+Aa-
    Zalo

    Giới luật sư phản ứng dữ dội với câu nói của ĐB Đỗ Văn Đương

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội mới đây, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đã cho rằng: "Thực chất luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền…”

    (ĐSPL) – Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội mới đây, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đã cho rằng: "Thực chất luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền…”

    Liên quan đến vấn đề này, báo Đời sống và Pháp luật đã nhận được rất nhiều chia sẻ từ giới luật sư. Bên cạnh việc những ý kiến "phản pháo" quyết liệt về phát ngôn của ông Đỗ Văn Đương thì cũng có quan điểm cho rằng, câu nói của vị đại biểu Quốc hội này có thể là do cách diễn đạt dẫn đến sự hiểu lầm.
    Giới luật  sư 'tranh cãi' về câu nói của Đại biểu Đỗ Văn Đương

    Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương cho rằng: "Thực chất luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền..."

    PV: Thưa luật sư, luật sư có ý kiến gì về nhận định của ông Đỗ Văn Đương – đại biểu Quốc hội, cho rằng: Thực chất luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền...?
    - Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng, Đoàn Luật sư TP.HCM: Cá nhân tôi nghĩ, có lẽ vì ông Đương trong quá khứ đã từng là kiểm sát viên nên có chút gì đó không thiện cảm với giới luật sư thì phải. Từ việc ông có ý kiến phản biện về “quyền giữ im lặng” mà giới luật sư đang đấu tranh, được dư luận ủng hộ, cho đến việc phát biểu “Thực chất luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền” càng thể hiện rõ điều đó.
    Nếu ông Đương phát biểu với tư cách là một cá nhân thì không nói làm gì, đằng này là một đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thì không thể chấp nhận được. Vì phát biểu của ông gây ảnh hưởng đến cộng đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của giới luật sư, một trong những nghề được xã hội trọng vọng. Bản thân ông, với tư cách là một đại biểu Quốc hội không lẽ không biết vai trò của luật sư bào chữa miễn phí trong những vụ án oan kéo dài hàng chục năm trời gây chấn động dư luận?! Nếu ông cố tình phát biểu như vậy, thì không khác gì "thoá mạ" giới luật sư như nhận xét của một số luật sư với báo giới.
    - Luật sư Trương Anh Tú, Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Còn nhớ ngày 16/10/2013, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu khẳng định: Ngày 10/10/1945 có ý nghĩa rất quan trọng với giới luật sư và nền tư pháp nước nhà. Việc công nhận ngày 10/10 là Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước về sự phát triển và khẳng định vai trò, tôn vinh sự đóng góp của luật sư đối với đất nước.
    Nhìn lại chặng đường 68 năm qua của nghề luật sư ở Việt Nam, Thủ tướng cho rằng, giới luật sư đã có nhiều đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước XHCN công bằng, văn minh. Các thế hệ luật sư đã có nhiều gắn bó với sự nghiệp cách mạng, đóng góp đáng trân trọng trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ, xây dựng đất nước, cống hiến xuất sắc để xây dựng nền tư pháp công bằng, dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền... Có thể khẳng định, đội ngũ luật sư đã và đang ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò, góp phần thiết thực vào đổi mới đất nước, đặc biệt là cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.
    Điều đó có thể thấy, nhận định của ông Đỗ Văn Đương  cho rằng: "Thực chất luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền…” phần nào thể hiện cái nhìn lệch lạc về giới luật sư.
    - Luật sư Phan Quang Chung, Công ty Luật Danh Chính, Đoàn Luật sư tỉnh Phú Thọ: Lỗi này chủ yếu là do cách diễn đạt vấn đề của ông Đương gây ra chứ không phải ý ông Đương nói "luật sư Việt Nam chỉ bào chữa cho người có tiền còn người không có tiền thì không bào chữa". Tuy vậy, nó cũng đã gây ra sự hiểu lầm tai hại và tạo ra phản ứng dữ dội trong giới luật sư. 
    Theo tôi thì câu nói của ông Đương không được gãy góc, vấn đề ông Đương đề cập đến trong câu nói này là trong các vụ án tham ô, các vụ án mà bị cáo chiếm đoạt rất nhiều tiền, gây thiệt hại lớn thì luật sư lại bào chữa cho những bị cáo - người có tiền đó, theo hướng họ không phạm tội. Tuy nhiên ông lại sử dụng cụm từ "thực chất luật sư ở Việt Nam chỉ..." nên đã bị hiểu sang ý "luật sư Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền còn những người không có tiền thì luật sư mặc kệ". Diễn đạt không chính xác và bị trích dẫn không đầy đủ nên câu nói của ông Đương đã làm cho giới luật sư "nổi đóa".
    Cụ thể, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương đã cho rằng: “Thực chất luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền. Tôi nói là đúng như thế, vì thực tế những vụ việc Nguyễn Đức Kiên, Huyền Như… mà lại nói không có tội là rất một chiều”. 
    PV: Theo luật sư thì ở nước ta hiện nay có sự tồn tại của một bộ phận luật sư như phát biểu của ông Đương?
    - Luật sư Nguyễn Kiều Hưng: Trong bàn tay có ngón ngắn, ngón dài, nghề nào cũng vậy, có người này, người kia, không thể vơ đũa cả nắm. Cần phải phân biệt giữa “tiền” và “vì tiền”, luật sư cũng như bao nghề khác, cũng cần tiền để sống, để tái sản xuất sức lao động. Vấn đề là “tiền” mà giới luật sư chúng tôi gọi là “thù lao” phải tương xứng với công sức, trình độ, trí tuệ của luật sư trên từng vụ án. Nếu luật sư nào đưa ra, buộc thân chủ phải trả một mức thù lao không tương xứng là vi phạm đạo đức nghề nghiệp, mà giới luật sư chúng tôi ai cũng phải tuân thủ.  
    Luật sư Phan Quang Chung: Vấn đề có tồn tại "một bộ phận luật sư như phát biểu của ông Đương" là chưa có cơ sở xác định. Khi nào chúng ta có cơ sở để thấy rằng có những luật sư chuyên bào chữa theo kiểu "cãi cho bằng được" thì mới hình thành nên bộ phận như vậy.
    Gần đây, qua một số vụ án (mà ông Đương đã đề cập đến) thì quả thật có một số luật sư đã bào chữa cho bị cáo theo hướng không phạm tội hoặc phạm tội khác nhẹ hơn. Cá nhân tôi không thể đánh giá được việc bào chữa như vậy là đúng hay sai vì công việc của luật sư trong khi bào chữa cho bị cáo là phải gỡ tội cho họ.
    Do đó, nếu nghiên cứu hồ sơ và đánh giá thấy rằng, cơ sở buộc tội bị cáo không có, có đủ chứng cứ để xác định họ không phạm tội thì phải bào chữa cho họ theo hướng họ không phạm tội. Đưa ra được phương án bào chữa phụ thuộc nhiều vào hồ sơ vụ án và phụ thuộc cả vào năng lực của luật sư khi đánh giá chứng cứ, khả năng thẩm thấu các quy định pháp luật và đối chiếu, so sánh giữa quy phạm pháp luật với hiện thực hồ sơ để đưa ra hướng bào chữa.
    Việc tôi đánh giá luật sư đó bào chữa theo hướng vô tội trong những vụ án mà ông Đương đề cập đến lại sẽ thành thiển cận.
    PV: Câu nói cho rằng "Thực chất luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền..." của đại biểu Đỗ Văn Đương đã nhận được sự phản ứng khá gay gắt của rất nhiều luật sư trên cả nước. Theo luật sư, ông Đương cần có hành động gì sau phát biểu này?
    - Luật sư Nguyễn Kiều Hưng: Tôi hi vọng vị đại biểu vô ý phát biểu như vậy, chứ bản thân ông không cố tình xúc phạm đến giới luật sư. Nếu quả thực như vậy, ông nên có phát biểu giải thích trên báo giới về câu nói “kinh điển” của mình, để tránh gây hiểu lầm cho dư luận và giới luật sư cũng sẽ có thiện cảm với ông hơn.
    PV: Với vai trò là luật sư từng tham gia bào chữa nhiều vụ án cho nhiều đối tượng khách hàng, luật sư có thể nói thêm về nghề của mình?
    - Luật sư Nguyễn Kiều Hưng: Trong quá trình hành nghề, không phải vụ án nào luật sư làm cũng có thù lao; trong tôn chỉ, mục đích hoạt động, luật sư nào cũng sẵn sàng nhận bào chữa, bảo vệ miễn phí cho người nghèo, hoặc theo đuổi một vụ án oan sai. Chúng tôi làm vì lý tưởng nghề nghiệp, vì sứ mệnh cao cả của luật sư, người bảo vệ kẻ yếu thế, xuất hiện như một hiệp sĩ thời Hi Lạp, La Mã cổ đại.
    - Luật sư Phan Quang Chung: Tôi cũng có tham gia bào chữa một số vụ án, nhưng khách hàng mà tôi bào chữa chủ yếu là những người không có tiền hoặc ít tiền, chưa làm những vụ án lớn của "những người có tiền" mà ông Đương nhắc đến.
    Quan điểm của tôi là nếu thật sự có cơ sở để bào chữa theo hướng vô tội cho khách hàng thì không có lý do gì phải từ bỏ, cho dù khách hàng không trả tiền thì luật sư cũng phải theo đuổi đến cùng. Nhưng nếu thật sự không có cơ sở để bào chữa như vậy thì không nên làm, bởi vì điều đó sẽ tạo ra cho bị cáo sự ảo tưởng, và điều đó làm cho Hội đồng xét xử thiếu thiện cảm với bị cáo và có thể định tội nặng hơn. Hơn nữa, làm như vậy chỉ chứng tỏ với những người hiểu biết pháp luật rằng, luật sư hoặc không hiểu biết pháp luật hoặc luật sư đang cãi cùn cãi cố.

    Trên Dân Trí ngày 24/10, trước câu hỏi "Quan điểm của ông thế nào về việc đưa quyền im lặng vào luật?" của phóng viênđại biểu Đỗ Văn Đương trả lời như sau:

    - Quyền im lặng khi có luật sư, luật pháp và công ước quốc tế quy định như thế. Còn quyền im lặng không là không đúng. Quy định đó rất hay nhưng chưa thể áp dụng được ở Việt Nam. Trong thực tế có người bị bắt nhầm, bắt oan phải để cho họ được nói là họ bị oan để cơ quan xác minh kịp thời trả tự do.

    Không phải cơ quan điều tra ngại chuyện này, mà đây là chuyện kiểu như “vẽ đường cho hươu chạy” để bọn tội phạm lộng hành. Hơn nữa, thực chất luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền. Tôi nói là đúng như thế, vì thực tế những vụ việc Nguyễn Đức Kiên, Huyền Như… mà lại nói không có tội là rất một chiều.

    Tôi luôn nói rằng trong đấu tranh chống tội phạm phải dung hòa giữa bên Nhà nước và lợi ích công dân. Nếu quá chặt chẽ với cơ quan tố tụng thì sẽ bó tay trong cuộc chiến chống tội phạm. Nhưng nếu quá nới rộng, quá tạo điều kiện thì lại dễ vi phạm quyền công dân.

     
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gioi-luat-su-phan-ung-du-doi-voi-cau-noi-cua-db-do-van-duong-a63790.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan