+Aa-
    Zalo

    E ngại dịch bệnh có thể "tấn công" trẻ trước thềm năm học mới

    (ĐS&PL) - Bên cạnh tay chân miệng, sốt xuất huyết thì đau mắt đỏ diễn biến phức tạp cũng có nguy cơ "tấn công" trẻ trước thềm năm học mới.

    Hàng triệu học sinh, sinh viên sắp bước vào năm học mới. Thông tin từ VNVC, đây cũng là thời điểm giao mùa cuối hè sang thu, thời tiết thất thường, hanh khô, ẩm thấp cộng với sự xuất hiện của hiện tượng El Nino diễn ra mạnh mẽ trong năm là điều kiện thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn nguy hại sinh sôi, phát triển nhanh và bùng phát thành dịch, đe dọa sức khỏe của nhiều người, nhất là trẻ nhỏ.

    Đặc biệt sau kỳ nghỉ dài, tiếp xúc cộng đồng tăng cao, trẻ có thể mang mầm bệnh từ nhiều nơi vào môi trường học đường và dễ lây lan nhanh với cấp số nhân. Khi một trẻ nhiễm bệnh sẽ có nguy cơ cao lây nhiễm cho các bạn khác, tạo thành các ổ dịch nhỏ.

    Dịch cúm hoành hành

    nhieu benh truyen nhiem tan cong tre truoc them nam hoc moi
    Thời điểm bước vào năm học mới trẻ em rất dễ nhiễm các bệnh cúm. Ảnh minh họa

    Thông tin từ khoa Nhi của các bệnh viện, các trường hợp nhập viện điều trị liên quan đến hô hấp tăng cao như cúm mùa, viêm phổi, viêm phế quản,…

    Cúm có tỷ suất tấn công hàng năm 20-30% ở trẻ em, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, giảm sút hiệu quả học tập nếu không được điều trị kịp thời.

    Về lâu dài, bệnh diễn tiến nặng dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, viêm phổi, viêm cơ tim, suy hô hấp, thậm chí suy đa phủ tạng và tử vong nếu không được xử lý kịp thời.

    Sốt xuất huyết

    nhieu benh truyen nhiem tan cong tre truoc them nam hoc moi1
    Sốt xuất huyết gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cha mẹ cần lưu ý. Ảnh minh họa

    Theo báo Tiền phong, thống kê tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) từ đầu năm 2023 đến nay có 133 trường hợp nhập viện do sốt xuất huyết.

    Đặc biệt từ đầu tháng 8 đến nay đã có 97 trẻ nhập viện, trong đó nhiều trẻ có dấu hiệu cảnh báo.

    Dịch tay chân miệng

    nhieu benh truyen nhiem tan cong tre truoc them nam hoc moi2
    Bệnh tay chân miệng khiến nhiều phụ huynh lo lắng khi con sắp bước vào năm học mới. Ảnh minh họa

    Đối với bệnh tay chân miệng, tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã có hơn 1.200 trẻ mắc đến khám với gần 500 bệnh nhân phải nhập viện điều trị từ đầu năm đến nay.

    Trong số đó có 20% - 30% trường hợp nhiễm chủng virus EV71. Đây là chủng gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

    Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, số ca mắc tay chân miệng tính đến thời điểm này đang tăng hơn 52% so với cùng kì năm trước. Tuần qua cả nước ghi nhận 5.727 trường hợp mắc, không có ca tử vong.

    Tích lũy từ đầu năm toàn quốc có 68.096 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có 18 bệnh nhân tử vong. So với cùng kì năm 2022 số mắc tay chân miệng năm nay tính đến thời điểm này tăng 52,3%, số ca tử vong tăng 15 trường hợp.

    Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông tin, trong những tuần gần đây, trên địa bàn thành phố ghi nhận trung bình từ 40-50 ca mắc tay chân miệng/tuần. Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố có 1.169 ca và 36 ổ dịch.

    Thủy đậu

    nhieu benh truyen nhiem tan cong tre truoc them nam hoc moi3
    Phụ huynh lưu ý vì số ca mắc thủy đậu có xu hướng tăng cao trong thời gian tới. Ảnh minh họa

    Thống kê của Bộ Y tế, chỉ trong 7 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận khoảng 4.000 trường hợp mắc thủy đậu, trong đó Thành phố Hà Nội có trên 1.400 ca mắc, tăng hơn 21 lần so với cùng kỳ năm 2022.

    Tại các tỉnh phía Nam, dù chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do bệnh thủy đậu nhưng các chuyên gia cảnh báo số ca mắc sẽ có xu hướng tăng cao trong thời gian tới.

    Lây lan bệnh đau mắt đỏ

    Cùng với đó dịch đau mắt đỏ đang có dấu hiệu lan nhanh tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành lân cận. Trong 3 tuần của tháng 8, Bệnh viện Mắt Trung ương đã tiếp nhận khoảng 2.500 trường hợp bị đau mắt đỏ, tăng 2 lần so với tháng 6.

    Tại Khoa Mắt (Bệnh viện Nhi Trung ương) cũng tiếp nhận gần 50 ca viêm kết mạc cấp, trong đó có 10-20% trẻ gặp biến chứng nặng. Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, đau mắt đỏ là bệnh lành tính, chữa được, ít có biến chứng và di chứng.

    Tuy nhiên, vẫn có khoảng từ 10-15% bị biến chứng và di chứng. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm giác mạc, viêm loét giác mạc, thường xảy ra ở người có sức khỏe yếu, người già, trẻ nhỏ.

    Cha mẹ nên chủ động phòng bệnh cho các bé

    Thời gian qua, số lượng bệnh nhân mắc thủy đậu, tay chân miệng ghi nhận phần lớn ở nhóm tuổi mầm non và tiểu học. Đặc biệt, sắp tới học sinh quay lại trường học, trùng với thời điểm bệnh tay chân miệng tăng mạnh vào khoảng tháng 9, 10 hằng năm.

    Vì vậy, theo các chuyên gia y tế, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn, rất cần sự chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh từ sớm, từ xa của mỗi cá nhân và tập thể.

    Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương khuyến cáo, nguy cơ lây lan mạnh bệnh đau mắt đỏ, khi trẻ được chẩn đoán đau mắt đỏ, gia đình cần cho con nghỉ ngơi, cách li tại nhà để tránh dịch bệnh lây lan.

    Khi trẻ có những dấu hiệu như sợ sáng, quấy khóc, sưng nề phát triển nhanh, ánh mắt mờ đục, có mủ ở lòng đen... cần đưa đến bệnh viện điều trị kịp thời.

    Cục Y tế dự phòng đề nghị người dân cần chủ động thực hiện nghiêm các biện pháp như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ; thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, ăn chín, uống chín và vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng…

    Nguyễn Linh (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/e-ngai-dich-benh-co-the-tan-cong-tre-truoc-them-nam-hoc-moi-a588876.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan