+Aa-
    Zalo

    Cô giáo người Tày mắc bệnh hiểm nghèo vẫn miệt mài gieo chữ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Dãy nhà cấp bốn với 3 phòng học nằm tựa bên lưng núi đã phai màu thay bằng những lớp rêu xanh bám âm thầm chứng kiến những cô cậu học sinh trưởng thành.

    Dãy nhà cấp bốn với 3 phòng học nằm tựa bên lưng núi đã phai màu thay bằng những lớp rêu xanh bám âm thầm chứng kiến những cô cậu học sinh người Dao, Tày, Nùng trưởng thành và lưu giữ thanh xuân của nhiều cô thầy cắm bản.

    Cô Hạnh 22 năm công tác tại trường Tiểu học xã Đồng Thắng - một xã đặc biệt khó khăn của huyện Đình Lập.  Ảnh Ngô Chuyên.

    Học sinh chưa học xong tiểu học đã lập gia đình

    Cô giáo người Tày Nguyễn Thị Hạnh -giáo viên trường tiểu học xã Đồng Thắng (Đình Lập, Lạng Sơn) đã có 22 năm công tác. Sinh ra và lớn lên ở xã Đồng Thắng – xã đặc biệt khó khăn của huyện Đình Lập. Thời cô Hạnh, được đi học là niềm hạnh phúc không kể hết. Nhưng để trở thành một cô giáo thì thực rất hiếm hoi trong xã, đó là niềm tự hào không chỉ của gia đình mà còn là niềm tự hào cả xã.

    Cô Hạnh nhớ lại: “Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, mình viết đơn xin về xã dạy và được phân về điểm trường xa nhất của xã -bây giờ điểm trường đó đã được phân về tỉnh Quảng Ninh. Lúc đó lớp học chỉ là những nhà tạm bằng tranh, tre do phụ huynh cùng chính quyền góp sức dựng lên làm lớp học. Học sinh trong lớp rất nhiều lứa tuổi, 8 có, 10 có, 11 có. Thế nhưng, do những hủ tục phong kiến có những em chưa kịp học xong tiểu học đã phải lấy chồng, lấy vợ”.

    Dường như, những khó khăn đó đã in sâu trong ký ức làm giáo viên của cô không thể nào quên. Hay những câu chuyện buồn về hoàn cảnh, phong tục nơi đây dẫu cô có cố gắng mấy nhưng lúc đó vẫn không thể thay đổi được suy nghĩ của người dân. “Tôi nhớ mãi về câu chuyện cậu học trò mới 11 tuổi của mình. Bỗng dưng một hôm trong giờ ra chơi em đưa tôi một lá đơn xin nghỉ học. Tôi hỏi lý do xin nghỉ học, em nói nghỉ học lấy vợ. Lúc đó tôi sững người ra thương học trò vô cùng. Các con đang tuổi ăn, tuổi chơi, tuổi được đến trường lại phải lập gia đình, về làm nương rẫy...”, cô Hạnh buồn rầu nói. Thế rồi, cô Hạnh đã tìm đến nhà, động viên, thuyết phục để em có thể trở lại trường sau khi cưới vợ. “Chỉ còn 1 học kỳ nữa là em được tốt nghiệp tiểu học nên bảo em và gia đình cố gắng lên”, cô Hạnh kể lại.

    Sau hai năm công tác ở điểm trường xa nhất, cô lấy chồng. Nhà chồng cách trường cô dạy 25km, đường đi lại khó khăn, chỉ cần mưa một trận phải xách dép, khiêng xe đi bộ vài ba tiếng đồng hồ mới đến trường thế nhưng cô vẫn quyết tâm bám trường, bám lớp. Khi có con, cô bấm bụng để con lại cho chồng và nhờ ông bà nội chăm sóc, mình lại ngược vào rừng sâu để mang con chữ về với học sinh. “Lúc đó cũng thương con lắm, biết con sẽ rất thiệt thòi nhưng nếu mình bỏ dở, học sinh mình sẽ ra sao? Các con cũng cần được biết chữ và lương tâm của một người thầy không cho phép tôi bỏ cuộc hay chán nản”, cô Hạnh tâm sự.

    Cứ như vậy, hàng tuần, chiều chủ nhật cô Hạnh và các đồng nghiệp lại chuẩn bị thức ăn cho một tuần để đi vào trường. Chiều Thứ Sáu, sau khi kết thúc giờ học lại lặn lội đi về nhưng chưa khi nào cô có ý nghĩ bỏ nghề hay chán nản.

    Căn bệnh hiểm nghèo cướp đi ánh mắt biết cười

    Đồng nghiệp của cô Hạnh chia sẻ, cô có đôi mắt rất đẹp, mỗi lần cô cười ánh mắt cô hiện ra rạng rỡ. Thế nhưng, ánh mắt đó đã không còn từ ngày cô phát hiện ra mình mắc căn bệnh hiểm nghèo. Theo như chia sẻ của cô Hiệu trưởng Vũ Thị Minh, 22 năm công tác xa nhà chưa một lần cô than vãn khó khăn hay nhụt chí, cô luôn động viên đồng nghiệp cố gắng. Nhưng trớ trêu thay, số phận lại mang đến cho cô căn bệnh hiểm nghèo (ung thư vú). Bản thân tôi và đồng nghiệp cũng không tin đó là sự thật.

    “Trường chúng tôi mấy chị em sống xa nhà vào đây công tác, bởi vậy coi nhau như chị em ruột. Chị em luôn động viên Hạnh cố gắng, lạc quan và tin tưởng vào cuộc sống”, cô Minh nói thêm.

    Vốn sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn, cô luôn nỗ lực cố gắng nhưng trước tin về căn bệnh của mình, cô như chết đứng. Sốc, lo lắng, hoang mang thậm chí mất phương hướng. Nhiều lúc, những ý nghĩ tiêu cực ùa về trong cô như: “Nếu mình lỡ may có mệnh hệ gì các con sẽ ra sao? Từ ngày sinh ra cho đến bây giờ, thời gian ở bên chúng chưa nhiều mà giờ mình lại mắc bệnh hiểm nghèo”, cô Hạnh kể lại. Thế rồi, hai hàng nước mắt cô tuôn trào!

    Gần hơn nửa tháng hoang mang, mất phương hướng được gia đình, đồng nghiệp, học sinh động viên cô bắt đầu có niềm tin và chiến đấu với bệnh tật. Cũng chính những động lực từ gia đình, đồng nghiệp và tình yêu con trẻ giúp cô Hạnh bớt suy nghĩ, sống lạc quan hơn. Những tiết học của cô Hạnh ngày một nhiều tiếng cười hơn, dẫu cho mọi khó khăn của cô và trò phía trước còn rất nhiều,

    “Thời gian sau phẫu thuật, mình quay trở lại công việc, đến trường mình luôn tạo cho bản thân tâm lý vui vẻ, phấn khởi. Đặc biệt, nhìn thấy học sinh cười làm cho mình quên đi mọi khó khăn, bệnh tật mình đang mang. Mang thêm cho ý chí quyết tâm để chiến đấu”- Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh

    Ngô Chuyên

    Bài đăng trên ấn phẩm Tạp chí Đời sống& Pháp luật số Thứ 5 (206)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/co-giao-nguoi-tay-mac-benh-hiem-ngheo-van-miet-mai-gieo-chu-a350671.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan