa).

    Thông tin trên VnExpress, thực tế, lương phi công cũng có sự phân hoá, chênh lệch giữa các cơ trưởng, lái phụ và tuỳ thuộc vào từng dòng máy bay. Tại Vietnam Airlines, khung lương cơ trưởng bậc 3 lái máy bay Boeing 777, 787 và Airbus A350 là cao nhất, với 102 triệu đồng một tháng. Lương của các lái phụ dao động trong khoảng 40-66 triệu đồng.

    Năm 2015, hãng hàng không quốc gia đạt mốc doanh thu gần 66.000 tỷ đồng. Giá nhiên liệu bay giảm mạnh song việc vay nợ lớn bằng ngoại tệ đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của Vietnam Airlines, khiến hãng giảm lãi còn 806 tỷ đồng. Dư nợ gốc của tổng công ty cũng tăng thêm 1.481 tỷ.

    Tổng tài sản của Vietnam Airlines đến cuối năm 2015 đạt 89.182 tỷ đồng, nợ phải trả gần 71.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ do đầu tư thêm nhiều tàu bay mới và đưa hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của hãng lên 6,34 lần.

    Hiện Vietnam Airlines đang triển khai 3 dự án đầu tư phát triển đội bay gồm mua 10 máy bay Airbus A321, 10 máy bay A350 và 8 chiếc Boeing 787-9 với tổng giá trị giải ngân trong năm 2015 là 21.106 tỷ đồng. Hãng cũng vừa được SkyTrax - tổ chức đánh giá và xếp hạng hàng không Anh công nhận là hãng hàng không 4 sao.

    Về cơ cấu cổ đông tính đến tháng 2/2016, Bộ Giao thông vận tải đang đại diện Nhà nước nắm 94,44\% vốn, Techcombank nắm 2,28\%, Vietcombank nắm 2\%, công đoàn và cổ đông cá nhân là 1,28\%. Mới đây, Bộ Giao thông đã bán 8,8\% cổ phần với giá 110 triệu USD cho ANA Holdings – tập đoàn hàng không lớn nhất Nhật Bản. Theo đó, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước giảm xuống 85,6\%.

    Năm 2016, Vietnam Airlines đặt kế hoạch vận chuyển 20 triệu hành khách, doanh thu hợp nhất 77.806 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 2.321 tỷ đồng.

    Theo báo cáo tài chính của HVN, trong năm 2015, tổng doanh thu hợp nhất của HVN đạt hơn 69.000 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 2014 và không đạt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế đạt 806 tỷ đồng, tăng 93,3\% so với năm 2014 và vượt 105,5\% kế hoạch năm. Trong đó, 9 tháng cuối năm 2015, sau khi đã chuyển sang công ty cổ phần, tổng doanh thu hợp nhất HVN đạt gần 51.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 480 tỷ đồng; nộp ngân sách gần 3.300 tỷ đồng.

    Tổng tài sản tổng công ty năm 2015 tăng 19.180 tỷ đồng so với năm 2014, chủ yếu do tài sản dài hạn tăng gần 18.000 tỷ đồng. Nguyên nhân tài sản dài hạn tăng được HVN lý giải do năm 2015 tổng công ty nhận thêm 3 máy bay A321 sở hữu và 4 máy bay B787 thuê tài chính làm giá trị tài sản cố định tăng thêm gần 16.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc nhận thêm máy bay đồng thời cũng khiến nợ phải trả của HVN tăng thêm 16.700 tỷ đồng trong năm 2015, lên 71.000 tỷ đồng.

    Số trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi tại thời điểm 31/12/2015 là 37,2 tỷ đồng giảm 79 tỷ đồng so với cuối năm 2014, chủ yếu do thoái vốn Công ty cổ phần Khách sạn Hàng không.

    HVN cũng cho biết, năm 2015 tỷ giá biến động mạnh theo hướng bất lợi cho hoạt động kinh doanh của tổng công ty. Hầu hết các đồng tiền thu bán chủ chốt (VND, EUR, JPY, AUD...) của HVN đều mất giá so với USD, ảnh hưởng đến dòng tiền thu chi sản xuất kinh doanh. Nếu so với tỷ giá kế hoạch 2015 (21.500 VND/USD), dòng tiền của HVN bị giảm 76,8 triệu USD, tương đương khoảng 1.676 tỷ đồng.

    Tính chung cả năm 2015, tỷ giá VND/USD tăng làm phát sinh chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại số dư cuối kỳ gốc vay ngoại tệ năm 2015 của HVN gần 1.500 tỷ đồng (chưa bao gồm phân bổ chênh lệch tỷ giá năm 2011 là 310 tỷ đồng).

    Ngọc Anh (Tổng hợp)

    Nguồn: Người đưa tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/choang-voi-muc-luong-cua-phi-cong-va-tiep-vien-vietnam-airlines-a139406.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan