+Aa-
    Zalo

    [E] Cô giáo mang bệnh ung thư và hành trình giúp những mảnh đời “khiếm khuyết” trở nên vẹn tròn

    • DSPL

    (ĐS&PL) - 5 năm sống chung với căn bệnh ung thư quái ác, cô giáo Lê Thị Hòa vẫn miệt mài giúp hàng chục mảnh đời khiếm khuyết nơi lớp học tình thương.

    [presscloud]12918[/presscloud]

    Cô Lê Thị Hòa (SN 1973, trú tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội) tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây năm 1992. Năm 1997, cô về giảng dạy tại trường Tiểu học Đông Sơn (xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ), được phân công dạy lớp 5 và làm Tổng phụ trách Đội từ đó tới nay.

    12 năm qua, cứ vào mỗi buổi sáng thứ 7 và Chủ nhật, cô Hòa lại cần mẫn đến chùa Hương Lan để truyền lại cái chữ cho hơn 60 bạn nhỏ. Học sinh của cô Hòa rất đặc biệt. Các em không cùng độ tuổi, có em mới chỉ lên 6-7, có bạn phải học tới bậc trung học. Và thậm chí, một chàng thanh niên 24 tuổi cũng ngồi ê, a đánh vần cùng các bạn.

    Hiện nay, lớp học có 63 em thì 42 em là trẻ khuyết tật, còn lại là học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thế nhưng, sâu thẳm trong trái tim nhỏ bé của các em là nỗi khát khao được hòa nhập với cộng đồng, được cầm trên tay quyển vở mới và hơn hết là được học chữ như những bạn bè đồng trang lứa.

    Chia sẻ với PV báo Đời sống & Pháp luật, cô Hòa cho biết, từ năm 1993, cô mở lớp dạy học miễn phí cho trẻ khuyết tật và trẻ em nghèo tại chính nhà mình ở thôn Quyết Hạ, xã Đông Sơn.

    Căn bếp nhỏ chỉ vỏn vẹn 9 mét vuông trở thành lớp học tình thương đầu tiên của hàng chục học sinh kém may mắn và người cô giáo tận tình. Song, do khuôn viên chật hẹp, khi mùa hè đến thì rất bí và nóng bức nên cô Hòa luôn cố gắng tìm địa điểm mở lớp thích hợp hơn.

    "Việc dạy học ở chùa Hương Lan rất tình cờ. Một hôm tôi có đi lễ mới thấy sân chùa khá rộng, nhiều cây cối. Phía sau nhà Tam Bảo còn có một phòng trống, rất thích hợp cho việc dạy các cháu.

    Khi gặp thầy trụ trì, tôi mới trêu thầy: 'Thầy ơi, thầy cho phép con dạy các cháu ở đây được không'. Tôi không ngờ chỉ mới mở lời vậy thôi mà thầy lại đồng ý ngay. Thầy chỉ lo tôi có làm được không, nếu được thì nhà chùa sẵn sàng giúp đỡ. Có lẽ, trong thâm tâm của thầy cũng rất muốn giúp đỡ các cháu có hoàn cảnh khó khăn nên khi tôi đề nghị, thầy vô cùng hoan hỉ", cô Hòa vui vẻ kể lại.

    Ngay sau đó, cô Hòa đã viết đơn xin lên chính quyền xã Đông Sơn, phòng GD-ĐT huyện Chương Mỹ.  Đến ngày 14/9/2007, lớp học tình thương tại chùa Hương Lan chính thức được khai giảng.

    Trong quá trình dạy học cho các em, cô Hòa đã không ít lần gặp vấn đề về sức khỏe.  Cô Hòa cho biết, năm 2012, cô sinh người con thứ 3 nhưng do sinh mổ lại bị nhiễm trùng nên sức khỏe bị ảnh hưởng nhiều. Vậy mà chỉ 1 tháng sau đó, cô Hòa phải trực tiếp đến lớp vì các em không nghe ai cả.

    Đến năm 2015, cô từng mất thời gian khá dài nằm viện để điều trị căn bệnh ung thư quái ác. Lúc đó, cô phải truyền hóa chất nên tóc bị rụng rất nhiều, chính thầy trụ trì phải mua cho cô một bộ tóc giả để các em không lạ lẫm khi nhìn thấy cô giáo của mình.

    “Cứ thứ Bảy, Chủ nhật thì tôi lại nằng nặc đòi bác sỹ cho về nhà để tới lớp thăm các em. Tôi thấy, chính các em đã tiếp thêm sức mạnh cho bản thân mình. Chỉ cần nhìn thấy các em vui chơi, cười nói là mọi buồn phiền, mệt mỏi đều tan biến đi hết.

    Hiện tại sức khỏe của tôi rất tốt, các bác sỹ nói chỉ cần hợp thuốc, tinh thần phấn chấn thì càng kéo dài được sự sống. Tôi thấy chẳng việc gì phải buồn về bệnh tật cả”, cô Hòa cười tươi như tiếp thêm sức mạnh cho những người đối diện.

    Theo cô Hòa, cuộc sống của các em học sinh nơi lớp học tình thương chưa bao giờ là phẳng lặng. Mỗi em là mỗi câu chuyện, 63 học sinh là 63 mảnh đời bất hạnh.

    Như trường hợp của cô bé Quỳnh A. mới 8 tuổi đã mắc bệnh ung thư máu. Sức khỏe của cháu đang ngày càng xấu đi, thỉnh thoảng cơ thể lại lên cơn sốt và không thể tới lớp.

    Cháu L. những ngày đầu lúc nào cũng chui vào gầm bàn vì sợ hãi, nhìn thấy ai cháu cũng ngơ ngác, lo âu và không thể nói chuyện. Vậy mà đến bây giờ, L. đã có thể tự tin ngồi nghe cô giáo giảng bài, biết viết và biết giao tiếp với mọi người.

    Hay em T., chàng trai sinh năm 1995 nhưng còn nói ngọng và mới biết đếm đến số 10. Cô Hòa kể, mẹ T. bị tâm thần, trong một lần đi lang thang thì bị một gã đàn ông dở trò đồi bại và sinh ra T.. Sau đó, chính quyền địa phương đã xây cho hai mẹ con một mái nhà nhỏ để trú ngụ khi trời nắng, mưa.

    Thời gian đầu đón T. lên chùa học, cô Hòa mua cho T. xe đạp để tập đi, rồi lại sắm cho cả giường, chiếu, chăn, màn. Có lẽ vậy nên dù T. không biết bộc lộ cảm xúc như thế nào, không biết cách bày tỏ lòng biết ơn ra sao nhưng T. rất nghe lời cô Hòa và không bỏ bất cứ một buổi học nào trong suốt 9 năm qua.

    Một học sinh khác để lại cho cô Hòa nhiều trăn trở, lúc nào cũng suy nghĩ canh cánh trong lòng phải kể đến cô bé N. Em có gia cảnh cũng vô cùng đáng thương. Nhà nghèo, bố mất sớm vì bệnh tật còn người mẹ lại quá bi quan, luôn mang trong mình những suy nghĩ tiêu cực. Và không ai khác, N. vô tình trở thành nơi trút giận của mẹ mỗi ngày.

    “Khi gặp tôi, em chỉ biết khóc thôi. Từng câu, từng chữ chẳng tròn vành rõ nghĩa cứ thế cắn xé tâm hồn em và bóp nghẹt lấy trái tim tôi. Chẳng một ai có thể bỏ rơi con của mình cả…”, cô Hòa mím chặt môi, giọng nghẹn ứ trong cổ họng như muốn nói tiếp mà không thể. Nước mắt cô chảy dài trên đôi má cao đã lấm tấm tàn nhang vì rám nắng. Cô nắm chặt lấy tay PV để bình tâm lại.

    Không chỉ chậm phát triển hơn những đứa trẻ khác, N. còn bị yếu lực ở chân, em không thể đi được. “Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in hình ảnh cô học trò nhỏ bò lê từ ngoài cổng chùa vào lớp học. Sau hôm đó, tôi quyết định dành nhiều thời gian tập vật lý trị liệu cho em như nặn bóp chân, đun thuốc lá cho N. ngâm chân, mời thầy thuốc về bấm huyệt, châm cứu để máu lưu thông".

    "Tôi cũng dạy em cách súc miệng bằng nước muối, rèn luyện cơ hàm để không bị cứng và mím được môi. Và các bạn thấy đấy, sau 4 năm cô trò khổ luyện, bây giờ N. đã tự đi được và nói được.

    Đáng mừng hơn cả, mẹ của em cũng bình tĩnh, suy nghĩ thấu đáo về mọi chuyện nên không khí gia đình cũng được cải thiện rất nhiều”, cô Hòa xúc động kể lại.

    Cũng theo cô Hòa, mỗi tháng cô sẽ cho lớp bình xét, nếu bạn nào học giỏi, ngoan ngoãn sẽ được cô thưởng bằng một số tiền nhỏ từ 50-100 nghìn đồng, đủ để các em mua đồ dùng cá nhân. Khi được thưởng các em rất vui, vô cùng hào hứng nên ngày càng cố gắng hơn.

    Sắp đến ngày 20/10, với những học trò bình thường, các em sẽ viết thư, muốn được bày tỏ tình cảm với mẹ, cô giáo. Nhưng học trò của tôi thì ngược lại, các em lại mong bản thân mình được quan tâm và ước được cô giáo tặng quà vào những dịp đặc biệt.

    “Những bộ váy mà các nhà hảo tâm trao tặng các em thích lắm. Có thể, với ai đó, chiếc váy đó cũ rồi, kiểu dáng không hợp thời trang nhưng với những đứa con gái của tôi thì chúng đẹp vô cùng. Dù không dám mặc ở lớp đâu nhưng tôi nghe phụ huynh kể lại rằng, buổi tối khi ở nhà thì đem ra mặc thử, đứng trước gương ngắm thật lâu rồi mặc luôn đi ngủ”, cô Hòa nhớ lại.

    “Điên”, “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, “hết việc nên lo chuyện bao đồng”…Đó là những lời nhận xét của không chỉ người dân xã Đông Sơn mà còn của rất nhiều phụ huynh về cô giáo Lê Thị Hòa từ những buổi sơ khai lớp học tình thương.

     “Trước đây phụ huynh không thích cho con đi học đâu. Họ nói rằng chăm 1 đứa trẻ bình thường đã khó huống chi còn là trẻ bị down, khuyết tật. Chắc cô giáo này chỉ lợi dụng các cháu để kiếm lời thôi.

    Nhưng tôi luôn tâm niệm mình cứ cho đi rồi sẽ nhận lại về nhiều hơn thế nên bây giờ tôi đã thấy phép màu thực sự đến với mình. Ở lớp các em được giao lưu, được tiếp xúc với những người giống như mình mà chúng tôi gọi đó là ‘đồng tật’. Các em sẽ không còn cảm thấy lẻ loi, bị miệt thị, được thoải mái, tự do vui chơi và thậm chí không còn thấy bản thân mình bị ‘bệnh’ nữa.

    Và đến bây giờ, chính sự tiến bộ của các em, lòng yêu mến của học sinh dành cho các cô giáo là câu trả lời rõ nhất cho mọi sự nghi ngờ. Phụ huynh cũng hiểu tôi hơn và quyết tâm đồng hành cùng tôi vực lại các con”, cô Hòa chia sẻ.

    Về đội ngũ giáo viên, hiện đang có 8 cô giảng dạy, chăm sóc các cháu bé. Trong đó, có cô Hòa, cô Âu và cô Thoa là những người đứng lớp từ buổi đầu tiên. Các cô còn lại sẽ tranh thủ giờ nghỉ đến hỗ trợ, rèn luyện cho học sinh.

    Cũng theo cô Hòa, do tính chất đặc biệt của lớp như một số cháu vốn dĩ đã mang bệnh tật trong người nên không may qua đời, một số khác thì do gia đình không có điều kiện đưa con đến tham gia nên số lượng đôi khi không ổn định. Trong năm học mới này, lớp học tình thương ở chùa Hương Lan đón 63 học sinh đặc biệt ở nhiều độ tuổi khác nhau. Trong đó, chia thành 2 nhóm gồm các cháu chưa biết chữ, học kiến thức lớp 1 sẽ do cô Âu, cô Thoa chỉ dạy và nhóm học sinh học chương trình từ lớp 2 đến lớp 5 do cô Hòa trực tiếp kèm cặp.

    Được biết, cô giáo Lê Thị Hòa không chỉ mở lớp dạy học miễn phí mà còn tổ chức quyên góp để xây nhà tình nghĩa cho nhiều người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Từ năm 2015 tới nay, cô Hòa đã kêu gọi quyên góp, hỗ trợ xây dựng được 4 căn nhà.

    Hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, có nhiều đóng góp cho xã hội, liên tục từ năm 2008 đến năm 2017, cô giáo Hòa được Trung ương Đoàn tặng Bằng khen và danh hiệu Tổng phụ trách giỏi; được sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tặng danh hiệu thi đua Tổng phụ trách tiêu biểu cấp thành phố; danh hiệu giáo viên “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” cấp huyện 5 năm liền (2008-2012).

    Năm 2014, cô giáo Hòa được tặng danh hiệu “Nhà giáo tiêu biểu ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô dạy học sinh các lớp tình thương, học sinh khuyết tật”; năm 2017 được tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” thành phố.

    Đặc biệt, nhân dịp Kỷ niệm 65 Ngày Giải phóng Thủ đô, cô giáo Lê Thị Hòa vinh dự là 1 trong 10 cá nhân được đề nghị xét, tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2019.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/e-co-giao-mang-benh-ung-thu-va-hanh-trinh-giup-nhung-manh-doi-khiem-khuyet-tro-nen-ven-tron-a297604.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan