+Aa-
    Zalo

    Những dấu hỏi liên quan tới quy trình mua sắm riêng tại Vicem

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Quy định riêng về lựa chọn nhà cung cấp vật tư, ký kết các thỏa thuận khung mà giá trúng thầu lại cao hơn giá chào thầu... là những điểm nghi vấn trong đấu thầu của Vicem

    Ký ban hành quy định riêng về lựa chọn nhà cung cấp vật tư, tổ chức mua sắm tập trung hay ký kết các thỏa thuận khung mà giá trúng thầu lại cao hơn giá chào thầu... là những điểm nghi vấn đặt ra trong quy trình đấu thầu tại Vicem.

    Sau khi tiếp nhận nhiều thông tin phản ánh việc mua sắm tập trung "không giống ai" của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), phóng viên của báo ĐSPL đã tìm hiểu và phát hiện ra các điểm đáng ngờ trong công tác mua sắm tập trung tại đơn vị này.

     Quy định "mua sắm riêng" có đúng luật?

    Theo nhiều tài liệu mà phóng viên tìm hiểu, trong quy trình lựa chọn nhà cung cấp vật tư, Tổng giám đốc Vicem Trần Việt Thắng đã ký ban hành Quy định riêng về lựa chọn nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

    Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 5 Điều 26 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Vicem (ban hành kèm theo Quyết định số 841/QĐ-TTg ngày 1/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ), thẩm quyền quyết định các quy chế quản lý nội bộ thuộc về Hội đồng thành viên. Và người có thẩm quyền ký quyết định là Chủ tịch Hội đồng thành viên. Trong khi đó, Quy định về lựa chọn nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ để đảm bảo tính liên tục cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên được tổ chức tại Công ty mẹ Vicem là một quy chế quản lý nội bộ, vì nó quy định các nguyên tắc, trình tự, thủ tục mua sắm. Thế nhưng, điều khó hiểu là các căn cứ của quyết định số 249 do Tổng giám đốc ký đều không nêu ủy quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên cho ông Trần Việt Thắng, không có biên bản họp thông qua của Hội đồng thành viên, mà chỉ có đề xuất của Phòng Quản lý vật tư thiết bị và Mua sắm công nghệ.

    Quy trình mua sắm tập trung tại Vicem xuất hiện những điểm đáng ngờ. Ảnh minh họa

    Vì sao lại mua sắm tập trung?

    Ngày 06/11/2014 Ông Trần Việt Thắng ký quyết định số 2267 kèm theo quy định mua sắm cho công ty mẹ Vicem và các đơn vị hạch toán phụ thuộc, năm 2015 Vicem mua sắm tập trung một loạt các loại vật tư phụ tùng như bi nghiền, dầu mỡ bôi trơn… phục vụ cho công tác sản xuất kinh doanh cho các công ty con chỉ bằng báo giá của một số doanh nghiệp mà không theo bất cứ các quy định nào của Nhà nước.

    Tiếp đến, năm 2016 và năm 2017 ông Trần Việt Thắng tiếp tục quyết định mua sắm tập trung rất nhiều loại vật tư hàng hóa như: Bi nghiền, dầu mỡ bôi trơn, Vòng bi, Túi lọc bụi, Gạch chịu lửa, Con lăn, Băng tải, Thép chịu mài mòn, Thép chịu nhiệt, Bảo hiểm… với tổng giá trị các hợp đồng này lên đến hàng nghìn tỷ đồng/năm.

    Tuy nhiên, do "vướng" quy định mua sắm riêng nên nhiều doanh nghiệp có năng lực muốn bán vật tư chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh hơn cho Vicem đều không có cơ hội tiếp cận. Đơn cử như công ty X là nhà cung cấp có nhu cầu bán gạch chịu lửa nhập ngoại cho Vicem nên đã đến tận Phòng Quản lý vật tư thiết bị và Mua sắm công nghệ của Vicem (tại địa chỉ 228 Lê Duẩn, Hà Nội) để xin nộp hồ sơ chào thầu nhưng không được chấp nhận chỉ vì thiếu "thư mời chào giá của Vicem". Và theo nhiều đánh giá, nếu đấu thầu một cách công khai thì khó có thể xảy ra tình huống nêu trên.

    Năng lực của nhà cung cấp quen thuộc?

    Theo nhiều tài liệu mà báo được cung cấp (trước đó, báo Đấu thầu cũng có đăng tải bài phản ánh), gần 10 năm qua, việc cung cấp dịch vụ vận chuyển clinker cho Vicem được chỉ định thầu hoặc chào giá xuất hiện một tình tiết "lạ" là chỉ có một nhà thầu duy nhất trúng thầu - đó là Công ty TNHH Vĩnh Phước.

    Hiện tại, công ty Vĩnh Phước được đánh giá là vẫn được ưu ái tuyệt đối về vận chuyển cho Vicem Hoàng Thạch, vicem Hà Tiên... Ngay cả nhà máy Vicem mới nhận về là xi măng Hạ Long thì đơn vị này cũng là nhà vận chuyển, đóng gói độc quyền.

    Với kế hoạch mua sắm tập trung rất nhiều loại vật tư hàng hóa có giá trị hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, Vicem có rất nhiều thời gian để có thể mua sắm bằng hình thức đấu thầu rộng rãi để có thể lựa chọn nhà thầu có năng lực và giá cả cạnh tranh nhất. Tuy nhiên, điều khó hiểu là ở Vicem lại chỉ thấy xuất hiện nhà cung cấp vật tư, hàng hóa quen thuộc.

    Giá trúng thầu cao hơn giá chào thầu

    Theo tài liệu mà phóng viên tiếp cận được, so sánh giá gạch chịu lửa nhập ngoại mà Công ty Trường An trúng thầu tại một nhà máy của Vicem (bảng giá này độc quyền cho đơn vị cấp trong vòng 1 năm) với giá gạch của một hãng gạch có chất lượng, chủng loại tương đương và cấp cho nhà máy xi măng Cẩm Phả thì, với mức giá 840Euro/tấn = 20,4 triệuvnd/tấn (chưa bao gồm VAT) cho sản phẩm tương đương, thì mức giá trúng thầu của Vicem đã chênh lệch hơn cả chục triệu vnd/tấn.

    Chỉ với thỏa thuận khung của Vicem mua sắm gạch chịu lửa nhập ngoại đã làm giảm hiệu quả và đội giá lên trên 20-30% (giá trị chênh gần 10 tỷ đồng đối với tổng gói thầu hơn 30 tỷ đồng). Vậy nên, câu hỏi đặt ra là, với hàng chục mặt hàng khác được mua sắm tập trung giá trị lên đến gần 1.000 tỷ đồng thì giá trị chênh lệch sẽ lên tới con số bao nhiêu?

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-dau-hoi-lien-quan-toi-quy-trinh-mua-sam-rieng-tai-vicem-a183989.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan