+Aa-
    Zalo

    Hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thực hiện BHYT toàn dân có nghĩa là mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe, được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia BHYT và thụ hưởng các dịch vụ y tế, những lợi ích thiết thực người dân được hưởng từ chính sách BHYT là một trong những chỉ tiêu quan trọng đánh giá mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe.

    Vượt chỉ tiêu về độ bao phủ

    Theo báo cáo của Bộ Y tế, thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, trong đó, có một chỉ tiêu quan trọng là giai đoạn 2016 - 2020 phải bảo đảm ít nhất 90% dân số tham gia BHYT; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT theo quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu KCB của người tham gia BHYT. Từng bước đổi mới cơ chế tài chính theo hướng đầu tư trực tiếp cho người thụ hưởng dịch vụ y tế thông qua hình thức hỗ trợ tham gia BHYT, phấn đấu giảm tỷ lệ chi tiêu y tế trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình xuống dưới 35% vào năm 2025 và dưới 30% vào năm 2030.

    Với tiêu chí đặt quyền lợi của người dân lên hàng đầu, chính sách thông tuyến KCB BHYT được áp dụng từ ngày 1-1-2016 đã tạo điều kiện để người dân tiếp cận dịch vụ y tế dễ dàng hơn. Quyền lợi trong KCB của người dân tham gia BHYT cũng được mở rộng. Cùng với ngân sách Nhà nước, BHYT cũng tạo ra nguồn tài chính công đáng kể cho việc KCB, góp phần thực hiện mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội.

    37

    Ảnh minh họa

    Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, quản lý BHYT đã giảm thủ tục, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, thực hiện công khai, minh bạch các khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tin học hóa BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện thủ tục tham gia và cấp thẻ BHYT từ năm 2015. Thông qua hệ thống phần mềm, doanh nghiệp có thể kê khai và nộp hồ sơ BHXH qua mạng Internet. Từ tháng 6-2016, hệ thống thông tin giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT bắt đầu hoạt động, đã kết nối với trên 99% cơ sở KCB từ tuyến xã đến Trung ương trên toàn quốc. Đến nay, đã tạo lập xong cơ sở dữ liệu cho hộ gia đình tham gia BHYT, từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHYT.

    Với sự quan tâm chỉ đạo, định hướng của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và những lợi ích khi tham gia BHYT, số người tham gia BHYT ở Việt Nam ngày càng tăng cao. Tính đến hết tháng 5-2019, toàn quốc có 84 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89% dân số. Hiện vẫn còn 11% dân số, tương đương với khoảng 10 triệu người chưa tham gia BHYT. 

    Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là khát vọng thể hiện tính ưu việt, công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Theo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, để đạt được mục tiêu này, không có cách nào khác là phải phát triển BHYT bền vững, và phải bảo đảm được hai yêu cầu rất cơ bản. Đó là, bao phủ đến mọi người, hay để không ai phải đi khám, chữa bệnh (KCB) mà không có BHYT và bảo đảm bền vững về tài chính, đây được xem là vấn đề quan trọng với Việt Nam hiện nay, khi tình trạng bội chi quỹ KCB BHYT vẫn tiếp diễn.

    Hiện nay, với những bất cập trong quá trình thực hiện Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch xây dựng dự án Luật BHYT sửa đổi báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật BHYT sửa đổi phù hợp tình hình mới. Dự thảo luật này dự kiến sẽ có những cách tiếp cận mới, như: Hạn chế sự “bao cấp”, tăng trách nhiệm của người dân trong việc tham gia BHYT, cũng như cùng kiểm soát chi phí KCB; phòng, chống lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT… 

    Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, để mọi người dân sớm được hưởng quyền an sinh về BHYT, điều kiện quan trọng nhất là sự quan tâm của cả hệ thống chính trị phải “tương xứng” với vai trò quan trọng của chính sách này, cũng như ý thức của người dân, cơ sở y tế về ý nghĩa của việc tham gia BHYT, giám sát và sử dụng hiệu quả quỹ KCB BHYT. 

    Ngành y tế cần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cơ sở; các cơ sở y tế đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong KCB BHYT, kịp thời cập nhật dữ liệu lên Cổng thông tin Giám định điện tử nhằm minh bạch trong quản lý và chia sẻ sử dụng thông tin giữa các cơ sở y tế và cơ quan BHXH. Đồng thời, với vai trò là cơ quan thực hiện chính sách BHYT, cơ quan BHXH cũng sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tinh thần phục vụ, đổi mới công tác giám định BHYT, tăng cường chỉ đạo công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật BHYT, BHXH; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật BHYT…

    Đồng thời, để phấn đấu đến hết năm 2020 có hơn 90% dân số tham gia BHYT, Chính phủ cần chỉ đạo UBND các tỉnh tích cực, chủ động hơn nữa trong tổ chức thực hiện BHYT. Đẩy mạnh hỗ trợ các địa phương triển khai các giải pháp mở rộng đối tượng tham gia, nhất là các địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp. Các bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố cân đối ngân sách thực hiện hỗ trợ 100% mức đóng cho đối tượng cận nghèo tham gia BHYT. Đối với hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, mức hỗ trợ tối thiểu là 50% mức đóng BHYT; đối với học sinh, sinh viên hỗ trợ thêm từ 20% mức đóng BHYT trở lên. Các tỉnh, thành phố phải tăng cường giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT trên địa bàn; đưa chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm. Giao chỉ tiêu tham gia BHYT đến từng xã, gắn trách nhiệm của chủ tịch UBND xã, lấy chỉ tiêu phát triển đối tượng làm chỉ tiêu xét thi đua khen thưởng hằng năm…

    Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới

    Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển định hướng “sức khỏe cho mọi người” sang “mọi người vì sức khỏe”, tức là chuyển từ việc Nhà nước chủ yếu phải chăm lo sức khỏe cho mọi người dân sang việc chăm lo sức khỏe là trách nhiệm của nhà nước, của toàn xã hội và của bản thân mỗi người dân. Do đó, việc tham gia BHYT là quyền và nghĩa vụ của mỗi người dân. Thực hiện BHYT toàn dân có nghĩa là mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe, được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia BHYT và thụ hưởng các dịch vụ y tế. Chi phí cho các dịch vụ y tế ở mức cơ bản do ngân sách và BHYT chi trả; chi phí vượt mức cơ bản do người sử dụng dịch vụ chi trả. Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế và có cơ chế giá, cơ chế đồng chi trả nhằm phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở.  

    Thu Hà 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/huong-toi-bao-hiem-y-te-toan-dan-a509485.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan