+Aa-
    Zalo

    Công nghệ hiện đại nào của Mỹ giúp phát hiện vụ nổ tàu Titan?

    (ĐS&PL) - Hệ thống phát hiện âm thanh bí mật của Hải quân Mỹ đã ghi nhận "âm thanh bất thường giống với một vụ nổ" ngay sau khi tàu Titan mất liên lạc.

    Mới đây một quan chức cấp cao của Hải quân Mỹ nói với WSJ rằng: “Hải quân Mỹ đã phân tích dữ liệu âm thanh và phát hiện ra sự bất thường trùng khớp với một vụ nổ ở khu vực lân cận nơi tàu lặn Titan được ghi nhận trước khi mất liên lạc”.

    Giới chức quốc phòng không cung cấp thêm thông tin liên quan đến hệ thống bí mật này và yêu cầu giữ bí mật vì lo ngại an ninh quốc gia. Có thông tin cho rằng hệ thống này được sử dụng để giám sát tàu ngầm.

    cong nghe hien dai nao cua my giup phat hien vu no tau titan 1
    Tàu Titan được Lực lượng Tuần duyên Mỹ xác nhận đã nổ tung và toàn bộ 5 người trên khoang thiệt mạng. Ảnh: Reuters

    Tiết lộ mới được đưa ra vài giờ sau khi Lực lượng Tuần duyên Mỹ xác nhận tàu lặn Titan đã nổ tung và toàn bộ 5 người trên khoang thiệt mạng. Giới chức đã tìm thấy các mảnh vỡ của tàu lặn ở các vị trí nằm cách mũi tàu Titanic khoảng 487 mét, dưới độ sâu 4.000 mét ở Bắc Đại Tây Dương.

    Insider dẫn nguồn từ một chuyên gia về tàu ngầm quân sự cho biết đây nhiều khả năng là Hệ thống giám sát tích hợp dưới biển (IUSS), một phần trong bộ công nghệ theo dõi hoạt động dưới biển trong nhiều thập kỷ qua của nước Mỹ.

    Kể từ những năm đầu của Chiến tranh Lạnh, khi những lo ngại về khả năng tàu ngầm bị phá hoại, Mỹ đã giám sát liên tục khu vực Đại Tây Dương và Thái Bình Dương bằng một loạt hệ thống dưới nước nằm rải rác dưới đáy đại dương.

    Insider cho biết hệ thống này lần đầu tiên được xây dựng vào đầu những năm 1950 với tên gọi Hệ thống giám sát âm thanh dưới nước (SOSUS).

    Ban đầu, việc lắp đặt các hệ thống thu âm dưới nước của SOSUS dưới đáy biển được bán ra với mục đích nghiên cứu hải dương học. Tuy nhiên, mục đích thực sự của các cảm biến âm thanh này là phát hiện sự hiện diện và giúp nước Mỹ theo dõi tàu ngầm của Liên Xô.

    “Các thành phần của hệ thống SOSUS mà họ từng chế tạo trong Chiến tranh Lạnh vẫn còn tồn tại", Bryan Clark, một cựu thủy thủ tàu ngầm và hiện là chuyên gia quốc phòng tại Viện Hudson nói với Insider.

    Trong một báo cáo gần đây về hoạt động quân sự dưới biển, Clark tiết lộ vào cuối Chiến tranh Lạnh, Hải quân Mỹ đã tăng cường thêm cho hệ thống SOSUS bằng đội tàu thuộc Hệ thống cảm biến mảng kéo giám sát (SURTASS), tạo ra một hệ thống tân tiến hơn hiện được gọi là IUSS.

    Mặc dù hệ thống IUSS đã được công khai rộng rãi, nhưng vị trí chính xác của một số cảm biến và các thành phần của hệ thống này vẫn là thông tin tối mật.

    Tuy nhiên, theo thông tin vị trí được giải mật từ những năm 1970 cho thấy các bộ phận cảm biến của SOSUS được bố trí ngoài khơi bờ biển phía Đông và phía Tây của nước Mỹ, gần các căn cứ tàu ngầm.

    cong nghe hien dai nao cua my giup phat hien vu no tau titan 4
    Mạng lưới cảm biến bí mật dưới lòng biển, vốn để theo dõi tàu ngầm đối thủ, đã phát hiện "âm thanh bất thường giống với một vụ nổ" ngay sau khi tàu Titan mất liên lạc. Ảnh: DVIDS.

    Hiện chưa rõ liệu Titan có phát nổ cùng thời điểm giới chức mất liên lạc với con tàu hay không.

    Tàu lặn Titan chở theo 5 hành khách trên khoang đã mất tích vào ngày 18/6 trong chuyến thám hiểm xác tàu Titanic chìm dưới đáy biển.

    Ngay trước cuộc họp báo của Lực lượng Tuần duyên Mỹ, OceanGate – Công ty vận hành tàu lặn Titan – đã tuyên bố rằng không còn ai sống sót trong sự cố, trong đó có người sáng lập và giám đốc điều hành công ty, Stockton Rush. Ông Rush là người vận hành tàu.

    Các hành khách còn lại là tỷ phú và nhà thám hiểm người Anh Hamish Harding 58 tuổi, doanh nhân gốc Pakistan Shahzada Dawood 48 tuổi cùng con trai Suleman19 tuổi, đều là công dân Anh, nhà hải dương học quốc tịch Pháp kiêm chuyên gia nổi tiếng về tàu Titanic Paul-Henri Nargeolet, 77 tuổi. Ông Nargeolet đã đến thăm xác tàu hàng chục lần.

    Công ty OceanGate cho hay: “Họ là những nhà thám hiểm thực thụ, có chung tinh thần phiêu lưu và đam mê với khám phá, bảo vệ các đại dương trên thế giới. Trái tim chúng tôi hướng về họ và gia đình họ trong thời gian bi thương này”.

    Theo Chuẩn đô đốc Mauger, đội tìm kiếm cùng tàu sẽ sớm rời hiện trường sau chiến dịch đa quốc gia kéo dài 4 ngày, song các thiết bị tự hành vẫn tiếp tục thu thập bằng chứng dưới đáy biển. Hiện không rõ liệu có thể trục vớt các thi thể nạn nhân lên hay không, do tính chất của vụ tai nạn và điều kiện khắc nghiệt ở độ sâu đó.

    Thùy Dung (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cong-nghe-hien-dai-nao-cua-my-giup-phat-hien-vu-no-tau-titan-a580273.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan