+Aa-
    Zalo

    Dịch vụ nói chuyện với thú cưng gây sốt tại Trung Quốc

    (ĐS&PL) - Tại Trung Quốc, nhiều người đang tìm đến những người có thể nghe được tiếng nói động vật, qua đó để tìm hiểu mong muốn của thú cưng trong gia đình.

    Vài năm trước, chú chó Bobby của Fu - một kỹ sư 34 tuổi phụ trách các việc liên quan đến hệ thống sưởi ấm - được chẩn đoán mắc chứng đông máu. Tình trạng Bobby xấu đi nhanh chóng chỉ trong vòng 2 tháng. Đến khi nhận ra mình không còn có thể làm gì để cứu mạng chú chó nhỏ, tìm đến bác sĩ thú y cũng không hiệu quả.

    Cô tìm đến bác sĩ thú y nhưng không được kết quả gì. Một người bạn giới thiệu cô với một "nhà ngoại cảm thú cưng" - người được cho là có năng lực giao tiếp với động vật.

    dich vu noi chuyen voi thu cung gay sot tai trung quoc 4
    Dịch vụ nói chuyện với thú cưng gây sốt tại Trung Quốc. Ảnh: Sixth Tone.

    Theo trang Sixth Tone, mặc dù không có bằng chứng khoa học nào cho thấy người "nói chuyện với thú cưng" thực sự có thể giao tiếp với động vật, nhưng một số người cho rằng dịch vụ này đã giúp họ vượt qua được nỗi đau vì sự ra đi của người bạn nhỏ.

    Những người làm nghề này khá phổ biến ở Đài Loan và đang bùng nổ ở Trung Quốc khi Tân Hoa Xã đưa tin về một doanh nhân Đài Loan thành công với mô hình kinh doanh tâm linh thú cưng. Theo nền tảng phân tích dữ liệu Newrank, dịch vụ này ngày càng thu hút sự chú ý với hơn 2.200 bài liên quan với gần 1 triệu lượt xem được đăng tải trên mạng xã hội Xiaohongshu.

    Cô Fu tìm đến Bei Li - Giám đốc điều hành của Liên minh Truyền thông Động vật Châu Á (AACA) và được xem là người giỏi nhất trong ngành. Liên minh này được thành lập vào năm 2020 và hiện đã có hơn 100 “nhà ngoại cảm” hay còn gọi là “người giao tiếp động vật” đến từ nhiều quốc gia như: Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore… đăng ký tham gia.

    Những nhà ngoại cảm này tuyên bố có thể giao tiếp với thú cưng chỉ bằng một bức ảnh và một cái tên. Trong cuộc nói chuyện qua điện thoại, Bei nói với Fu rằng Bobby không muốn trở thành một phần của gia đình cô ở "kiếp sau" vì muốn sống cuộc sống của riêng mình.

    dich vu noi chuyen voi thu cung gay sot tai trung quoc 1
    Dịch vụ nói chuyện với thú cưng gây sốt tại Trung Quốc. Ảnh: SCMP.

    "Đó chính xác là những gì Bobby sẽ nói", Fu giải thích rằng nó lớn lên trong một nhà máy và thường ở một mình. Bei cũng nói với Fu rằng Bobby muốn cô mặc một chiếc áo len màu tím trong đám tang của nó - chiếc áo cô tình cờ sở hữu.

    "Tôi từng nuôi nhiều thú cưng. Loại dịch vụ này là cách tốt hơn để tôi chấp nhận thực tế đau khổ khi chúng đột ngột qua đời", Fu nói.

    Carolyn Zhang (24 tuổi) cũng đồng ý với điều này. Cô đã sử dụng dịch vụ "nói chuyện với thú cưng" khi đang gặp vấn đề về sức khoẻ tâm thần vì cho rằng việc giao tiếp với chú mèo cưng còn tốt hơn điều trị bằng thuốc. Sau đó, Carolyn cũng giới thiệu dịch vụ cho bạn của mình. 

    Theo Bei Li, dịch vụ của họ mang tính khoa học và dựa trên việc phát triển “nhận thức ngoại cảm”. Tổ chức AACA cấp giấy phép cho những người vượt qua kỳ thi chính thức khi trả lời đúng 70% số câu hỏi, trong đó thí sinh phải trả lời các câu hỏi về thú cưng chỉ dựa trên ảnh và tên của chúng. 

    Đây là một công việc kinh doanh sinh lời cao. Khóa học ngoại tuyến có giá lên tới 17.800 tệ (gần 60 triệu đồng) trong ba ngày; khóa học trực tuyến có giá 14.800 tệ (gần 50 triệu đồng). Trong khi đó, hầu hết các nhà tâm linh được cấp phép đều tính phí cho khách hàng khoảng 300 tệ trong 30 phút. Bei, người tính phí 400 tệ, đã có 3.250 đơn đặt hàng. Đắt nhất là một CEO khác của tổ chức, tính phí 888 tệ và đã có 731 đơn đặt hàng cho đến nay.

    Tính đến năm 2022, số lượng thú cưng ở Trung Quốc đã đạt con số 116 triệu, những người nuôi thú cưng cũng trở nên hào phóng hơn trong việc chi tiền cho thú cưng. Tuy nhiên, sự tăng trưởng liên tục của ngành này cũng kéo theo nhiều vấn đề, nhiều người lên tiếng phản đối nhiều dịch vụ vô lý cho thú cưng trong đó có việc “ngoại cảm”.

    Dịch vụ "nói chuyện với thú cưng" cũng bị phản ứng dữ dội khi một thành viên của Hiệp hội công nghiệp thú cưng Trung Quốc tố cáo trên các phương tiện truyền thông vào đầu tháng 9. Một số cư dân mạng gọi đó là một dạng "thuế IQ" - thuật ngữ tiếng lóng chỉ việc trả tiền cho những điều ngu ngốc.

    Đáp lại sự hoài nghi, Bei Li cho rằng “việc mọi người bị thu hút bởi một ngành nghề mới phát triển là điều hết sức bình thường”, đồng thời, cô nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng các quy tắc trong ngành. Do tính chất ngành nghề còn non trẻ nên chính quyền vẫn chưa thiết lập các quy tắc rõ ràng cho nó và cả những người làm nghề. 

    Như Quỳnh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dich-vu-noi-chuyen-voi-thu-cung-gay-sot-tai-trung-quoc-a591819.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan