+Aa-
    Zalo

    Dân vạ vật sống trong cảnh “nhà ngói đói hơn nhà tranh”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Niềm vui phấn khởi của người dân ở xã Đức An, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) khi được sống trong ngôi nhà mới chưa được bao lâu thì nay họ đã phải còng lưng trả nợ.

    (ĐSPL) - Niềm vui phấn khởi của những người dân ở xã Đức An, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) khi được sống trong ngôi nhà mới vừa xây xong chưa được bao lâu thì nay đã phải còng lưng trả nợ.

    Thời gian vừa qua, một số hộ dân ở xã Đức An, huyện Đức Thọ liên tục lên tiếng kêu than đòi quyền lợi khi nghe lời chính quyền UBND xã khuyến khích, vận động xây nhà để được nhận hỗ trợ từ Nhà nước. Để rồi đến lúc, chật vật chạy vạy xây xong nhà thì mãi chẳng thấy tiền trợ cấp từ xã đâu khiến họ phải sống trong cảnh nợ nần chồng chất.

    Về thăm xã Đức An, huyện Đức Thọ vào những ngày mà không khí đón Tết đang cận kề, chúng tôi mới cảm nhận được nỗi lo toan đang bám riết lấy họ từng ngày.

    Bà Nguyễn Thị Hạnh (50 tuổi), trú tại thôn Hạ Tiến, xã Đức An, huyện Đức Thọ kể lại với giọng ấm ức: “Gia đình tôi vốn nghèo khổ, nghe tin xã khuyến khích xây nhà sẽ có tiền hỗ trợ, tôi vui lắm nên đã về vay mượn anh em, xóm làng ít tiền xây nhà. Xây xong, đợi đến cuộc họp tổng kết năm 2012, tôi có nhắc đến chuyện tiền thì họ nói tiền không có nữa, thanh toán hết rồi. Đã thế, xây nhà xong họ cắt hẳn hộ nghèo của tôi khiến tôi không còn được nhận tiền trợ cấp hàng tháng nữa. Một thân một mình, đến tiền ăn còn lần không ra thì biết lấy gì trả nợ đây. Thà tôi ở nhà tranh vách đất ít ra còn sướng hơn bây giờ”.

    Ngôi nhà mới của bà Nguyễn Thị Hạnh

    Tiếp chuyện chúng tôi, bà Nguyễn Thị Đào, hàng xóm nhà bà Hạnh cho biết thêm: “Bà Hạnh có tuổi rồi, sống lầm lũi một thân một mình. Việc xây nhà, xã đâu phải chỉ thông báo qua cuộc họp, tôi còn nhớ hội trưởng hội phụ nữ của xã và chủ tịch mặt trận xã còn đến tận nhà bà Hạnh bảo làm nhà nên bà ấy mới làm đấy chứ. Xây được cái nhà, xã cũng không giúp đỡ cho được hòn ngói nào còn đổ lỗi do bà Hạnh không làm tờ trình đàng hoàng. Bà ấy vốn có được học hành gì, chữ nghĩa không biết ít ra họ phải chỉ dẫn cặn kẽ chứ”.

    Nhìn những ngôi nhà được xây đắp bằng các lớp xi – măng kiên cố, ai cũng nghĩ cuộc sống của người dân nơi đây đang dần khấm khá lên. Nhưng đó chỉ là lớp vỏ bọc bên ngoài, khi bước vào trong nhà mới thấy rõ họ chẳng có bất cứ thứ tài sản nào được coi là có giá trị.

    Cùng chung cảnh ngộ, bà Tống Thị Thanh (75 tuổi), trú tại xóm 1, thôn Hạ Tiến, xã Đức An chia sẻ: “Nhà tôi thuộc diện hộ nghèo, trước sống trong căn nhà ba gian dột nát, xập xệ lắm chứ không được cứng cáp như bây giờ. Nhưng để xây được cái nhà này, con trai tôi phải chạy vạy khắp nơi, vậy mà xã chẳng hỗ trợ được đồng nào. Là hộ nghèo mà tiền trợ cấp hàng tháng thất thường, lúc có lúc không chẳng đủ ăn. Khổ lắm”.

    Được biết, dựa theo Quyết định 167 của Chính phủ về hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, vào tháng 10/2012, cán bộ xã Đức An về tận nhà dân khảo sát và thông báo có chương trình hỗ trợ làm nhà ở cho các gia đình hộ nghèo. Gia đình nào hoàn thành sớm, sẽ nhận được tiền hỗ trợ, nên khi cảm thấy căn nhà của mình đã quá điêu tàn, không còn cầm cự được bao lâu, nhiều hộ dân đã “nhắm mắt làm liều”, vay mượn tiền bạc xây dựng nhà với mong muốn xã sẽ hỗ trợ cho phần nào thỏa đáng. Nhưng rốt cục, sau những thông báo, vận động, xã tỏ ra bàng quan, làm ngơ để dân tự ôm nợ vào mình rồi tự hỏi: Tại sao lại bị loại khỏi danh sách hộ nghèo trong khi cuộc sống của họ đang ngày một khốn cùng?

    Một trong 7 loại giấy tờ xã yêu cầu các hộ nghèo phải trình nộp

    Để làm rõ vấn đề, chúng tôi đã trực tiếp tìm gặp ông Bùi Đình Hưởng, Chủ tịch MTTQ xã Đức An, huyện Đức Thọ. Qua trao đổi, ông Hưởng chia sẻ: “Vụ việc vừa qua, chúng tôi hiện tại cũng chỉ mới nghe phong thanh qua báo chí và một số tin từ dưới thôn chứ chưa nhận được sự phản ánh hay bất cứ đơn kiến nghị nào từ dân.

    Hàng năm, xã có chủ trương khảo sát các hộ dân thuộc diện hộ nghèo. Hộ gia đình nào hoàn cảnh quá khó khăn, xuống cấp trầm trọng thì xã mới xét và lên danh sách gửi lên, sau đó mới nhận được nguồn hỗ trợ. Các hộ dân muốn được hỗ trợ cần phải làm đầy đủ giấy tờ, thủ tục báo cáo để thôn báo với xã, xã báo với huyện rồi xét duyệt hộ nào được, lúc ấy mới thống nhất để chờ nguồn của trên chứ nguồn địa phương thì không có. Các hộ dân làm xong nhà lúc ấy mới nghiệm thu. Về phía dân, khi họ nghe tin khảo sát được hỗ trợ, thì vui mừng nên đã về tự ý xây nhà mà không báo cáo lên xã nên chúng tôi không thể đứng ra chịu trách nhiệm”.

    Khi nhắc đến vấn đề, vì sao các hộ dân bị gạch khỏi danh sách hộ nghèo, ông Lê Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Đức An giải thích: “Trên huyện về làm việc có nói, nhà nào đã tự ý xây nhà thì sẽ không nhận được tiền hỗ trợ cũng như suất hộ nghèo đó sẽ được dành cho những nhà có hoàn cảnh khó khăn hơn”.

    Việc khuyến khích nhân dân xây dựng nhà cửa để nhận tiền hỗ trợ từ Chính phủ là một việc làm đúng đắn. Tuy nhiên, do sự hời hợt, thiếu trách nhiệm, không chỉ dẫn tận tình của cán bộ xã không những không giúp dân thoát cảnh đói nghèo mà còn vô tình đẩy họ vào cảnh bần cùng cơ cực. Người dân nghèo, vốn ít học, thật thà, chân chất chỉ biết đặt hết lòng tin vào chính quyền địa phương mà chẳng hề hấn rằng, liệu sự tin tưởng của mình đã được đặt đúng chỗ hay chưa?

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dan-va-vat-song-trong-canh-nha-ngoi-doi-hon-nha-tranh-a80949.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan