+Aa-
    Zalo

    Kỳ 2: Danh ca nổi tiếng lận đận kiếp công nhân

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Chỉ có những người thân thiết với Kiều Hưng mới biết, ngôi sao sáng của dòng nhạc dân ca cũng từng làm công nhân cho một hãng bánh kẹo tại Đức để mưu sinh.

    (ĐSPL) - Chỉ có những người thân thiết với Kiều Hưng mới biết, ngôi sao sáng của dòng nhạc dân ca cũng từng làm công nhân cho một hãng bánh kẹo tại Đức để mưu sinh.

    Thế hệ những người yêu nhạc lớn tuổi hẳn vẫn chưa quên ấn tượng về giọng hát ngọt ngào và trong trẻo hiếm có của Kiều Hưng - viên ngọc quý của làng âm nhạc nước nhà. Nổi tiếng với những bản nhạc mang âm hưởng dân ca, chất giọng da diết của ông từng gắn liền với vô số những bài hát mà theo đánh giá của nhiều người sành nhạc, thì tới tận bây giờ vẫn "không ai qua nổi". Dù rằng sau ông, âm nhạc nước nhà cũng đã sản sinh ra rất nhiều giọng ca xuất sắc, nhưng Kiều Hưng thì chỉ có một mà thôi...

    "Rặng trâm bầu", "Tiếng đàn bầu" hay "Người đi xây hồ kẻ Gỗ" chỉ là một trong rất nhiều bản nhạc "đóng đinh" với giọng hát của ông. Để rồi khi ông phiêu bạt sang xứ người hàng chục năm, mỗi khi bài hát ấy vang lên, trong tâm trí người yêu nhạc vẫn còn nguyên những ấn tượng về giọng hát Kiều Hưng, dù người thể hiện có là ai...

    Tài hoa, nổi tiếng, được đông đảo khán giả trong và ngoài nước yêu mến, nhưng cuộc sống của nam danh ca một thủa lại rẽ sang một bước ngoặt định mệnh khi ông quyết định rời xa quê hương. Nơi ông tới định cư là nước Đức, quốc gia có cộng đồng người Việt không quá đông đảo và quây quần như Mỹ hay một số nước Châu Âu khác. Cũng chính tại mảnh đất từng được coi là "miền đất hứa" của rất nhiều người Việt tha hương, sự nghiệp âm nhạc của ông lại lặng lẽ chìm xuống, giữa nhịp sống công nghiệp hối hả, bận rộn xứ người.

    Kỳ 2: Danh ca nổi tiếng lận đận kiếp công nhân

    Nghệ sĩ Kiều Hưng.

    nghệ sĩ chuyên trị dòng nhạc dân ca, "miền đất hứa" của Kiều Hưng phải là tổ quốc, chứ không phải nơi nào khác. Chỉ có ở Việt Nam, ông mới có đông đảo người hâm mộ thưởng thức từng nốt nhạc, từng ca từ ngân vang trong trẻo bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Sang Đức, cộng đồng khán giả bị thu hẹp, nhu cầu thưởng thức dân ca cũng nhỏ bé đi nhiều so với những dòng nhạc khác, đặc biệt là khi những người Việt sang Đức mỗi ngày một trẻ. Tài hoa, giọng ca trời phú của Kiều Hưng gần như không còn đất để phát huy và theo thời gian, nó dần mai một trong sự tiếc nuối của chính ông cũng như hàng ngàn người hâm mộ.

    Những Việt kiều Đức biết tới Kiều Hưng không quá nhiều. Chỉ những người cùng thế hệ với ông hoặc trẻ hơn một chút mới biết được ông già nhỏ thó, vẻ mặt khắc khổ và hiền lành thường xuyên biểu diễn tại những buổi giao lưu của cộng đồng người Việt tại Đức chính là một ca sĩ nổi danh thủa trước. Còn lại, rất nhiều những người Việt trẻ sống tại quốc gia Châu Âu hiện đại này còn không thuộc nổi lời một điệu dân ca, đừng nói tới việc biết tên người ca sĩ già hơn 10 năm không đi hát...

    Sang Đức, Kiều Hưng chỉ đi hát trong vài năm đầu, khi mà nhu cầu thưởng thức giọng hát của ông vẫn còn trong lòng những người đồng hương ở nơi đây. Tuy nhiên, số tiền kiếm được từ nghệ thuật không đủ cho những nhu cầu cuộc sống. Cũng như mọi người Việt bình thường khác, ông chọn cho mình một công việc lao động thuần túy để kiếm thêm thu nhập và mưu sinh nơi đất khách. Giọng ca lừng danh một thủa cũng được xếp lại như một kỷ vật vô giá và chỉ được "lôi ra" trong một vài buổi giao lưu giữa cộng đồng người Việt, mỗi năm một vài lần.

    Có một thời gian dài, người ta quên mất đi rằng tại Đức, còn có một giọng ca xuất sắc vào hạng nhất của dòng nhạc dân ca. Chỉ những người thân thiết, gần gũi với ông mới biết được, người công nhân hãng bánh kẹo giản dị Kiều Hưng từng có một thời là ngôi sao sáng, với hàng ngàn, hàng vạn người hâm mộ. Ông có lẽ cũng không có nhiều lựa chọn, khi mà nghề ca sĩ không thể nuôi sống được ông tại xứ người. Và dù là người thường hay ca sĩ, người ta cũng cần phải sống...

    Người hâm mộ nuối tiếc và xót xa ông, giọng hát của ông. Nhất là khi họ được chứng kiến "viên ngọc quý" của âm nhạc Việt ngày nào cất giọng ca vàng của mình giữa xô bồ, nhộn nhịp của những quán bia. Dù ông chẳng ngại ngần thổ lộ: "Hát đâu cũng là hát, miễn được hát là tôi cảm thấy vui", nhiều người vẫn chẳng thể nén nổi tiếng thở dài. Giọng hát ấy, tài năng ấy sinh ra để hát trên những sân khấu lớn, để chinh phục hàng triệu trái tim, chứ đâu phải để mua vui theo cách ấy...

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-2-danh-ca-noi-tieng-lan-dan-kiep-cong-nhan-a45885.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan