+Aa-
    Zalo

    Góc khuất nghề PR bar: Đằng sau những khuôn mặt lộng lẫy

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Khi đi làm thì son phấn xinh tươi, quần áo đẹp lộng lẫy. Nhưng xong ca, ra khỏi bar, nữ nhân viên mệt mỏi rã rời, người tả tơi.

    Khi đi làm thì son phấn xinh tươi, quần áo đẹp lộng lẫy. Nhưng xong ca, ra khỏi bar, nữ nhân viên mệt mỏi rã rời, người tả tơi. Có trải nghiệm mới, biết để kiếm được tiền phải nếm cả những tủi hờn mà không phải ai cũng hiểu.

    Vào nghề

    Theo một quảng cáo, chúng tôi tìm kiếm trên các trang tuyển dụng, mạng xã hội và bắt gặp được vô số những tin rao: tuyển nhân viên PR bar, tiếp viên PR bar… với mức lương mỗi tháng dao động từ 15 - 20 triệu đồng và tiêu chí đều không đòi hỏi quá cao. “Nếu chưa có kinh nghiệm sẽ được đào tạo. Chỉ cần ngoại hình đẹp, giao tiếp tốt”.

    Ảnh minh họa.

    Chúng tôi liên hệ theo số điện thoại của bà Q.H, quản lý đội ngũ PR bar M. tại Q.Tân Phú (TP.HCM) thì được hỏi: “Ngoại hình OK chứ, nếu OK xíu và chân dài là ngon”, kèm theo đó là lời nhắc và hứa hẹn: “Nhớ ăn diện, trang điểm vào. Lanh lẹ một tí là có thể vào nghề, chị sẽ nhận”.

    “Hành trang xin việc” là ngoại hình bắt mắt, những bộ váy gợi cảm. Kèm theo những câu: “Em uống tốt”, “Đô” của em rất cao”, “Tửu lượng của em hơi bị được đấy”. “Tốt lắm! Nhưng phải biết chiều chuộng khách nữa, làm được không?”, bà Q.H hỏi. Nhiều cô gái, trong đó có cả chúng tôi, dõng dạc: “Được!”.

    Bà Q.H hiện quản lý đội ngũ PR bar đến hàng chục cô gái. Bà không hướng dẫn cụ thể công việc cho những người mới vào nghề, mà tất cả đều để “tự theo dõi, bắt chước và làm theo những người đi trước”.

    Tôi hỏi đồng nghiệp Khánh Ngọc: “PR bar là gì? Phải làm những công việc gì vậy?”. Cô gái 24 tuổi quê An Giang trố mắt ngạc nhiên nhìn tôi: “Chưa biết gì sao xin làm hả… má?”, rồi cười cho biết: “Cái thuật ngữ mỹ miều “PR bar” thực ra là làm tiếp viên ở bar. Nhiệm vụ của chúng ta là khuấy động không khí, trò chuyện giao lưu, uống rượu với khách, và làm những điều khách muốn”.

    “Mà tại sao em chọn nghề này?”, Khánh Ngọc hỏi. Tôi thú thật: “Vì thấy lương cao”. Câu trả lời của tôi làm Khánh Ngọc bật cười: “Thấy vậy mà không phải vậy đâu cưng ơi. Cưng cần phải biết phân biệt giữa hai khái niệm lương và thu nhập. Lương trung bình chỉ từ 2 - 4 triệu đồng. Cuối tháng bà Q.H đưa, chứ khỏi cần làm hợp đồng lương hướng này nọ. Còn nếu muốn có thu nhập cao thì phải chịu khó…”, Khánh Ngọc bỏ lửng câu nói rồi tiếp tục công việc của mình.

    “Làm những điều khách muốn” 

    Tôi hỏi Ngân Giang (26 tuổi), cô bạn đồng nghiệp mũi cao, răng khểnh và nụ cười rất xinh: “Em nghe bảo, làm PR bar thì phải làm những điều khách muốn. Đó là gì vậy? Chị hướng dẫn em với! Mình chiều khách thì được gì?”.

    Giang giải thích: “Bà phải OK với những điều mà khách muốn thì bà mới được “boa”. Nếu không thì nguyên đêm sẽ “đói”.

    Khi những câu nói của đồng nghiệp vẫn còn lùng bùng trong tai tôi thì bất ngờ có 4 vị khách đến ngay bàn tôi đang đứng. “Người mới hả bé? “Good” đấy!”, một thành viên trong nhóm hất hàm về phía tôi dò hỏi. Những thành viên còn lại mắt như dán chặt vào tôi, từ trên xuống dưới.

    “Vô nào!”, Tuấn, người trong nhóm, vừa nâng ly rượu vừa mời mọi người cùng bàn, trong đó có tôi. Tôi chỉ dám nhấp một hớp nhẹ, Tuấn trố mắt như ra lệnh: “Uống mạnh vô đi, gì mà yếu xìu vậy”. Tôi lấy lý do đang bệnh, nên không thể uống. Tuấn nhếch mép: “Làm PR bar mà không uống rượu được thì nghỉ chứ làm chi hả bé?”. Không gian mờ ảo trong bar với những ánh đèn nhấp nháy liên hồi đã khiến tôi chuếnh choáng, chao đảo.

    Tôi chủ động nâng ly và mời Tuấn. “Wow, được đấy cô bé. Làm PR bar là phải thế chứ!”. Tuấn vội kéo tôi sát vào người, đưa miệng đầy mùi khói thuốc vào má tôi. Tự dặn mình “không được phản kháng”, tôi mỉm cười “nương” theo hành động của Tuấn. Được đà lấn tới, anh chàng bỏ tay xuống eo tôi, mân mê bụng rồi di chuyển tay lên phía trên. Kể lại chuyện vừa trải qua với Tuyết Mai (24 tuổi, Đồng Nai), người vào nghề cùng thời điểm với tôi, cô bặm môi: “Tay nó như đứng yên không được, làm hết cái này đến cái khác”.

    “Tửu lượng" ngàn chén không say

    Ngày tôi vừa “vô nghề”, Khánh Ngọc, làm PR bar của quán M. tại Q.Tân Phú (TP.HCM), nói rằng để làm cái nghề này phải trang bị “tửu lượng” ngàn chén không say.

    Khánh Ngọc kể: “Như tao, có đêm uống cả trăm ly rượu. Có khi vừa uống rượu xong ở bàn này, qua bàn khác, khách uống bia là mình cũng phải uống bia. Có đêm uống bao nhiêu bia rượu cũng chẳng nhớ. Nói chung là rất nhiều”.

    Liên Hương, người làm PR bar ở đây từ ngày đầu mở quán, nhắc nhở: “Phải biết uống rượu mới 'trụ' nổi trong nghề này”. Hương còn hướng dẫn nhiều tuyệt chiêu “uống khó say” cho những người vừa vào nghề như chúng tôi: “Nhớ 'thủ sẵn' chai nước lọc và tranh thủ đổ vào bia hoặc rượu để pha loãng. Dù khách có ép đến mấy thì cũng uống từ từ thôi, chứ uống nhanh quá thì không thể tỉnh táo được. Hoặc trước khi bước vô giờ làm, lót dạ bằng hũ sữa chua, khi uống xong, kiếm ly trà mà uống…”.

    Gần 21 giờ, bar đông nghẹt. Nhóm khách 6 người ghé lại bàn tôi đứng phụ trách. Thấy khách đông, Ái Vy (23 tuổi, quê Long An) cũng lại đứng bàn. Những chai rượu ngoại đắt tiền được bày biện. Vẫn lại là những cái choàng eo, ôm chặt, những cái véo đau điếng, và cả những cái sờ soạng từ những vị khách nhiều tiền.

    Không còn cách nào khác, tôi phải uống. Mới đó chừng nửa tiếng, cũng vì chiều chuộng khách, phải uống gần ba lon bia. Giờ lại “dầm” rượu, khiến tôi lảo đảo, đến nỗi phải vịn vào bàn ghế để đi. Trong gần một tuần làm PR bar ở đây, hằng đêm chúng tôi phải uống hàng chục ly rượu. Có đêm, phải móc họng cả chục lần, để “lấy lại sức” mà tiếp tục đón khách.

    Sống ở Việt Nam mà xài giờ ở Mỹ

    Ảnh minh họa.

    Thời gian làm công việc PR bar ngược đồng hồ sinh học. Bắt đầu từ 19 giờ, kéo dài đến 2 - 3 giờ sáng, thậm chí hơn nếu khách chưa về. Thế nên hầu hết các đồng nghiệp đều kể: “Lúc nào người cũng đờ đẫn cả, mình sống ở VN mà xài giờ ở Mỹ".

    Liên Hương nói, “Làm nghề PR bar này thì chấp nhận thôi. Giờ tao còn tỉnh táo để nói chuyện, chứ lát nữa, tầm 1 - 2 giờ, tao “quắc cần câu” rồi. Ngày nào mà chẳng về nhà với đầy hơi men, mùi bia rượu nồng nặc, mùi thuốc lá khắp đầu”. 

    Hút điếu thuốc với lý do “cho tỉnh” trước khi chạy xe về nhà, vừa phả khói, Cẩm Tiên vừa lẩm bẩm: “Nhiều người ví von những đứa làm PR bar như chúng mình là 'khi đi lộng lẫy khi về tả tơi' cũng đúng thật. Khi đi làm thì đứa nào cũng son phấn xinh tươi, quần áo đẹp lộng lẫy. Nhưng xong ca làm bước ra khỏi bar thì mệt mỏi rã rời, người tả tơi”.

    Bị ép dùng chất kích thích

    Trúc Diễm chửi thề: “Hôm bữa em ói “mật xanh mật vàng” như mấy chị thấy chả phải do say rượu đâu. Thằng khách nó mất dạy, gài em “chơi thuốc” đó. Em có biết đâu. Cứ lo nhún nhảy, nó bỏ vô ly rượu lúc nào chẳng hay. Nốc hết ly rượu được một lát em mới thấy thuốc thấm và chạy nôn luôn”.

    Trúc Diễm bảo, một số đồng nghiệp đã nhiều lần “dính bẫy” của khách, đó là bị “cài” sử dụng chất kích thích. Nhưng đó là lần đầu tiên cô gái 21 tuổi này “sập bẫy”.

    Trúc Diễm nói: “Trong môi trường bar huyền ảo này, ánh sáng thì lúc nào cũng chập chờn, nếu không muốn nói là tối thui thì việc nhìn mặt nhau còn khó nhận diện nên chuyện dễ bị bỏ chất kích thích vào nước uống, vào bia… là điều khó tránh khỏi”.

    Tôi dò hỏi mới được biết, “thuốc” mà Trúc Diễm nói là những chất kích thích, gây nghiện, đủ thể loại: ke (ketamin), kẹo (thuốc lắc), tài mà (cần sa).

    Bà Q.H, quản lý đội ngũ PR ở bar M. tại Q.Tân Phú, nói rằng:“Phải cẩn thận, chứ nhiều khách chơi khăm, cố tình ép mấy đứa chơi thuốc lắm. Phải tinh ý và đừng rời ly bia, ly rượu, kẻo “ngậm đắng nuốt cay” như chơi”.

    (còn tiếp)

    Hằng Thanh(T/h theo Thanh niên)

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/goc-khuat-nghe-pr-bar-dang-sau-nhung-khuon-mat-long-lay-a211006.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan