+Aa-
    Zalo

    Chuyên gia tiết lộ công cụ do thám để phát hiện Triều Tiên sắp thử hạt nhân

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Các nhà quan sát tiết lộ rằng luôn có những công cụ do thám để phát hiện những dấu hiệu, dù là rất nhỏ, cho thấy Triều Tiên chuẩn bị thử bom hạt nhân.

    Các nhà quan sát tiết lộ rằng luôn có những công cụ do thám để phát hiện những dấu hiệu, dù là rất nhỏ, cho thấy Triều Tiên chuẩn bị thử bom hạt nhân.

    Khi Triều Tiên thử nghiệm một quả bom hạt nhân gây rung chuyển mặt đất với khối lượng 250 kiloton vào ngày 3/9/2017, một người đàn ông không hề tỏ ra bối rối.

    Cách Bình Nhưỡng gần 9.650 km, ở Colorado, ông Joseph S. Bermudez Jr. đã nhiều năm theo dõi cơ sở thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên dựa vào những đốm màu và bóng tối trên hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao. Những thay đổi nhỏ như chuyển động của phương tiện, thiết bị và con người ở khu vực đều được quan sát tỉ mỉ. Từ tháng 2/2017, Bermudez và các đồng nghiệp của ông đã phát hiện Bình Nhưỡng có hoạt động tại 1 trong 3 đường hầm chính dẫn đến khu vực kiểm tra dưới lòng đất.

    Học sinh Hàn Quốc quan sát Triều Tiên từ khu vực biên giới. Ảnh: Bloomberg

    Bermudez viết trong bảng đánh giá cho trang web 38 North thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Johns Hopkins: "Từ đầu năm chúng tôi đã biết họ sẽ thử nghiệm hạt nhân. Vì vậy, khi ngày đó đến, trên thực tế phản ứng của tôi là 'Ồ, cuối cùng họ cũng đã làm rồi".

    Vụ thử bom hạt nhân hồi tháng 9 được đánh giá mạnh nhất từ trước đến nay là một bước nữa trong nỗ lực của chính quyền ông Kim Jong-un nhằm đạt được khả năng tấn công lục địa Mỹ bằng đầu đạn hạt nhân. Cùng với chương trình hạt nhân, Bình Nhưỡng cũng liên tục nghiên cứu, phát triển các tên lửa đạn đạo, mỗi chiếc đều bay xa hơn hoặc cao hơn chiếc trước nó.

    Bermudez là một trong số ít các nhà phân tích ở Mỹ và Châu Á đang theo dõi hành động của Triều Tiên hàng ngày qua hình ảnh vệ tinh và các dữ liệu khác. Trong bối cảnh bất ổn như hiện nay, các đánh giá của họ có thể giúp làm dịu nỗi sợ hãi hoặc kiểm tra những mối đe dọa do chương trình tuyên truyền của Triều Tiên gây ra.

    Ông Bermudez nói: "Thông thường những gì chúng tôi nhận ra là trước khi thử nghiệm, họ tiến hành một số cuộc khai quật bổ sung trong các đường hầm. Họ di chuyển nhiều thiết bị hơn và chúng tôi cũng thấy nhiều người di chuyển xung quanh hơn".

    Bãi thử Punggye-ri của Triều Tiên. Ảnh: Bloomberg

    Địa điểm mà các nhà phân tích lựa chọn để theo dõi là bãi thử Punggye-ri nằm trên một ngọn núi phía Đông Bắc hẻo lánh. Theo Jeffrey Lewis, Giám đốc Chương trình Không phổ biến vũ khí hạt nhân thì ở khu vực này - địa điểm cho cả 6 vụ thử hạt nhân của Triều Tiên - có "khoảng không gian vô hạn" để thử nghiệm dưới lòng đất. Ngoài ra, nền đá granit cũng là điều kiện lý tưởng cho việc thực hiện các vụ nổ lớn.

    Sau một thời gian diễn ra các hoạt động đào hầm, di chuyển trang thiết bị, là đến khoảng thời gian bãi thử trở nên “gọn gàng hơn”. Lúc này các phương tiện, binh sĩ và công nhân sẽ rời khỏi các khu đường hầm.

    Jack Liu, một chuyên gia về công nghệ quốc phòng hợp tác với 38 North nói: "Đó thường là một dấu hiệu cho thấy mọi thứ đã được chuẩn bị và họ đã sẵn sàng làm điều gì đó, chỉ là đang chờ đợi mà thôi”.

    Chất lượng hình ảnh vệ tinh rất quan trọng trong việc quan sát động thái của Triều Tiên. Ảnh: Bloomberg

    Đối với những người quan sát tình hình Triều Tiên, chất lượng hình ảnh là rất quan trọng. Độ phân giải cao nhất của hình ảnh thường là khoảng 12 inch/pixel, đủ để phân biệt các tòa nhà, đường sá, thiết bị quân sự và màu sắc của xe nhưng không đủ chi tiết để nhìn thấy khuôn mặt người.

    Hình ảnh có thể được mua từ các công ty bao gồm cả DigitalGlobe và Airbus Defense and Space của Mỹ. Những công ty này sở hữu có vệ tinh chụp ảnh từng khu vực siêu nhỏ của hành tinh nhiều lần trong ngày để sử dụng trong các hoạt động như lập bản đồ, giám sát thiên tai và an ninh quốc gia. Hình ảnh thường quá lớn và chứa nhiều dữ liệu như tọa độ và địa hình, và có thể mất hàng giờ để tải xuống cũng như yêu cầu phần mềm đặc biệt để xử lý.

    Ngoài ra, các hình ảnh cũng được cung cấp từ Planet Labs, có trụ sở ở San Francisco. Phòng thí nghiệm này sở hữu gần 200 vệ tinh trên quỹ đạo, cung cấp độ phân giải hình ảnh lên tới 31 inch/pixel. Punggye-ri, nhà máy đóng tàu hải quân và cơ sở nghiên cứu uranium Yongbyon nằm trong số các khu vực được các nhà phân tích kiểm soát.

    Ngoài hình ảnh, kiến thức văn hóa cũng rất quan trọng khi đưa ra kết luận Triều Tiên chuẩn bị thử hạt nhân hay chưa. Ảnh: Bloomberg

    Các cảm biến chuyên dụng trên một số vệ tinh sau đó sẽ vẽ lên một bức tranh chi tiết hơn. Nhóm nghiên cứu của ông Lewis tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí James Martin đã tạo ra một hình ảnh 3 chiều của những hầm chứa dưới lòng đất Punggye-ri với sự trợ giúp của một bộ cảm biến do NASA cung cấp.

    Bên cạnh đó, các nhà phân tích cũng dựa vào nhiều năm kinh nghiệm về văn hoá, những bài báo khoa học của Triều Tiên và nội dung tuyên truyền của Bình Nhưỡng. "Bí mật của việc phân tích hình ảnh vệ tinh hoặc dữ liệu vệ tinh sẽ vô nghĩa nếu không có đủ kiến ​​thức văn hoá", ông Lewis nói.

    Tuy nhiên, rõ ràng là không ai, không công cụ do thám nào có thể dự đoán được chính xác tình hình. Jenny Town, quản lý biên tập của 38 North nói: "Đây không phải là khoa học chính xác. Nếu chúng ta thấy một đốm nhỏ trên đường ray, chúng ta có thể nghĩ rằng đó là một xe đẩy trên đường ray. Tuy nhiên, chúng ta không thể khẳng định chắc chắn đó là một chiếc xe đẩy”.

    "Và Bình Nhưỡng đã tăng cường nỗ lực để che giấu việc chuẩn bị, sử dụng sơn lụa, lưới và giầy cũng như làm công việc xây dựng vào ban đêm. Mưa lớn cũng có thể che khuất tầm nhìn của vệ tinh”, Jenny Town cho biết thêm. "Khi bạn nhìn thấy cái gì bạn phải hỏi tại sao bạn lại nhìn thấy nó vì họ có thể cho chúng ta nhìn thấy những thứ mà họ muốn”.

    Tuy nhiên, có những thứ mà Triều Tiên không thể giấu được. Hình ảnh vệ tinh chụp được từ ngày sau khi vụ nổ hạt nhân lần thứ 6 đến tháng 11 cho thấy có hoạt động tại một khu vực đường hầm chưa được sử dụng, có thể liên quan đến các thử nghiệm mới.

    Về vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15 hôm 29/11,  Lewis nói rằng toàn bộ nước Mỹ đã ở trong tầm bắn. "Tên lửa đó đã đủ cao và đủ xa để có thể bắn đến Mỹ", ông Lewis cho biết." Đã quá muộn để dừng chương trình. Thời gian để ngăn chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên phải là 10 hoặc 15 năm trước. Họ sắp sở hữu vũ khí nhiệt hạch được gắn vào một ICBM có khả năng vươn tới Mỹ”.

    PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo Bloomberg, 38 North)
     
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-gia-tiet-lo-cong-cu-do-tham-de-phat-hien-trieu-tien-sap-thu-hat-nhan-a212647.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan