+Aa-
    Zalo

    Sự cố vỡ đập thủy điện Lào: Người dân chỉ được cảnh báo trước 5 tiếng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Người dân khẳng định họ chỉ nhận được thông báo về việc sơ tán 5 tiếng trước khi có sự cố đập vỡ. Trong khi đó, bên công ty chịu trách nhiệm khẳng định là 1 ngày.

    Người dân khẳng định họ chỉ nhận được thông báo về việc sơ tán 5 tiếng trước khi xảy ra sự cố đập vỡ. Trong khi đó, bên công ty chịu trách nhiệm khẳng định là đã gửi đi cảnh báo trước một ngày.

    Người dân sơ tán bằng thuyền. - Ảnh: Independent

    Theo Vientiane Times, vụ vỡ đập thủy điện Lào đã khiến 1.300 ngôi nhà chìm trong nước lũ và hơn 6.600 người dân buộc phải di tản đến nơi an toàn. Lực lượng cứu hộ đã triển khai tàu thuyền khắp khu vực Attapeu để giải cứu những người mắc kẹt. Tuy nhiên, do địa thế khu vực hiểm trở nên việc tiếp tế và viện trợ khẩn cấp cho hàng ngàn người mắc kẹt gặp nhiều khó khăn.

    Công ty Hàn Quốc tham gia dự án, SK Engineering & Construction (SK E&C) cho biết các vết nứt đầu tiên đã xuất hiện trên đập phụ D của dự án đập Xepian Xe Nam Noy trên sông Xe Pian từ tối ngày 22/7. Họ bắt đầu sửa chữa, đồng thời "ngay lập tức thông báo tới giới chức địa phương, bắt đầu công tác sơ tán người dân sống ở khu vực hạ lưu". 

    Vào sáng sớm 23/7, SK E&C cho xả nước từ đập Xe Namnoy, một trong hai con đập chính của toàn bộ hệ thống để giảm bớt áp lực lên con đập bị hư hại. Tới trưa cùng ngày, họ tiếp tục gửi cảnh báo về nguy cơ đập vỡ tới chính quyền địa phương. Nhưng người dân sống quanh đập khẳng định phải tới 15h ngày 23/7 họ mới nhận được cảnh báo vỡ đập. 

    Những nỗ lực khắc phục vết nứt và xả nước trên đập chính đã không ngăn được vết nứt khác tiếp tục xuất hiện trên đập phụ này và khiến nó sụp vào 20h ngày 23/7. Tin tức bay đi còn chậm hơn, truyền thông chỉ biết được thông tin này sau đó gần 20 tiếng, tức chiều 24/7.

    "Nước quá nhanh, chúng tôi chỉ có thể rời nhà và chạy trốn", AP dẫn lời Phon Vuongchonpu, người đã cùng gia đình 12 người của mình chạy trốn vì nước dâng tới mái nhà họ. "Chúng tôi mất tất cả: xe máy, đồ đạc, bò và lợn".

    Hiện chưa có thông tin về diện tích vùng ngập lụt, chỉ có hình ảnh từ trực thăng cứu hộ cho thấy những vùng biển nước đục ngầu rộng mênh mông trong khi nhà cửa chỉ còn phần mái chưa bị nhấn chìm.

    Hàng ngàn người dân mất nhà cửa, phải dựng lều để trú tạm. - Ảnh: Independent

    Trong thông cáo đưa ra sau vụ vỡ đập, International Rivers, một nhóm hoạt động vốn đã phản đối việc xây dựng nhiều đập thủy điện ở Lào, nói rằng trong khi Lào cho xây nhiều nhà máy thủy điện hơn, hệ thống cảnh báo an toàn thường thiếu vắng trong thiết kế.

    "Các hiện tượng thời tiết cực đoan và khó lường đang ngày càng diễn ra thường xuyên hơn tại Lào và khu vực vì biến đổi khí hậu. Sự cố này cũng cho thấy sự thiếu vắng hệ thống cảnh báo cho những công trình xây dựng và vận hành đập thủy điện. Cảnh báo thường được đưa ra rất trễ và không có tác dụng trong việc đảm bảo người dân được báo trước để bảo vệ bản thân và gia đình", theo tuyên bố của International Rivers.

    Hiện chưa thể thống kê chính xác con số thiệt hại. Nhưng thông cáo báo chí của Chính phủ Lào cho biết là vẫn còn 587 gia đình với 3.060 người đang cần hỗ trợ, 131 người được cho là mất tích. Có 13 bản chịu thiệt hại nặng vì nước song đổ về ngày càng nhiều.

    Chính phủ Lào đã xuất 1,2 tỷ Kíp hỗ trợ trước mắt cho đồng bào vùng lũ, đồng thời huy động mọi nguồn lực cho công tác này. Chiều 27/5, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã thuê máy bay trực thăng đến Attapeu giải cứu thành công 26 công nhân bị mắc kẹt trong lũ đến nơi an toàn.

    NGUYỄN QUỲNH (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/su-co-vo-dap-thuy-dien-lao-nguoi-dan-chi-duoc-canh-bao-truoc-5-tieng-a237724.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan