+Aa-
    Zalo

    Hành khách ký miễn trừ trách nhiệm pháp lý, công ty vận hành tàu lặn Titan vẫn có thể bị kiện

    (ĐS&PL) - Các chuyên gia pháp lý nhận định, giấy miễn trừ trách nhiệm pháp lý do các hành khách trên tàu lặn Titan gặp nạn ký có thể không bảo vệ chủ sở hữu con tàu khỏi các vụ kiện từ gia đình nạn nhân (nếu có).

    Tàu lặn Titan do Công ty OceanGate Expeditions vận hành mất tích vào sáng ngày 18/6, khi đang đưa 5 người đi tham quan xác tàu Titanic dưới đáy Đại Tây Dương, cách Newfoundland của Canada khoảng 600 km. Sau quá trình nỗ lực tìm kiếm, ngày 22/6, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ cho biết một vụ nổ thảm khốc đã xảy ra trong buồng áp suất của con tàu và cả 5 người có mặt trên tàu Titan đều thiệt mạng.

    Chi tới 250.000 USD/người cho hành trình lặn xuống độ sâu 3.810m, các hành khách được cho là đã ký giấy miễn trừ trách nhiệm pháp lý. Theo chia sẻ của một phóng viên ở đài CBS, người từng tham gia chuyến thăm xác tàu Titanic do công ty OceanGate Expeditions tổ chức vào tháng 7/2022, bản miễn trừ trách nhiệm mà anh ký đề cập đến khả năng tử vong tới 3 lần ở ngay trang đầu tiên.

    Tuy nhiên, cam kết miễn trừ trách nhiệm không phải lúc nào cũng là lá chắn pháp lý vững chắc. Không có gì lạ khi các thẩm phán bác bỏ nó nếu có bằng chứng về sơ suất hoặc rủi ro nghiêm trọng không được tiết lộ đầy đủ với hành khách.

    “Nếu có những thông tin về thiết kế hoặc cấu trúc tàu bị giữ bí mật với hành khách hoặc cố tình vận hành tàu bất chấp cảnh báo rằng con tàu không phù hợp với chuyến lặn này, cam kết miễn trừ sẽ không còn hiệu lực”, luật sư kiêm chuyên gia luật hàng hải Matthew D Shaffer chia sẻ.

    hanh khach ky mien tru trach nhiem cong ty van hanh tau lan titan van co the bi kien
    Công ty vận hành tàu lặn Titan vẫn có thể bị gia đình nạn nhân kiện dù hành khách đã ký cam kết miễn trừ trách nhiệm pháp lý. Ảnh minh họa: Reuters

    Công ty OceanGate Expeditions có thể lập luận rằng đây không phải là sơ suất và cam kết miễn trừ hợp lệ do họ đã mô tả đầy đủ những nguy hiểm tiềm ẩn khi tham quan những nơi sâu nhất của đại dương bằng tàu lặn có kích thước bằng một chiếc xe tải nhỏ.

    Tuy nhiên, mức độ của bất cứ sơ suất nào và ảnh hưởng của nó đến khả năng áp dụng cam kết miễn trừ phụ thuộc vào kết quả cuộc điều tra về nguyên nhân gây ra thảm kịch.

    “Có rất nhiều ví dụ về những gì gia đình nạn nhân có thể yêu cầu bồi thường bất chấp cam kết miễn trừ. Cho đến khi biết nguyên nhân vụ việc, chúng tôi không thể xác định liệu các cam kết miễn trừ trách nhiệm có được áp dụng hay không”, luật sư Joseph Low ở California nêu ý kiến.

    Theo Reuters, OceanGate Expeditions là một công ty nhỏ có trụ ở ở Everett (Washington, Mỹ), không rõ liệu họ có đủ tài sản để bồi thường những thiệt hại lớn hay không. Tuy nhiên, gia đình các nạn nhân có thể tận dụng chính sách bảo hiểm của công ty (nếu có).

    Ngoài ra, họ cũng có thể yêu cầu bồi thường tổn thất từ các bên tham gia thiết kế, xây dựng hoặc chế tạo bộ phận cho tàu lặn Titan, nếu chúng bị phát hiện có sai sót và là nguyên nhân dẫn đến thảm kịch.

    Công ty OceanGate Expeditions có thể tìm cách tự bảo vệ mình bằng cách đệ trình giới hạn trách nhiệm pháp lý theo luật hàng hải, cho phép chủ sở hữu tàu liên quan đến tai nạn yêu cầu tòa án liên bang hạn chế bất cứ thiệt hại nào đối với giá trị hiện tại của tàu.

    Tuy nhiên, công ty cần chứng minh được họ hoàn toàn không biết về những sai sót tiềm ẩn của tàu lặn Titan. Các chuyên gia pháp lý cho rằng đây không phải là chuyện dễ dàng. Nếu công ty thất bại, gia đình các nạn nhân sẽ được tự do nộp đơn kiện về sự sơ suất hoặc người thân thiệt mạng oan uổng.

    Một đạo luật hàng hải khác có tên “Death on the High Seas” (tạm dịch: Đạo luật tử vong trên biển) cho phép những người phụ thuộc tài chính vào người tử vong trong một tai nạn hàng hải có thể yêu cầu phần thu nhập đáng lẽ họ sẽ nhận được trong tương lai.

    Những gì công ty OceanGate Expeditions biết về sự an toàn của tàu lặn Titan và những điều hành khách được thông báo về con tàu sẽ là trọng tâm trong quá trình tìm hiểu vụ việc.

    Các nguyên đơn có thể viện dẫn những cáo buộc sai sót về an toàn của OceanGate Expeditions từng được một cựu nhân viên David Lochridge nêu ra trong vụ kiện công ty năm 2018. Ông David Lochridge cho biết, ông đã nêu lên “những lo ngại nghiêm trọng về an toàn” nhưng đã bị phớt lờ.

    Cùng năm, một nhóm các nhà lãnh đạo trong ngành cũng viết thư cho OceanGate Expeditions bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về sự an toàn của tàu Titan.

    Đinh Kim (Theo Reuters)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hanh-khach-ky-mien-tru-trach-nhiem-phap-ly-cong-ty-van-hanh-tau-lan-titan-van-co-the-bi-kien-a580087.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan