+Aa-
    Zalo

    "Ma trận" sách tham khảo

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sách tham khảo (STK) là nguồn tài liệu bổ sung, nâng cao kiến thức, trau dồi kỹ năng và rèn luyện phương pháp cho học sinh cũng như đội ngũ giáo viên.

    Sách tham khảo (STK) là nguồn tài liệu bổ sung, nâng cao kiến thức, trau dồi kỹ năng và rèn luyện phương pháp cho học sinh cũng như đội ngũ giáo viên.

    Ảnh minh họa.

    Bên cạnh đó, STK cũng giúp phụ huynh học sinh kèm cặp, hướng dẫn con em của mình trong học tập. Hiểu được điều này, các nhà xuất bản đã đưa ra nhiều loại sách với đủ các chủng loại, mẫu mã với nhiều cấp học từ lớp 1-12. Tuy nhiên, với quá nhiều đầu sách được in ấn, thị trường sách tham khảo hiện nay không khác gì một “ma trận”.

    Anh Trần Văn Hiệp, có hai con đang học lớp 2 và lớp 4 tại trường Tiểu học Đông Ngạc (Hà Nội) than phiền: “Mỗi năm tôi phải mua khoảng 20 cuốn STK cho các cháu ở nhà. Tiêu chí lựa chọn chỉ dựa trên kinh nghiệm của những phụ huynh học lớp trên hoặc học hỏi lẫn nhau”.

    Theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng “loạn” STK xuất phát từ thực tế các tác giả hoặc NXB đã xé nhỏ nội dung, chương trình học để phát hành nhiều đầu sách khác nhau. Khảo sát tại nhà sách Nguyễn Văn Cừ (Xuân Thủy- Hà Nội), chỉ riêng cuốn sách “Các dạng câu hỏi và bài tập trắc nghiệm toán lớp 5” của tác giả Trần Quỳnh Giao, Nguyễn Thị Phương Trình của NXB Đại học Quốc gia Hà Nội có đến 4 cuốn khác nhau chia thành tập 1, tập 2 và chia ra loại có lời giải và không có lời giải. Sách hướng dẫn Tiếng Việt lớp 3 cũng có đến hơn 10 đầu khác nhau như: Giải bài tập Tiếng Việt - NXB Đà Nẵng; Giải bài tập Tiếng Việt - NXB tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh; Để học tốt Tiếng Việt - NXB Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh; Luyện giải Tiếng Việt lớp 3 - NXB Đà Nẵng; Câu hỏi và bài tập trắc nghiệm - NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh. Trong khi đó NXB Giáo dục chỉ có cuốn “Tự ôn tập và đánh giá môn Tiếng Việt cuối cấp tiểu học”. Nội dung những cuốn sách này đa phần chỉ giải đáp những câu hỏi đưa ra trong sách giáo khoa mà không đưa ra những câu hỏi gợi mở, định hướng tư duy cho các em.

    Trước tình trạng trên, để sử dụng tốt STK, theo cô Phạm Mai Hương - giáo viên trường Tiểu học Tây Sơn (Hà Nội): “Đầu tiên, các em phải xác định được mục tiêu của mình là gì để chọn loại sách cho phù hợp. Khi chọn sách, các em nhớ phải xem kĩ nội dung sao cho phù hợp với mục đích sử dụng của mình, phù hợp với năng lực hiện có của mình để bồi dưỡng và nâng cao kiến thức có hiệu quả.

    Khi bắt đầu mở cuốn sách ra, các em phải nắm được nội dung chính của quyển sách, gồm mấy phần, có những nội dung nào, có phần gợi ý hay không? Khi bắt tay vào làm, học sinh nên cố gắng suy nghĩ và làm dần từ những bài đơn giản đến phức tạp.

    Sau khi làm các em có thể đối chiếu với phần gợi ý hoặc tham khảo thêm ý kiến của bố mẹ, thầy cô. Việc quan trọng nhất là các em phải tự mình suy nghĩ và thực hiện giải bài, với những bài khó, các em có thể đọc phần gợi ý nhưng phải hiểu và làm lại được với những bài có nội dung tương tự. Một quyển STK sẽ có hiệu quả gấp mười nếu các em biết chia sẻ, trao đổi phương pháp làm bài, những cách giải mới, những điều thắc mắc chưa hiểu với bạn bè và thầy cô”.

    Mới đây, để quản lý tốt hơn về việc sử dụng xuất bản phẩm tham khảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 21/2014/TT-BGDĐT, quy định các cơ sở giáo dục có trách nhiệm xây dựng các quy trình chi tiết về lựa chọn, mua sắm, quản lý, sử dụng xuất bản phẩm tham khảo và chịu trách nhiệm về nội dung, danh mục xuất bản phẩm tham khảo lưu hành trong cơ sở giáo dục. Thông báo cho cán bộ, giáo viên, học viên về danh mục xuất bản phẩm tham khảo đã được lựa chọn, sử dụng hàng năm.

    Đồng thời, tổng kết, đánh giá hiệu quả và điều chỉnh việc lựa chọn xuất bản phẩm tham khảo phù hợp với kế hoạch hoạt động giáo dục của cơ sở và điều kiện kinh tế của địa phương. Các cơ sở giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kỳ hình thức nào.

    Khảo sát của phóng viên tại nhà sách Nguyễn Văn Cừ (Xuân Thủy- Hà Nội), chỉ riêng môn Toán lớp 5 đã có gần 40 loại sách tham khảo khác nhau của các NXB như: NXB Giáo dục, NXB Sư phạm, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, NXB Đồng Nai, NXB Mỹ Thuật, NXB Thanh Niên; STK môn Tiếng Việt dành cho học sinh lớp 1 cũng có 15 cuốn; STK Toán lớp 3 có 23 cuốn, lớp 2 có 30 cuốn. Đặc biệt, trên các kệ sách dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 của Nhà sách Nguyễn Văn Cừ, sách tham khảo dường như chiếm trọn vẹn, không thấy sự xuất hiện của sách giáo khoa.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ma-tran-sach-tham-khao-a45084.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan