+Aa-
    Zalo

    Hãi hùng đặc sản thịt thối, giòi bò lúc nhúc của người Khơ Mú

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ẩm thực là một phạm trù rộng lớn và chất chứa đằng sau nó nhiều câu chuyện văn hóa đặc sắc.

    Ẩm thực là một phạm trù rộng lớn và chất chứa đằng sau nó nhiều câu chuyện văn hóa đặc sắc. Có những món ăn rất được ưa chuộng tại quốc gia, dân tộc này nhưng chưa hẳn nhận được sự đón nhận ở những quốc gia hay dân tộc khác. Thịt thối có giòi của dân tộc Khơ Mú ở Sơn La là một trong những ví dụ điển hình. 

    Kíng coong- đặc sản của người Khơ Mú

    Sơn La là một tỉnh miền núi phía Tây Bắc không chỉ nổi tiếng với các điểm du lịch như Hồ Tiền Phong, thác Dải Yếm, núi Pha Luông… nơi đây còn nổi tiếng bởi nhiều món đặc sản độc, lạ khiến người nghe, người nhìn vừa thích thú, vừa hãi hùng. Trong đó thịt thối có giòi là món ăn không thể thiếu trong các dịp quan trọng của dân tộc Khơ Mú.

    Bước chân vào nhà người Khơ Mú, đập vào mắt du khách sẽ là những miếng thịt trâu, bò, lợn và cả nội tạng treo ở gác bếp đã ngả màu và bốc mùi hôi. Đây chính là nguyên liệu vô cùng quan trọng trong món kính coong – món ăn truyền thống từ lâu đời của dân tộc Khơ Mú.

    Đối với họ, miếng thịt có mùi thối luôn là một hương vị đặc biệt, càng thối càng ngon và những ai ăn quen sẽ nghiện. Theo tiếng Khơ Mú, kính nghĩa là một loại canh thập cẩm, coong là tên gọi của tổng hợp hầu hết các loại gia vị, rau củ quả,... nấu với thịt thối. Nôm na, kính coong theo cách hiểu của ngôn ngữ phổ thông có nghĩa là canh thịt thối.

    Thịt được treo lên là những phần thịt dễ bị thối nhất- Ảnh: Dân trí

    Chị Quàng Thị Khăm ở bản Thẳm Hưn, xã Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn, Sơn La cho biết, để tạo ra thịt thối, người Khơ Mú treo thịt lên gác bếp hàng tuần, rồi hàng ngày vẩy nước để tạo độ ẩm, thu hút ruồi nhặng bay đến đậu vào làm tổ, mang theo cả vi sinh vật. 

    “Thịt không được tẩm ướp muối, gia vị mà treo chờ phân hủy đến khi bốc mùi thì mang ra chế biến. Thịt càng thối càng đạt tiêu chuẩn và đặc biệt càng có nhiều giòi người chế biến càng thích, món ăn càng ngon. Chúng tôi chỉ treo những phần thịt dễ bị thối nhất như nội tạng, thịt bụng mà thôi”, chị Khăm tiết lộ.

    Cũng theo chị Khăm, để nấu được món cính coong, người ta phải đổ nước hầm nát nhừ, rồi cho các loại rau củ quả, gia vị thêm một ít bột gạo cho sóng sánh. Trong số gia vị đó có đầy đủ: Tiêu rừng, tỏi, gừng, lá cây rừng, ớt, sả… giúp người ăn chữa bệnh dạ dày, gan, mật ổn định. 

    Ăn một lần cả đời không quên

    Trước đây, món kính coong lấy từ thành phẩm săn bắt của người Khơ Mú. Mọi thú vật săn bắt được vật như lợn, trâu, bò, hoẵng đều được đưa vào chế biến. Đặc biệt, chuột là món rất được ưa chuộng bởi dễ gây mùi thối nhất trong các loại thịt. Có những trường hợp lên rừng, gặp một con vật đã chết lâu, người Khơ Mú vẫn lấy thịt về dùng. Ngày nay thú rừng ít đi, người Khơ Mú dùng chính sản phẩm gia súc, gia cầm nuôi trong nhà để chế biến thành món kính coong.

    Chị Khăm cho hay, kính coong là món ăn truyền thống từ lâu đời của dân tộc Khơ Mú. Bởi đây là món ăn truyền thống và rất được trân quý nên nếu trong dịp nhà có khách, sẽ thật thất lễ khi trên bàn ăn thiếu đi món ăn này. Và khi được chủ nhà mời, khách ghé thăm cũng sẽ rất có lỗi nếu từ chối.

    Anh Trần Quý, người Kinh, một giáo viên ở thành phố Sơn La cắm bản đã được gần 5 năm, kể lại ấn tượng về món đặc sản kinh dị này: “Mùi vị đặc trưng khó tả lắm, những người đã ăn quen thì thấy rất ngon và nhớ mãi, nhưng với khách lạ thì đây lại là món ăn kinh hãi để đời”. 

    Món thịt thối được xem là đặc sản của người Khơ Mú (Sơn La)

    Cũng theo anh Quý, anh nhớ mãi không quên cái lần đi công tác ở Phiêng Cằm cách đây mấy năm, được thiết đãi món kính coong. Đang ăn ngon lành thì chợt anh nhìn thấy mấy con dòi trắng nhởn, nổi lềnh phềnh giữa bát canh. Anh sợ hãi đến mức suýt nôn thốc nôn tháo. Đến mấy bữa sau, anh vẫn còn chưa cầm nổi bát cơm.

    Còn chị Hà Phương (du khách Hà Nội) không giấu nổi cảm xúc bất ngờ khi nói về món ăn đặc biệt này: “Nói thế nào nhỉ… Tôi là người rất thích khám phá ẩm thực vùng miền. Tôi từng đọc báo, xem sách về món ăn này. Và rồi, trong một dịp đi phượt cùng bạn bè, tôi đã có dịp thưởng thức món ăn có cái tên rất lạ kính coong. Cảm giác của tôi khi ban đầu là rất tò mò và có phần sợ hãi. Nhưng rồi, sau vài miếng, tôi cảm thấy vị của nó không hề tệ. Đúng là người Khơ Mú có bí quyết rất riêng, dù có mùi hôi thối nhưng khi tan vào lưỡi thì lại có vị bùi bùi…”.

    Chị Phương chia sẻ thêm, chỉ có những ai thật sự thích khám phá thì mới có đủ dũng cảm để ăn. “Riêng bản thân tôi đánh giá đây là món ăn độc lạ, đáng để thử một lần trong đời".

    Mỗi vùng đều có một đặc sản riêng, nó thể hiện cho nét đẹp văn hoá, cũng như ẩm thực vùng miền. Kính coong không chỉ là món ăn mà còn là nét đẹp trong văn hoá ẩm thực của người Khơ Mú. Nếu có dịp lên Sơn La, bạn nhất định phải ghé bản Thẳm Hưn, xã Phiêng Cằm để thưởng thức món ăn độc lạ này nhé!

    Khải Nguyên (t/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hai-hung-dac-san-thit-thoi-gioi-bo-luc-nhuc-cua-nguoi-kho-mu-a275966.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan