+Aa-
    Zalo

    Hà Nội: Sắp xét xử vụ án Trần Thăng Long sau 5 lần điều tra bổ sung

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo lịch xét xử, ngày 22 và 23/1/2019 tới đây Tòa án nhân dân thành phố Hà nội sẽ đưa ra xét xử vụ án Trần Thăng Long cùng đồng phạm.

    Theo lịch xét xử, dự kiến ngày 22 và 23/1/2019 tới đây Tòa án nhân dân thành phố Hà nội sẽ đưa ra xét xử vụ án Trần Thăng Long cùng đồng phạm.

    Trần Thăng Long bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Đây là vụ án hi hữu vì đã điều tra bổ sung 5 lần, sự thật vụ án vẫn chưa được làm rõ…. 

    5 bản kết luận điều tra gồm Bản kết luận điều tra vụ án số 25/KLĐT-PC44 ngày 3/12/2015; Bản kết luận điều tra bổ sung số 133/KLĐTBS/PC44-DD3 ngày 13/6/2016; Bản kết luận điều tra bổ sung số 11 ngày 2/12/2016; Bản kết luận điều tra bổ sung số 94 ngày 4/5/2017; Bản kết luận điều tra bổ sung 123 ngày 20/8/2018 của Cơ quan cảnh sát điều tra – CATPHN; Bản kết luận điều tra bổ sung số 01/KLĐTBS-PC01-D4 ngày 16/11/2018.

    Tranh chấp khi thực hiện hợp đồng, bị kết tội lừa đảo?

    Vào tháng 11/2010 Công ty Golden Gain Việt Nam (Gọi tắt là công ty Golden Gain) do ông Trần Kiên Cường là người đại diện theo pháp luật đã kí hợp đồng kinh tế với Công ty Rồng Đông Á do Mai Thị Bích Liên là người đại diện theo pháp luật. Nội dung là Công ty Rồng Đông Á cung cấp dịch vụ quảng cáo cho công ty Golden Gain tại biển quảng cáo tấm lớn vị trí 28B Thăng Long – Nội Bài, Mê Linh, Hà Nội để giới thiệu sản phẩm là Khu phức hợp Mandarin Garden. Thời hạn thực hiện hợp đồng là 2 năm. Công ty Golden Gain đã thanh toán 849.420.000 đ. Công ty Rồng Đông Á đã thiết kế, thi công, in ấn, lắp đặt biển quảng cáo,…

    Trần Thăng Long và Mai Thị Bích Liên tại phiên tòa trước đây 

    Việc thực hiện hợp đồng này thể hiện tại Biên Bản nghiệm thu hợp đồng số 14/05/2011 có trong hồ sơ vụ án, theo đó giữa đại diện của hai công ty kí hợp đồng đã “cùng nhau nghiệm thu công việc in ấn, thi công, lắp đặt biển quảng cáo giới thiệu dự án Mandarin Garden”. Nội dung nghiệm thu ghi rõ: “Sau khi kiểm tra thực tế thi công của bên B (Công ty Rồng Đông Á), bên A (Công ty Golden Gain) đồng ý nghiệm thu công việc in ấn, thi công lắp đặt biển quảng cáo giới thiệu dự án Mandarin Garden của bên A do bên B thực hiện tại địa điểm trí 28B Thăng Long – Nội Bài, Mê Linh, Hà Nội theo đúng những điều khoản trong hợp đồng kinh tế số 06/RĐA/2010/HĐKT kí ngày 10/11/2010”.

    Khi hợp đồng đang được thực hiện thì xuất hiện Công ty Toàn Cầu nói mình là chủ sở hữu của biển quảng cáo, phá bỏ biển quảng cáo đã lắp đặt cho Công ty Golden Gain. Các tài liệu hồ sơ của vụ án, thể hiện Mai Thị Bích Liên và Trần Thăng Long có gửi đơn đề nghị giải quyết tranh chấp tại Công an huyện Mê Linh, yêu cầu Công ty Toàn Cầu không cản trở để tiếp tục thực hiện hợp đồng cho Công ty Golden Gain. Trong quá trình giải quyết tranh chấp với Công ty Toàn Cầu, Công ty Rồng Đông Á còn đề nghị thực hiện dịch vụ tại các vị trí quảng cáo khác cho Công ty Golden Gain….

    Mặc dù dịch vụ đã được thực hiện trong một khoảng thời gian nhưng Công ty Golden Gain lại cương quyết chấm dứt hợp đồng và đòi lại toàn bộ số tiền đã thanh toán, bỏ qua các chi phí mà Công ty Rồng Đông Á đã chi trả để thực hiện dịch vụ quảng cáo. Ngày 16/7/2012, Golden Gain gửi đơn đến cơ quan công an tố cáo Công ty Rồng Đông Á. Nhưng đến ngày 20/8/2014 (hơn 2 năm sau), Cơ quan điều tra – Công an Thành phố Hà Nội mới khởi tố vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.

    Từ Bản kết luận điều tra đầu tiên vào 3/12/2015 đến Bản kết luận điều tra bổ sung lần thứ 5 vào ngày 16/11/2018, cơ quan điều tra vẫn giữ quan điểm cho rằng: Trần Thăng Long và Mai Thị Bích Liên  đã lừa đảo, chiếm đoạt  chiếm đoạt 849.420.000 đ của Công ty Golden Gain mặc dù yếu tố cấu thành tội lừa đảo là hành vi gian dối không được làm rõ trong bản kết luận điều tra.

    Nhận thấy vụ án có nhiều nội dung chưa được làm rõ, 4 luật sư đã tình nguyện nhận bào chữa cho Trần Thăng Long là Luật sư Nguyễn Việt Hùng, Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, Luật sư Nguyễn Đăng Khoa, Luật sư Nguyễn Ngọc Hưng, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.

    “Hợp đồng kinh tế đang được thực hiện, có tranh chấp xảy ra, khi các bên không thể giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hòa giải thì giải quyết ở tòa án. Trong vụ án trên, Công ty Golden Gain lại tố cáo ra công an, công an điều tra và lại rằng đó là vi phạm hình sự. Chúng tôi có cùng quan điểm cho rằng đó là việc hình sự hóa một quan hệ dân sự”, Luật sư Nguyễn Ngọc Hưng nhận định về vụ án.

    Băn khoăn về tội làm giả tài liệu

    Trong cùng vụ án trên, Trần Thăng Long còn bị kết tội đối với hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức. 

    Bản kết luận điều tra bổ sung số 01/KLĐTBS-PC01-D4 ngày 16/11/2018 về vụ án này có nêu: Trong hợp đồng kinh tế số 06/RĐA/2010/HĐKT kí ngày 10/11/2010 về thực hiện hợp đồng quảng cáo ghi rõ: Công ty Rồng Đông Á chịu trách nhiệm xin phép quảng cáo và mọi chi phí thuế liên quan đến việc xin cấp phép quảng cáo. Tại nhiều tài liệu hồ sơ của vụ án, lời khai của Trần Thăng Long không thống nhất.

    Bản kết luận điều tra lần thứ 5 của cơ quan điều tra. 

    Tại bản kết luận điều tra, cơ quan điều tra nhận định: Ban đầu Long khai, do Công ty Rồng Đông Á yêu cầu Trần Thăng Long cung cấp giấy phép quảng cáo để Công ty Rồng Đông Á cung cấp cho Công ty Golden Gain nên Trần Thăng Long đã chỉ đạo nhân viên làm giả giấy phép quảng cáo Sau đó, Long lại thay đổi khai không làm cũng như không chỉ đạo nhân viên làm giả Giấy phép thực hiện quảng cáo tấm lớn. CQĐT cũng thừa nhận không thu giữ được bản chính của tài liệu trên... Nhưng CQĐT vẫn cho rằng hành vi của Trần Thăng Long đủ cấu thành tội làm giả tài liệu.

    Nghiên cứu hồ sơ vụ án, Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật bày tỏ băn khoăn: Bản kết luận điều tra ngày 16/11/2018 vẫn nhận định bị cáo Trần Thăng Long chỉ đạo nhân viên làm giả giấy phép quảng cáo nhưng lại không xác định được ai đã thực hiện hành vi làm giả giấy phép trên? Công cụ và phương tiện làm giả thế nào? Chứng cứ kết tội chỉ là bản sao tài liệu trên. Việc cho rằng hành vi của bị cáo Trần Thăng Long đã cấu thành tội danh “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức theo điều 267 BLHS năm 1999 nay là điều 341 BLHS 2015” như vậy liệu có thỏa đáng.

    Luật sư Nguyễn Ngọc Hưng nhận định: Pháp luật quy định rất chặt chẽ căn cứ, trình tự, thủ tục để kết tội một người. Thế nhưng trong vụ án trên, việc trả hồ sơ điều tra bổ sung đã thực hiện đến 5 lần, vẫn không đủ và không thể làm sáng tỏ các căn cứ để buộc tội thì phải chăng cần áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội? Theo đó, tại Điều 13 của BLTTHS quy định “khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.

    PV

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ha-noi-sap-xet-xu-vu-an-tran-thang-long-sau-5-lan-dieu-tra-bo-sung-a260149.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan