+Aa-
    Zalo

    Sáng 22/11, chất lượng không khí ở Hà Nội ô nhiễm ở ngưỡng đỏ

    (ĐS&PL) - Trong sáng nay (22/11) người dân Hà Nội dễ dàng nhận thấy bằng mắt thường sự thay đổi của không khí, không gian mù mịt, tầm nhìn xa rất hạn chế, nhiều người thắc mắc về sự bất thường? Thực tế đây là tình trạng ô nhiễm không nghiêm trọng ở Thủ đô.

    Tình trạng ô nhiễm không khí ở mức xấu đến rất xấu

    Báo Tiền phong đưa tin, sáng sớm nay (22/11), bụi mịn bao phủ Hà Nội và nhiều tỉnh thành phía Bắc. Các ứng dụng theo dõi chất lượng không khí ghi nhận mức độ ô nhiễm ở ngưỡng đỏ (có hại) và ngưỡng tím (rất có hại cho sức khỏe con người), cá biệt một vài nơi lên ngưỡng nguy hại (ngưỡng nguy hiểm nhất do ô nhiễm không khí).

    Hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air với hàng chục điểm đo ghi nhận ô nhiễm không khí bao phủ khắp Hà Nội trong sáng nay. Phần lớn các điểm đo cho thấy, chất lượng không khí Hà Nội ở ngưỡng đỏ.

    Một số điểm đo ghi nhận chất lượng không khí ở ngưỡng tím như tại Trung tâm Sao Mai (Thanh Xuân), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Cầu Giấy), thị trấn Đông Anh (Đông Anh), Trâu Quỳ (Gia Lâm).

    Tuy nhiên, không chỉ Hà Nội rơi vào tình trạng ô nhiễm không khí nguy hại. Trong sáng nay, nhiều tỉnh ở miền Bắc cũng ghi nhận mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng với hầu hết các điểm đo ở ngưỡng đỏ và tím.

    Thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định sáng nay, chỉ số chất lượng không khí (AQI) lên tới 218 (ngưỡng rất có hại cho sức khỏe con người). Hai điểm đo khác tại Hải Hậu và Nam Trực cũng ghi nhận chất lượng không khí có hại cho sức khỏe con người.

    sang 22 11 chat luong khong khi o ha noi o nhiem o nguong do
    Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc đang bị ô nhiêm không khí nghiêm trọng. Ảnh: Tiền phong.

    Tại Bình Lục (Hà Nam), Mỹ Hào (Hưng Yên), Thái Thụy (Thái Bình) hay Vĩnh Bảo (Hải Phòng) chỉ số ô nhiễm không khí cũng ở ngưỡng có hại. Thành phố Việt Trì, Thái Nguyên hay Bắc Ninh cũng là điểm nóng ô nhiễm không khí trong sáng nay.

    Cá biệt có điểm đo, mức ô nhiễm đã đạt đến 500, tức là mức độ ô nhiễm cao nhất trong thang đo, ghi nhận tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Đây là mức cảnh báo khẩn cấp về sức khỏe, toàn bộ dân số bị ảnh hưởng tới sức khỏe ở mức nghiêm trọng.  

    Các ứng dụng theo dõi chất lượng không khí của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường hay Đại sứ quán Mỹ cũng ghi nhận tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng của Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

    Ô nhiễm không khí tại Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc được xác định bởi các nguồn từ giao thông, xây dựng, công nghiệp và hoạt động dân sinh như đốt rác, đốt rơm rạ.

    Các đơn vị đo lường cùng đưa ra lý giải, ô nhiễm không khí tại miền Bắc liên quan chặt chẽ đến điều kiện thời tiết. Vào mùa mưa, ô nhiễm không khí ít xảy ra. Vào mùa đông (tháng 10 đến tháng 3 năm sau), trong những ngày xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, bụi mịn tích tụ gần mặt đất, dẫn đến những đợt ô nhiễm không khí dài ngày. Theo dự báo, đợt ô nhiễm không khí hiện tại có thể kéo dài đến hết tuần. Từ đầu tuần sau, chất lượng không khí được cải thiện.

    Tin trên báo Sức khỏe và đời sống, Tổng cục Môi trường cho biết, chỉ số chất lượng không khí (AQI) là chỉ số được tính toán từ các thông số quan trắc các chất ô nhiễm trong không khí, nhằm cho biết tình trạng chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, được thể hiện qua một thang điểm.

    Theo hướng dẫn, AQI được áp dụng cho 2 loại: AQI ngày là giá trị đại diện cho chất lượng không khí trong 1 ngày; AQI giờ là giá trị đại diện cho chất lượng không khí trong 1 giờ. Chỉ số chất lượng không khí sẽ được tính theo thang điểm gồm 6 khoảng giá trị AQI. Tương ứng với đó là biểu tượng và các màu sắc để cảnh báo chất lượng không khí, mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

    Cụ thể, AQI ở khoảng giá trị từ 0 - 50 tương ứng chất lượng không khí tốt, màu xanh; AQI (51 - 100), chất lượng không khí trung bình, màu vàng; AQI (101 - 150), chất lượng không khí kém, màu da cam; AQI (151 - 200), chất lượng không khí xấu, màu đỏ; AQI (201 - 300), chất lượng không khí rất xấu, màu tím; AQI (301 - 500), chất lượng không khí nguy hại, màu nâu. Các thông số về chất lượng không khí được sử dụng để tính AQI bao gồm: SO2, CO, NO2, O3, PM10 và PM2.5. Phương pháp tính toán AQI yêu cầu bắt buộc phải có tối thiểu 1 trong 2 thông số PM10, PM2.5 trong công thức tính.

    Cách bảo vệ sức khỏe trường hợp không khí ô nhiễm nghiêm trọng

    Tại Việt Nam, theo báo cáo môi trường quốc gia 2016-2020, ô nhiễm không khí ở Việt Nam chủ yếu là ô nhiễm bụi. Trong đó, bụi mịn PM2,5 được coi là sát thủ trong không khí. Các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra, bụi mịn PM2,5 có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể con người thông qua đường hô hấp, len lỏi sâu vào phổi, đi vào máu, gây nên một số bệnh nguy hiểm.

    Người thường xuyên phải tiếp xúc với bụi mịn có thể gặp phải các vấn đề về sức khỏe như hắt hơi, sổ mũi, khó thở, khô mắt... Tiếp xúc lâu dài thì sẽ làm gia tăng tỷ lệ giảm chức năng phổi, viêm phế quản mãn tính, tăng nguy cơ mắc bệnh đột quỵ, tim mạch và ung thư.

    Đáng lưu ý, các khẩu trang thông thường không thể ngăn bụi mịn PM2,5. Vì vậy, người dân nên trang bị các khẩu trang có khả năng lọc loại bụi mịn này.

    Để đảm bảo sức khỏe, những ngày ô nhiễm không khí nghiêm trọng người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt).

    Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

    Với người hút thuốc lá các chuyên gia khuyến cáo nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút thuốc lá. Với người không hút thuốc lá nên tránh xa khói thuốc lá. Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm.

    Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.

    Đối với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu, Bộ Y tế khuyên thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn. Ngoài ra cần hạn chế tối đa đi ra ngoài đặc biệt là vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, theo báo Đầu tư.

    Bảo An(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sang-22-11-chat-luong-khong-khi-o-ha-noi-o-nhiem-o-nguong-do-a600504.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Bao giờ miền Bắc rét trở lại?

    Bao giờ miền Bắc rét trở lại?

    Dự báo, giữa tuần này, khoảng ngày 23-24/11, không khí lạnh sẽ tăng cường xuống nước ta, đợt lạnh lần này chủ yếu làm thay đổi thời tiết ở miền Bắc và miền Trung.