+Aa-
    Zalo

    Tại sao bầu Kiên bị cùm chân, Dương Chí Dũng mặc sơ mi trắng?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhìn lại những trọng án trong thời gian vừa qua, những hình ảnh bị cáo tại tòa đã khiến nhiều người khó hiểu tại sao lại có sự khác nhau trong trang phục và cách đối xử

    Nhìn lại những trọng án được xét xử trong thời gian vừa qua, những hình ảnh bị cáo tại tòa đã khiến nhiều người khó hiểu tại sao lại có sự khác nhau trong trang phục và cách đối xử với các bị cáo như vậy?

    Tháng 1 – 2014 TAND TP.Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng, hình ảnh Dương Tự Trọng mặc chiếc áo phông có in chữ Black Flag vẫn còn đọng lại. Nhiều người thắc mắc không hiểu vì sao Dương Tự Trọng lại được phép mặc chiếc áo lạ đến vậy?

    Cũng trong tháng 1-2014, TAND TPHCM xét xử Huỳnh Thị Huyền Như, tội danh lừa đảo, chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng. Trong các ngày bị xét xử, bà Huyền Như mặc trang phục áo sơ mi trắng, hồng, đi giày đen, như công chức bình thường.

    Tháng 4-2014, TAND TP Hà Nội xét xử ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên). Ông Kiên ra tòa với trang phục áo sơ mi kẻ, quần kaki, đi dép tổ ong màu trắng. Trong khi đó, nhiều bị cáo bị tạm giam và đưa ra xét xử cùng với ông Kiên (trừ những người tại ngoại) mặc đồng phục trại giam màu xanh da trời, đi dép tổ ong trắng. Ông Kiên bị xích chân trong khi dẫn giải.

    Mới nhất là phiên xử phúc thẩm Dương Chí Dũng, trong khi các bị cáo mặc áo đồng phục của trại giam thì riêng mình ông Dương Chí Dũng lại mặc sơ mi trắng.

    Nhiều ý kiến tranh luận đã diễn ra bởi thường thì trang phục của bị cáo đã được lực lượng an ninh kiểm tra và dẫn giải từ trại tạm giam đến phòng xử án. Vậy hình ảnh của Dương Chí Dũng( áo sơ mi trắng), Dương Tự Trọng( áo phông in chữ Black Flag ), Huyền Như (mặc đồ công sở) thì hình ảnh của bầu Kiên là chân đi dép tổ ong và xích chân khi dẫn giải được hiểu như thế nào? 

    Cùng là bị cáo, tại sao người mặc áo sơ mi, người bị cùm chân?
    "Trang phục của mỗi bị cáo ở các phiên tòa hoàn toàn khác nhau"

    Xoay quanh vấn đề này, ông Hồ Quốc Thái, nguyên Phó Viện trưởng viện Phúc thẩm 1 (VKSNDTC) đã từng chia sẻ trên báo ĐS&PL ông cho biết: "Trước đây luật quy định, tội phạm khi bị bắt sẽ phải mặc áo sọc, nhưng sau này, để đảm bảo quyền con người, luật pháp quy định khi ra tòa các bị cáo có thể mặc thường phục. TAND tối cao sau đó cũng ra công văn chỉ đạo về vấn đề này.

    Tuy nhiên, qua theo dõi các phiên tòa vừa qua, có thể thấy, quy định của UBTVQH và hướng dẫn của TAND Tối cao được thực hiện chưa thống nhất.

    Tại tòa án  bầu Kiên đã kiến nghị về việc ông bị giám thị trại giam yêu cầu mặc đồng phục do trại cấp. Ông cũng cho rằng việc cùm chân trong qua trình dẫn giải cũng là biện pháp không phù hợp.  Tại sao giám thị lại phải đề nghị các bị can mặc đồng phục của trại? Dù bộ này đã được “cải tiến”, nhưng khi tất các các bị cáo đều mặc trang phục lùng thùng giống nhau kiểu như vậy, đi đôi dép tổ ong, xuất hiện trước tòa, thì về bản chất bộ sọc với bộ xanh chẳng khác gì nhau.

    Có bị cáo đồng ý mặc, hoặc không. Cũng có bị cáo do không biết hoặc không muốn từ chối nên đành mặc. Việc mặc đồng phục có thể là để tạo sự trang nghiêm, nhưng nhìn các bị cáo xuất hiện với bộ đồ màu xanh, đi dép tổ ong trắng thì sự trang nghiêm này không còn. Chưa kể đến việc có bị cáo mặc, có bị cáo không, dễ gây thắc mắc.

    Các giám thị hoàn toàn có quyền đánh giá thế nào là đảm bảo sự trang nghiêm và có thể yêu cầu bị cáo đổi trang phục nếu không phù hợp. Trong trường hợp bị cáo Dương Tự Trọng, nguyên Đại tá, nguyên Phó Giám đốc công an TP.Hải Phòng, thay vì đề nghị ông đổi trang phục, thì cả ban giám thị lẫn Hội đồng xét xử lại không có ý kiến gì.

    Về việc áp biện pháp ngăn chặn là xích chân khi dẫn giải, theo quy định, được dùng đối với các bị cáo được cho là phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, côn đồ hung hãn, tái phạm nguy hiểm (quyết định 810/2006/QĐ-BCA-C11 của Bộ Công An). Nếu chiếu theo đó thì việc xích chân bầu Kiên là không sai quy định của pháp luật nếu trong kế hoạch, phương án bảo vệ phiên tòa đã được phê duyệt có nêu rõ phương án sử dụng biện pháp này.

    Tuy nhiên, nếu áp dụng các quy định này thì tại sao ông Dương Chí Dũng, bà Huyền Như và một số bị cáo khác không bị xích chân?. Việc áp dụng các quy định một cách máy móc, thiếu thống nhất tại các phiên tòa lớn mà cả xã hội quan tâm không những làm tăng tính uy nghiêm của pháp luật, mà ngược lại tạo ra những thắc mắc không cần thiết.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tai-sao-bau-kien-bi-cum-chan-duong-chi-dung-mac-so-mi-trang-a30472.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Dương Tự Trọng chịu 18 năm tù là chưa cân bằng lý - tình?

    Dương Tự Trọng chịu 18 năm tù là chưa cân bằng lý - tình?

    (ĐSPL) - Có ý kiến cho rằng mức án 18 năm tù dành cho hành vi “tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” của Dương Tự Trọng là quá nặng, chưa tính đến chữ “tình”. Ý kiến của các chuyên gia pháp luật như thế nào về vấn đề này?