+Aa-
    Zalo

    (Tết) Những món ăn truyền thống trong mâm cơm ngày Tết của người miền Nam

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Những món ăn truyền thống ngày Tết của người Nam Bộ mang nặng dấu ấn của thời tiết, khí hậu cũng như văn hóa vùng đất đầy nắng phương Nam.

    Những món ăn truyền thống ngày Tết của người Nam Bộ mang nặng dấu ấn của thời tiết, khí hậu cũng như văn hóa vùng đất đầy nắng phương Nam.

    Bánh Tét

    Ngoài món bánh chưng truyền thống ngày Tết thì bánh Tét cũng là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người Nam Bộ. Nguyên liệu gói bánh tét cũng tương tự như bánh chưng miền Bắc, gồm gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn.

    Tuy nhiên bánh tét miền Nam lại đa dạng, phong phú hơn về mùi vị và màu sắc với tên gọi khác nhau như bánh tét dừa, bánh tét chuối, bánh tét lá cẩm, bánh tét trứng muối thập cẩm… Vào những ngày đầu năm, mọi thành viên trong gia đình đoàn tụ bên mâm cỗ, thưởng thức những khoanh bánh tét thơm ngon mới thấy bầu khí gia đình đầm ấm và ý nghĩa Tết cổ truyền dân tộc.

    Về nguồn gốc của bánh tét vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến cho rằng bánh tét là sản phẩm của quá trình giao lưu văn hóa Việt - Chăm; có ý kiến khác về nguồn gốc, vua Quang Trung được một anh lính mời ăn bánh tét do người nhà gửi tới, cảm động về câu chuyện của anh lính và thấy bánh ngon nên vua ra lệnh cho mọi người gói loại bánh này để ăn tết nhằm ghi nhớ sự kiện lịch sử chiến thắng quân Thanh và thể hiện tình cảm gắn bó gia đình vào dịp xuân về...

    Tên gọi bánh tét cũng vậy, có ý kiến tên bánh là bánh Tết - loại bánh được gói và cúng ông bà tổ tiên trong dịp Tết, sau này dân gian gọi trại thành bánh tét; ý kiến khác cho rằng tên bánh bắt nguồn từ cách thức ăn bánh, dùng dây tét bánh thành từng khoanh.

    Thịt kho tàu hột vịt

    Nếu như ngày Tết miền Bắc không thể thiếu món thịt đông thì trên mâm cơm tất niên của người miền Nam luôn có thịt kho trứng với nước dừa. Người ta cắt thịt heo miếng to cỡ ba ngón tay, tẩm ướp với gia vị như tỏi, nước mắm. Cho tất cẩ vào nồi đun sôi với nước dừa, thả trứng đã luộc chín vào kho chung rồi nêm nếm lại vừa ăn.

    Thịt ba rọi nửa nạc nửa mỡ, nước thịt trong ngần vương lớp mỡ trong veo, miếng thịt thơm, mềm mà không ngấy mới ngon. Nồi thịt kho ngon để nửa tháng vẫn còn thơm lừng. Món này ăn với cơm trắng và dưa giá rất ngon.

    Thịt kho hột vịt, thịt kho trứng, thịt kho nước dừa, thịt kho rệu đều là tên gọi của món ăn đặc trưng có nguồn gốc Nam bộ này. Nhiều người nghe cái tên thịt kho tàu nghĩ rằng món ăn này có nguồn gốc từ người Hoa, nhưng theo Bình Nguyên Lộc, chữ “tàu” ở đây có nghĩa là “lạt” và là món ăn thuần Việt.

    Canh khổ qua nhồi thịt

    Theo tư duy của cư dân Nam bộ thường chọn món ăn theo ý nghĩa nội dung tên gọi, phát âm hoặc hình ảnh thể hiện sự sung túc. Như mâm ngũ quả gồm các loại trái cây cầu, sung, dừa, đủ, xoài. Để mâm ngũ quả sinh động màu sắc, người dân cũng thêm các loại trái cây khác như quýt (có nghĩa là cát tường, tốt lành), tắc (đắc lợi), thơm (thơm tho); dưa hấu xẻ ra trong ngày mùng một Tết phải đỏ ngon thì cả năm mới may mắn; Tết không cúng chuối vì phát âm có nghĩa là “chúi”...

    Theo quan niệm của người miền Nam, ăn canh khổ qua thể hiện mong ước cuộc sống sung túc, mọi khổ cực sẽ qua đi và bắt đầu một năm mới tươi sáng hơn. Món này hơi đắng nhưng lại tốt cho sức khỏe. Vị đắng của khổ qua hòa lẫn vị ngọt của thịt, nước lèo tạo thành món canh ngon, vừa bổ dưỡng vừa giải nhiệt.

    Bánh tráng cuốn

    Món bánh tráng cuốn là món ăn dễ làm, dễ ăn, tiện lợi, dễ chế biến, nhanh gọn. Ngày Tết ở Nam bộ, nhà nào cũng chuẩn bị sẵn xấp bánh tráng, đi chơi Tết về chỉ cần ít rau sống, rau thơm, củ kiệu, tôm khô là cũng đã xong một bữa.

    Bánh tráng cuốn có nhiều loại, có thể xem đây là cả một thế giới nguyên liệu động thực vật thu nhỏ, ngoài nguyên liệu cơ bản là rau sống, các loại rau thơm, nói chung thứ gì cũng có thể cuốn được. Gỏi cuốn tôm thịt chấm nước mắm chanh, tỏi, ớt, đồ chua; thịt luộc cuốn bánh tráng chấm mắm nêm; nem nướng, đậu phộng cuốn bánh tráng chấm tương; bì cuốn chấm nước mắm chanh, tỏi, ớt; thịt kho tàu, chả ram, thịt ram, trứng chiên, cá hấp, cá chiên... đều có thể cuốn, vừa ngon vừa lạ miệng.

    Món bánh tráng cuốn trong ngày Tết phần nào đã thể hiện phong cách của người dân Nam bộ, không cầu kỳ, ăn uống thiên về dân dã, cách chế biến đơn giản, không chú trọng nhiều về hình thức. Đây cũng chính là sự thể hiện chân tình theo phong cách rất Nam bộ, một đặc tính chung và cũng là “tính nết” điển hình của người Việt phương Nam.

    Củ kiệu tôm khô

    Đây là món ăn bình dị song quá trình chế biến rất công phu và tốn nhiều thời gian. Củ kiệu được ngâm muối cho chua từ khoảng 10 ngày trước Tết. Người miền Nam thường ăn kèm củ kiệu với một ít tôm khô để món ăn thêm đậm đà, thơm ngon.

    Đây là hai món ăn vừa bình dân vừa cao cấp, kiệu thì dễ mua, dễ làm, giá rẻ; tôm khô hiện nay, giá khá cao. Thực chất ngày xưa tôm cá đầy sông, ăn không hết đem phơi khô dự trữ, khi nấu canh, nấu nước lèo hay kho quẹt chỉ cần một nhúm tôm khô cho vào là đã có món ăn đậm đà, ngọt tự nhiên rồi. Nhưng ngày nay mua một ký tôm khô có khi đến cả triệu đồng nên cũng hạn chế người dùng hơn. Tôm khô có thể không, nhưng dưa kiệu thì không thể thiếu.

    Lạp xưởng

    Lạp xưởng có thể luộc, hấp, nướng hoặc chiên. Song giới sành ăn đánh giá món này đem nướng là ngon nhất, đặc biệt khi nướng trên rượu, món ăn sẽ tỏa mùi thơm nức, mới ngửi thôi trống bụng đã đánh liên hồi. Nếu không có thời gian nướng có thể chiên với dầu hoặc nước bằng cách cho lạp xưởng vào chảo nóng, đổ thêm ít nước lã, đến khi nước cạn thì đảo thêm vài lần cho vàng đều là được.

    Minh Minh(T/h)


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tet-nhung-mon-an-truyen-thong-trong-mam-com-ngay-tet-cua-nguoi-mien-nam-a261503.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan