+Aa-
    Zalo

    Lý do Trung Quốc không ngừng đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Năm 2023 sẽ là năm thứ 8 liên tiếp Trung Quốc duy trì mức tăng trưởng một con số cho ngân sách quốc phòng. Chính sách của Bắc Kinh cũng đã thu hút nhiều sự chú ý từ dư luận quốc tế.

    Báo cáo về dự thảo ngân sách được công bố trong phiên khai mạc kỳ họp đầu tiên của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc khóa XIV hôm 6/3, cho thấy Bắc Kinh sẽ phân bổ 1,55 nghìn tỷ NDT (224 tỷ USD) cho chi tiêu quốc phòng trong năm 2023, tăng 7,2% so với năm ngoái.

    Đây là năm thứ 8 liên tiếp Trung Quốc duy trì mức tăng trưởng một con số cho ngân sách quốc phòng. Chính sách của Bắc Kinh cũng đã thu hút nhiều sự chú ý từ dư luận quốc tế.

    vi sao trung quoc khong ngung day manh chi tieu quoc phong 01
    Trung Quốc tiếp tục duy trì mức tăng trưởng một con số cho ngân sách quốc phòng trong năm 2023. Ảnh minh hoạ: EPA

    Tờ New York Times dẫn lời ông Bitzinger, một chuyên gia nghiên cứu quân đội Trung Quốc, từng giảng dạy tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cho biết: "Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc gần đây đã vượt xa GDP, điều này dường như đang rất, rất quan trọng với họ, nhất là trong hoàn cảnh thế giới ngày càng khó lường và bất ổn".

    Giáo sư Takashi Kawakami tại Đại học Takushoku ở Tokyo nói rằng, Trung Quốc dường như sẽ ưu tiên cho năng lực hạt nhân. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã đưa ra dự báo con số hơn 400 đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc sẽ nhanh chóng tăng lên 1.000.

    Phó giáo sư Li Mingjiang tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore cho rằng, chi tiêu quốc phòng vượt xa dự báo tăng trưởng kinh tế cho thấy Trung Quốc lường trước được sẽ phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong môi trường an ninh bên ngoài.

    "Các nhà lãnh đạo Trung Quốc rõ ràng đang tăng cường nỗ lực chuẩn bị cho quân đội năng lực để đối phó trước mọi thách thức an ninh tiềm tàng, bao gồm những tình huống bất ngờ", ông Li nhận định.

    Tuy nhiên, theo Tân Hoa Xã, việc tăng chi tiêu quốc phòng sẽ giúp Trung Quốc "huấn luyện tốt hơn các lực lượng quân sự, trang bị thêm vũ khí hiện đại, đồng thời hỗ trợ quân đội giải quyết những mối đe dọa an ninh phi truyền thống như đại dịch và thảm họa thiên nhiên".

    Tờ Chinadaily cho rằng cộng đồng quốc tế nên bình tĩnh đánh giá về ngân sách quốc phòng của Trung Quốc. Tờ báo nhấn mạnh việc Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng trong năm 2023 "như một sự chuẩn bị cho một cuộc tấn công vũ trang" là phóng đại, đồng thời khẳng định "đó là để duy trì an ninh quốc gia".

    Chinadaily cũng chỉ ra rằng nhiều nước lớn trên thế giới đã tiết lộ chi tiêu quốc phòng cho năm 2023. Nhìn chung, tất cả các quốc gia quân sự lớn đều tăng ngân sách quân sự cho năm nay và "tốc độ tăng trưởng không thấp".

    Ngân sách quốc phòng của Mỹ cho năm 2023 sẽ lên tới 857,9 tỷ USD, tăng hơn 13,9%, mức cao nhất trong lịch sử. Đây vẫn là quốc gia có chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới. Mỹ cũng sẽ tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine, cung cấp thêm ít nhất 800 triệu USD hỗ trợ an ninh cho Kiev, đồng thời 6 tỷ USD sẽ được sử dụng để kiềm chế Nga ở châu Âu.

    Nhật Bản cũng tuyên bố ngân sách quốc phòng cho năm 2023 sẽ là 6,8 nghìn tỷ yên (50,2 tỷ USD), tăng 26,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trở thành một trong những quốc gia tăng chi tiêu quân sự nhanh nhất. Chi tiêu quân sự của Nhật Bản đã tăng 24% và sẽ tăng gấp đôi trong vòng 5 năm. Khoản tăng từ 1% lên 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ được dùng để mua tên lửa có tầm bắn hơn 1.000km và mua máy bay không người lái của Mỹ nhằm tăng khả năng tấn công phủ đầu.

    Các nước châu Âu cũng tham gia cuộc chạy đua vũ trang quyết liệt, quyền tự chủ quốc phòng của EU ngày càng được đẩy mạnh. Mỹ yêu cầu các nước NATO chi hơn 3% GDP cho chi tiêu quân sự. Pháp đã thông qua ngân sách quân sự trị giá 42,8 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đức đã thành lập quỹ quốc phòng trị giá 100 tỷ Euro và phân bổ 2% GDP cho quốc phòng, đồng thời xây dựng kế hoạch mua sắm trang thiết bị quốc phòng mới. Các nước châu Âu khác cũng đặt ngân sách quốc phòng ở mức 2,5% đến 3% GDP, đây là mức cao nhất trong lịch sử. Anh cũng cho biết sẽ tăng gấp đôi chi tiêu quân sự trong vòng 8 năm.

    Năm 2022, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ đạt 1,45 nghìn tỷ NDT, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2021 và tốc độ tăng trưởng ngân sách quốc phòng năm 2023 vẫn ở mức một con số. Theo Chinadaily, đây vẫn là tăng trưởng bù, xét cho cùng, trình độ quân sự của Trung Quốc trong vài năm qua "rõ ràng là không tương xứng với quy mô và địa vị quốc tế của chính họ".

    Từ góc độ xếp hạng thế giới, mặc dù tổng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đứng thứ hai thế giới nhưng điều này dựa trên tổng thể kinh tế khổng lồ của Trung Quốc.

    "Trên thực tế, mặc dù ngân sách quốc phòng của Trung Quốc hàng năm đều tăng nhưng tỷ trọng chi quân sự trong GDP rất thấp, đến năm 2022 ngân sách quân sự sẽ chỉ chiếm khoảng 1,3% GDP. Có thể thấy nhiều người đã bỏ qua mối quan hệ giữa ngân sách quốc phòng và tổng GDP, chi tiêu quân sự của Trung Quốc nhiều năm chỉ chiếm 1,3% đến 1,4%. Ngược lại, Mỹ, Nga, thậm chí cả Ấn Độ và các nước khác đều đạt 2% đến 4,3%. Do đó, điều này cho thấy đầy đủ rằng chi tiêu quân sự của Trung Quốc không chỉ vẫn có tiềm năng tăng trưởng mà còn cho thấy Trung Quốc không có ý định tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang với các nước khác", Chinadaily bình luận.

    Một bài báo được xuất bản vào tháng 10/2022 trên tạp chí của Cục Quản lý Nhà nước về Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, đã đưa ra khuyến nghị tăng chi tiêu quốc phòng quốc gia giữa lúc các quốc gia trong khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu cũng tăng mạnh ngân sách quân sự. Bài báo cũng khẳng định: "Vấn đề không phải là tham gia cuộc chạy đua vũ trang quốc tế, mà là bảo vệ an ninh quốc gia".

    Hoa Vũ (Theo Chinadaily)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ly-do-trung-quoc-khong-ngung-day-manh-chi-tieu-quoc-phong-a568181.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan