+Aa-
    Zalo

    Học giả Trung Quốc cãi cùn ở Mỹ về Biển Đông

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Tức tối vì hành động hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông bị vạch trần tại một cuộc hội thảo ở Washington, học giả Trung Quốc quay sang “tố” Mỹ “thiên vị”.

    (ĐSPL) - Tức tối vì hành động hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông bị vạch trần tại một cuộc hội thảo ở Washington, học giả Trung Quốc quay sang “tố” Mỹ “thiên vị”. 
    Mỹ có thái độ “thiên vị” về  vấn đề Biển Đông. Đó là ý kiến của một giáo sư Trung Quốc được nhật báo Anh ngữ China Daily đăng tải ngày 14/7.
    Ý kiến này là phản ứng của một học giả Trung Quốc trước những lời cáo buộc Bắc Kinh hiếu chiến ở  Biển Đông, được hầu hết các chuyên gia nêu lên nhân 2 ngày hội thảo (10-11/07) tuần qua về Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) tại Washington.
    Theo bài báo đăng trên China Daily, tại cuộc hội thảo về Biển Đông do CSIS tổ chức, các diễn giả Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam và Philippines đều đã “điểm mặt Trung Quốc” về các hành động “khiêu khích”, “hung hăng”, “bắt nạt” và “làm thay đổi hiện trạng”.
    Học giả Trung Quốc cãi cùn ở Mỹ về Biển Đông

    Học giả Trung Quốc Sở Thụ Long (Chu Shulong) đơn độc và cãi cùn tại một cuộc hội thảo của CSIS ở Washington.

    Những cáo buộc này, theo China Daily, đã khiến cho học giả Sở Thụ Long (Chu Shulong) - một giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh - cảm thấy khó chịu vì ông cho rằng chính chiến lược “xoay trục” của Mỹ qua Châu Á-Thái Bình Dương, “đặc biệt kể từ bài phát biểu của Ngoại trưởng (Hillary) Clinton tại Hà Nội hồi tháng 7/2010”, đã làm căng thẳng leo thang ở Biển Đông.
    Để chứng minh thái độ thiên vị của Mỹ, vị giáo sư Trung Quốc đã nêu bật rằng trong 2 ngày hội thảo tại Trung tâm CSIS, không có một quan chức Mỹ nào nói về các hành vi sai trái của các nước khác, mà chỉ nói về hành vi sai trái của Trung Quốc. Ông Sở Thụ Long nhấn mạnh rằng Mỹ đã in lặng, khi Philippines đưa tàu quân sự lớn ra đảo Hoàng Nham (tên Trung Quốc đặt cho bãi cạn Scarborough) ở Biển Đông, cũng như khi Việt Nam thông qua Luật Biển để “đơn phương thay đổi hiện trạng”.
    Tại cuộc hội thảo, vị giáo sư họ Sở nói tiếp, chỉ thấy chiếu hình ảnh về các công trình xây dựng do Trung Quốc thực hiện trên các bãi đá hay rạn san hô ở Biển Đông, mà không thấy hình ảnh công trình của các nước khác. Ông Sở Thụ Long mỉa mai Mỹ rằng nước này đã phê phán Trung Quốc không tôn trọng luật quốc tế trong khi chính mình lại là nước không tham gia nhiều định chế quốc tế: từ Tòa án Hình sự Quốc tế cho đến Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)…
    Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc đe dọa sử dụng vũ lực hoặc bức hiếp láng giềng, nhưng theo ông Sở Thụ Long, việc Washington gia tăng sự hiện diện quân sự tại Biển Đông cũng đồng nghĩa với việc đe dọa sử dụng vũ lực hay bức hiếp.
    Theo RFI, điểm qua các luận cứ được giáo sư Sở Thụ Long nêu lên, giới phân tích đều thấy rõ đó chỉ là tập hợp các quan điểm chính thống của chính quyền Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
    Về luận điểm cho rằng chính chính sách của Mỹ, từ bài phát biểu của bà Clinton tại Hà Nội năm 2010 đã làm cho tình hình Biển Đông leo thang căng thẳng, học giả họ Sở đã không nói đến một loạt các hành vi trước đó của Trung Quốc, như dùng vũ lực đánh chiếm nhiều hòn đảo của Việt Nam tại Trường Sa năm 1988, giết hại hàng chục binh sĩ Việt Nam, sau đó lại cưỡng chiếm Đá Vành Khăn (Mischief Reef) dưới quyền kiểm soát của Philippines vào năm 1995.
    Đó là chưa kể đến các quyết định đơn phương ban hành lệnh cấm đánh cá ở Biển Đông - vốn dĩ là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam và Philippines, gây sức ép đối với các tập đoàn dầu khí quốc tế để họ không làm ăn với Việt Nam hay Philippines…
    Danh sách các hành vi gây căng thẳng của Trung Quốc từ trước lúc Mỹ tiến hành chính sách “xoay trục” phải nói là rất dài. Nhưng cốt lõi của vấn đề là tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, với tấm bản đồ hình “lưỡi bò” lần đầu tiên được Trung Quốc trình lên Liên Hợp Quốc năm 2009, trước cả cái mốc 2010 được ông Sở Thụ Long nêu lên.
    Theo giới phân tích quốc tế, chính các hành động hung hăng của Bắc Kinh sau ngày công khai hóa tấm bản đồ “lưỡi bò” đó - nhằm áp đặt yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông - mới là nguyên do làm cho tình hình căng thẳng. Tuy nhiên, đây là điều không được vị giáo sư Sở Thụ Long của Đại học Thanh Hoa nhắc đến.
    Tờ China Daily dẫu sao cũng thừa nhận một thực tế: Lập trường bênh vực Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông rất hiếm hoi, khi phải kết luận rằng giáo sư Sở Thụ Long “có lẽ hơi đơn độc trong số các diễn giả tại cuộc hội thảo ở Trung tâm CSIS tuần qua”.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hoc-gia-trung-quoc-cai-cun-o-my-ve-bien-dong-a41032.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan