+Aa-
    Zalo

    Tết Nguyên đán 2015: Những đặc sản quý hơn... vàng!

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) -Nhiều loại trái cây, hoa kiểng có hình dáng lạ để trưng bày trong dịp Tết có giá... "đắt hơn vàng".

    (ĐSPL) - Khác với mọi năm, người dân Thủ đô thường lên vùng sơn cước để “săn” đặc sản của các đồng bào dân tộc miền núi thì năm nay nhiều gia đình lại “sính” đặc sản phía Nam. Nhiều loại trái cây, hoa kiểng có hình dáng lạ để trưng bày trong dịp Tết có giá... "đắt hơn vàng".

    Bưởi tay Phật, na mãng cầu lên ngôi

    Những năm trước, bưởi hồ lô Tài- Lộc, bưởi thỏi vàng, dưa dấu Hoàn Kim hồ lô được bán rất chạy. Thậm chí, có những trái bưởi hồ lô có giá lên tới gần chục triệu đồng. Năm nay, bưởi tay Phật (bưởi Cát Tường) được xem là một loại quả mang ý nghĩa tâm linh, độc, lạ và đẹp mắt, được rất nhiều người lựa chọn.

    Những quả bưởi tay Phật lần đầu tiên xuất hiện ở 8 ngôi chùa thiêng trên hai miền Nam-Bắc từ ngày 17/11 gồm: Chùa Vĩnh Nghiêm, Phổ Quang, Đại Giát, Ngọc Hoàng ở phía Nam; Quán Sứ, phủ Tây Hồ, đình Ứng Thiên, chùa Phúc Khánh ở Hà Nội. Chính vì sự xuất hiện mang ý nghĩa tâm linh này nên nhiều gia đình lựa chọn bưởi tay Phật là loại quả mang lại nhiều tài lộc, bình an để trưng bày ngày Tết.

    Bưởi tay Phật rao bán đắt đỏ vì được “thổi” mang ý nghĩa tâm linh.

    Theo tìm hiểu của PV, bưởi tay Phật là đặc sản của vùng đất Hậu Giang và được người dân Hà Nội ưa chuộng trong dịp Tết năm nay. Trao đổi qua điện thoại với PV, ông Võ Trung Thành, Chủ nhiệm câu lạc bộ tạo hình bưởi ở huyện Châu Thành, Hậu Giang cho biết: “Đúng dịp Tết Nguyên đán, sẽ có khoảng 3.000 quả bưởi tay Phật được “ra lò”.

    Bưởi tay Phật được làm từ giống bưởi Năm Roi không hạt của người dân miền Tây. Sản phẩm này vừa được một doanh nghiệp ở Hà Nội ký kết với câu lạc bộ để bao tiêu, phân phối hàng loạt. Câu lạc bộ này cũng là nơi đứng ra làm đầu mối với khoảng 120 nhà vườn ở Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng và Trà Vinh để sản xuất bưởi bàn tay Phật”.

    Ông Thành tiết lộ, sau hơn ba năm áp dụng khuôn cho quả bưởi, sản phẩm bưởi tay Phật mới thành công. Thường, để cho ra một quả bưởi tay Phật trưng bày, thời gian khoảng 2 - 2,5 tháng. Còn để ăn được, thời gian dài hơn, khoảng 5 - 6 tháng. Theo công bố từ đơn vị trực tiếp trồng và phân phối sản phẩm ra thị trường, bưởi tay Phật có giá 600.000 đồng/quả. Tuy nhiên trên thị trường Hà Nội hiện nay nhiều đại lý nhỏ lẻ đã rao bán theo hình thức nhận đặt hàng bưởi tay Phật với giá dao động 700.000 - 1 triệu đồng/quả.

    Cùng với đặc sản bưởi tay Phật của vùng Hậu Giang, na mãng cầu được xem là đặc sản nức tiếng của đất Tây Ninh và chỉ những người “sành” đặc sản mới biết đến loại quả đặc biệt này. Chị Nguyên Hà - một thương lái chuyên cung cấp hoa quả miền Nam cho hay: “Sản phẩm na mãng cầu được trồng quanh chân núi Bà Đen, có đặc điểm là trái to, thịt dai, mùi vị thơm ngon, từ lâu đã có mặt khắp các chợ lớn của TP.HCM. Gần đây, mặt hàng này bắt đầu được các doanh nghiệp tại TP.HCM thu mua, xuất khẩu sang Mỹ, Australia, Trung Quốc và đang thâm nhập vào thị trường EU. Giá của loại đặc sản này được rao bán tại thị trường Hà Nội dao động từ 350.000-500.000 đồng/kg. Dịp Tết này, tôi đã nhận được đơn đặt hàng khá lớn gần 5 tạ na mãng cầu”.

    Ghi nhận của PV cho thấy, tại nhiều siêu thị, shop online ở Hà Nội các mặt hàng vú sữa Lò Rèn (Tiền Giang), dưa hấu không hạt Long An, nho đỏ Ninh Thuận, xoài cát Hòa Lộc... được bày bán khá nhiều. "Những loại đặc sản này tuy lãi không nhiều nhưng ít phải cạnh tranh nên vẫn bán khá chạy. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải tìm được mối cung cấp hàng chất lượng, sản phẩm ổn định, nếu không thì dễ mất khách", anh Minh, chủ một cửa hàng hoa quả ở phố Mã Mây cho biết.

    Cũng theo tìm hiểu của PV, bánh tét Trà Cuông Hai Lý- một đòn bánh tét cắt ra thành bảy miếng tròn vành vạnh với các sắc màu xanh, tím, vàng đặc biệt nổi rõ chữ “phát tài”; hay chả hoa Năm Thụy - những miếng chả hoa trông như bức tranh lập thể, cây chả hình cá chép, hộp quà hải sản sấy khô ăn liền hình cây; bánh in Đa Lộc, gạo lứt chà bông sấy Nhật Khánh là những loại đặc sản của Trà Vinh được các tiểu thương đặt hàng với số lượng khá lớn.

    Bánh tét ngũ sắc được bán khá chạy trên thị trường.

    Liên hệ đến số điện thoại 01699646xxx - một đại lý chuyên phân phối bánh tét ở TP.HCM, chúng tôi được tư vấn: “Bất kỳ chữ gì khách muốn đặt, chúng tôi đều đáp ứng như “vạn sự như ý, tài lộc, may mắn, tấn tài tấn lộc"... bằng các nguyên liệu thiên nhiên như lá bồ ngót, lá dứa, lá cẩm, quả gấc,... Giá của loại bánh này cũng khá “mềm”. Bánh tét ngũ sắc có giá 55.000 đồng/đòn/800gam, bánh tét một màu (xanh, đỏ hoặc tím) có giá 50.000 đồng/đòn.

    Đặc sản châu Á hấp dẫn người Hà Nội

    Theo các thương lái, trước Tết gần 2 tháng, người dân Hà thành, các thành phố lớn đã rục rịch "săn" đặc sản làm quà biếu và làm món ăn đặc sắc cho ngày Tết. Năm nay, nhiều người vẫn "sính" các món đặc sản vùng Đông Nam Á. Hàng được các thương lái "đánh" về với mức chi phí khá cao nhưng vẫn "cháy" hàng.

    Chị Hồng Hương (ở Sơn La), người chuyên "đánh" hàng đặc sản của vùng Tây Bắc về Hà Nội bán cho biết: “Tết Ất Mùi năm nay, nhiều người "sính" các món ăn truyền thống của các nước có chung đường biên giới với Việt Nam như: Lào, Campuchia, Trung Quốc. Đặc biệt, món thịt bò khô, thịt nai khô của Lào, Campuchia bán rất chạy. Thịt nai rừng Campuchia có giá từ 750.000 đồng/kg; loại hảo hạng là 1-1,2 triệu đồng/kg. Nhiều người đặt mua thịt lợn rừng từ Campuchia và gạo nếp của Lào; cá nướng Tứ Xuyên (Trung Quốc), món lạp sườn truyền thống của người Lào...”.

    Bên cạnh việc đặt hàng của các thương lái "đánh" về từ Campuchia, Lào, Thái Lan... thì nhiều người dân Hà Nội đặt hàng qua các tiểu thương tại Hà Nội. Anh Nguyễn Tuấn Hải- chủ cửa hàng tại phố Khâm Thiên (Hà Nội) cho biết, bán một số món ăn ngoại hoặc đặc sản vùng miền có ưu điểm là mức độ cạnh tranh ít hơn, nhưng đòi hỏi nguồn cung liên tục, chất lượng ổn định.

    Anh Hải cho hay, cửa hàng mới nhận đặt thêm mặt hàng thịt bò Giàng Lào với giá 1- 1,2 triệu đồng/kg. Món đặc sản này được anh Hải đặt hàng qua người quen ở Lào rồi vận chuyển về bằng ô tô tuyến Viêng Chăn - Hà Nội. Theo anh Hải, mặt hàng bò Giàng Lào có giá đắt hơn bò nội khoảng 300.000 đến 400.000 đồng. Chỉ riêng dịp Tết Nguyên đán, anh đã nhận đặt hàng khoảng gần 40kg.

    Cũng theo anh Hải, một số mặt hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc như đùi gà tây xông khói, lá kim - rong biển... cũng khá được ưa chuộng. Đặc biệt, món đùi gà tây có giá 260.000 - 300.000 đồng/chiếc/800-900gam được rất nhiều khách đặt hàng. "Mặt hàng này có hạn sử dụng không dài, vì thế khi nhập hàng mình phải rất chú ý. Hơn nữa, giá bán ở nước ngoài dịp này cũng hay biến động do họ ăn Tết trùng với Việt Nam. Do đó, việc nhập hàng cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng", chủ cửa hàng cho biết.

    Săn lùng tiền dát vàng

    Theo tìm hiểu của PV, hàng loạt trang mạng online rao bán các tờ tiền “hiếm có, khó tìm”, mạ vàng hoặc mệnh giá “khủng”, in hình con dê năm 2015 để thu hút khách.

    Tiền in hình con dê được “thổi” giá “siêu khủng”.

    Để sở hữu tờ tiền lì xì đặc biệt này, người mua cần chi từ 200 nghìn đến trên 3 triệu đồng cho những mệnh giá thông thường. Giá đô la Mỹ tùy thuộc vào số seri đẹp, năm phát hành và được mạ thêm vàng. Trong đó, riêng tờ 2 USD giá “sát gốc” là 450.000 đồng/tờ. Tiền 2 USD seri đẹp tứ quý, ngũ quý, thần tài phát lộc... được bán 400.000 đồng/tờ. Thậm chí với số seri 1899, tờ tiền được bán với giá 6 triệu đồng/tờ. Tiền in hình con dê như tờ Nepal trị giá 50 rupee (tương đương 10.000 đồng), rao với giá 80.000 đồng/tờ. Mệnh giá 2 USD in màu con dê được các trang mạng bán giá lẻ 600.000 đồng/tờ.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tet-nguyen-dan-2015-nhung-dac-san-quy-hon-vang-a79674.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan