+Aa-
    Zalo

    Ngày Thế giới Phòng chống Tự sát: Nỗi ám ảnh từ những câu lạc bộ tự tử online

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ngày Thế giới Phòng chống Tự sát (10/9), SCMP đã có bài viết hé lộ những góc tối của các câu lạc bộ tự tử trên mạng xã hội đầy bất ngờ và ám ảnh.

    Ngày Thế giới Phòng chống Tự sát (10/9), SCMP đã có bài viết hé lộ những góc tối của các câu lạc bộ tự tử trên mạng xã hội đầy bất ngờ và ám ảnh.

    Những câu lạc bộ tự tử trên mạng xã hội trở thành điểm đến của một số bệnh nhân trầm cảm và bế tắc - Ảnh: SCMP

    "Muốn chết cùng nhau không?"

    Đó là tin nhắn anh Hu Jiongo xem được trong điện thoại của con trai trên một mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc. Con trai anh đã trả lời “có” và bắt đầu hành trình đi vào một góc tối trên thế giới ảo mênh mông trước khi tự sát.

    Trong tháng 5, sau hai năm lập kế hoạch và tâm sự với nhau trên một nhóm chat trực tuyến, chàng trai 21 tuổi đã đi tàu qua 1.000km từ tỉnh Hà Bắc tới thành phố Vũ Hán, nơi hai người bạn ảo đang chờ đợi. Như những gì đã bàn với nhau, 3 người cùng tự sát và không để lại bất cứ manh mối nào.

    Anh Hu bàng hoàng phát hiện ra con trai mình đã ở trong một câu lạc bộ tự tử trên mạng xã hội – một thứ vượt ngoài sức tưởng tượng của anh.

    Và mặc dù đã quá muộn cho con trai mình, người cha đau khổ cố gắng an ủi và thuyết phục các thành viên khác trong nhóm từ bỏ ý định nguy hiểm. Theo anh Hu, nhóm có 475 thành viên, chủ yếu là ở tuổi thiếu niên và hai mươi.

    Họ chủ yếu thảo luận những cách để tự sát, động viên lẫn nhau và bình thường hóa kế hoạch bằng cách gọi những phương pháp tự sát là "đong đưa", "lặn" hoặc "nướng thịt".

    Sau khi cứu một thanh niên tìm cách tự tử và phát sóng trực tiếp trên nhóm chat, Hu được nhiều thành viên biết đến hơn và bắt đầu tâm sự với anh. Những người trẻ thất bại trong sự nghiệp, một vài đứa trẻ vị thành niên cô đơn ngay trong gia đình… hầu hết họ đều giữ im lặng trước người thân và bạn bè.

    Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ tự sát của Trung Quốc là 8/ 100.000 người vào năm 2016, ở vị trí 103 trên 183 quốc gia. Các dữ liệu cho thấy tỷ lệ ngày càng tăng trong những năm gần đây.

    Qin Ruomeng, một bác sĩ ở tỉnh Giang Tô, phía đông Trung Quốc, cho biết việc ngăn ngừa tự sát rất phức tạp và nên được thực hiện bởi các chuyên gia bởi những lời động viên hoặc phân tích không đúng có thể khiến nạn nhân tuyệt vọng, chẳng hạn như đổ lỗi cho họ.

    "Bước đầu tiên nên lắng nghe và làm rõ những vấn đề như tại sao họ lại tham gia các nhóm như vậy", bà nói.

    Trong một nỗ lực ngăn chặn tự sát trên quy mô lớn, chính quyền Trung Quốc cũng như các tổ chức y tế đã cố gắng tiếp cận những bệnh nhân trầm cảm. Trong năm 2008, Bộ Y tế yêu cầu tất cả các thành phố phải từng bước thiết lập đường dây nóng về sức khỏe tâm thần.

    Vào tháng 2, các nhà nghiên cứu tại Bắc Kinh đã bắt đầu sử dụng công nghệ AI để ngăn chặn các vụ tự tử trên phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc, xác định những người dùng thể hiện ý nghĩ tự tử và nhắn tin cho họ bằng số điện thoại và công cụ trực tuyến để được trợ giúp chuyên nghiệp.

    Một số nhóm tự sát trực tuyến trong quá khứ cũng đã bị đóng cửa hoặc chuyển sang trạng thái nhóm kín. Các từ khóa liên quan khi gõ trên thanh tìm kiếm không cho ra kết quả nào. Tuy nhiên, theo anh Hu, những câu lạc bộ ấy không hề biến mất. Họ chỉ kín đáo và chìm sâu hơn vào bóng tối của thế giới ảo…

    Thu Phương(Theo SCMP)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ngay-the-gioi-phong-chong-tu-sat-noi-am-anh-tu-nhung-cau-lac-bo-tu-tu-online-a243447.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan