+Aa-
    Zalo

    Tâm sự đầy nước mắt của người mang kiếp “thân sâu, hồn bướm”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Sau gần 10 ca phẫu thuật đầy đau đớn, Toàn trở thành 1 người con gái như mình mong muốn. Nhưng khao khát có được một cái tên đúng với giới tính của mình thì khó hơn lên trời.

    (ĐSPL) – Sau gần 10 ca phẫu thuật đầy đau đớn, Toàn trở thành 1 người con gái như mình mong muốn. Nhưng khao khát có được một cái tên đúng với giới tính của mình thì khó hơn lên trời.

    Jessica, 28 tuổi, sống tại TP HCM – một người vừa tiến hành phẫu thuật chuyển giới đã chia sẻ với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật một cách đầy chua xót như thế.

    Trước đó, tên thật của Jessica là Nguyễn Hữu Toàn. Toàn là một chàng trai chính hiệu cho đến khi lên lớp 7, lúc ấy, Toàn bắt đầu cảm thấy mình chỉ thích con trai, thường xuyên nghĩ mình là người đồng tính, sau đó tự mày mò đi mua các cuốn sách cũ về giới tính để đọc, nhưng lại không dám đọc công khai mà lén lút đốt đèn cầy để tìm hiểu. Thế rồi khi lớn hơn, đến khoảng lớp 10 thì Toàn bắt đầu nhận ra, mình không phải người đồng tính mà là người chuyển giới, bởi trong Toàn luôn khao khát được làm con gái.

    Sau đó, bằng tất cả sự dũng cảm của bản thân, khi vừa tốt nghiệp cấp 3 thì Toàn công khai sự thật với bố mẹ và gia đình.

    “Vừa nói ra sự thật về giới tính của mình, bố mẹ tôi đã phản ứng dữ dội. Họ khóc lóc, đánh đập tôi, rồi đưa tôi đi khám tại không biết bao nhiêu phòng khám, bệnh viện, thậm chí, họ mời cả thầy cúng về cúng cho tôi, chữa cho tôi bằng bùa ngải…” – Toàn bùi ngùi nhớ lại.

    Tâm sự đầy nước mắt của người mang kiếp “thân sâu, hồn bướm”

    Trải qua gần 10 cuộc phẫu thuật đầy đau đớn, Jessica giờ đây đã được trở về với đúng giới tính mà mình mong muốn.

    “Tôi từng muốn thoát khỏi kiếp “thân sâu, hồn bướm” đầy nghiệt ngã này”!

    Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, nhớ lại quãng thời gian khủng hoảng tinh thần do bị cả gia đình cũng như xã hội kỳ thị, không chấp nhận giới tính thực sự của mình, Jessica (tên gọi hiện tại) đã ngậm ngùi chia sẻ: “Quãng thời gian tôi 20 tuổi là quãng thời gian mà tôi cảm thấy bế tắc nhất. Tôi đã từng nghĩ đến chuyện tự tử, tôi cũng đã từng muốn thoát khỏi cái kiếp “thân sâu, hồn bướm” đầy nghiệt ngã này, rồi còn có lần tôi cạo tóc đi tu, nhưng sau khi nghe sư cô khuyên giải, tôi đã lấy lại tinh thần và bắt đầu tự đứng lên xây dựng cuộc sống cho riêng mình”.

    Jessica nhớ lại: “Vào năm 24 tuổi, tôi trốn gia đình và bạn bè sang Thái Lan để thực hiện phẫu thuật chuyển giới. Tất cả vốn liếng để dành được, cộng thêm vay mượn bạn bè tôi đều đem sang đó chi vào cuộc phẫu thuật. Sau khi cuộc phẫu thuật thành công, tôi mới dám gọi điện về thông báo với gia đình, rất may mắn là gia đình tôi không phản ứng dữ dội như trước nữa. Từ đó, cứ khoảng 1 tuần tôi lại phải sang Thái Lan một lần, và phải chi hơn 200 triệu để tôi có thể trở thành con người đúng như tôi mong muốn. Số tiền ấy, sau này tôi còn phải trả trong mấy năm mới hết”.

    Để được như hiện tại, Jessica đã phải trải qua gần 10 cuộc phẫu thuật với không biết bao nhiêu đau đớn, thế nhưng, khát khao cháy bỏng được trở về với giới tính thực đã giúp Jessica vượt qua tất cả.

    Sau khi chuyển giới thành công, Jessica lại phải đối mặt với một vấn đề nan giải khác, đó là đi xin việc làm.

    Tâm sự đầy nước mắt của người mang kiếp “thân sâu, hồn bướm”

    Jessica tâm sự, có những lúc quá bế tắc, cô đã tìm đến cái chết để mong được giải thoát.

    “Tôi đi khắp nơi nhưng không ai chịu nhận tôi, tôi chấp nhận làm cả những công việc mạt hạng nhất như rửa bát thuê, làm giúp việc, nhưng cũng chỉ được một thời gian. Hầu như, cả xã hội đang nhìn tôi với con mắt ngạc nhiên, bởi tôi trên giấy tờ và ở ngoài đời khác hẳn nhau” – Jessica bùi ngùi tâm sự.

    Jessica cho biết, bạn bè chuyển giới của cô trước những áp lực như thế đã không đứng trụ nổi mà sa ngã vào con đường làm gái bán dâm. Thế nhưng, với những kiến thức hạn hẹp, không biết cách bảo vệ mình nên họ đã phải mang theo căn bệnh HIV, và có 2 người vừa tử vong mới đây.

    Nói về bản thân mình, Jessica khẳng định: “Bản thân tôi, dù gặp muôn vàn khó khăn, nhưng tôi tự hào vì tôi chưa bao giờ sa ngã, chưa bao giờ làm gì trái với đạo lý, lương tâm và pháp luật”.

    Nuốt nước mắt vào trong, mong tìm một lối thoát

    Kể về quãng thời gian đầu sau khi vừa thực hiện phẫu thuật chuyển giới, Jessica cho biết, cô còn nhớ như in lần chính quyền xã, huyện gọi đi khám nghĩa vụ quân sự.

    Dù biết Jessica là người chuyển giới, nhưng họ vẫn xếp vào khám cùng một đội nam thanh niên.

    “Sau khi vào phòng khám, mọi người được yêu cầu lột hết đồ để kiểm tra, nhưng riêng tôi không dám lột. Sau khi cho hết những người cùng vào khám ra ngoài, tôi mới đồng ý lột áo. Khi đó tôi chưa tiến giải phẫu nên bác sĩ cũng lại sờ ngực rồi ghi kết luận “dị tật tuyến vú”. Sau đó, họ bắt tôi lột quần nhưng tôi không lột, rồi tôi mặc quần vào và đi ra ngoài thì có rất nhiều người nhòm ngó, trêu ghẹo. Lúc ấy tôi tủi thân vô cùng.

    Đặc biệt, tôi còn bị phân biệt đối xử khi họ bắt tôi cầm hồ sơ đứng vào góc phòng chờ giải quyết hết cho mọi người mới giải quyết đến lượt tôi. Và rồi khi ấy, có một người đàn ông tham gia khám cho tôi có dè bỉu một câu mà có lẽ tôi sẽ ghi nhớ đến suốt cuộc đời, đó là “Ba má mày ăn gì mà đẻ mày ra bê đê vậy?””.

    Rồi đến khi đi xin việc làm trong tiệm áo cưới, dù cho người ta công nhận tay nghề của Jessica, nhưng họ vẫn không nhận cô với lý do cô là người chuyển giới.

    Tâm sự đầy nước mắt của người mang kiếp “thân sâu, hồn bướm”

    Giờ đây, Jessica đã được bố mẹ chấp nhận và yêu thương hơn. Gia đình cô cũng đã không còn bị kỳ thị như trước nữa.

    “Lúc đó người ta đồng ý với tay nghề của tôi, nhưng họ không nhận tôi làm vì họ nói, nếu cô dâu đến cửa hàng của họ thấy tôi thế họ sẽ e ngại. Dần dần tôi được gọi vào đoàn làm phim, sau đó tôi dành dụm một khoản tiết kiệm và mở tiệm áo cưới, cho thuê đồ, làm trang phục biểu diễn và cho thuê… - Jessica chia sẻ.

    Giờ đây, dù chưa thực sự thành công những Jessica đã có những bước tiến vững chắc trong cuộc sống của chính mình. Quan trọng hơn, giờ bố mẹ cô đã chấp nhận và thương cô, lo cho cô nhiều hơn, đó coi như mọi nỗ lực của cô trong suốt những năm tủi hổ triền miên đã được đền đáp.

    Nói về ước mong lớn nhất của mình, Jessica chia sẻ: “Điều tôi mong muốn nhất hiên nay là có một lối thoát dành cho những người chuyển giới. Giả sử nếu không cho đổi giới tính thì cũng cho chúng tôi được đổi cái tên cho đúng với giới tính thật của mình. Bản thân tôi, tên thật là Toàn, nhưng sau khi chuyển giới, tôi cũng khao khát được đổi thành tên Nguyễn Quỳnh Tố An mà vẫn chưa được. Cho chúng tôi một cái tên, cũng coi như cho chúng tôi một thân phận trong xã hội này”.

    Khi được hỏi về chuyện tình yêu sau khi chuyển giới và hạnh phúc trong tương lại, Jessica ngượng ngùng bỏ ngỏ câu trả lời: “Tôi cũng đã có tình cảm với một chàng trai rất tốt, nhưng nói thật, tôi vẫn sợ không dám công khai mối quan hệ ấy, bởi tôi biết, nếu gia đình và bạn bè anh biết sự thật về tôi thì họ sẽ ngăn cản quyết liệt. Vì thế mà cho đến nay đã 28 tuổi, nhưng thực sự, tôi vẫn chưa nghĩ đến hạnh phúc cho riêng mình…”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tam-su-day-nuoc-mat-cua-nguoi-mang-kiep-than-sau-hon-buom-a38639.html
    Ai bảo vệ người chuyển giới bị hiếp dâm?

    Ai bảo vệ người chuyển giới bị hiếp dâm?

    (ĐSPL) – Nếu một người nam chuyển giới sang nữ mà bị hiếp dâm thì sẽ không được pháp luật bảo vệ bởi trên giấy tờ, đó là nam giới. Pháp luật hình sự chưa quy định vấn đề này.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Ai bảo vệ người chuyển giới bị hiếp dâm?

    Ai bảo vệ người chuyển giới bị hiếp dâm?

    (ĐSPL) – Nếu một người nam chuyển giới sang nữ mà bị hiếp dâm thì sẽ không được pháp luật bảo vệ bởi trên giấy tờ, đó là nam giới. Pháp luật hình sự chưa quy định vấn đề này.