+Aa-
    Zalo

    Tập Cận Bình đưa quân đội “vào khuôn phép”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Trong bài “Tập Cận Bình đưa quân đội vào khuôn phép”, báo Le Figaro viết thanh trừng tướng Từ Tài Hậu đánh dấu quyết tâm kiểm soát quân đội của Bắc Kinh.

    (ĐSPL) - Trong bài “Tập Cận Bình đưa quân đội vào khuôn phép”, báo Le Figaro viết thanh trừng tướng Từ Tài Hậu đánh dấu quyết tâm kiểm soát quân đội của Bắc Kinh.
    Tập Cận Bình đưa quân đội “vào khuôn phép”

    Chủ tịch Tập Cận Bình đang nắm lại quyền kiểm soát quân đội

    Bị cáo buộc là đã lợi dụng chức vụ để mua bán chức quyền và nhận hối lộ, Thượng tướng Từ Tài Hậu vừa bị khai trừ khỏi đảng, một hình thức kỷ luật rất nặng ở Trung Quốc. Hồ sơ vụ án đã được chuyển sang cơ quan kiểm sát quân sự, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc.
    Cho tới năm ngoái, ông Từ Tài Hậu còn là phó chủ tịch Quân ủy trung ương, cơ quan lãnh đạo quân đội và cho đến năm 2012, ông vẫn là một trong những nhân vật lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc, với tư cách ủy viên Bộ Chính trị. Như vậy, Từ Tài Hậu sẽ là viên tướng cao cấp nhất bị đưa ra tòa từ nhiều thập niên qua tại Trung Quốc. Ông cũng là quan chức cao cấp nhất sa lưới trong khuôn khổ chiến dịch chống tham nhũng được Bắc Kinh khởi động từ năm 2012.
    Theo báo Pháp Le Figaro số ra ngày 3/7, việc khai trừ đảng và truy tố Thượng tướng Từ Tài Hậu - một cựu Phó chủ tịch Quân ủy trung ương - cho thấy Tập Cận Bình đang nắm lại quyền kiểm soát quân đội trong tay. Bởi vì từ trước tới nay, quân đội Trung Quốc giống như một “nhà nước trong một nhà nước” mà không một lãnh đạo tiền nhiệm nào thành công trong việc đưa lại vào khuôn phép.
    Le Figaro cho rằng vấn nạn tham nhũng và chuyện buôn bán quan chức trong quân đội Trung Quốc là rất phổ biến. Giới quân nhân bị ô uế bởi nhiều vụ tai tiếng như sở hữu xe hơi hạng sang, kinh doanh ngành địa ốc, căn cứ quân sự biến thành điểm du lịch…
    Theo các chuyên gia, chính việc quân đội được hưởng quá nhiều phương tiện tài chính nên tham nhũng càng dễ nẩy sinh. Rất nhiều tướng tá Trung Quốc trong những năm qua đã lao vào kinh doanh, lợi dụng việc chuyển đổi các xí nghiệp quân sự sang các hoạt động dân sự.
    Vào năm 1978, Đặng Tiểu Bình đã từng yêu cầu các sĩ quan-doanh nhân “một là ngưng làm ăn, hai là rời khỏi quân đội”. Nhưng theo chuyên gia về an ninh Châu Á Brad Glosserman, những mối quan hệ giữa quân sự và kinh doanh quá chằng chịt, không dễ gì gỡ ra hết được. Tham nhũng trong quân đội đã mang tính hệ thống, và những lợi ích chồng chéo nhau đã làm suy yếu khả năng của quân đội Trung Quốc.
    Từ khi lên cầm quyền, ông Tập Cận Bình có tham vọng biến “đội quân chân đất” của Mao Trạch Đông thành một lực lượng có thể tham chiến trên mọi mặt trận : trên biển Thái Bình Dương, trên Internet và ngay cả trên vũ trụ. Tuy nhiên tờ báo nhận thấy rằng cải cách quân đội không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Các sĩ quan cao cấp từ hai thập niên nay đều tìm cách chống đối lại mọi sự thay đổi. Đặng Tiểu Bình là lãnh đạo cuối cùng có thể xây dựng lại quân đội. Như vậy, trong vụ việc lần này, Tập Cận Bình chứng tỏ là ông sẵn sàng gạt bỏ những nhân vật không theo mình, bất kể người đó hoạt động trong lĩnh vực dân sự hay quân sự.
    Về điểm này, tờ Le Monde trong bài viết đề tựa “Tại Trung Quốc, quân đội bị sờ gáy trong chiến dịch chống tham nhũng” cũng đồng tình cho rằng Tập Cận Bình đã phá vỡ các tiền lệ “không tấn công các vị quan chức cao cấp đã về hưu và quân đội”.
    Nhà chính trị học Trương Minh thuộc trường đại học Nhân Dân Bắc Kinh giải thích với Le Monde là ông Tập Cận Bình “đang mở một bước đột phá”. Ông Trương Minh giải thích: “Nói một cách khác chiến dịch lần này sẽ không chừa một ai. Nguyên tắc ngầm trước đây là không tấn công vào những người đã về hưu cũng như giới quân nhân. Tất cả giờ đã vỡ tan tành”.
    Học giả Trương Minh không tin cuộc chiến đó đơn giản mang màu sắc thanh trừng nội bộ. Bởi vì Tập Cận Bình có tham vọng hành động trên toàn bộ hệ thống, dù không ai biết được cách làm này có hiệu quả hay không, nhưng chí ít ra những gì ông Tập muốn cho thấy.
    Theo nhận xét của ông Christopher Johnson, việc khai trừ tướng Từ Tài Hậu cho thấy ông Tập Cận Bình vẫn kiểm soát hoàn toàn Đảng và quân đội. Hơn nữa, theo Tân Hoa Xã, đích thân chủ tịch Trung Quốc đã chủ trì cuộc họp mà trong đó quyết định khai trừ tướng Từ Tài Hậu đã được đưa ra.
    Cũng theo báo Le Monde, chiến dịch “đả hổ” lần này  được giới theo xu hướng tự do tán đồng. Họ đánh giá cao hiệu quả của chiến dịch chống tham nhũng, được tiến hành dưới danh nghĩa cải cách theo kinh tế thị trường. Chuyên gia về Trung Quốc Jean-Philippe Beja nhận định đối với một bộ phận giới ủng hộ tự do, “để tiến hành cải cách nhắm đến việc tự do hóa thị trường, cần phải có một người mạnh mẽ có khả năng đối kháng lại với những nhóm lợi ích và chứng tỏ cho mọi người thấy rằng họ không hề nói đùa”.
    Nhưng theo giáo sư chính trị học Joseph Cheng thuộc Đại học thành phố Hong Kong (City University of Hong Kong), chiến dịch chống tham nhũng kiểu Tập Cận Bình cũng chứa đựng nhiều nguy cơ. Lý do là vì nó có thể đụng chạm đến các cựu lãnh đạo và  khiến những kẻ cảm thấy bị đe dọa sẽ hợp lực với nhau để gây sức ép lên ông Tập Cận Bình. Nhưng nếu chiến dịch này thành công, được dân chúng ủng hộ, đây sẽ là  một vũ khí răn đe của ông Tập Cận Bình đối với những ai muốn cản đường ông.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tap-can-binh-dua-quan-doi-vao-khuon-phep-a39460.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan