+Aa-
    Zalo

    Những lao công 'bước qua' nỗi sợ Covid-19, góp phần phòng chống dịch trên địa bàn Thủ đô

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Với tính chất công việc thường xuyên phải tiếp xúc với đủ loại chất thải, công nhân môi trường là một trong số những đối tượng dễ bị ảnh hưởng, lây nhiễm dịch bệnh.

    Với tính chất công việc thường xuyên phải tiếp xúc với đủ loại chất thải, công nhân môi trường là một trong số những đối tượng dễ bị ảnh hưởng, lây nhiễm dịch bệnh.

    Theo phản ánh của VnExpress, vừa qua, sau khi biết tin phố Trúc Bạch (Hà Nội) bị phong tỏa do có bệnh nhân nhiễm Covid-19, chị Lê Thị Huệ rụng rời. Bởi suốt 8 năm làm nghề, liên tục luân chuyển giữa hai phường Trúc Bạch và Nguyễn Trung Trực, chưa bao giờ Huệ thấy cảm giác bất an, lo lắng như lần này.

    "Chị ơi, dịch về Trúc Bạch rồi", chị Huệ gọi thông báo cho chị Xim - tổ phó tổ 1, công ty Môi trường Đô thị Hà Nội ngay thời điểm chị Xim đang chuẩn bị ngủ để đi làm ca sáng lúc 4h hôm sau.

    Công nhân môi trường tại phường Trúc Bạch nhận thêm đồ bảo hộ và hướng dẫn cách bảo vệ bản thân trong dịch corona, chiều tối 9/3. Ảnh: VnExpress

    Ngay khi biết tin, cả đêm hôm đó, chị Xim không ngủ. Hơn 15 năm làm công nhân môi trường cũng là ngần ấy năm chị làm việc ở phường Trúc Bạch. Ngày ngày tiếp xúc với bà con, gia đình nào có trẻ sơ sinh hay người giúp việc mới, chị đều biết. Có điều chị không biết mình đã từng tiếp xúc với "bệnh nhân 17" hay chưa và cũng không biết giờ này mình có mang bệnh Covid-19 trong người hay không. Mường tượng ra sự hoang mang của đồng nghiệp, nghĩ đến hai đứa con học lớp 7 và 5, cùng người chồng làm chở hàng ở chợ Đồng Xuân mà chị không khỏi "ruột nóng như lửa đốt".

    4h sáng, ngôi nhà nhỏ ở Yên Viên, cách Trúc Bạch 11 km vẫn sáng đèn. Chị Xim xuống giường như một thói quen, dắt xe ra khỏi nhà. "Lòng không muốn đi nhưng chân lại bước", chị kể.

    Mất 25 phút chạy xe, chị tới được chỗ làm. "Mệt mỏi và chán" nhưng tay chị vẫn đeo găng, khẩu trang, mặc đồng phục - tất cả nhiều hơn một lớp so với ngày thường - rồi đẩy xe đi. Tiếng chổi tre lại cất lên.

    Khoảng 9h, Xim nhận điện thoại từ cấp trên gọi xuống động viên và cử chị dẫn đội xử lý rác thải y tế vào trong khu vực cách ly. "Chân tôi chùn lại", chị nói.

    Chi bước vào bên trong hàng rào ngăn nơi đầu phố, chị Xim nhìn thấy những nhân viên y tế chỉ đeo một lớp khẩu trang đang đo thân nhiệt cho người dân. Chị nhận ra những gương mặt quen thuộc và rất nhiều nhu yếu phẩm được chính quyền Hà Nội chuẩn bị cho họ trong những ngày cách ly sắp tới. Ai nấy đều nghiêm túc chứ không hối hả như bên ngoài. Người nữ lao công lập tức tham gia vào đội đưa túi đựng rác, bột khử trùng và bình xịt, hướng dẫn bà con quy trình xử lý rác thải phòng dịch.

    Tổ vệ sinh môi trường số 1 phụ trách địa bàn hai phường Trúc Bạch và Nguyễn Trung Trực kéo dài từ đường Thanh Niên tới bốt Hàng Đậu, có tổng cộng 17 công nhân vệ sinh, chia thành ba ca làm việc trong ngày. Đặc thù công việc luôn phải đối mặt với nguy cơ lây các bệnh truyền nhiễm.

    Trước đây, nỗi sợ lớn nhất của chị Xim, chị Huệ là những lần thu gom kim tiêm ở vườn hoa và điểm trung chuyển xe buýt. Nhưng trận dịch này khiến tất cả họ suy sụp. Dịch bệnh quá mới, thời gian ủ bệnh, lây lan lúc nào không ai biết.

    "Ca đêm có 12 người nhưng hôm 7/3 có 5 người xin nghỉ vì sợ", chị Xim cho hay.

    Một ngày sau, lãnh đạo công ty và nhân viên y tế quận đã đến hướng dẫn toàn tổ về cơ chế lây lan, cách phòng dịch và từ đó hàng ngày đo thân nhiệt hai lần vào đầu và cuối ca. Mỗi người được trang bị thêm đồ bảo hộ, dung dịch sát khuẩn, nước nhỏ mắt, súc miệng...

    Tổ trưởng Lê Minh Thịnh cho biết: "Tất cả chị em trong tổ đều chưa từng tiếp xúc với bệnh nhân số 17. Qua giải thích cặn kẽ của nhân viên y tế, chúng tôi hiểu được cơ chế truyền bệnh, đến khi qua được chúng tôi thì đã xác suất chỉ còn rất nhỏ". Chị Thịnh cũng kiến nghị cho toàn tổ được test Covid-19 để mọi người yên tâm.

    Công nhân môi trường họ phải tăng cường thu gom, vận chuyển rác để đem lại sự sạch sẽ trong khu dân cư hạn chế dịch bệnh lây lan. Ảnh: Lao động Thủ đô

    Trước đó, theo phản ánh của Lao động Thủ đô, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, với đặc thù công việc thường xuyên phải tiếp xúc với rác thải, các công nhân vệ sinh môi trường đã trang bị nhiều biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang, găng tay, thường xuyên vệ sinh cá nhân, tăng cường giữ ấm cơ thể để tăng sức đề kháng …    

    Mỗi ngày, mỗi đêm những người công nhân môi trường lại xuất hiện trên mọi ngả đường. Vì bất cứ lý do gì thì hành trình gom rác của họ dường như không dừng chân, không ngơi nghỉ tay vì phải quét dọn, lượm lặt tất cả các loại rác để đường phố luôn sạch sẽ.

    Công việc dọn vệ sinh tưởng chừng như đơn giản nhưng ẩn chứa trong đó là sự nhọc nhằn, vất vả trăm bề và những nguy hiểm luôn cận kề. Những người đến với nghề này là do cái duyên và do ý thức của họ với cộng đồng nên họ hết lòng tận tụy trong công việc, không quản ngại khó khăn.

    Anh Vũ Đức Dương (công nhân môi trường của Công ty cổ phần đầu tư công nghệ cao Minh Quân), người có thâm niêm gắn bó 5 năm với nghề bộc bạch, nghề của anh luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, nào là định kiến của xã hội với nghề quét rác, nào là thu nhập thấp, nào là rủi ro, nguy hiểm nghề nghiệp, tai nạn giao thông khi lao động ngoài đường phố, nguy cơ bệnh tật khi tiếp xúc trực tiếp với khói bụi, rác thải độc hại.

    Đặc biệt trong dịp này dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, với tính chất công việc thường xuyên phải tiếp xúc với đủ loại chất thải, công nhân môi trường cũng là một trong số những đối tượng dễ bị ảnh hưởng, lây nhiễm dịch bệnh.

    Anh Dương cho biết mặc dù cũng lo lắng dịch bệnh song do đặc thù công việc, cho nên bất kể trời nắng hay mưa, anh cùng các đồng nghiệp vẫn phải có mặt trên các con đường, tuyến phố để dọn rác.

    Cùng chung suy nghĩ chị Phùng Thị Đông (công nhân Công ty môi trường đô thị số 1) đã có 25 năm gắn bó với nghề cho biết với nghề này thì có dịch hay không cũng không khi nào được nghỉ. Ngày thường công việc vốn đã nặng nhọc thì trong thời gian sau Tết, dịch bệnh xảy ra lượng rác thải nhiều hơn do đó đòi hỏi phải thu gom, dọn dẹp thường xuyên để hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch trong cộng đồng.

    Số rác trong dịp này gồm cả rác thải sinh hoạt và có thêm rác thải là vô vàn những chiếc khẩu trang y tế, nhiều người vô tư vứt chúng xuống lòng đường, hè phố, một số thì bỏ chung trong túi rác sinh hoạt của gia đình khiến công việc thu gom, phân loại rác thải trở nên vất vả hơn.

    “Những ngày đầu mới nghe thông tin dịch, đọc được thông tin virus Covid -19 tồn tại rất lâu trên các bề mặt như gỗ, đồ dùng… công việc của tôi thường xuyên sờ vào đủ các loại rác khi đó cũng hoang mang lắm, muốn hạn chế ra ngoài để tránh dịch nhưng không đi làm thì rác thải ứ đọng  bẩn cả khu phố, nghĩ đến những năm tháng gắn bó với nghề, được công ty tuyên truyền về dịch bệnh, các biện pháp phòng tránh, được phát khẩu trang phòng dịch… nhờ đó tôi bớt lo hơn và tiếp tục công việc.

    Trong lúc dịch bệnh, chúng tôi càng mong muốn người dân biết được sự vất vả của nghề này để từ đó có ý thức hơn, để rác đúng nơi quy định”, chị Đông cho hay.

    Vũ Đậu(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-lao-cong-buoc-qua-noi-so-covid-19-gop-phan-phong-chong-dich-tren-dia-ban-thu-do-a315087.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan