+Aa-
    Zalo

    Phát hiện kinh hoàng về những cơ sở hạt nhân bí mật của phát xít

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Hàng loạt cơ sở hạt nhân bí mật của Đức Quốc xã trong Chiến tranh thế giới thứ II vừa được phát hiện tại thị trấn St Georgen an der Gusen (miền Bắc nước Áo).

    (ĐSPL) - Hàng loạt cơ sở hạt nhân bí mật của Đức Quốc xã trong Chiến tranh thế giới thứ II vừa được phát hiện tại thị trấn St Georgen an der Gusen (miền Bắc nước Áo). Các hầm ngầm hạt nhân được tìm thấy khi một nhóm nhà làm phim bất ngờ nhận thấy hàm lượng phóng xạ tại khu vực này cao hơn so với mức bình thường. Phát hiện chấn động trên đang làm bùng nổ nhiều giả thuyết cho rằng, đây chính là những cơ sở được phát xít Đức xây dựng để chế tạo vũ khí nguyên tử cho “cỗ máy hủy diệt” trong Thế chiến thứ II.

    Đường hầm dưới lòng đất được cho là cơ sở sản xuất vũ khí hạt nhân lớn nhất của Đức Quốc xã.

    Bí mật chết người giấu trong lòng đất

    Theo tờ Sunday Times của Anh, nhà làm phim người Áo, Andreas Sulzer dẫn đầu một nhóm các chuyên gia tìm kiếm những cơ sở hạt nhân của Đức Quốc xã, đã nhận thấy hàm lượng phóng xạ tại thị trấn St. Georgen an der Gusen cao hơn mức bình thường. Sau đó, ông và các đồng sự vô cùng bất ngờ khi phát hiện hàng loạt đường hầm ngầm bí mật nằm sâu dưới lòng đất, được cho là xây dựng bởi quân đội Đức trong Thế chiến thứ II. Tại lối vào căn hầm, một số thiết bị của Đức Quốc xã và mũ của lính SS đã được tìm thấy.

    Trả lời phỏng vấn Sunday Times, Andreas Sulzer cho biết, những đường hầm được thiết kế hết sức phức tạp và có diện tích khoảng 30.345m2. Lối vào căn hầm đã bị bịt kín bởi đá hoa cương. Đó cũng là lý do khiến mê cung trong lòng đất này không được phát hiện. Theo Andreas Sulzer, khu vực này “rất có thể là cơ sở sản xuất vũ khí bí mật lớn nhất của Đức Quốc xã”, trong đó bao gồm cả mục tiêu chế tạo bom nguyên tử để xâm chiếm Liên Xô và đánh bại Mỹ.

    Nhà làm phim Andreas Sulzer.

    Cuộc khảo sát sau đó của các chuyên gia đã chỉ ra, đường hầm được cho là kết nối với nhà máy dưới lòng đất B8 Bergkristall - nơi máy bay phản lực chiến đấu đầu tiên trên thế giới Messerschmitt Me 262 được sản xuất. Trong khi đó, một số khác cho rằng nơi đây kết nối với trại tập trung Mauthausen-Gusen (Áo). “Các cơ sở của Đức nhiều khả năng được xây dựng dựa trên việc lao động cưỡng bức các tù nhân, trong trại tập trung Mauthausen-Gusen gần đó. Đây cũng có thể là một địa điểm được quân đội Đức sử dụng để thử nghiệm quả bom hạt nhân”, một thành viên của đội tìm kiếm đưa ra bình luận với trang tin Mirror (Anh).

    Được biết, gần 70 năm trước, tại trại tập trung này, hàng trăm nghìn người đã bị tàn sát bởi cỗ máy giết người man rợ của phát xít Đức. Theo nhà làm phim người Áo, hàng ngàn tù nhân tại đây cũng được tuyển lựa để xây dựng các khu phức hợp quân sự cho quân đội Đức, trong đó có nhà máy hạt nhân trên. Những người tù này được chọn lựa vì có năng lực về vật lý, hóa học hoặc các ngành khoa học khác có thể giúp ích cho chương trình phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt của phát xít Đức.

    Tờ Sunday Times dẫn lời ông Andreas Sulzer cho biết, họ phải làm việc không màng ngày đêm, dưới sự tra tấn tàn khốc của lính SS (còn gọi là quân áo đen, tổ chức vũ trang của đảng Đức Quốc xã). Có khoảng 320.000 người được cho là đã chết vì điều kiện làm việc hết sức tồi tệ trong mê cung này và 38.000 người trong số đó là người Do Thái. Nơi đây được cho là nằm dưới sự kiểm soát của một sỹ quan chỉ huy quân đội SS – Hans Kammler.

    Từng nắm giữ nhiều quyền lực, Kammler đã tiếp cận công nghệ tiên tiến nhất của Đức Quốc xã thời đó, trong đó có cả “vũ khí tấn công trả đũa” chính là tên lửa V1 và V2. Hai loại tên lửa này đã khiến nước Anh bị thương vong và tổn thất nặng nề. Không những thế, Kammler còn tham gia vào quá trình xây dựng các trại tử thần, bao gồm cả việc thiết kế các lò hỏa thiêu tại trại tập trung Auschwitz - nơi thiêu hủy thi thể của khoảng 1,2 triệu người bị sát ở Ba Lan. Theo một số cuốn sách lịch sử, một ngày sau khi Đức quốc xã đầu hàng Đồng minh vào ngày 9/5/1945, Kammler đã tự bắn vào mình hoặc uống thuốc độc tự sát ở thành phố Stettin, Đức (bây giờ là Szcecin ở Ba Lan). Tuy nhiên, thi thể của hắn không bao giờ được tìm thấy.

    Theo giới truyền thông, hiện việc khai quật cơ sở hạt nhân trên đã ngừng lại vì nhà chức trách địa phương yêu cầu phải có giấy phép, nhưng ông Sulzer khẳng định công việc sẽ được khôi phục vào tháng 2/2015. “Chúng ta phải mở được cơ sở ngầm này và phanh phui sự thật bên trong, vì chúng ta mắc nợ các nạn nhân”, Mirror dẫn lời nhà làm phim Áo tuyên bố.

    Kinh ngạc trình độ công nghệ của Đức trong thế chiến II

    Theo tờ Mirror, cuộc điều tra về các cơ sở hạt nhân của Đức Quốc xã được bắt đầu sau khi một tài liệu điều tra do nhà làm phim Sulzer tìm được cho thấy các khả năng Hitler từng chú trọng phát triển quả bom nguyên tử. Ông Sulzer đã phát hiện cuốn nhật ký của một nhà vật lý, người được lệnh phải làm việc cho quân đội Hitler trong thời kỳ chiến tranh, trong đó có “bóng gió” nhắc đến khả năng phát triển vũ khí hủy diệt của Đức Quốc xã.

    Hitler đã manh nha chế tạo bom nguyên tử từ năm 1942

    Trên thực tế, theo tài liệu của các nhà khoa học, ngay từ đầu năm 1942, Hitler đã đưa ra vấn đề chế tạo bom nguyên tử. Và ngay khi bị lực lượng đồng minh và Hồng quân Liên Xô tiến công vào những tháng cuối cùng của cuộc chiến thì các nhà khoa học của phát xít Đức đã thực hiện những bước tiến kỹ thuật đáng kể, chỉ đi sau các nhà khoa học của Anh và Mỹ. Một nhóm các nhà khoa học của Đức Quốc xã đã gần đạt được một phản ứng dây chuyền, một bước tiến chủ yếu quyết định cho một trái bom nguyên tử ra đời.

    Sau khi quân Đồng Minh đánh bại phát xít Đức, họ cũng tiến hành tìm kiếm các cơ sở chế tạo vũ khí, tuy nhiên những hầm ngầm sản xuất vũ khí hạt nhân đã không được tìm thấy. Kết thúc chiến tranh, nước Áo cũng chi hơn 20 triệu USD để tiêu hủy các căn cứ của Đức bên trong lãnh thổ của mình. Nhưng Sulzer tin rằng, Chính phủ Viên đã bỏ quên các cơ sở hạt nhân bí mật, nơi được dùng để thực hiện các dự án chế tạo bom nguyên tử. Các chuyên gia sau đó đã nhiều lần cố gắng liên kết mối quan hệ giữa các căn cứ của Đức để tìm ra các hầm ngầm tại St. Georgen nhưng thất bại.

    Cho đến năm 2011, khi bí mật dần được quên lãng thì tại một mỏ muối cũ gần thành phố Hannover của Đức, người ta tìm thấy hơn 126.000 thùng chất thải hạt nhân, bao gồm các vật liệu phóng xạ đang trong tình trạng phân hủy. Vụ việc đã dấy lên một cuộc tìm kiếm mới cho các nhà sử học Áo và gần đây khi Sulzer cùng đồng sự phát hiện được nồng độ phóng xạ tại một số khu vực ở St.Georgen cao hơn mức bình thường, sự thật mới được phơi bày.

    Trong một diễn biến khác, theo một số tài liệu tiết lộ trong năm 2014, các nhà khoa học của Hitler thậm chí đã thử nghiệm cả vũ khí hạt nhân và cũng đã lên kế hoạch cho việc chế tạo tên lửa hạt nhân siêu nhỏ đầu tiên của thế giới. Mark Walker, Giáo sư sử học trường đại học “Union” ở Schenectady (New York) nói: “Những bước tiến của Đức đối với những vũ khí như vậy có thể được so sánh với những gì mà người Mỹ đã làm được vào mùa hè năm 1942. Thậm chí ngay cả trong một năm rưỡi đầy tuyệt vọng cuối cùng của cuộc chiến, một nhóm nhà vật lý đa quốc tịch của trùm phát xít Hitler vẫn miệt mài làm việc trong các lò phản ứng hạt nhân, lên kế hoạch cho phản ứng hạt nhân và địa điểm để cho nổ thử”.

    Giáo sư Walker nói thêm: “Nhiều thông tin tư liệu lưu trữ vẫn đang được tìm kiếm và hiện vẫn đang khai thác nguồn tài liệu từ phía kho hồ sơ khổng lồ của Nga. Những nhà sử học của thế giới đang kỳ vọng vào những phát hiện mới nữa để hoàn tất hồ sơ chế  tạo bom nguyên tử của phát xít Đức. Đây là một vấn đề được tiến hành từ 60 năm nay nhưng chưa cho kết quả cuối cùng”.          

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phat-hien-kinh-hoang-ve-nhung-co-so-hat-nhan-bi-mat-cua-phat-xit-a81379.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan