+Aa-
    Zalo

    Tết: Hạnh phúc nằm ở sự tối giản

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bỏ bớt các lễ nghi hình thức rườm rà, quay trở lại với những gì chân thật nhất của trái tim mình, ta sẽ cảm thấy được Tết ở trong tim.

    Bỏ bớt các lễ nghi hình thức rườm rà, quay trở lại với những gì chân thật nhất của trái tim mình, ta sẽ cảm thấy được Tết ở trong tim.

    Đối với các cô gái thì cái Tết đầu tiên sau khi lấy chồng là thời điểm đánh dấu sự kết thúc của thời thơ ấu và thời thanh xuân. Hình ảnh Tết với áo quần sột soạt xúng xính, tiền mừng tuổi đầy túi, cuộn mình trong chăn ấm ngửi mùi bánh chưng và mùi già bay lên thơm nức sẽ chỉ còn là quá vãng. Không còn những cuộc hẹn hò rong chơi, những chuyến du xuân phơi phới. Tết đầu tiên sau khi lấy chồng là điểm khởi đầu cho một chặng đường đầy những toan lo của một người được cho là đã trưởng thành.

    Tết đầu tiên ở nhà chồng, tôi ngậm ngùi nhìn sang nhà mẹ đẻ, cách đó có hai chục mét, khoảng cách thật gần nhưng lại thật xa, cảm giác mình như bị bỏ rơi ở một thế giới khác, cô đơn vô cùng, thương bố mẹ mình vô cùng.

    Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Minh

    Tết đầu tiên có con, đêm giao thừa tôi bị tắc tia sữa, đau đớn, buồn tủi phát khóc, nghe bản nhạc Happy new year vang lên mà cảm thấy như thể niềm vui đó, hạnh phúc đó không dành cho mình mà nằm ở một thế giới khác, còn mình thì ở đây, trong một thế giới không có mùa xuân, loay hoay không biết làm gì với một cơ thể đau nhức tới từng tế bào, với một đứa trẻ vài ngày tuổi trong vòng tay.

    Rồi hết cái Tết này đến cái Tết khác nối nhau đi. Tết nào cũng bận rộn, căng thẳng, hết dọn nhà cửa lại mua sắm, nấu nướng, thăm hỏi, chạy ngược chạy xuôi, cố gồng mình lên để chứng tỏ rằng mình thật đảm đang, thật chu đáo. Và kết quả là chẳng cái Tết nào được yên, càng cố gắng làm cho nhà mình thật Tết, thì tôi càng cay đắng nhận ra rằng hình như mình sai rồi, đây chẳng phải là Tết, mâm cao cỗ đầy, nhà cửa gọn gàng, lễ nghi đầy đủ mà vẫn thiếu một cái gì đó, mà sao mình vẫn không cảm thấy vui, không cảm thấy ấm áp chi hết.

    Sau 10 năm vật lộn với Tết, năm nay hai vợ chồng đã thống nhất thử nghiệm một cái Tết tối giản. Không quá cầu kì mua sắm, nấu nướng, ăn uống, trang hoàng. Dành thời gian thật tĩnh lặng và thư thái bên nhau và thăm hỏi những người thân thích. Không càu nhàu, không bắt bẻ, không xã giao... Sau một năm vất vả, cả nhà đã có những khoảng thời gian thật sự bình yên và ấm cúng vào những ngày giáp Tết.

    Buổi sáng ngày nghỉ đầu tiên, cả bố mẹ và các con cùng chen chúc nằm trên giường, kéo chăn trùm kín mít, chưa cần ăn vội, không ăn sáng một hôm cũng chả chết ai, cứ nằm vậy trên giường tán chuyện. Bố chém gió chuyện chính trị. Bọn trẻ con kể đủ thứ chuyện lảm nhảm ở trường. Mẹ thì bắt đầu vạch kế hoạch cho năm mới. Bọn trẻ con vừa cù nhau, cười rúc rích, thoáng cái đã chuyển sang cãi cọ. Bố trở dậy và nhỏ thêm vài giọt tinh dầu vào cái đèn đốt. Mùi tinh dầu bay lên thơm nức khắp căn nhà.

    Buổi trưa, mẹ nấu một nồi cháo thật to, ăn cả ngày. Vậy là không còn phải xoay xở chóng mặt với nào là nem rán, thịt gà, bánh chưng, miến măng, giò chả. Mấy thứ đó chắc chỉ cần có vào bữa cơm tất niên, cho bọn trẻ con cảm nhận được thế nào là Tết truyền thống, để nhỡ sau này có đi Tây đi Tàu, chúng nó vẫn biết là Tết Việt có những gì.

    Buổi tối, bố gạ mẹ nghe mấy bản nhạc thời thượng của bọn teen. Thế là cả nhà xúm lại nghe một loạt các hot hit trong mấy năm, bọn trẻ con cười hí hí khi xem MV Thật bất ngờ của Trúc Nhân. Bố gật gù khen bạn Sơn Tùng MTP nhảm nhưng mà thông minh.

    Trong nhà chỉ có mỗi cành đào phai là khác với ngày thường, báo hiệu rằng Tết đến. Cành đào phai thật khiêm tốn và rẻ tiền, không uốn éo, mọc thẳng lên một cách tự nhiên, những nụ hoa đang chúm chím và mỗi buổi sáng bố lại phát hiện ra một vài bông hoa mới nở. Bố ngắm nghía cành đào, vẻ tự hào lắm.

    Mấy ngày nữa, cả nhà sẽ đi thăm hỏi ông bà nội ngoại, họ hàng thân thiết, gặp gỡ anh chị em ở xa, không cần ăn uống, quà cáp, nhưng sẽ cố gắng nán lại bên mọi người thật lâu.

    Sau hai ngày thử nghiệm mô hình Tết tối giản, tự nhiên, tôi cảm thấy cuộc sống như giãn ra, chùng xuống. Giờ này năm ngoái năm kia, tôi vẫn còn đang chạy nhong nhong ngoài đường mua sắm, chổng mông lên dọn dẹp, rồi cáu chồng quát con loạn xạ, tỏa ra xung quanh toàn những năng lượng của sự giận dữ, oán trách. Thật là buồn cười biết bao khi các bà mẹ bà vợ càng cố gắng lo cho ngày Tết, thì lại càng đuổi Tết ra xa, các ông chồng càng cố gắng hết sức bắt ne bắt nẹt vợ con thế này thế khác, thì mọi việc lại càng chẳng được như ý muốn.

    Mỗi ngày Tết, tôi lại thấy xung quanh mình những ông chồng mặt đỏ gay vì rượu, những bà vợ nhẫn nhục giấu đi bao giọt nước mắt, những chuyện cãi cọ không dứt về việc về nội hay về ngoại, tết nhà nào nhiều hơn, đường phố tắc nghẽn vì người người đều chen ra đường đi biếu xén. Ngày ba mươi Tết năm nào cũng vậy, không hiểu sao đúng lúc cả Hà Nội đang lặng im như tờ, thì bất chợt ở một ngôi nhà nào đó, lại vang lên tiếng kêu khóc, chửi bới. Thành ra, Tết vốn dĩ là một dịp rất vui, lại hóa ra một nỗi sợ hãi và ám ảnh, đến nỗi có người còn muốn bỏ đi cái Tết âm lịch vốn có biết bao ý nghĩa đối với người Việt.

    Thì ra, Tết là ở đây, trong lòng người ấy. Tết nằm trong cảm giác ta muốn tĩnh tâm lại, dừng hết tất cả lại để trở về sống thật trọn vẹn với những người thân yêu, chứ không phải để trưng trổ tài thao lược với bàn dân thiên hạ. Tết nằm trong cảm giác thư thái, nghỉ ngơi sau một năm vất vả để chuẩn bị chào đón một năm mới thật bình tĩnh, an nhiên. Tết là lúc ta có thời gian để thăm hỏi những người thân ta nhất mực yêu quí mà cả năm vì bận rộn chẳng thể qua lại được.

    Tết là thời gian để dành cho yêu thương và gắn kết, là thời gian ta thực tâm quay trở về nguồn cội, thắp nén nhang thành tâm trước ông bà tổ tiên, lễ không cần long trọng mà trong lòng vẫn cảm thấy nhẹ tênh, thanh thản.

    Bỏ bớt các lễ nghi hình thức rườm rà, quay trở lại với những gì chân thật nhất của trái tim mình, ta sẽ cảm thấy được Tết ở trong lòng. Và chỉ khi nào Tết đến ở trong lòng ta, thì đó mới thật sự là Tết.

    TS Nguyễn Ngọc Minh (Khoa Ngữ Văn, ĐHSP Hà Nội)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tet-hanh-phuc-nam-o-su-toi-gian-a261557.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan