+Aa-
    Zalo

    Dư luận chấn động vụ con trai sát hại bố mẹ ruột: Động cơ nào khiến nghịch tử nhẫn tâm ra tay?

    (ĐS&PL) - Vụ án từng gây xôn xao dư luận Hong Kong (Trung Quốc), thậm chí đã được dựng thành phim.

    Con trai nhẫn tâm sát hại bố mẹ ruột

    Cách đây đúng 10 năm, một vụ án mạng ở Hong Kong (Trung Quốc) từng gây bàng hoàng dư luận. Theo đó, ông Glory Chau Wing-ki (65 tuổi) và vợ là bà Moon Siu Yuet-yee (63 tuổi) bị sát hại tại khu dân cư Tai Kok Tsui ở Hong Kong vào 1/3/2013.

    Hung thủ không phải ai xa lạ mà chính là con trai út của đôi vợ chồng, tên Henry Chau Hoi-leung (29 tuổi tại thời điểm xảy ra án mạng).

    Được biết, Chau đã cùng một người bạn tên Angus Tse Chun-kei (35 tuổi) lên kế hoạch sát hại bố mẹ mình trong hơn 3 tháng. Cả hai tiến hành mua dao, tủ lạnh, lò vi sóng và nồi cơm điện để chờ thời cơ gây án.

    Theo băng ghi hình từ các camera an ninh hôm 1/3/2013, vợ chồng nạn nhân đã đi vào một ngôi nhà ở khu vực Tai Kok Tsui cùng Chau. Đó là lần cuối cùng cả hai được nhìn thấy.

    Khoảng 20 phút sau, Chau rời khỏi ngôi nhà này một mình và tới một bệnh viện để chữa trị một vài vết rách trên hai tay, mà cơ quan công tố cho là do hậu quả của việc giằng co với bố mẹ anh ta.

    du luan chan dong vu con trai sat hai bo me ruot dong co nao khien nghich tu nhan tam ra tay
    Cảnh sát áp giải Hery Chau Hong-leung đến phiên tòa xét xử.

    Xuất hiện tại tòa, Chau Hoi-ying (35 tuổi, anh trai của Henry Chau Hoi-leung) kể lại, ngày 5/3/2013, anh đã gặng hỏi em trai xem bố mẹ đang ở đâu thì Chau nói rằng hai người đi du lịch và điện thoại của họ bị hết pin.

    Do quá sốt ruột nên Chau Hoi-ying gọi điện cho người thân, bạn bè của gia đình nhưng đều không có thông tin gì về bố mẹ. Tới ngày 9/3/2013, anh quyết định làm đơn trình báo cảnh sát.

    Ngày 12/3/2013, hai anh em Chau Hoi-ying nhận được thông tin từ cảnh sát rằng không có hồ sơ xuất cảnh nào về việc bố mẹ họ rời khỏi Hong Kong. Ngay hôm sau, Chau Hoi-ying cùng em trai đến nhật báo Apple Daily và thông báo họ không nhận được tin tức gì từ bố mẹ kể từ 2/3/2013.

    Thời điểm đó, Chau nói rằng trước khi mất tích, bố mẹ bảo họ dự định đến Trung Quốc đại lục để du lịch. Sau đó, hai anh em tạo một trang Facebook có tiêu đề “Bố mẹ mất tích của tôi” và hỏi mọi người về tung tích của bố mẹ mình. Tờ Apple Daily cũng đăng tải bài viết về nỗ lực tìm kiếm bố mẹ mất tích của anh em Chau.

    Ngày 14/3/2013, Chau được mời đến đồn cảnh sát để thẩm vấn thêm. Trong cuộc thẩm vấn của cảnh sát, Chau nhắn tin cho bạn bè trong nhóm chat WhatsApp mang tên “HK-Tekken” và thú nhận hành vi phạm tội, thậm chí còn mô tả chi tiết và lý do giết người.

    XEM THÊM: Những vụ giết người phi tang chấn động (kỳ 6): 2 khối bê tông tố cáo tội ác của 4 người phụ nữ

    Những vụ giết người phi tang chấn động (kỳ 5): Bác sĩ sát hại vợ mới cưới, phi tang xác xuống sông Bằng Giang

    Ngày 15/3/2013, cảnh sát khám xét căn hộ của Chau ở số 38 phố Fuk Chak (Tai Kok Tsui) và phát hiện một số phần thi thể của hai nạn nhân trong tủ lạnh. Ngoài ra, họ tìm được những ghi chú về kế hoạch sát hại bố mẹ của Chau được lập từ tháng 10/2012.

    Cùng ngày, Chau và Tse đã bị cảnh sát bắt giữ. Trong quá trình thẩm vấn và điều tra thêm, Chau khai rằng anh ta và Tse đã phối hợp tấn công vào thời điểm ông Glory Chau Wing-ki cùng bà Moon Siu Yuet-yee đến phòng khách.

    Chi tiết quá trình sát hại và phi tang thi thể hai nạn nhân khiến ai nấy rợn người. Chau đã trở lại hiện trường vụ án 4 ngày sau vụ việc. Anh ta mô tả vai trò của mình trong vụ án là “chỉ giết người”, trong khi Tse là người phân xác.

    Động cơ nào khiến nghịch tử xuống tay với bố mẹ?

    Bạn bè của Chau kể anh ta “sống trong thế giới riêng” từ khi còn nhỏ. Theo người bạn quen biết nhiều năm, Chau rất oán giận bố mẹ vì họ bắt anh ta học piano khi còn là học sinh tiểu học.

    Ở trường cấp hai, Chau học yếu do vấn đề cảm xúc, khó hòa đồng với các bạn cùng lớp và trượt Kỳ thi Chứng chỉ giáo dục Hong Kong. Sau đó, bố mẹ sắp xếp cho Chau sang Australia du học.

    Trong khoảng thời gian ở Australia, Chau nhiều lần bị phân biệt đối xử, bị bắt nạt. Sau khi trở lại Hong Kong vào năm 2003, Chau không bày tỏ suy nghĩ của mình với bạn bè, sống tương đối khép kín.

    Nói về em trai, Chau Hoi-ying cho hay: “Mặc dù là anh em trai nhưng chúng tôi rất ít nói chuyện với nhau. Khi còn sống, mẹ tôi nói rằng, em trai tôi có một “vấn đề gì đó không bình thường” trong đầu và mẹ luôn cố gắng để kéo Henry “ra khỏi bóng tối”. Henry đã sống trong thế giới riêng của mình, suy nghĩ theo cách riêng và cho rằng thế giới nợ mình nhiều thứ”.

    Chau Hoi-ying cũng chia sẻ, có lẽ em trai anh luôn bị ám ảnh vì trận đòn khi lên 5 - 6 tuổi và cảm thấy căm ghét mọi người từ thời điểm đó.

    du luan chan dong vu con trai sat hai bo me ruot dong co nao khien nghich tu nhan tam ra tay2
    Hai chiếc tủ lạnh nơi phát hiện một số bộ phận thi thể nạn nhân. Ảnh: Daily Mail

    Trong khi đó, có mặt tại tòa với tư cách là người làm chứng, Siu Wing-kwan - em họ của Chau cho biết, cô và Chau đã có cuộc trò chuyện vào đêm trước khi cảnh sát bắt giữ anh ta.

    “Anh ấy nói rằng, anh đã nghĩ đến việc đi du lịch và giết hại một ai đó. Chau từng nói với tôi, anh ấy dự kiến sẽ kết thúc cuộc sống của mình trước 30 tuổi nhưng sau khi gặp một người có tên là “Ah Kei”, Chau đã thay đổi ý định và muốn giết người khác.

    Chau không muốn sống vì anh không đồng quan điểm với cha mẹ - những người kỳ vọng quá nhiều về anh trong khi anh không thể thực hiện những mong muốn đó. Chau cũng ghét anh trai vì anh trai thường xuyên đánh Chau mỗi khi bị bố mắng”, Siu nhớ lại.

    Trước bồi thẩm đoàn, Chau nói bố là người kiêu ngạo đã bỏ rơi mình, khiến bản thân “không một phút bình yên”, trong khi mẹ “luôn tỏ vẻ buồn bã” khi anh ta “không đóng góp được gì cho gia đình”. “Nếu họ chết, tôi có thể được tái sinh”, Chau nói.

    Chau đổ lỗi cho bố mẹ về những thất bại trong cuộc sống, như việc bố làm xao lãng việc học của anh ta bằng cách xem TV với âm lượng lớn, hay mẹ ép anh tập piano và có lời nói không hay với anh ta trước mặt một cô gái.

    XEM THÊM: Tạm giữ hình sự người đàn ông ở Đồng Nai hành hạ dã man con trai ruột

    Về Tse, anh có bố là người dân tộc Macan ở Macao (Trung Quốc). Một người bạn của Tse cho hay Tse hiền lành, trong sáng, từng hẹn hò với em gái của người bạn.

    Sau đó, Tse tới New Zealand, gặp một người phụ nữ nhưng bị cô này lừa hết tiền. Trở về Hong Kong năm 2010, Tse cố tự tử ba lần tại nhà bằng cách đốt than, uống thuốc diệt chuột và nuốt thủy ngân nhưng bất thành.

    Em gái Tse về nhà kịp thời, cứu được Tse. Tuy nhiên, Tse bị tổn thương não vĩnh viễn, việc tiếp thu thông tin bị chậm lại, trí nhớ kém đi. Sau này, tâm lý của Tse trở nên không ổn định.

    Quá trình xét xử vụ án

    Tòa bắt đầu phiên xét xử đầu tiên vào 4/8/2014. Bồi thẩm đoàn ban đầu gồm 7 người rồi giảm xuống còn 6 người trong tuần lấy lời khai đầu tiên. Ngay sau đó, một thành viên bồi thẩm đoàn khác xin miễn nhiệm do căng thẳng tâm lý.

    Ngày 13/8/2014, phó thẩm phán Michael Stuart-Moore tuyên bố, việc xét xử sẽ được bắt đầu lại với một bồi thẩm đoàn mới gồm 9 người. Phiên tòa được tiếp tục vào tháng 2/2015.

    Trong suốt quá trình xét xử, luật sư bào chữa cho Chau tranh luận trên cơ sở giảm nhẹ trách nhiệm do tinh thần không ổn định. Phía công tố lại nhấn mạnh việc lên kế hoạch tỉ mỉ của Chau và nhiều lời thú tội của anh ta.

    Ngày 9/3/2015, luật sư bào chữa Nicholas Adams gọi bác sĩ tâm thần Chung Ka-fai ra tòa. Bác sĩ Chung chẩn đoán Chau mắc chứng rối loạn lưỡng cực và rối loạn ám ảnh cưỡng chế, đồng thời tiết lộ anh ta nhiều lần có ý định tự tử sau khi bỏ học đại học, bị phụ nữ từ chối và thất nghiệp.

    Lui Sing-Heung - Chuyên gia tư vấn của Trung tâm Tâm thần Siu Lam, đã kiểm tra IQ cho Chau và Tse. Chỉ số IQ của Chau được phát hiện là 126, cao hơn mức trung bình, trong khi chỉ số IQ của Tse là 84.

    Đối với người bình thường, chỉ số IQ nằm trong khoảng từ 85-115. Chuyên gia Lui lập luận rằng, Chau có chỉ số IQ cao hơn Tse nên có thể đã thao túng và buộc Tse vào tội giết người.

    du luan chan dong vu con trai sat hai bo me ruot dong co nao khien nghich tu nhan tam ra tay1
    Tse Chun-kei bị kết án 1 năm tù nhưng do đã bị tạm giam 2 năm nên được thả ngay tại tòa. Ảnh: EuroPics

    Ngày 20/3/2015, bản án được thông qua. Phó thẩm phán Michael tuyên bố Chau phạm tội giết người kép, phải chịu án tù chung thân, còn Tse bị kết án một năm tù vì ngăn cản việc chôn cất thi thể. Tuy nhiên, do Tse đã bị tạm giam hai năm nên anh ta được thả ngay tại tòa.

    Vụ án nói trên đã được dựng thành 2 tập của bộ phim truyền hình “Stained” (ra mắt năm 2017) do Fox Networks Group Asia sản xuất và Patrick Kong đạo diễn; phim truyện “OMG, Your Honor” (khởi chiếu trên TVB năm 2018).

    Ngoài ra, vụ án được dựng thành phim năm 2022 “The Sparring Partner”, do Ho Chuek-Tin đạo diễn. Phim được công chiếu lần đầu tại Liên hoan Phim quốc tế Hong Kong lần thứ 46 và ra rạp từ ngày 27/10/2022.

    Mức án đối với tội Giết người ở Việt Nam

    Căn cứ tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về tội giết người như sau:

    Tội Giết người

    1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

    a) Giết 02 người trở lên;

    b) Giết người dưới 16 tuổi;

    c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

    d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

    đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

    e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

    g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

    h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

    i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

    k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

    l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

    m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

    n) Có tính chất côn đồ;

    o) Có tổ chức;

    p) Tái phạm nguy hiểm;

    q) Vì động cơ đê hèn.

    2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

    3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

    4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

    Đinh Kim(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/du-luan-chan-dong-vu-con-trai-sat-hai-bo-me-ruot-dong-co-nao-khien-nghich-tu-nhan-tam-ra-tay-a596508.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan