+Aa-
    Zalo

    Nam thanh niên tử vong khi truyền nước tại BV đa khoa Sóc Sơn

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Căn nhà 3 tầng khang trang bỗng trở nên trống vắng sau sự ra đi quá đột ngột của người chồng, người con trai duy nhất.

    (ĐSPL) - Căn nhà 3 tầng khang trang bỗng trở nên trống vắng sau sự ra đi quá đột ngột của người chồng, người con trai duy nhất. Trong căn nhà ấy, chị Thu thẫn thờ ngồi nhìn di ảnh của chồng, đôi mắt vô hồn đã cạn khô nước mắt và thâm quầng sau một tuần vật vã với nỗi đau anh đã bỏ chị ra đi.

    Ngồi kế bên, bà Tế nức nở: “Chẳng có nỗi đau nào bằng nỗi đau mất con, nó ra đi như vậy cũng là do sự tắc trách của các y, bác sỹ”...

    Bác sĩ tắc trách?

    Đó là trường hợp của anh Phạm Quốc Huy ở thôn Miếu Thờ, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Bị sốt, đau bụng và đi ngoài nhiều, anh được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Sóc Sơn điều trị. Tại đây, sau khi khám, các bác sỹ cho biết Huy bị rối loạn tiêu hóa, cúm và sốt, chỉ cần truyền 2 chai nước sẽ khỏi. Tuy nhiên, khi đang tiếp chai thứ 2, Huy bỗng bị co giật, người lạnh toát, tím tái rồi đột ngột qua đời.

    Nam thanh niên tử vong khi truyền nước tại BV đa khoa Sóc Sơn

    Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn - nơi anh Phạm Quốc Huy tử vong khi truyền nước.

    Nhận được đơn thư của gia đình, chúng tôi tìm về ngôi nhà của nạn nhân. Tiếp chúng tôi là bà Nguyễn Thị Tế, người mẹ đã luống tuổi của Huy. Không giấu được sự đau đớn, đưa tay lên gạt đi những giọt nước mắt lăn dài, bà Tế tâm sự với chúng tôi trong tiếng nấc nghẹn. Huy là con trai duy nhất trong gia đình, Huy và chị Đỗ Cẩm Thu yêu nhau và chờ đợi gần 10 năm trời để cả hai bên ổn định công việc. Hiện tại Huy đang công tác tại xí nghiệp mặt đất sân bay Nội Bài còn chị Đỗ Cẩm Thu đang làm nhân viên bán hàng ở  sân bay. Hai người mới cưới nhau được vài tháng, bà còn chưa có cháu để bế bồng, bao nhiêu dự định của cặp vợ chồng trẻ bỗng dưng sụp đổ. Từ hôm Huy mất đến giờ con dâu bà như người mất hồn, chẳng buồn ăn uống.

    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, bà Tế cho biết, hôm đó vào khoảng 10h tối ngày 4/8/2014, con trai bà đi làm về với biểu hiện sốt nhẹ, buồn nôn và đi ngoài nhiều lần. Thấy vậy, gia đình đã đưa Huy đến Bệnh viện đa khoa huyện Sóc Sơn để kiểm tra. Tại đây, sau khi bác sỹ Nguyễn Văn Dũng khám xong, kết luận Huy bị rối loạn tiêu hóa, cúm, sốt và cho truyền nước. Theo như lời bác sĩ, chỉ cần tiếp 2 chai nước là ngày mai (5/8) có thể ra viện được. Sau khi khám xong, Huy được hai y tá của bệnh viện cho uống một viên sủi giảm đau rồi tiến hành truyền nước. Xong việc, hai y tá đều về phòng trực ngủ.

    Truyền nước được một lúc, Huy có biểu hiện khác lạ, kêu đau và khó chịu trong người. Thấy vậy, gia đình vội vàng chạy sang gọi bác sỹ đến để xem tình hình. Thế nhưng, đáp lại sự khẩn cấp của người nhà bệnh nhân là thái độ vô cùng thờ ơ của đội ngũ y bác sĩ trực hôm đó. Sau một hồi gọi, gõ cửa, hai cô y tá mới mở cửa với thái khó chịu, vùng vằng đem dụng cụ đến phòng đo huyết áp cho Huy. Đo huyết áp xong, hai y tá nhăn nhó bảo: "Không làm sao cả, mới truyền nước nên vậy thôi, lấy khăn ướt chườm vào đầu đi", rồi bỏ về phòng ngủ. Thái độ này được lặp lại khi người nhà gọi y tá trực thay nước truyền cho Huy. Cho đến khoảng 3h sáng ngày 5/8, Huy được y tá truyền chai nước thứ 2 trong tình trạng sốt nhẹ và đi ngoài. Trong quá trình truyền nước, Huy đi vệ sinh 3 lần, Huy bảo với mẹ nói bác sĩ kiểm tra lại vì anh cảm thấy rất đau, thế nhưng kíp trực đêm đó lại tỏ ra hết sức vô cảm mà theo như bà bảo thì họ nói “đau bụng không chết được đâu…”.

    Khoảng gần một nửa tiếng sau khi truyền chai nước thứ 2, Huy bỗng có biểu hiện co giật, chân tay run lẩy bẩy, lạnh toát toàn thân, môi tím bầm. Bà Tế vội vàng chạy sang phòng trực gọi bác sỹ đến xem tình hình. Hai y tá đo huyết áp, bắt mạch xong thì luống cuống gọi bác sỹ Dũng. Nhưng khi bác sỹ đến kiểm tra thì tất cả đã quá muộn, mọi nỗ lực cứu chữa lúc bấy giờ trở thành vô vọng.

    Bà Tế bức xúc: “Tôi là mẹ nó, giây phút nó qua đời tôi không được ở bên. Khi không thể cứu chữa cho con tôi, bác sỹ Dũng và hai y tá kia đã thông báo tình hình cho con dâu tôi. Tuy nhiên, mọi người lại đóng chặt cửa lại, không cho Thu ra ngoài thông báo sự việc cho người thân". Cũng theo bà Tế cho biết: “Chứng kiến toàn bộ quá trình làm việc của đội ngũ y bác sĩ trong kíp trực đêm ấy, vì quá bất bình trước việc làm tắc trách của họ, cũng như thái độ không đúng với y đức của người thầy thuốc dẫn đến cái chết thương tâm của con tôi nên gia đình đã làm đơn báo cáo lên chính quyền địa phương, công an huyện, Viện kiểm sát huyện Sóc Sơn và đề nghị lực lượng pháp y vào cuộc khám nghiệm tử thi để tìm nguyên cái chết của Huy. “Tuy nhiên, hơn một tuần trôi qua, gia đình vẫn chưa nhận được bất kỳ câu trả lời nào của các cơ quan chức năng”, bà Tế cho biết thêm.

    Nam thanh niên tử vong khi truyền nước tại bệnh viện đa khoa Sóc

    Ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Sóc Sơn. Ảnh Thành Huế.

    “Bây giờ có làm gì thì con tôi cũng không thể sống lại được nữa”

    Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Lộc, chú ruột của Phạm Quốc Huy cho biết: “Bình thường Huy là đứa chăm chỉ chịu khó và là lao động chính trong nhà. Bản thân Huy chưa từng có tiền sử bệnh gì nghiêm trọng, Huy đang công tác tại xí nghiệp mặt đất sân bay Nội Bài nên thường xuyên được khám bệnh định kỳ. Vậy mà, chỉ bị sốt, tiêu chảy thông thường, được bác sỹ truyền nước cho lại qua đời một cách hết sức đột ngột như thế.

    Bác sĩ trực khám đêm đó bảo cháu bị rối loạn tiêu hóa, cúm, sốt nhưng theo như bác sĩ pháp y nói qua thì khả năng cháu bị xuất huyết tiêu hóa hay xuất huyết dạ dày gì đó, phải chăng là khả năng chuẩn đoán của bác sĩ có vấn đề!?”, ông Lộc nghi ngờ.

    Nói về những động thái phía bệnh viện, bà Tế càng tỏ ra bức xúc hơn: "Tôi là người chứng kiến toàn bộ quá trình làm việc của các y bác sỹ đêm đó, người bệnh đau đớn mà bác sỹ thiếu trách nhiệm, dửng dưng. Giờ người mất cũng đã mất rồi, có làm gì đi nữa con tôi cũng không thể sống lại được. Nhưng gia đình tôi hết sức bức xúc trước thái độ thờ ơ của Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn”. Bà cho biết thêm, ngay cả khi con bà được an táng suốt một tuần, ngoài anh Tuấn (Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn) đến thắp hương cho Huy với cương vị hàng xóm thì không một ai trong bệnh viện đến thăm hỏi hay động viên gia đình bà. Theo bà, có lẽ phải đến khi cơ quan pháp luật và báo chí vào cuộc thì ngày 13/8, lãnh đạo bệnh viện cùng đội ngũ y bác sĩ mới đến thắp hương và xin lỗi gia đình vì cái chết không mong muốn của anh Huy.

    Bà Tế cũng cho biết, tại buổi gặp sáng 13/8, bà đã nói với lãnh đạo bệnh viện: Con bà chết cũng đã chết rồi, bà không đổ lỗi cho lãnh đạo bệnh viện nhưng bà sẽ làm rõ tới cùng nguyên nhân dẫn đến cái chết của con bà. Không thể để thái độ vô cảm của những người được coi là “từ mẫu” ấy tiếp tục tồn tại vì còn bao nhiêu người cần được cứu giúp, nếu không sẽ không thiếu những trường hợp như con trai bà nữa.

    Trên thực tế, sự tắc trách của các y bác sĩ bệnh viện dẫn đến những cái chết “oan” của bệnh nhân từ lâu đã không còn là chuyện hiếm. Liên tục mấy năm trở lại đây không ít trường hợp bệnh nhân đã tử vong vì những điều không đáng có như vậy và cũng có không ít vụ việc người nhà làm náo loạn bệnh viện chỉ vì thái độ vô cảm, thiếu trách nhiệm của đội ngũ này. Cái chết thương tâm của anh Phạm Quốc Huy một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng tắc trách, thái độ thờ ơ, vô cảm của một số bộ phận không nhỏ đội ngũ y bác sỹ hiện nay.

    Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn cho biết, kíp trực hôm đó có Bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc bệnh viện là trưởng kíp, ngoài ra còn có bác sỹ Nguyễn Văn Dũng, y tá Hương (khoa truyền nhiễm), y tá Duyên (khoa khám bệnh)... Ngay khi sự việc bệnh nhân Phạm Quốc Huy đột ngột qua đời, Ban lãnh đạo bệnh viện đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp, yêu cầu các y bác sỹ làm báo cáo. Đồng thời mời Sở Y tế, chính quyền địa phương, công an, pháp y vào cuộc để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến cái chết đột ngột của bệnh nhân Phạm Quốc Huy.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nam-thanh-nien-tu-vong-khi-truyen-nuoc-tai-bv-da-khoa-soc-son-a46467.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan