+Aa-
    Zalo

    Hé lộ về lưới phòng không đa tầng giúp Israel đánh chặn “mưa hỏa lực” từ Iran

    (ĐS&PL) - Theo Lực lượng Phòng vệ Israel, nước này cùng các đối tác đánh chặn thành công 99% vũ khí mà Iran sử dụng trong cuộc tấn công mới đây.

    VnExpress dẫn các nguồn tin cho biết, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố đã cùng các đối tác đánh chặn thành công 99% vũ khí mà Iran sử dụng trong cuộc tấn công đêm 13/4 (giờ địa phương). Tuyên bố này dường như nhằm thể hiện sức mạnh của lưới phòng thủ đa tầng đang bảo vệ Israel trước những mối đe dọa đường không.

    Lớp phòng thủ tầm xa nhất có vẻ là 2 tàu khu trục Mỹ trang bị hệ thống chiến đấu Aegis đang hiện diện ở phía đông Địa Trung Hải và loạt tiêm kích đồn trú ở Trung Đông. Quan chức Lầu Năm Góc tiết lộ, lực lượng này đã bắn hạ 70 máy bay không người lái (UAV) và 3 tên lửa đạn đạo nhưng không cho biết loại vũ khí được sử dụng.

    Được biết, tàu khu trục Mỹ triển khai ở khu vực thường mang tên lửa phòng không tầm xa SM-2 với tầm bắn 160km, có mức giá 2 triệu USD/quả. Chiến hạm Mỹ còn được trang bị tên lửa tầm xa SM-6 (còn gọi RIM-174A ERAM), với khả năng đánh chặn mục tiêu từ khoảng cách 240-340km.

    Hình ảnh tên lửa SM-6 được phóng từ chiến hạm Mỹ trong đợt thử nghiệm năm 2014. Ảnh: US Navy

    Hình ảnh tên lửa SM-6 được phóng từ chiến hạm Mỹ trong đợt thử nghiệm năm 2014. Ảnh: US Navy

    Các chiến hạm Mỹ từng nhiều lần khai hỏa tên lửa SM-2 và SM-6 để đánh chặn UAV, tên lửa đạn đạo của lực lượng Houthi trên Biển Đỏ.

    Ngoài ra, chiến đấu cơ hạng nặng F-15E đóng quân ở Trung Đông và tiêm kích hạm F/A-18E/F trên tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower có thể được huy động để đánh chặn UAV, nhằm tiết kiệm chi phí và giảm tải cho hệ thống phòng không trên tàu khu trục.

    Theo quan chức Israel, Pháp cũng tham gia chặn đòn tập kích của Iran nhưng không nêu thông tin chi tiết.

    Bên cạnh sự hỗ trợ của đồng minh, quân đội Israel cũng sở hữu mạng lưới phòng không uy lực, với khả năng đánh chặn nhiều mục tiêu như tên lửa đạn đạo ở ngoài khí quyển và tên lửa hành trình bay thấp.

    Ở thời điểm hiện tại, lá chắn tầm xa nhất của Israel là các tổ hợp tên lửa phòng không Arrow. Tổ hợp này được phát triển từ giữa thập niên 1990 để đối phó với mối đe dọa từ Iran với tổng chi phí hàng tỷ USD.

    Arrow 3 là tổ hợp hiện đại nhất, do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Israel (IAI) và Boeing của Mỹ phối hợp phát triển. Tổ hợp được chế tạo từ năm 2017 và thực chiến lần đầu hồi cuối năm 2023.

    Tổ hợp Arrow 3 được chế tạo từ năm 2017 và thực chiến lần đầu hồi cuối năm 2023. Ảnh: Bộ Quốc phòng Israel

    Tổ hợp Arrow 3 được chế tạo từ năm 2017 và thực chiến lần đầu hồi cuối năm 2023. Ảnh: Bộ Quốc phòng Israel

    Arrow 3 được cho là có tầm bắn 2.400 km và hạ được tên lửa đạn đạo ở độ cao 100 km, trước khi chúng bắt đầu lao xuống mục tiêu và trở nên khó đánh chặn hơn.

    Đầu đạn của hệ thống này không dùng thuốc nổ nhưng có khả năng cơ động cao để đón đầu và phá hủy mục tiêu bằng động năng, kết hợp cảm biến quang học để tăng độ chính xác khi lao tới đích. Điều đó cho phép Arrow 3 hạ tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, sinh học và hóa học mà không gây nguy hiểm cho mặt đất.

    Phiên bản  Arrow 2 cũ hơn được tối ưu cho nhiệm vụ đánh chặn tên lửa đạn đạo ở pha cuối, khi mục tiêu đã trở lại khí quyển. Mỗi quả đạn có tầm bắn khoảng 90km và độ cao tối đa 52km, sử dụng đầu nổ phá mảnh để tăng tỷ lệ đánh trúng mục tiêu.

    Báo Dân Trí dẫn các nguồn tin cho biết thêm, để đối phó với tên lửa hoặc UAV tầm trung đến tấm xa - loại mà Israel sẽ phải đối mặt trong cuộc tấn công của Iran, nước này đã lắp đặt hệ thống David's Sling vào năm 2017.

    Với tầm bắn lên tới 300km, mục tiêu chính của hệ thống David's Sling là bảo vệ và đánh chặn tên lửa cỡ lớn, UAV hoặc tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

    Mỗi khẩu đội David's Sling được trang bị 12 tên lửa Stunner, với giá khoảng1 triệu USD/quả, sử dụng cơ chế diệt mục tiêu bằng va chạm trực tiếp thay vì mang đầu đạn chứa thuốc nổ.

    Điểm đặc biệt nhất của Stunner là đầu dò đa kênh dùng trong pha tiếp cận mục tiêu. Phần đầu tên lửa có hình dạng giống mũi cá heo chứa cảm biến ảnh nhiệt, đầu dò quang - điện và đầu dò radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA).

    Thiết kế như vậy khiến đối phương rất khó đánh lừa quả đạn Stunner, đồng thời tăng khả năng diệt những mục tiêu khó bám bắt như tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tàng hình.

    Quân đội Israel từng vận hành 10 khẩu đội tên lửa phòng không MIM-104E, còn gọi là Patriot PAC-2/GEM+, được nâng cấp sâu và sở hữu những tính năng như phiên bản PAC-3 hiện đại nhất của Mỹ. Tuy nhiên, các hệ thống này đang dần được thay thế bằng hệ thống David's Sling.

    Lớp cuối cùng trong lưới phòng không mặt đất của Israel là hệ thống Iron Dome (Vòm Sắt) được triển khai từ năm 2011. Hệ thống tầm ngắn này đã đánh chặn hàng nghìn tên lửa và UAV do Hamas và Hezbollah bắn trong vài năm qua.

    Hệ thống Iron Dome (Vòm Sắt) đã đánh chặn hàng nghìn tên lửa và UAV do Hamas và Hezbollah bắn trong vài năm qua. Ảnh: AFP

    Hệ thống Iron Dome (Vòm Sắt) đã đánh chặn hàng nghìn tên lửa và UAV do Hamas và Hezbollah bắn trong vài năm qua. Ảnh: AFP

    Theo nhà sản xuất Rafael Defense Systems của Israel, Vòm Sắt có tỷ lệ thành công 90%. Đầu tuần này, Israel ra mắt phiên bản hải quân của Vòm Sắt - một hệ thống phòng không được gọi là "C-Dome", để đánh chặn UAV của Houthi.

    Vòm Sắt hoạt động dựa vào một hệ thống radar và phân tích để xác định mục tiêu tên lửa có gây ra mối đe dọa hay không. Hệ thống này chỉ triển khai tên lửa đánh chặn nếu xác định tên lửa đang bay tới có nguy cơ nhằm vào một khu vực có dân cư hay cơ sở hạ tầng quan trọng.

    Các tên lửa đánh chặn được phóng theo phương thẳng đứng từ một giàn phóng di động hoặc bệ phóng cố định. Chúng được thiết kế để đánh chặn tên lửa đối phương ở trên không, tạo ra các vụ nổ và tiếng còi cảnh báo.

    Một tổ hợp Vòm Sắt hoàn chỉnh gồm 3-4 bệ phóng, mỗi bệ trang bị 20 tên lửa đánh chặn Tamir, cùng radar cảnh giới và dẫn bắn, hệ thống điều khiển và quản lý tác chiến. Phần lớn hoạt động của Vòm Sắt được tự động hóa để rút ngắn thời gian phản ứng và giảm yêu cầu về nhân lực vận hành.

    Thế nhưng, hệ thống Vòm Sắt cũng có những hạn chế nhất định. Một số tên lửa đã xuyên thủng hệ thống phòng không này, bao gồm một số tên lửa do Hezbollah bắn vào Israel hôm 12/4.

    Hệ thống Vòm Sắt phù hợp nhất với rocket hoặc tên lửa bắn từ khoảng cách ngắn. Radar của hệ thống phòng thủ này có tầm hoạt động từ 4-70km.

    Vòm Sắt được tối ưu để đánh chặn những loại đạn cối, rocket không dẫn đường có tầm bắn ngắn và tốc độ thấp, không phù hợp để đối phó tên lửa đạn đạo và hành trình tầm xa. Hệ thống thường bị quá tải nếu đối mặt với những đòn tập kích sử dụng lượng lớn rocket của đối phương.

    Ông Michael Herzog - Tướng quân đội về hưu của Israel, chỉ ra một nhược điểm của Vòm sắt. Đó là hệ thống này ít hiệu quả hơn ở tầm bắn 4km trở xuống nên các tên lửa tầm cực ngắn cũng có thể là mối đe dọa.

    Ngoài các hệ thống và chiến hạm nói trên, Israel cũng có thể triển khai lực lượng không quân rộng khắp để đối phó với các cuộc tấn công của Iran.

    Phi đội của Israel bao gồm các máy bay chiến đấu F-15, F-16 do Mỹ sản xuất và các máy bay chiến đấu F-35 thế hệ thứ 5 tiên tiến.

    Tất cả các máy bay này đều có thể được trang bị tên lửa không đối không và có khả năng bắn hạ máy bay không người lái hoặc tên lửa đối phương.

    Trong hình ảnh được không quân Israel công bố sáng 14/4, các tiêm kích tàng hình F-35I và F-15I trở về căn cứ "sau khi thực hiện thành công nhiệm vụ đánh chặn và phòng không". Điều đó cho thấy các tiêm kích này cũng được điều động để đánh chặn UAV tầm xa do Iran triển khai.

    Đ.K(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/he-lo-ve-luoi-phong-khong-a-tang-giup-israel-anh-chan-mua-hoa-luc-tu-iran-a413577.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan