+Aa-
    Zalo

    Đường sắt trên cao Hà Nội "gây họa": Bóng đen giám sát thi công

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Với bề dày kinh nghiệm tư vấn giám sát, GS.TS. Vũ Trọng Hồng bày tỏ sự thắc mắc với việc vì sao tổng thầu là một đơn vị của Trung Quốc, trong khi tư vấn giám sát cũng là của Trung Quốc.

    (ĐSPL) - Với bề dày kinh nghiệm tư vấn giám sát, GS.TS. Vũ Trọng Hồng bày tỏ sự thắc mắc với việc vì sao tổng thầu là một đơn vị của Trung Quốc, trong khi tư vấn giám sát cũng là của Trung Quốc. Liệu có tìm được sự khách quan trong quản lý?

    Khi dư âm của vụ tai nạn do đứt cáp cẩu khi thi công làm thép rơi vào người đi đường làm chết người tại tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông còn chưa dứt, dư luận một lần nữa bàng hoàng trước vụ tai nạn kinh hoàng tại dự án nói trên. Lại một lần nữa, dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của những đơn vị liên quan.

    Hai vụ tai nạn xảy ra tại tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. 

    Tư vấn giám sát ngoài tầm kiểm soát của... chủ đầu tư?

    Sự vụ vừa diễn ra ngày 28/12/2014 tại dự án đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về mức độ an toàn của công trình này đối với người tham gia giao thông. Theo thông cáo báo chí được phát đi từ Bộ GTVT, vào lúc 4h sáng 28/12/2014, tại lý trình Km7+703,600 - Km7+798,400 - vị trí ga bến xe Hà Đông, đường Trần Phú thuộc dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông đã xảy ra sự cố trong quá trình đổ bê tông thi công xà mũ trụ H7, hệ thống sàn, đà giáo và bê tông xà mũ H7 bị sụt xuống đường. Một khối lượng sắt thép và bê tông khổng lồ đã đè bẹp một chiếc taxi. Rất may mắn, sự cố không gây ra thương tích về người.

    Đáng nói, đây không phải lần đầu dự án này gây sự cố cho người tham gia giao thông trên đường. Trước đó, hơn một tháng (ngày 6/11) vụ tai nạn thương tâm xảy ra ở dự án này cướp đi sinh mạng của một người tham gia giao thông. Trách nhiệm khi đó được Bộ GTVT xác định là do gói thầu thi công nhà ga Thanh Xuân 3 - S7 (số 2 Trần Phú, Hà Đông) thuộc Dự án đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh. Khi đó, Bộ GTVT đã yêu cầu đình chỉ toàn bộ việc thi công tuyến đường sắt trên cao để điều tra, làm rõ sự việc và một số cán bộ liên quan cũng bị đình chỉ công tác để điều tra làm rõ. Đến ngày 13/11, Bộ GTVT đã ký quyết định cho dự án được thi công trở lại. Tuy nhiên, chưa lâu sau, một vụ tai nạn nghiêm trọng khác lại xảy ra.

    Đáng chú ý, sau mỗi lần để xảy ra sự cố, Bộ GTVT đã có mặt kịp thời và đưa ra những biện pháp xử lý cấp thiết. Điển hình như sự cố tai nạn mới xảy ra, Bộ GTVT đã có chỉ đạo xử lý trách nhiệm đối với một số tập thể, cá nhân liên quan. Lần này, Bộ GTVT nghiêm khắc phê bình cảnh cáo tư vấn giám sát trưởng Diêm Chí Cương. Đình chỉ vô thời hạn đối với ông Tạ Trung Văn, tư vấn giám sát phụ trách nhà ga bến xe Hà Đông. Tuy nhiên, điều khiến dư luận băn khoăn là vì sao đến bây giờ trách nhiệm của tư vấn giám sát dự án này mới bị "trảm" sau khi đã để lại quá nhiều "phốt" cho dự án? Và phải chăng chủ đầu tư dự án không thể kiểm soát nổi những hoạt động của tư vấn giám sát?

    Những sai lầm tối kỵ!

    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn giám sát các công trình xây dựng, GS.TS. Vũ Trọng Hồng cho rằng: "Công tác giám sát thi công xây dựng công trình là một hoạt động nằm trong một chuỗi các hoạt động khác của quá trình thực hiện dự án xây dựng công trình. Vì thế, mục đích của hoạt động giám sát thi công nhằm xác nhận cho công trình bảo đảm đúng thiết kế, theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, chất lượng để đưa vào nghiệm thu". Cũng theo GS.TS. Hồng, yếu tố đảm bảo kỹ thuật, chất lượng công trình và đặc biệt là việc tuân thủ về mức độ an toàn, kỹ thuật trong xây dựng đặt cao vai trò của giám sát. Vì thế, khi xảy ra sự cố có thể thấy ngay năng lực và trách nhiệm của giám sát đối với công trình.

    Nhận định về vai trò của đơn vị giám sát dự án đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông khi xảy ra sự cố, GS.TS. Vũ Trọng Hồng cũng bày tỏ sự thắc mắc với việc vì sao tổng thầu là một đơn vị của Trung Quốc, trong khi tư vấn giám sát cũng là của Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra, liệu có tìm được sự khách quan trong quản lý? "Những sự cố đó đã được cảnh báo và nhìn thấy trước nhưng vẫn vấp phải những sai lầm là điều tối kỵ trong thực hiện dự án. Có thể xem đến năng lực của đơn vị giám sát trong dự án này", GS.TS. Hồng cho hay.

    Trong khi đó, trao đổi với PV, PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệp (ĐH Mở Hà Nội) cho hay, tư vấn giám sát của dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông dường như chưa làm hết trách nhiệm của mình. Đúng ra, trong quyền hạn cho phép, tư vấn giám sát có quyền đình chỉ thi công khi phát hiện vấn đề, nhưng trên thực tế, chỉ đến khi xảy ra sự cố thì mọi chuyện mới vỡ lẽ đơn vị này buông lỏng quản lý.

    Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệp, để làm rõ năng lực, trách nhiệm của đơn vị tư vấn giám sát dự án đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông cần phải làm rõ việc báo cáo xử lý của đơn vị này đối với những vi phạm, sai phạm trong quá trình thi công về chất lượng của các nhà thầu. Việc xử lý này có dứt điểm và được thông báo ngay cho chủ đầu tư bằng văn bản để chủ đầu tư xem xét quyết định hay không. Nếu không có, hoặc thiếu thì rõ ràng đơn vị tư vấn giám sát có vấn đề, còn nếu có thì có thể do chủ đầu tư thiếu chỉ đạo dứt điểm hoặc do nhà thầu cố tình vi phạm. Tuy nhiên, dù sao thì tư vấn giám sát vẫn chịu trách nhiệm cơ bản nhất đối với những sự cố xảy ra trong quá trình thi công.

    “Cơ chế giám sát đặc thù”

    Trong quá trình tham vấn ý kiến của nhiều chuyên gia xây dựng, PV báo Đời sống và Pháp luật nhận được những ý kiến xoay quanh chuyện có hay không cơ chế giám sát đặc thù đối với dự án có tính chất đặc biệt này và vì sao tư vấn giám sát lại là một đơn vị của Trung Quốc mà không phải nơi khác?

    Dẫn lời câu hỏi này đến lãnh đạo Bộ GTVT, PV nhận được thông tin, bởi vì họ có lợi thế về công nghệ thiết bị nên có chi phí giá thầu thấp hơn?! Các nhà thầu khác có công nghệ hiện đại nhưng việc ứng dụng ra thị trường đôi khi chi phí rất cao, trong khi chi phí nhà thầu Trung Quốc thường thấp hơn. Đó là lý do họ hay trúng thầu. "Hơn nữa, cũng nên nhìn nhận tại sao nhà thầu trong nước chưa đảm nhận được, bởi vì giá thành nhà thầu trong nước chưa có sự hấp dẫn về giá so với nhà thầu nước ngoài. Mặc dù, dự án nào mà nhà thầu Trung Quốc và quốc tế cùng tham gia thì thường là nhà thầu trong nước có lợi thế hơn", một lãnh đạo Bộ GTVT nói.

    Trả lời về việc vì sao lựa chọn tư vấn giám sát là đơn vị Trung Quốc trong khi tổng thầu đã là của Trung Quốc, vị lãnh đạo Bộ GTVT cũng bật mí, không có "đặc biệt" hay "vùng cấm" nào. "Tất cả được thực hiện và áp dụng theo Quyết định 3137 của Bộ GTVT về việc ban hành quy chế tạm thời hoạt động tư vấn giám sát xây dựng công trình trong ngành GTVT. Các tổ chức tham gia thực hiện công tác tư vấn giám sát thi công các dự án xây dựng công trình trong ngành GTVT được lựa chọn thông qua các hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông chịu trách nhiệm với Bộ GTVT về vấn đề này", vị này khẳng định.

    Giáng chức Giám đốc BQL dự án

    Chiều 29/12, lãnh đạo Bộ GTVT đã họp bàn về nguyên nhân và xử lý trách nhiệm các bên liên quan về sự cố sập giàn giáo chống thi công đổ bê tông xà mũ số 7 (H07), dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Theo đó, xử lý trách nhiệm người đứng đầu và người phụ trách trực tiếp dự án, lãnh đạo Bộ đã giáng chức ông Nguyễn Mạnh Hùng, quyền Giám đốc Ban quản lý dự án xuống làm Phó Giám đốc kể từ ngày 10/1/2015. Bộ kỷ luật cảnh cáo với ông Nguyễn Văn Bảo, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án và ông Triệu Khắc Dũng, Cục phó Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT).

    Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ yêu cầu Tư vấn giám sát Trung Quốc, Tổng thầu Trung Quốc và nhà thầu Việt Nam báo cáo về nguyên nhân sập giàn giáo trước 3/1. Khi có tường trình, Bộ sẽ xem xét tiếp tục thuê đơn vị Tư vấn giám sát hay không và xem xét thay giám đốc điều hành của Tổng thầu Trung Quốc.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/duong-sat-tren-cao-ha-noi-gay-hoa-bong-den-giam-sat-thi-cong-a77255.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan