+Aa-
    Zalo

    Những điều kiêng kỵ trong ngày Tết cần biết để tránh

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Cũng như các dân tộc khác, người Việt Nam có rất nhiều những điều kiêng kỵ cần tránh thực hiện trong mấy ngày Tết đầu năm mới.

    Cũng như các dân tộc khác, người Việt Nam có rất nhiều những điều kiêng kỵ cần tránh thực hiện trong mấy ngày Tết đầu năm mới.

    Xin chia sẻ với các bạn những điều kiêng kị trong ngày Tết mà mọi người hay làm để tránh những điều xui xẻo, nghênh đón một năm mới an khang và nhiều may mắn hơn.

    Vay mượn hay trả nợ

    Theo quan niệm của người xưa, nếu cho ai đó vay mượn tiền bạc, đồ đạc trong những ngày đầu năm. Thì cả năm đó gia đình sẽ rơi vào cảnh túng thiếu. Điều kiêng kỵ này xuất phát từ quan niệm, ngày đầu xuân mở cửa để đón lộc vào nhà. Ngược lại, nếu cho mượn hoặc trả sẽ giống như “dâng” tài lộc vào tay người khác.

    Đổ rác, quét nhà

    Kiêng quét nhà, đổ rác là điều dễ thấy ở nhiều gia đình Việt Nam trong những ngày đầu năm mới. Bởi theo quan niệm từ người xưa, quét nhà, đổ rác ngày đầu năm sẽ đuổi Thần Tài ra khỏi nhà. Từ đó tiền tài không thể tới với gia đình. Hoặc nếu có quét nhà, rác cũng phải để ở một góc nhà và không được hốt rác đổ đi.

    Ăn cháo vào sáng Mồng 1 Tết

    Tương truyền, chỉ có những gia đình nghèo khổ mới phải ăn cháo. Do đó ngày mồng 1 các bạn hãy nên nấu cơm để ăn. Bên cạnh đó, sáng ngày đầu năm, muôn thần sẽ tề tựu, việc ăn cơm nóng cũng thể hiện sự tôn kính với tổ tiên và các vị thần linh.

    Cho lửa, nước

    Lửa có màu vàng, màu đỏ, tượng trưng cho sự may mắn. Vì vậy, nếu cho lửa ngày đầu năm tức là cho đi vận may, khiến gia đình có nguy cơ gặp nhiều điều xui xẻo, tai vạ trong năm đó. Bạn có thể suy ra là không thể cho ai mượn diêm hay bật lửa vào ngày đầu năm

    Trong khi đó, nước lại tượng trưng cho sự sinh sôi và được ví là nguồn tài lộc của muôn nhà. Trước khi bước sang năm mới, nhà nào cũng lo đổ nước đầy bể, dự trữ nước đủ cho sinh hoạt trong những ngày Tết.

    Làm rơi vỡ đồ dùng gia đình

    Gương, bát, đĩa, ly… là những vật dụng rất dễ vỡ. Trong khi đó, dân gian vẫn luôn có quan niệm việc rơi vỡ đồ dùng vào những ngày đầu năm. Điều đó sẽ khiến gia đình không gặp được điều cát lành. Không chỉ vậy, rơi vỡ đồ còn báo hiệu sự chia lìa, đổ vỡ của gia đình.

    Tránh mặc đồ trắng đen

    Tết mặc đồ vàng đỏ sẽ giúp năm mới nhiều may mắn.

    Màu đen và trắng tượng trưng cho sự tang tóc, điều xui xẻo. Do đó, vào ngày Tết mọi người thường tránh mặc quần áo màu đen hoặc trắng. Thay vào đó, họ thường mặc những bộ quần áo mới với nhiều màu sắc sặc sỡ như đỏ, vàng, mong muốn một năm mới gặp nhiều may mắn, vui vẻ.

    Đóng cửa nhà

    Đóng cửa nhà ngày Tết sẽ khiến gia đình nghèo đói, túng thiếu, trừ khi đi chúc Tết, thăm hỏi. Bởi theo quan niệm dân gian để lại. Nếu bạn đóng cửa nhà sẽ khiến các vị thần linh không thể vào chơi nhà. Đồng thời thể hiện sự bất kính đối với các vị thần linh, do đó, gia đình sẽ nghèo khó quanh năm.

    Tuy nhiên, do đảm bảo an toàn dịp Tết, hiện giờ chẳng ai có thể mở cửa suốt được. Bạn có thể sửa thành mở cửa nhà từ lúc giao thừa cho đến khi có người vào xông đất là được.

    Tranh cãi, bất hòa

    Trong những ngày đầu năm, mọi người thường cố gắng giữ hòa khí, không nổi giận cãi cọ nhau. Người lớn tránh trách mắng trẻ con kẻo khiến chúng bị "dông" cả năm. Mọi người nhường nhịn nhau để có một năm mới luôn vui vẻ, hạnh phúc, êm ấm.

    Kiêng để tang vào ngày mồng Một

    Ngày mồng Một là ngày vui của tất cả mọi người nên những nhà nào có tang sẽ được cất khăn tang trong vòng ba ngày, nếu có người mất đúng vào ngày mồng Một thì gia chủ sẽ không phát khăn tang ngay mà để sang sáng mồng Hai, còn nếu nhà có người mất vào ngày 30 thì gia chủ thường thực hiện tang lễ trong ngày hôm đó tránh để sang ngày mồng Một. Những gia đình có tang tránh đi chúc Tết, thăm hỏi người khác.

    Kiêng nói những điều xui

    Những phát ngôn đầu năm sẽ có ảnh hưởng đến những chuyện sẽ xảy ra trong năm. Vì vậy, bạn đừng nên nói những từ xui xẻo như “Chết mất” hay ”Tiêu rồi”, ”Hỏng rồi”. Đó là những từ không may mắn, thay vào đó bạn nên nói chuyện với mọi người bằng những từ ngữ dễ chịu, vui vẻ, và những câu mang lại may mắn không chỉ cho bản thân mà cho cả người xung quanh mình.

    Kiêng ăn món xui

    Ngày đầu năm, người Việt không ăn những món như thịt vịt, cá mè, thịt chó vì theo quan niệm đó là những món ăn không tốt cho năm mới. Ngoài ra, một số vùng không ăn tôm vì sợ… đi giật lùi như tôm. Nếu ăn trong ngày Tết, công việc sang năm sẽ lùi chứ không thể tiến tới.

    Kiêng mua đồ xui

    Dân gian có câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, mua gì đầu năm cũng là một việc rất quan trọng bởi nó là món hàng đầu tiên gia chủ mang về nhà. Món hàng mua đầu năm được coi là mua để lấy hên, lấy lộc, bởi “của mua là của được”. Món hàng này mang nhiều ý nghĩa tâm linh hơn thực dụng. Đầu năm kiêng mua dao, thớt, chày, cối… Người ta hay mua muối ngay sáng sớm mùng Một với hàm ý cả năm đậm đà, ý vị.

    Xông nhà khi không hợp tuổi

    Xông nhà hay còn gọi là xông đất, đây là phong tục tập quán lâu đời của người Việt. Nếu như có một người khách đầu tiên đến chúc Tết gia đình bạn trong năm mới thì người đó chính là người xông đất cho gia đình bạn. Nếu như người đó hợp tuổi với gia đình bạn, hoặc là người luôn gặp may mắn trong cuộc sống thì gia đình bạn sẽ có được nhiều điều may mắn trong năm mới. Vì vậy, những người “nặng vía”, không hợp tuổi với gia chủ đừng nên đến xông nhà ngày đầu năm. Người có tang không nên xông đất nhà người khác để tránh xui xẻo.

    Tắm rửa, gội đầu hao mòn kiến thức, phúc lành

    Ở nhiều nơi, trong dịp Tết thường kiêng tắm rửa, gội đầu trong ngày Tết bởi e ngại thần tướng hao mòn, kiến thức, tài năng cùng phúc lành đã có trong năm cũ bị trôi sạch. Cũng kiêng giặt giũ vào mồng một Tết vì nó ứng với ngày thủy bá, vị thần của sự sinh sôi, thịnh vượng, việc xả đi nhiều nước sẽ làm tổn phúc lộc.

    Ăn dở, bỏ thừa cả năm mất mùa, đói khát

    Dù món ăn ngày Tết thế nào, cũng tránh ăn nhè, nhả bã, bỏ phí, nếu không cả năm sẽ bị mất mùa, đói khát… Đặc biệt tránh để thừa cơm, gạo khiến sau này lấy phải người chồng/vợ bị rỗ nặng. Tránh chống đũa vào bát gây sự chậm trễ trong công việc, thua lỗ khi buôn bán và nếu làm nghề nấu ăn thì rất ít khách.

    Để chữa lại việc bỏ dở ăn uống, ở các lần sau người ta thường ăn cam, dưa, xoài, đu đủ… nhờ có màu đỏ hồng, vị ngọt thơm sẽ mang lại sự may mắn và thành công… Trẻ con thường được khuyên không ăn chân gà tránh viết xấu như gà bới, văn phong cẩu thả, lại hay gây lộn.

    Kiêng mở tủ vào mùng Một

    Dù là loại tủ gì, kể cả tủ quần áo, cũng không nên mở vào ngày mùng 1 Tết, bởi việc này sẽ làm thất thoát tiền tài và vận may suốt cả năm. Vì thế, người xưa thường chuẩn bị sẵn quần áo cần mặc, treo ra ngoài trước giao thừa.

    Minh Khôi(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-dieu-kieng-ky-trong-ngay-tet-can-biet-de-tranh-a309255.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan