+Aa-
    Zalo

    Hé lộ về hiện tượng thiên văn “chỉ xuất hiện một lần trong đời” sắp xảy ra

    (ĐS&PL) - Tân tinh dự kiến sẽ xuất hiện trong chòm sao Corona Borealis của Dải Ngân hà và có thể quan sát được từ Bắc bán cầu.

    CNN dẫn thông tin từ NASA cho hay, các nhà thiên văn học đang mong đợi một “ngôi sao mới” sẽ xuất hiện trên bầu trời đêm vào bất cứ lúc nào, kể từ nay cho đến tháng 9/2024. Đây hứa hẹn là hiện tượng thiên văn chỉ xuất hiện một lần trong đời.

    Tân tinh sẽ xuất hiện trong chòm sao Corona Borealis hay Bắc Miện của Dải Ngân hà, nằm giữa chòm sao Boötes và Hercules. Nếu siêu tân tinh là kết quả của vụ nổ một ngôi sao lớn thì tân tinh lại liên quan đến vụ nổ đột ngột, ngắn ngủi của sao lùn trắng.

    T Coronae Borealis, còn được gọi là “ngôi sao rực lửa”, là một hệ nhị phân trong chòm sao Corona Borealis, bao gồm một ngôi sao lùn trắng đã chết và một ngôi sao đỏ khổng lồ đang già đi.

    Sao đỏ khổng lồ hình thành khi các ngôi sao cạn kiệt nguồn cung cấp hydro cho phản ứng tổng hợp hạt nhân và bắt đầu chết. Theo NASA, trong khoảng 5 tỷ hoặc 6 tỷ năm nữa, Mặt Trời sẽ trở thành một ngôi sao đỏ khổng lồ, phồng lên và giãn nở khi giải phóng các lớp vật chất, có khả năng khiến các hành tinh bên trong hệ mặt trời “bốc hơi”. Tuy nhiên, số phận của Trái Đất sẽ ra sao đến nay vẫn còn là điều bí ẩn.

    he lo ve hien tuong thien van chi xuat hien mot lan trong doi sap xay ra
    Tân tinh dự kiến xuất hiện trong chòm sao Corona Borealis hay Bắc Miện của Dải Ngân hà. Ảnh: NASA/ CNN

    Cứ khoảng 79 năm một lần, T Coronae Borealis lại trải qua một đợt nổ lớn. Sao lùn trắng và sao đỏ khổng lồ trong quỹ đạo ở khoảng cách đủ gần để tương tác dữ dội với nhau. Sao đỏ khổng lồ ngày càng trở nên không ổn định theo thời gian khi nó nóng lên, loại bỏ các lớp bên ngoài và rơi xuống sao lùn trắng dưới dạng vật chất.

    Sự trao đổi vật chất khiến bầu khí quyển của sao lùn trắn nóng lên dần dần cho tới khi nó trải qua “phản ứng nhiệt hạch tỏa nhiệt”, dẫn đên một vụ nổ mới.

    Lần cuối cùng T Coronae Borealis trải qua một vụ nổ là vào năm 1946 và các nhà thiên văn học đang theo dõi chặt chẽ hệ thống sao này một lần nữa.

    Ông William J. Cooke, người đứng đầu Văn phòng Môi trường Thiên thạch của NASA chia sẻ trong một email: “Hầu hết các tân tinh đều xảy ra bất ngờ mà không có cảnh báo. Tuy nhiên, T Coronae Borealis là một trong số 10 tân tinh định kỳ trong thiên hà.

    Chúng ta biết từ vụ nổ cuối cùng vào năm 1946 rằng ngôi sao sẽ mờ đi chỉ 1 năm trước khi tăng độ sáng nhanh chóng. T Coronae Borealis bắt đầu mờ đi vào tháng 3/2023, do đó một số nhà nghiên cứu dự đoán nó sẽ trở thành một vụ nổ tân tinh trong khoảng thời gian từ nay đến tháng 9”.

    Hệ thống sao, nằm cách Trái Đất 3.000 năm ánh sáng và thường quá mờ để có thể nhìn thấy bằng mắt thường, dự kiến sẽ đạt độ sáng tương tự như Polaris hay sao Bắc Đẩu.

    Tân tinh đạt độ sáng tối đa thì sẽ giống như một ngôi sao mới xuất hiện - một ngôi sao có thể nhìn thấy trong vài ngày mà không cần bất cứ thiết bị nào và nhìn được trong hơn 1 tuần bằng ống nhòm, trước khi nó mờ đi và biến mất khỏi tầm nhìn của con người thêm gần 80 năm nữa.  

    Tân tinh sẽ xuất hiện theo một vòng cung nhỏ giữa chòm sao Boötes và Hercules và được nhìn thấy từ Bắc bán cầu. Các nhà thiên văn học sẽ quan sát tân tinh bằng kính viễn vọng không gian Hubble, đồng thời nghiên cứu hiện tượng thiên văn này thông qua tia X và tia cực tím từ Đài quan sát Swift Neil Gehrels trên không gian.

    he-lo-ve-hien-tuong-thien-van-chi-xuat-hien-mot-lan-trong-doi-sap-xay-ra.mp4

    “Nghiên cứu hiện tượng tân tinh định kỳ như T Coronae Borealis giúp chúng ta hiểu được sự di chuyển lớn giữa các ngôi sao trong các hệ thống này, cung cấp những hiểu biết về sự tỏa nhiệt nhiệt hạch xảy ra trên bề mặt sao lùn trắn khi ngôi sao này chuyển thành tân tinh”, ông Cooke nói.

    Theo lời kể của ông, tân tinh cuối cùng mà ông chứng kiến là Cygni vào năm 1975 có độ sáng tương tự như những gì được kỳ vọng từ T Coronae Borealis. Tân tinh Cygni được dự đoán sẽ không trải qua một vụ nổ nào nữa.

    “Tôi là một thiếu niên đam mê thiên văn học chuẩn bị vào đại học và đang ở bên ngoài vào đêm 29/8. Khi nhìn lên bầu trời, tôi phát hiện chòm sao Cygnus bị xáo trộn và có một ngôi sao lẽ ra không nên ở đó.

    Bạn bè cho rằng tôi bị điên nhưng tôi thuyết phục họ quan sát và chúng tôi nhận ra mình đang nhìn thấy tân tinh. Đó là một trải nghiệm rất đáng nhớ và củng cố cho quyết định chọn thiên văn học như một nghề nghiệp của tôi”, ông Cooke nhớ lại.

    Đinh Kim(Theo CNN)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/he-lo-ve-hien-tuong-thien-van-chi-xuat-hien-mot-lan-trong-doi-sap-xay-ra-a615475.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan