+Aa-
    Zalo

    Độc đáo lễ cúng ruộng của người Churu

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Lễ hội Mơ nhum ha ma (lễ cúng ruộng) của người Churu ở xã Tà Năng, huyện Đức Trọng là một sinh hoạt văn hóa truyền thống mang tính cộng đồng cao.

    Lễ hội Mơ nhum ha ma (lễ cúng ruộng) của người Churu ở xã Tà Năng, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) là một sinh hoạt văn hóa truyền thống mang tính cộng đồng cao do đồng bào Chu ru trong các buôn làng chủ động tổ chức mở hội và hành lễ.

    Là một cư dân nông nghiệp, chủ yếu là trồng lúa nước, cuộc sống của người Churu trước đây phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên, công cụ lao động thô sơ khiến họ gặp không ít khó khăn, từ đó nảy sinh tư tưởng thờ cúng thần linh. Họ cầu mong các siêu linh phù hộ, che chở cho cuộc sống được yên lành, mùa màng bội thu. Người Churu thờ các vị thần: thần lúa (Yàng Bdai), thần đập nước (Yàng Bơ Mung), thần nhà (Yàng ASắK). Họ cho rằng các vị thần có ảnh hưởng trực tiếp đến mùa màng và việc tiến hành các nghi lễ nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

    Mơ nhum ha ma là lễ hội lớn nhất tổ chức khi đã kết thúc chu kỳ sản xuất trong năm. Đối với người Churu ở xã Tà Năng, huyện Đức Trọng thì không phải gia đình nào cũng tổ chức lễ Mơ nhum ha ma hàng năm, mà phải được thầy cúng làm lễ hỏi thần linh cho phép gia đình nào thì gia đình đó mới được tổ chức. Người Churu tin rằng nếu không làm theo ý của thần linh thì dân làng sẽ bị phạt và gia đình sẽ gặp họa. Đây là một lễ hội lớn của người Churu nhằm mục đích tạ ơn thần linh, cầu an cho gia đình, dòng tộc và cả cộng đồng mong muốn mùa màng bội thu.

    Độc đáo lễ cúng ruộng của người Churu

    Thầy cúng đang hành lễ. Ảnh: B.N – P.N

     Thời gian diễn ra lễ hội

    Về thời gian tổ chức lễ hội Mơ nhum ha ma không cố định mà tuyệt đối phải được sự mách bảo của thần linh qua lời thầy cúng. Thường thì từ 10 đến 15 năm mới tổ chức một lần. Có gia đình đến 30 năm mới tổ chức. Lễ vật cũng không hoàn toàn giống nhau. Có gia đình thần đòi trâu đen nhưng cũng có gia đình thần trâu trắng. Thời điểm diễn ra vào khoảng tháng 2 tháng 3 dương lịch trong năm, sau khi mùa màng đã thu hoạch xong. Ngày nay, trong nông nghiệp do áp dụng trồng giống lúa ngắn ngày nên thường thu hoạch vào cuối tháng 11 đầu tháng 12, vì thế lễ hội thường tổ chức vào tháng 12 dương lịch trong 3 ngày 3 đêm (ngày nay rút lại còn 2 ngày 2 đêm).

    Các bước chuẩn bị cho lễ hội

    Sau khi lúa thu hoạch xong, chủ ruộng đã được thầy cúng báo trước là phải cúng Mơ nhum ha ma (Uống ruộng). Trước ngày lễ chính khoảng 20 ngày, gia đình bày một lễ vật gồm: 1 con gà, 2 nhánh chuối, 2 quả trứng gà, 1 chai rượu trắng cúng tại nhà chủ ruộng (cũng có trường hợp cúng tại nhà thầy cùng) với nội dung thông báo đến các thần linh ngày nào sẽ làm lễ cúng chính thức để thần linh không được đi đâu xa và cầu cho con cái trong thời gian này được khỏe chân, khỏe tay, được an toàn không bị tai nạn để chuẩn bị lễ cho thật tốt, đồng thời sẽ báo trước gia chủ phải cúng loại trâu to hay nhỏ, rượu bao nhiêu, gà bao nhiêu. Sau đó chủ ruộng phân công người đi vào rừng chặt cây cóc, lồ ô để làm cột gưng và cây nêu, phân công người dọn vệ sinh, phát quang đường ra ruộng, đào giếng lấy nước ở ruộng, mua sắm lễ vật..

    Ngày thứ nhất của lễ hội

    Buổi sáng ngày đầu tiên của lễ hội, gia đình và mọi người tiến hành dựng cây nêu, gói bánh nếp, làm chòi cúng ở ruộng. Tối ngày hôm đó, thầy cúng bắt đầu hành lễ với trang phục truyền thống, đầu đội khăn (có những họa tiết dành riêng chỉ có ở thầy cúng) cùng với một chiếc roi mây có gắn lục lạc, một lư đốt trầm (lơ ơ pui), một bình đựng nước thơm (pơ teh), một chén có hoa văn (choăt). Lễ được bày ra gồm 1 con gà, 8 nhánh chuối, 1 mâm gỗ nhỏ đựng cơm, bánh nếp, 1 bộ cồng chiêng được treo bên cạnh. Thầy cúng khấn với nội dung xin thần linh phù hộ cho con cháu được khỏe mạnh để lo cho ngày lễ được suôn sẻ, thời tiết được thuận hòa. Sau lễ cúng, mọi người trong gia đình và dân làng đánh cồng chiêng vui chơi tự do. Vào khoảng từ một đến hai giờ sáng, chủ nhà cùng với một số người trong gia đình và thầy cúng đem theo lễ vật gồm: 1 nhánh chuối, 1 trứng gà, 1 bầu rượu cần, 1 chai rượu trắng ra ruộng tiếp tục làm lễ. Trong lúc thầy cúng làm lễ, cả gia đình đi vòng quanh cây nêu 7 lần rồi quay về nhà. Suốt đêm hôm đó mọi người trong gia đình và dân làng cùng tụ tập vui chơi, nhảy múa, ca hát.

    Độc đáo lễ cúng ruộng của người Churu
    Gói bánh nếp và cơm lam chuẩn bị cho lễ hội Mơ nhum ha ma. Ảnh: B.N – P.N

    Ngày thứ hai của lễ hội

    Sáng ngày hôm sau (đây là ngày lễ chính), trước khi giết trâu, chủ ruộng chuẩn bị 1 con gà, 1 bầu rượu cần, 1 chai rượu trắng, 1 nhánh chuối, 1 trứng gà sống đem ra chọi ngoài ruộng. Thầy cúng làm lễ cúng mời ông bà về nhận trâu để phù hộ cho gia đình có sức khỏe, mùa màng được bội thu. Trong lúc thầy cúng làm lễ, thanh niên dắt trâu ra buộc vào cột Gưng nơi đã được trang trí, chuẩn bị cùng với cây nêu từ trước. Cột Gưng thường được dựng cách chòi cúng không xa (khoảng 10 đến 15 mét). Một thầy cúng khác khấn mời các thần về nhận trâu. Thường ở lễ này gồm có hai thầy cúng, một chính và một phụ. Lúc này trâu đã được buộc tại cột Gưng, 4 chân bị trói chặt. Chủ ruộng là người có quyền chỉ định ai trong dòng họ (mặc lễ phục truyền thống của người Churu) có quyền cắt cổ trâu. Ở lễ hội này người Churu không đâm trâu (họ chỉ đâm trâu ở lễ có người chết như tang ma hoặc lễ bỏ mả mà thôi). Giết trâu xong họ cắt lấy đầu trâu và cả bộ lòng để lên mâm gỗ, xẻ thịt trâu nấu chín mời thầy cúng tới làm lễ, sau đó chủ và khách cùng ăn uống, nhảy múa vui chơi.

    Sáng ngày hôm sau, gia chủ mổ đầu trâu lấy thịt đồng thời treo hàm trâu lên cây nêu cùng với một lễ vật nhỏ gồm: 1 trứng gà sống, 1 trứng gà chín và thịt đầu trâu nấu chín, một chóe rượu cần để thầy cúng làm lễ cúng với ý nghĩa tạ ơn thần linh vì công việc đã xong xuôi, mong thần linh phù hộ sang năm cho lúa nhiều. Sau đó họ mang toàn bộ đồ đạc ở ngoài đồng trở về nhà. Về nhà gia chủ lấy một quả trứng gà, một chai rượu trắng cúng cho những hạt gạo rơi vãi ngoài đồng, những thức ăn rơi vãi ngoài đồng quay trở về nhà của mình. Lễ hội kết thúc, mọi người ai về nhà nấy để nghỉ ngơi và tiếp tục chuẩn bị cho vụ mùa sau.

    Lễ hội Mơ nhum ha ma (lễ cúng ruộng) của người Churu ở xã Tà Năng, Đức Trọng trong dịp cuối năm thực sự là sinh hoạt văn hóa truyền thống mang tính cộng đồng cao do đồng bào Churu trong các buôn làng chủ động tổ chức mở hội và hành lễ. Họ thực sự là chủ thể tổ chức và hưởng thụ giá trị văn hóa do lễ hội mang lại. Các già làng, nghệ nhân văn hóa dân gian đóng vai trò chủ chốt có sự giao lưu với một số buôn và xã lân cận.

    Lễ hội Mơ nhum ha ma ngày nay được tổ chức vui tươi, dân dã, đoàn kết, tiết kiệm; không quá cầu kỳ và lạm dụng các hình thức sinh hoạt văn hóa mới lấn lướt văn hóa truyền thống, các hủ tục lạc hậu không phù hợp với nếp sống văn hóa mới đã được loại trừ. Nó thực sự là một nét đẹp văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Churu ở Lâm Đồng.

    C.P(theo Báo Lâm Đồng)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/doc-dao-le-cung-ruong-cua-nguoi-churu-a24426.html
    Bí ẩn về cây thị “cầu may” và lễ hội độc nhất vô nhị ở xứ Nghệ

    Bí ẩn về cây thị “cầu may” và lễ hội độc nhất vô nhị ở xứ Nghệ

    (ĐS&PL) - Từ xa xưa, người dân hai bản Na Ngốm và Nật Trên, xã Châu Hoàn, huyện Qùy Châu (Nghệ An) xem cây thị như một vị thần che chở trong những năm chiến tranh loạn lạc. Họ vẫn truyền miệng cho nhau nghe những câu chuyện kỳ bí về thị. Để cảm ơn vị thần Thị, họ đã lập bàn thờ ngay dưới gốc cây và tổ chức lễ hội tạ ơn mỗi năm. Hàng trăm năm trôi qua, lễ hội độc đáo ấy vẫn được tổ chức, trở thành nét đẹp truyền thống của người dân nơi đây.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Bí ẩn về cây thị “cầu may” và lễ hội độc nhất vô nhị ở xứ Nghệ

    Bí ẩn về cây thị “cầu may” và lễ hội độc nhất vô nhị ở xứ Nghệ

    (ĐS&PL) - Từ xa xưa, người dân hai bản Na Ngốm và Nật Trên, xã Châu Hoàn, huyện Qùy Châu (Nghệ An) xem cây thị như một vị thần che chở trong những năm chiến tranh loạn lạc. Họ vẫn truyền miệng cho nhau nghe những câu chuyện kỳ bí về thị. Để cảm ơn vị thần Thị, họ đã lập bàn thờ ngay dưới gốc cây và tổ chức lễ hội tạ ơn mỗi năm. Hàng trăm năm trôi qua, lễ hội độc đáo ấy vẫn được tổ chức, trở thành nét đẹp truyền thống của người dân nơi đây.