+Aa-
    Zalo

    Quảng Nam: Người đàn bà "điên" đưa cụ già bị mù về nhà chăm sóc như mẹ ruột

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thương hoàn cảnh cụ Mịch đã già yếu, bị mù lòa 2 mắt lại không nơi nương tựa, cách đây 5 năm, bà Thu đã đưa cụ về nhà phụng dưỡng như mẹ ruột.

    Thương hoàn cảnh cụ Mịch đã già yếu, bị mù lòa 2 mắt lại không nơi nương tựa, cách đây 5 năm, bà Thu đã đưa cụ về nhà phụng dưỡng như mẹ ruột.

    Trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ, khá chật hẹp của bà Lê Thị Mộng Thu (52 tuổi, gụ thôn Tân Quý, xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam), nhiều người không khỏi xúc động khi chứng kiến cảnh người phụ nữ này ân cần, nhẹ nhàng bón từng thìa cơm cho cụ bà Nguyễn Thị Mịch (78 tuổi).

    Số phận bi kịch của cụ bà mù lòa không nơi nương tựa

    Theo lời kể của bà Thu, hoàn cảnh của cụ Mịch vô cùng bất hạnh. Cụ bị mù và mồ côi cha mẹ từ lúc 3 tuổi. Vì thương em gái, anh trai của cụ Mịch là ông Nguyễn Khái không lập gia đình, ở một mình làm lụng nuôi em gái mù lòa.

    Hai anh em đùm bọc nhau hơn 70 năm. Đến giữa năm 2014, ông Khoái ngã bệnh và bỏ lại người em gái tội nghiệp.

    Bà Thu chăm sóc cụ Mịch như mẹ ruột của mình. Ảnh: PLO

    Thương cảnh cụ Mịch không nơi nương tựa, bà Thu cùng hàng xóm thay nhau đến chăm sóc.

    Được vài tháng, cảm nhận được nỗi buồn, sự cô quạnh của cụ Mịch trong căn nhà sập sệ. Không màng đến khó khăn, đầu năm 2015 bà quyết đưa cụ về nhà nuôi như một thành viên trong gia đình.

    “Lúc bàn với chồng về việc đưa cụ Mịch về nhà chăm sóc, tôi chỉ sợ chồng không đồng ý, nhưng chồng tôi vui vẻ và ủng hộ khi tôi nói chuyện này. Do đó, tôi phải có trách nhiệm hơn khi đưa cụ về chăm sóc”, bà Thu kể lại với PV Dân Trí.

    Gia đình bà Thu dành riêng cho cụ Mịch một căn phòng vừa đủ đặt chiếc giường. Tuy không đầy đủ tiện nghi nhưng lúc nào cũng gọn gàng, sạch sẽ.

    Hàng ngày, ông Nguyễn Công Dũng (52 tuổi, chồng bà Thu) đi làm thuê ở trang trại chăn nuôi để kiếm tiền nuôi hai đứa con ăn học. Còn bà Thu ở nhà quần quật với vài sào ruộng, lo chuyện nấu nướng và chăm sóc cụ Mịch.

    “Gia đình tôi cũng không khá giả chi. Nhưng dù gì thì mình cũng đỡ hơn bà cụ, khi đã đưa bà về nuôi thì khó khăn vất vả gì thì cũng nuôi cho đường hoàng, không thì mang tội”, bà Thu chia sẻ.

    Người đàn bà "Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng"

    Bà Thu kể những ngày đầu đưa cụ Mịch về nuôi, hàng xóm, người thân cũng lời ra tiếng vào. “Nhiều người nói tôi có của, nhiều người nói tôi khùng, tự nhiên rước cái khổ vào người. Họ còn nói ba mẹ ruột con cái còn đẩy qua đẩy lại, huống hồ chi đây là người dưng. Nhưng mà kệ...”.

    Dù nhận về không ít lời dèm pha nhưng đổi lại bà Thu lại được cả gia đình ủng hộ, cùng nhau chăm lo cho cụ Mịch những năm tháng cuối đời. Ảnh: Dân Trí

    Chia sẻ với PV Pháp Luật TP.HCM, con gái của bà Thu cho hay khi anh trai cụ Mịch còn sống, thấy hoàn cảnh hai anh em ai cũng thương. Nhưng để nhận chăm sóc thì không ai dám.

    “Lo không ai chăm sóc cụ Mịch, ông anh trai có nhờ cậy nhiều người nhưng không ai chịu nhận. Thấy bà tội quá, mẹ tôi nói đem bà về nuôi thì gia đình ai cũng đồng ý hết. Về đây mấy chị em phụ mẹ chăm bà, nhà ăn chi bà ăn nấy”, chị nói.

    Có lẽ chung cảnh ngộ mồ côi mẹ từ lúc 6 tuổi, bà Thu phần nào thấu hiểu được sự bất hạnh của cụ Mịch. Để bù đắp phần nào cho cụ ở cái tuổi gần đất xa trời, bà Thu chỉ dám ước có thật nhiều sức khỏe, đủ khả năng chăm sóc cho cụ.

    “Đời người không ai biết trước được điều gì. Nói thiệt, tôi mong mình đừng chết trước bà. Chứ mình mà chết trước không ai nuôi tội lắm”, bà Thu tâm sự.

    Nguyễn Phượng(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quang-nam-nguoi-dan-ba-dien-dua-cu-gia-bi-mu-ve-nha-cham-soc-nhu-me-ruot-a299460.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan