+Aa-
    Zalo

    Người phụ nữ mắc bệnh “cuồng con” đã “đánh rơi” mất chồng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nếu chỉ quá tập trung vào một thành viên trong gia đình thì đây có thể trở thành nguyên nhân khiến gia đình có nguy cơ tan vỡ.

    “Gia đình là thứ tồn tại duy nhất, những thứ khác có hay không không quan trọng!”, đó là câu nói được cho là chân lý và gây tiếng vang của nhân vật chính trong bộ phim truyền hình dài tập “Người phán xử”. Tuy nhiên, nếu chỉ quá tập trung vào một thành viên trong gia đình, cũng có thể trở thành nguyên nhân khiến gia đình có nguy cơ tan vỡ.

    Người vợ mắc bệnh "cuồng con" nên đã đánh rơi hạnh phúc. Ảnh minh họa

    Chuyện tình lãng mạn hơn 10 năm

    Chuyên gia tư vấn tâm lý Lê Văn Thắng, Giám đốc trung tâm tư vấn tâm lý 247 đã từng lắng nghe một câu chuyện về tình cảm gia đình của một người phụ nữ tên Vân Điệp, đang sinh sống tại Thủ đô Hà Nội. Chị gọi đến số hotline của trung tâm tư vấn tâm lý 247 vào một đêm mùa hạ, trong một tâm trạng khó diễn tả bằng lời, vội vàng trút từng lời qua câu chuyện.

    Chuyện là chị Điệp và chồng (anh Hoàng Hải) yêu nhau từ ngày học cấp 3. Trải qua nhiều sóng gió để gắn bó bên nhau, sau khi tốt nghiệp đại học, anh chị quyết định đi đến hôn nhân. Từ đó đến nay cũng được 10 năm. Anh Hải là một người rất lãng mạn và chín chắn. Chị Điệp còn nhớ như in những kỷ niệm từ ngày mới yêu nhau: “Hồi cấp 3, ngày ôn thi đại học, anh đã tặng tôi 999 con hạc. Tôi tò mò không biết thời gian anh làm vào khi nào (bởi anh là người rất chăm chỉ và học rất giỏi). Anh chỉ mỉm cười nói: “Thì... thì lúc nào nhớ em thì anh gấp thôi!”.

    Thời gian đó, mỗi thứ dù là nhỏ bé, anh cũng có thể tạo cho tôi sự bất ngờ và niềm vui vô tận. Có bữa, ôn thi đến 1h sáng, tôi nhắn tin hỏi anh ngủ chưa thì anh bảo anh chưa ngủ rồi dặn tôi nếu mệt thì ngủ trước đi. Tôi thấy vậy liền trêu: “Em đói không ngủ được”, thì đến 1h20 thấy anh nhắn tin lại rằng: “Em đóng cửa sổ vào chứ, tối ngủ mưa to thì làm thế nào?”. Tôi giật mình hỏi lại thì anh nhẹ nhàng trả lời: “Vì anh đang đi ship đồ ăn ngang qua nhà em!”. Lúc đó, tôi ở trên tầng 2, vì không được ra ngoài nên sau khi bàn tới bàn lui, tôi thả một sợi dây xuống và anh gửi lên một gói bim bim cay, vị quà vặt mà tôi thích nhất. Rồi mỗi tối lại có đồ ăn vặt, hay một mẩu giấy khích lệ tôi cố gắng học tập được chuyển đến giữa lúc nửa đêm”.

    Và chị ngậm ngùi bảo, sao có thể quên được những kỷ niệm ngây thơ hồi đó?

    Sau kỳ thi quan trọng của ngưỡng cửa cuộc đời, cả hai anh chị đều đỗ trường đại học mà mình mong muốn. Anh Hải học trường Kinh tế còn chị Điệp học về nghệ thuật. Suốt 4 năm sinh viên của cả hai cũng như trong mơ vậy, cả hai đều xác định là sẽ cưới nhau nên ngay từ khi sinh viên cũng đã đặt ra những mục tiêu cho tương lai. Họ cùng nhau rèn luyện tiếng Anh, làm thêm cùng nhau và lập quỹ “Tuần trăng mật” (mỗi tuần tiết kiệm 50.000 đồng để khi kết hôn sẽ dùng số tiền đó đi hưởng tuần trăng mật). Đó cũng là khoảng thời gian đẹp đẽ nhất khi đi đâu làm gì cũng có nhau, anh Hải đã mang lại niềm tin tuyệt đối cho người con gái ở bên cạnh mình.

    Sau 4 năm đại học, anh chị quyết định đi đến hôn nhân. “Cây đã ra trái sau nhiều năm vun đắp! Tôi không còn thấy mình mong muốn gì hơn. Tôi đi làm được 2 tháng thì có bầu cu Su (hiện giờ Su đã 3 tuổi). Hạnh phúc vô cùng khi cảm nhận được trong mình có một hình hài bé nhỏ đang dần lớn lên. Anh ấy cũng vậy, suốt ngày hỏi han tôi có mệt không, muốn ăn gì, hết giờ làm là về với mẹ con tôi ngay”, chị Điệp lại tiếp tục chia sẻ.

    Anh Hải là một người kinh doanh khá giỏi, nên cuộc sống kinh tế trong gia đình ngay từ đầu đã không có khó khăn gì. Anh Hải chủ động thuyết phục chị Điệp nghỉ ở nhà để dưỡng thai. “Ngày mà tôi đồng ý nghỉ việc cũng chính là sai lầm lớn nhất cuộc đời”, chị Điệp khẳng định.

    “Cứu lấy gia đình tôi!”

    Cả ngày ở nhà, chị Điệp chăm chăm dành thời gian tìm hiểu thông tin về cách chăm con theo từng thời kỳ, tìm những nơi tốt nhất để mua đồ sinh cho con. Chị cho rằng đây là kết quả của tình yêu nên dần dần chỉ có một sự quan tâm duy nhất tập trung vào đứa con. Tất cả thời gian, tâm trí chị đều dành hết cho con. Chính bản thân chị cũng không để tâm nữa, chứ nói gì đến anh.

    Khoảng thời gian hai vợ chồng trò chuyện, tâm sự như trước đây bắt đầu vơi dần, những suy tư buồn bã trước đây của anh đều có thể chia sẻ với chị nhưng cũng dần mờ nhạt. Cuộc sống hôn nhân như chỉ là bổn phận ràng buộc, không còn nhìn thấy một nụ cười hạnh phúc từ anh Hải như trước đây. Anh lẳng lặng, cũng chẳng hề có trách cứ gì cả, nên chị luôn cho rằng mọi thứ vẫn đang rất bình thường và gia đình chị vẫn đang hạnh phúc. Anh vẫn lo lắng kinh tế cho hai mẹ con đủ đầy.

    Sau khi sinh Su, chị lại càng “cuồng” việc chăm con. Chị bộc bạch: “Su giống như là thế giới của tôi, là tất cả! Anh ấy dường như bị quên lãng từ lúc nào tôi không biết. Giờ nghĩ lại mới nhớ ra có nhiều lúc anh nhắc khéo mà bản thân mình không biết: “Em chăm con 10 thì cũng cần chăm chồng em lấy 1 phần chứ!”. “Em chăm con thì cũng cần để ý đến ăn mặc cho bản thân chứ, lôi thôi luộm thuộm thế này không giống với phong cách em trước đây chút nào cả!”. “Từ khi có Su, anh như là người thất tình em ạ!”...

    Thậm chí, anh còn vờ giọng giận dỗi với Su: “Su à, ba cả mấy tháng nay chưa được sở hữu mẹ con đâu đấy, người rất bức bí”. Đúng là cả năm có khi chúng tôi không còn quan hệ nữa. Mỗi lần anh có ý thì tôi luôn gạt phắt đi và khó chịu vì sợ con tỉnh giấc. Rất nhiều điều anh nói nhưng tôi cứ nghĩ đó chỉ là đùa vui của anh lúc bế con”.

    Rồi đến ngày sinh nhật Su tròn 3 tuổi, anh Hải gọi điện báo bận công việc nên về muộn, rồi anh về nhà trong trạng thái say xỉn. Chị kể: “Khi đó, tôi vẫn nằm chăm chú ngắm nhìn con ngủ, có thể tôi mắc chứng “nghiện con” như nhiều bà mẹ bỉm sữa khác vẫn thường chia sẻ. Vô tình tôi thấy điện thoại anh có tin nhắn hiện trên màn hình: “Anh về đến nhà thì nhắn cho em yên tâm nhé!”. Tôi đã nghĩ rằng chắc là bạn nhậu của anh nhắn, nhưng linh tính thế nào tôi dùng vân tay anh để mở điện thoại ra xem. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời tôi tò mò đến mức phải làm như vậy. Tôi như chết lặng khi nhìn vào những tin nhắn của người phụ nữ kia với chồng tôi. Những tin nhắn yêu thương, quan tâm nhau tràn ngập trong điện thoại. Hình ảnh trước đây tôi và anh như thế nào thì giờ đây nó lặp lại y như vậy. Xem những tin nhắn ấy, tôi như đứt từng khúc ruột, giận mình, giận chồng mà không biết phải làm sao?”.

    Sau khi chia sẻ những tình tiết của câu chuyện, người phụ nữ ấy gần như van lơn qua đầu dây điện thoại: “Cầu xin anh, hãy cứu lấy gia đình tôi! Bây giờ, tôi biết phải làm sao? Tôi và cu Su sẽ ra sao?”.

    Qua câu chuyện của chị Điệp, anh Thắng đã có những lời tham vấn chân thành để chị có thể cứu vãn cuộc hôn nhân đang trong giai đoạn rối ren. Là giám đốc một trung tâm tư vấn tâm lý, anh Thắng cũng đã chứng kiến không biết bao nhiêu câu chuyện về gia đình đứng trên bờ vực tan vỡ, những câu chuyện như ly nước đầy chỉ thêm một giọt cũng tràn, để rồi khi nhận ra, muốn cứu vớt thì có thể đã quá muộn.

    C.M
    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 103
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-phu-nu-mac-benh-cuong-con-da-danh-roi-mat-chong-a282021.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan