+Aa-
    Zalo

    Ông chủ Nhật Cường bỏ trốn, "nóng" trách nhiệm bồi thường

    (ĐS&PL) - Phần đối đáp của đại diện VKSND TP.Hà Nội với các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo "nóng" phần tranh luận về trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

    Chiều 30/12, phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung và 6 bị cáo đồng phạm trong vụ can thiệp trúng thầu dự án số hoá năm 2016 xảy ra tại Sở KH&ĐT Hà Nội diễn ra phần đối đáp của đại diện VKSND TP.Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên toà đối với các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo.

    Đối đáp với các bị cáo và luật sư, đại diện VKSND TP.Hà Nội cho biết, đây là vụ án có đồng phạm. Đối với bị cáo Nguyễn Văn Tứ (cựu Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội) đã thừa nhận ngay hành vi sai phạm của mình nhưng luật sư bào chữa cho bị cáo Tứ lại đưa ra các quan điểm, lập luận để chứng minh bị cáo Tứ không phạm tội. Vì vậy luật sư chỉ đề nghị HĐXX đưa ra hình phạt vừa mang tính răn đe, vừa mang tính giáo dục cho bị cáo.

    Còn đối với các bị cáo Nguyễn Tiến Học, Phạm Thị Kim Tuyến và Phạm Thị Thu Hường cũng đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình là tham mưu, đề xuất để lãnh đạo Sở ký ban hành văn bản.

    Do vậy, theo đại diện Viện Kiểm sát, đây là chuỗi hành vi vi phạm, mỗi bị cáo thực hiện một hành vi, dẫn đến hậu quả đặc biệt lớn. Đồng nghĩa với chuỗi hành vi vi phạm là trách nhiệm chung thuộc về tập thể, chứ không chỉ thuộc về một cá nhân nào.

    ong chu nhat cuong bo tron nong trach nhiem boi thuong
    Các bị cáo tại tòa. (Ảnh: VietnamNet)

    Về hành vi chỉ đạo đình chỉ thầu và dừng thầu của bị cáo Nguyễn Đức Chung, đại diện Viện Kiểm sát trích dẫn hồ sơ vụ án cho thấy, trước khi chỉ đạo dừng thầu, không có văn bản nào UBND TP.Hà Nội chỉ đạo dừng các dự án về công nghệ thông tin.

    Ngoài ra, quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Tứ đều xác nhận ngày 15 và 16/5/2016, bị cáo Chung gọi điện chỉ đạo dừng gói thầu để đưa công nghệ số hóa của Nga vào. Sau đó, Sở KH&ĐT Hà Nội gửi văn bản cho UBND TP.Hà Nội và Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung thông báo về việc dừng thầu theo chỉ đạo.

    Căn cứ vào tài liệu hồ sơ và thẩm vấn, theo đại diện Viện Kiểm sát, có đủ cơ sở khẳng định bị cáo Nguyễn Đức Chung vì vụ lợi cá nhân đã lợi dụng chức vụ Chủ tịch UBND TP.Hà Nội để chỉ đạo Sở KH&ĐT Hà Nội cho công ty Nhật Cường tham gia gói thầu số hóa năm 2016 và trúng thầu.

    Ngoài ra, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, do là một gói thầu dở dang nên hợp đồng này cần phải vô hiệu nên nhà thầu phải hoàn trả lại số tiền đã nhận cho Nhà nước thông qua đơn vị chủ đầu tư là sở KH&ĐT Hà Nội.

    Để đảm bảo nguyên tắc có lợi cho các bị cáo, cơ quan chức năng đã tính đúng, đính đủ theo quy định của pháp luật để không làm tăng thêm phần bồi thường cho các bị cáo.

    Về trách nhiệm dân sự, các luật sư nhận định, trong vụ án này không có trách nhiệm liên đới mà trách nhiệm thuộc về Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc công ty Nhật Cường. Ngoài ra, có luật sư cho rằng Công ty Nhật Cường đang tồn tại và vẫn hoạt động.

    Với vấn đề nghị, đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh: "Chúng tôi đề nghị, luật sư nào biết công ty Nhật Cường nếu đang tồn tại và hoạt động thì hoạt động ở đâu, báo cho HĐXX, Viện Kiểm sát và cơ quan điều tra để cùng nhau làm rõ những vấn đề liên quan đến Nhật Cường".

    Đây là vụ thứ hai liên quan đến Nhật Cường, người đại diện theo pháp luật của Nhật Cường là Bùi Quang Huy đã bỏ trốn, đang bị truy nã, giám đốc tài chính, trưởng các ngành hàng đang chấp hành án, đã xác minh Nhật Cường không còn tài sản nữa.

    "Đây là vụ án đồng phạm nên đương nhiên các bị cáo phải liên đới bồi thường trách nhiệm dân sự và được dành quyền khởi kiện đối với ông chủ Nhật Cường đòi bồi hoàn", đại diện VKS đối đáp.

    Theo quan điểm của đại diện VKS, Nhật Cường khi tham gia liên danh Nhật Cường- Đông Kinh chỉ góp được mấy email gửi cho bị cáo Nguyễn Đức Chung, góp cái tên doanh nghiệp công ty Nhật Cường và cái tên Bùi Quốc Huy.

    Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của Nhà nước, việc buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường là có căn cứ, đúng pháp luật. Và thực tế, các bị cáo rất có ý thức khắc phục hậu quả khi tại tòa, nhiều người đã động viên gia đình nộp tiền khắc phục hậu quả.

    Trong thời gian phiên toà diễn ra, gia đình bị cáo Võ Việt Hùng (Giám đốc Công ty Đông Kinh) đã nộp hơn 2,1 tỷ đồng (trước đó đã nộp 400 triệu đồng); gia đình bị cáo Lê Duy Tuấn (Giám đốc Kinh doanh Công ty Đông Kinh) đã nộp 300 triệu đồng và gia đình bị cáo Nguyễn Văn Tứ đã nộp hơn 1 tỷ đồng để khắc phục hậu quả, đại diện Viện kiểm sát nhận thấy xác định, đây là tình tiết mới nên đề nghị HĐXX xem xét đến tình tiết này.

    Việt Hương (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ong-chu-nhat-cuong-bo-tron-nong-trach-nhiem-boi-thuong-a524238.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan