+Aa-
    Zalo

    Dự thảo Thông tư mới về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo dự thảo Thông tư mới về bảo lãnh ngân hàng, ngân hàng diện kiểm soát đặc biệt ở giai đoạn áp dụng can thiệp sớm với ngân hàng thương mại theo quy định tại Luật các Tổ chức tín dụng vẫn có thể bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.

    Ngân hàng Nhà nước cho biết đang lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 07/2015 ngày 25/6/2015 và Thông tư 13/2017 ngày 29/9/2017 quy định về bảo lãnh ngân hàng.

    ngan hang dien kiem soat dac biet co the bao lanh du an nha o hinh thanh trong tuong lai dspl
    Dự thảo Thông tư mới về bảo lãnh ngân hàng, trong đó có quy định về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai. Ảnh minh họa: Dân Trí

    Trong dự thảo thông tư mới, một nội dung đáng chú ý là bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.

    Cụ thể, ngân hàng thương mại được thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai là ngân hàng thương mại được phép hoạt động bảo lãnh ngân hàng; không bị cấm thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trong giai đoạn bị kiểm soát đặc biệt trong giai đoạn áp dụng can thiệp sớm với ngân hàng thương mại theo quy định tại Luật các Tổ chức tín dụng.

    Như vậy, ngân hàng thương mại bị kiểm soát đặc biệt vẫn có thể bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai nếu không bị cấm thực hiện trong giai đoạn bị kiểm soát đặc biệt.

    Ngân hàng thương mại xem xét, quyết định cấp bảo lãnh cho chủ đầu tư khi chủ đầu tư có đủ các điều kiện quy định (trừ trường hợp ngân hàng thương mại bảo lãnh cho chủ đầu tư trên cơ sở bảo lãnh đối ứng); dự án của chủ đầu tư đáp ứng đủ các điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh theo quy định tại Điều 55 Luật kinh doanh bất động sản.

    Theo dự thảo, trình tự thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai gồm: căn cứ đề nghị của chủ đầu tư hoặc bên bảo lãnh đối ứng, ngân hàng thương mại xem xét, thẩm định và quyết định cấp bảo lãnh cho chủ đầu tư;

    Ngân hàng thương mại và chủ đầu tư ký hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định tại Điều 56 Luật kinh doanh bất động sản và quy định tại khoản 14 Điều 3, Điều 15 Thông tư này, trong đó có nội dung quy định nghĩa vụ bảo lãnh của ngân hàng thương mại đối với bên mua chỉ phát sinh sau khi bên mua nhận được cam kết bảo lãnh do ngân hàng thương mại phát hành cho bên mua...

    Trước đó, theo Ngân hàng Nhà nước, Thông tư 07/2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 13/2017 với nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu liên quan đến bảo lãnh trong bán, cho thuê, mua nhà ở hình thành trong tương lai.

    Tuy nhiên trong quá trình thực hiện 2 thông tư trên có phát sinh một số vướng mắc liên quan đến các nội dung như thời điểm xác định số dư bảo lãnh, phương thức thực hiện hoạt động bảo lãnh bằng điện tử, bảo lãnh đối với khách hàng là người không cư trú, quy trình phát hành cam kết bảo lãnh cho người mua nhà, cách xác định số dư bảo lãnh đối với chủ đầu tư, quyền và nghĩa vụ của các bên trong bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.

    Bên cạnh đó, các vướng mắc về xác định thời hạn của cam kết bảo lãnh, thời hạn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, hạch toán cho vay bắt buộc, về quy định nội bộ, trách nhiệm của các đơn vị... khiến các tổ chức tín dụng kiến nghị cần được tiếp tục nghiên cứu, xử lý.

    Vì vậy theo Ngân hàng Nhà nước, để thống nhất với các quy định pháp luật và xử lý các vấn đề thực tế phát sinh nêu trên, việc thay thế Thông tư 07 và Thông tư 13 là hết sức cần thiết.

    Bạch Hiền (t/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/du-thao-thong-tu-moi-ve-bao-lanh-nha-o-hinh-thanh-trong-tuong-lai-a514681.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan