+Aa-
    Zalo

    Chủ quan chỉ khám 2 lần trong suốt thai kỳ, sản phụ mất con sau khi bé chào đời

    (ĐS&PL) - Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp rất đáng tiếc do không theo dõi thai kỳ liên tục để có hướng điều trị kịp thời.

    Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn lời ThS.BS Hoàng Thị Chung – Trưởng khoa sản 1 Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cho hay, mới đây, đơn vị này tiếp nhận sản phụ N.T.M.T (SN 1985, ở Phú Thọ, tên nhân vật đã được thay đổi) mang thai 39 tuần 4 ngày được chuyển đến từ Trung tâm Y tế tuyến dưới khi đã có dấu hiệu chuyển dạ.

    Sản phụ nhập viện với tình trạng sức khỏe ổn định, tuy nhiên, sau khi thăm khám, bác sĩ phát hiện thai nhi có tình trạng thoát vị hoành trái (dạ dày từ ổ bụng chui lên lồng ngực, đẩy lệch tim phổi về bên phải).

    Được biết, suốt quá trình mang thai, sản phụ chỉ đi khám thai 2 lần. Dù đã được các bác sĩ chẩn đoán thai nhi bị thoát vị hoành từ khi 27 tuần tuổi và tư vấn nên thường xuyên thăm khám theo dõi tình hình phát triển của bé tại bệnh viện tuyến trên nhưng do tâm lý chủ quan, sản phụ không đi khám thai lần nào nữa cho tới khi có dấu hiệu chuyển dạ đi sinh.

    Trước sinh, các bác sĩ đã giải thích cho sản phụ và gia đình các nguy cơ có thể gặp phải sau khi trẻ chào đời. Sau sinh, bé trai nặng 3,1kg không khóc, xuất hiện tình trạng tím tái, giảm trương lực cơ, tim chậm, được các bác sĩ Sơ sinh đặt nội khí quản cấp cứu tại phòng sinh, bóp bóng chuyển khoa Sơ sinh tiếp tục điều trị.

    Với chẩn đoán suy hô hấp độ III trên bệnh nhân thoát vị hoành bẩm sinh, bé được cho thở máy, đặt Catheter tĩnh mạch trung tâm, dùng kháng sinh, truyền nuôi dưỡng. Đồng thời, mời hội chẩn bác sĩ chuyên khoa ngoại nhi, gây mê khám và chỉ định mổ cấp cứu ở khoa Sơ sinh.

    Ngay trước khi phẫu thuật, bé xuất hiện tình trạng ngừng hô hấp – tuần hoàn. Sau 10 phút cấp cứu, bé có dấu hiệu hồi phục và được tiến hành mổ cấp cứu thoát vị hoành. Bệnh nhi diễn biến nặng trong ca mổ, gia đình xin dừng phẫu thuật cho bé về.

    Theo nhận định của các bác sĩ, đây là một trường hợp rất đáng tiếc vì không theo dõi thai kỳ liên tục để có hướng điều trị kịp thời. Để có một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn, sản phụ nên đi khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ, duy trì việc này cho tới ngày sinh. Nếu thấy xuất hiện những dấu hiệu bất thường, sản phụ cần đi khám toàn diện.

    chu quan chi kham 2 lan trong suot thai ky san phu mat con o tuan thai thu 40
    Để có một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn, sản phụ nên đi khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ, duy trì việc này cho tới ngày sinh. Ảnh minh họa: Sức Khỏe & Đời Sống

    Cơ thể người phụ nữ có những thay đổi liên tục và khó dự đoán trong giai đoạn mang thai. Khám thai thường xuyên theo hướng dẫn là biện pháp quan trọng nhằm đánh giá rủi ro, phát hiện sớm các biến chứng thai kỳ thường gặp, bên cạnh đó chẩn đoán sớm và đầy đủ những dị tật bẩm sinh của thai nhi, nhờ vậy có kế hoạch điều trị kịp thời sau khi em bé chào đời.

    Các bác sĩ sản khoa đã khuyến cáo các mốc thời gian khám thai định kỳ mà các mẹ bầu cần lưu ý, theo VietNamNet.

    Lần 1: Thử que thử thai chỉ kết quả 2 vạch (thời điểm chậm kinh 7-10 ngày là chính xác nhất), thai phụ nên đi siêu âm kiểm tra xem thai vào buồng tử cung hay chưa, loại bỏ trường hợp chửa ngoài tử cung.

    Lần 2: Thời điểm trên 6 tuần tuổi, gồm siêu âm tim thai, sau mốc này, sau 2 tuần thai phụ nên kiểm tra tim thai 1 lần.

    Lần 3: Thực hiện ở tuần thứ 11 đến 13 tuần 6 ngày, gồm siêu âm đo độ mờ da gáy (biết được các dị tật bẩm sinh) và làm xét nghiệm Double test sàng lọc dị tật.

    Lần 4: Thực hiện ở tuần thứ 14–16, gồm siêu âm kiểm tra sự phát triển của thai, tư vấn các viên uống bổ sung vi chất tùy thuộc vào sức khỏe của sản phụ và em bé.

    Lần 5: Thực hiện ở tuần thứ 16-20, gồm siêu âm kiểm tra hình thái mặt, mũi, chân tay xem có bất thường hay không và làm xét nghiệm Tripletest.

    Lần 6: Thực hiện ở tuần thứ 20-24. Đây là mốc siêu âm rất quan trọng, giúp kiểm tra hình thái thai nhi, tầm soát các bất thường (tim, chân tay, bụng, xương, não, cột sống, thận) và kiểm tra vị trí bám của nhau thai, lượng nước ối. Thời điểm này, thai phụ cũng có thể tiêm vaccine uốn ván (mũi 1 từ tiêm ở thời điểm từ 22-26 tuần, mũi 2 cách mũi 1 một tháng).

    Lần 7:  Thực hiện ở tuần thứ 24 đến 27 tuần 6 ngày, gồm siêu âm đánh giá trọng lượng thai và nước ối.

    Lần 8: Thực hiện ở tuần thứ 28. Thời điểm này thai phụ cần làm nghiệm pháp dung nạp đường xem có mắc phải tình trạng tiểu đường thai kỳ hay không và tiêm uốn ván mũi 2.

    Lần 9: Thực hiện ở tuần thứ 32, gồm siêu âm xem ngôi thai, nhau thai, chỉ số nước ối, sau đó 2 tuần kiểm tra lại 1 lần.

    Trong giai đoạn từ tuần thứ 36-38, mẹ bầu nên đi siêu âm 1 lần/tuần. Nên thường xuyên siêu âm từ tuần 38-40 để theo dõi tim thai, lượng nước ối. Lưu ý, trong quá trình mang thai, nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu bất thường như đau bụng, ra huyết, tiểu buốt…, cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời.

    Đinh Kim (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chu-quan-chi-kham-2-lan-trong-suot-thai-ky-san-phu-mat-con-sau-khi-be-chao-doi-a556159.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan