+Aa-
    Zalo

    Lạng Sơn: Gỡ “điểm nghẽn” để tăng tốc sau Covid-19

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sau gần 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, các địa phương đang xây dựng và ban hành các giải pháp để khôi phục kinh tế. ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với bà Đoàn Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn về những giải pháp của địa phương nhằm đảm bảo "mục tiêu kép", vừa phòng chống dịch vừa khôi phục và phát triển kinh tế.

    Đảm bảo "vùng xanh tại cửa khẩu"

    ĐS&PL: Thưa bà, thời gian qua dịch bệnh đã gây ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Lạng Sơn là một địa phương có vị trí trọng yếu, Lạng Sơn đã làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo sản xuất, lưu thông hàng hoá đồng thời đảm bảo an toàn cho người dân?

    Bà Đoàn Thu Hà: Trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp cũng chịu những tác động hết sức tiêu cực, nặng nề. Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh thì nhiều chính sách, giải pháp đã được các Bộ, ngành, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền kịp thời ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.

    Cụ thể, tỉnh nghiêm túc và tích cực triển khai các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương.

    Ngoài ra, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định về miễn, giảm giá nước sinh hoạt; giảm giá dịch vụ xe ra, vào các bến bãi tại khu vực các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh; một số chính sách về tăng cường xuất khẩu, phát triển thị trường như tổ chức xúc tiến thương mại áp dụng ngay các hình thức xúc tiến môi trường thương mại điện tử...

    Không chỉ vậy, hiện nay, tỉnh Lạng Sơn đang thực hiện thành lập tổ công tác đặc biệt của tỉnh về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

    lang son go diem nghen de tang toc sau covid 19 01
    Cửa khẩu Hữu Nghị. Ảnh: Trọng Tùng

    ĐS&PL: Lạng Sơn có tới 9 cửa khẩu thông thương với Trung Quốc - thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động XNK hàng hóa của doanh nghiệp. UBND tỉnh có hỗ trợ cụ thể gì cho doanh nghiệp để giải quyết tình trạng ùn ứ, tắc biên?

    Bà Đoàn Thu Hà: Với đặc thù là tỉnh Biên giới, Lạng Sơn còn đảm bảo hoạt động thông quan hàng hóa XNK cho các tỉnh trên cả. Tỉnh đã chủ động, linh hoạt các giải pháp nhằm đảm bảo "vùng xanh tại cửa khẩu" để đảm bảo lưu thông hàng hóa XNK bằng nhiều biện pháp phù hợp để quản lý đối với lái xe, chủ hàng đến từ các vùng có dịch vào tỉnh theo chu trình khép kín từ khi vào đến khi ra khỏi tỉnh.

    Ứng dụng phần mềm quản lý khai báo khi bắt đầu vào chốt đầu tiên vào địa phận tỉnh, bố trí nhiều khu vực trung chuyển cho các xe hàng để chờ thông quan đảm bảo giãn cách làm nhiều tầng, thực hiện việc kiểm soát và xét nghiệm phù hợp với các mức độ ở các khu vực đối với lái xe và chủ hàng trước khi vào khu vực cửa khẩu; thường xuyên trao đổi hội đàm với phía bạn Trung Quốc bàn các giải pháp để vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

    ĐS&PL: Theo thống kê, thu ngân sách 9 tháng đầu năm 2021, đạt được kết quả tích cực, ước thu được 8.127,9 tỷ đồng, đạt 139,3% dự toán năm. Đây là kết quả thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của địa phương, thời gian tới tỉnh có kế hoạch như nào để tiếp tục đảm bảo mục tiêu kép?

    Bà Đoàn Thu Hà: Để tiếp tục thực hiện tốt, bảo vệ các thành quả đã đạt được trong công tác phòng chống Covid-19, để đảm bảo vừa yêu cầu phát triển kinh tế, vừa chống dịch an toàn, trong thời gian tới cấp ủy, chính quyền Lạng Sơn sẽ tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp.

    Chúng tôi xác định, xác định thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Bám sát tình hình, diễn biến của dịch bệnh để chủ động thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch với phương châm “chống dịch như chống giặc”, không được chủ quan, lơ là, quyết tâm đẩy lùi bệnh dịch. Thực hiện tốt công tác kiểm soát chặt chẽ tại khu vực biên giới, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về xuất nhập cảnh; Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng dịch Covid-19, tạo miễn dịch cộng đồng, bảo vệ sức khỏe nhân dân, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch.

    Tiếp đến, tỉnh sẽ tập trung hoàn thành công tác lập và triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm nền tảng phát triển – kinh tế xã hội toàn diện của tỉnh và đẩy mạnh liên kết vùng. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, trước hết là tạo bước đột phá xây dựng các công trình có tính chất động lực như: Đường quốc lộ, tỉnh lộ, hạ tầng cửa khẩu,... Ngoài ra, xây dựng cơ chế để thu hút đầu tư các dự án đầu tư phát triển kinh tế.

    Tập trung thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh, dự án có ý nghĩa vùng, liên vùng. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các dự án đầu tư.

    Triển khai hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên địa bàn tỉnh; Tăng cường công tác tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc, nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh để ứng phó linh hoạt với tác động của thiên tai, dịch bệnh để phục hồi sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế. Tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, làm tốt công tác thu hút đầu tư.

    Nâng cao công tác dự báo tình hình, nắm bắt các chính sách, biện pháp áp dụng đối với hoạt động xuất nhập khẩu của phía Trung Quốc, kịp thời đề ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh, hạn chế ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu, đồng thời bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Tiếp tục thu hút các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.

    Đẩy mạnh triển khai các giải pháp cụ thể như tập trung đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng và phát triển thương hiệu Việt. Phát triển mạnh thương mại điện tử và sự gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống để góp phần phục hồi kinh tế sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, việc kích cầu tiêu dùng nội địa. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị, chú trọng đến các mặt hàng nông sản.

    lang son go diem nghen de tang toc sau covid 19 02
    Bà Đoàn Thu Hà trong một chuyến công tác kiểm tra công tác quản lý nhà nước tại Cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh TTX

    Khắc phục những yếu kém của công chức thực thi công vụ

    ĐS&PL: Bà vừa nhắc tới chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh, cụ thể việc này thế nào thưa bà?

    Bà Đoàn Thu Hà: Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh đạt ra mục tiêu phấn đấu tổng vốn đầu tư xã hội đạt 166 - 168 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước đạt khoảng 115 - 120 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trên 70% - 75% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trung bình mỗi năm thành lập mới từ 500 - 600 doanh nghiệp; đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 5.500 doanh nghiệp.

    Để đạt mục tiêu trên, tỉnh xác định kinh tế tư nhân giữ vai trò quan trọng để thúc đẩy tái cấu trúc kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng của tỉnh và xác định lĩnh vực thu hút đầu tư ngoài ngân sách vào đầu tư các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực; trồng rừng, chế biến nông lâm sản, phát triển các vùng khó khăn, nông nghiệp và nông thôn; các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao bảo đảm môi trường và an ninh quốc gia.

    lang son go diem nghen de tang toc sau covid 19 03
    Đoàn xe đợi làm thủ tục xuất nhập khẩu tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: TTXVN

    ĐS&PL: Hiện nay, tại không ít địa phương xảy ra thực trạng doanh nghiệp gặp khó khăn trong các khâu: Đền bù, GPMB, thủ tục hành chính kéo dài, chậm chế trong giải ngân vốn đầu tư công, sự chồng chéo giữa các văn bản luật... tại Lạng Sơn thì sao thưa bà?

    Bà Đoàn Thu Hà: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cũng còn gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp và còn bộc lộ một số hạn chế làm chậm tiến độ thực hiện dự án, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

    Nguyên nhân là do quy định của pháp luật còn chồng chéo; cơ chế, chính sách của tỉnh về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung kịp thời, tuy nhiên đa số người dân vẫn chưa đồng thuận vẫn còn thắc mắc về giá đất bồi thường thấp, đặc biệt các Dự án thuộc khu vực đô thị, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện.

    Công tác thống kê, kiểm đếm đất đai, tài sản gắn liền với đất bị thu hồi, việc xác định giá bồi thường còn có sai sót; năng lực, trách nhiệm, tinh thần, thái độ của một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu.

    Việc xây dựng khu tái định cư của nhiều dự án còn chậm tiến độ, quỹ đất tái định cư còn thiếu. Công tác giải phóng mặt bằng ở một số nơi chưa được thực hiện tốt, vẫn là "điểm nghẽn" trong triển khai công trình, dự án, làm chậm tiến độ thi công, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, an ninh trật tự, đời sống sản xuất của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội chung trên địa bàn tỉnh.

    ĐS&PL: Vậy, UBND tỉnh đã có phương pháp cụ thể nhằm hạn chế hoặc chấm dứt tình trạng này để tháo gỡ cho doanh nghiệp?

    Bà Đoàn Thu Hà: Trước hết, chúng tôi tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

    Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; có giải pháp trọng tâm, trọng điểm khắc phục những hạn chế, yếu kém để công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có chuyển biến mạnh mẽ. Việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phải phù hợp với quy hoạch các ngành, nhưng dự án có tính cấp bách, quan trọng, nhất thiết phải đầu tư thì xem xét điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho phù hợp.

    Quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án, nhất là các dự án trọng điểm, các dự án kéo dài nhiều năm chưa hoàn thành, UBND các huyện, thành phố được giao nhiệm vụ thực hiện dự án hàng tháng báo cáo những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền kịp thời gửi các Sở, ngành chức năng để tổng hợp báo cáo đề xuất UBND tỉnh giải quyết theo quy định.

    ĐS&PL: Xin trân trọng cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

    Lê Tuấn

    Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ Bảy (37)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lang-son-go-diem-nghen-de-tang-toc-sau-covid-19-a517693.html
    Lập 12 đoàn kiểm tra việc giải ngân tiền hỗ trợ người dân

    Lập 12 đoàn kiểm tra việc giải ngân tiền hỗ trợ người dân

    Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa ký Quyết định thành lập 12 đoàn kiểm tra về thực hiện chính sách an sinh xã hội, người dân khó khăn bởi đại dịch Covid-19. Thời gian thực hiện các cuộc kiểm tra được xác định từ 21/10 đến 3/11/2021.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Lập 12 đoàn kiểm tra việc giải ngân tiền hỗ trợ người dân

    Lập 12 đoàn kiểm tra việc giải ngân tiền hỗ trợ người dân

    Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa ký Quyết định thành lập 12 đoàn kiểm tra về thực hiện chính sách an sinh xã hội, người dân khó khăn bởi đại dịch Covid-19. Thời gian thực hiện các cuộc kiểm tra được xác định từ 21/10 đến 3/11/2021.

    TP.HCM kéo dài thời gian chi hỗ trợ đợt 3 đến 31/10

    TP.HCM kéo dài thời gian chi hỗ trợ đợt 3 đến 31/10

    Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐTB&XH TP.HCM cho biết, mặc dù đã kết thúc thời gian gia hạn chi hỗ trợ đợt 3 của TP theo thông báo trước, nhưng vì tỷ lệ chi hỗ trợ mới chỉ đạt 78% nên TP sẽ tiếp tục kéo dài thời hạn đến hết ngày 31/10.